Phim Việt quay ở nước ngoài: Mang đến những hy vọng mới

Thứ Bảy, 17/12/2016, 08:00
Cùng với nhiều dự án phim tết khác, bộ phim truyền hình "Khung cửa sổ mùa thu" sẽ ra mắt khán giả yêu phim truyền hình Việt vào dịp Tết Đinh Dậu này. Điều đặc biệt là không chỉ có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, đẹp, "Khung cửa sổ mùa thu" còn hứa hẹn mang đến cho khán giả những khung cảnh lãng mạn từ nước Nga xa xôi.  


Như vậy là sau "Hai phía chân trời", "Tuổi thanh xuân", "Khúc hát mặt trời"... "Khung cửa sổ mùa thu" tiếp tục là bộ phim có bối cảnh quay tại nước ngoài. Đây có thể coi là một xu hướng mới của phim truyền hình Việt Nam, với mong muốn mang đến cho khán giả những thú vị, hấp dẫn mới.

Lâu nay, trong làm phim, việc thực hiện những cảnh quay ở nước ngoài không phải là mới. Tuy nhiên, ban đầu chỉ thuộc về những bộ phim điện ảnh. Thời gian làm phim kéo dài và kinh phí lớn, đó là điều kiện để các đạo diễn có thể khá thoải mái tung tẩy chọn lựa bối cảnh cho phim.

Không khó để kể ra những bộ phim điện ảnh Việt được các đạo diễn thực hiện những cảnh quay ở nước ngoài trong thời gian gần đây như "Quyên" (ghi hình tại Đức với bối cảnh ở Berlin và đỉnh núi Zugpitze ở độ cao 2.700m); "Duyên trần thoát tục" (đạo diễn Lê Cung Bắc) quay tại Ấn Độ; "Thầu Chín ở Xiêm" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) có nhiều cảnh quay tại Thái Lan, tái hiện một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.

Trước đó, bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" cũng được thực hiện tại trường quay của Trung Quốc, "Âm mưu giày gót nhọn" (đạo diễn Hàm Trần) cũng đã sang tận New York (Mỹ) để thực hiện một số cảnh quay...

Tuy nhiên, với những bộ phim truyền hình thì việc thực hiện những bối cảnh ngoại mới chỉ được thực hiện trong một vài năm trở lại đây. Ban đầu là những bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và nước ngoài. Sau thì thuộc về phim của những đạo diễn "chịu chơi".

Một cảnh trong phim “Khung cửa sổ mùa thu” được quay tại Liên bang Nga.

Có thể nói, "Khung cửa sổ mùa thu" là bộ phim gần đây nhất được các nhà làm phim chọn bối cảnh và ghi hình tại nước Nga xa xôi. Phim dài 4 tập, với sự tham gia của cặp diễn viên ăn ý Hồng Đăng - Hồng Diễm. Không chỉ là một câu chuyện tình yêu đẹp và xúc động của những người Việt sống tại Nga, phim còn mang đến hình ảnh đẹp đặc trưng của đất nước tươi đẹp này.

Cùng chọn thủ đô Moskva làm bối cảnh ghi hình, trước đó không lâu là bộ phim truyền hình "Mưu sinh nơi đất khách". Với thời lượng 90 phút, phim kể về cuộc mưu sinh của người Việt tại Nga thông qua câu chuyện của một gia đình. Không gian của câu chuyện là Thủ đô Moskva với những cảnh sinh hoạt gia đình, cảnh buôn bán ngoài chợ, cảnh lớp học khiêu vũ, cảnh quảng trường Đỏ và các đường phố...

Phim có nhiều cảnh quay đẹp về Moskva với những hình ảnh nên thơ quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Nga. Bên cạnh các diễn viên chuyên nghiệp trong nước là Trung Dũng và Kim Tuyến, phim có sự tham gia của khá nhiều diễn viên nhí tài năng. Nhưng, nhắc tới những bộ phim nói về cuộc sống của những người Việt xa xứ không thể không kể tới "Hai phía chân trời".

Bộ phim dài 33 tập này đã khai thác câu chuyện và nhân vật tại nước ngoài một cách đúng nghĩa nhất, xung quanh cuộc sống của Việt kiều tại châu Âu với bối cảnh quay chính tại Cộng hòa Czech và Ukraina.

Không thể phủ nhận, trong danh sách những bộ phim có bối cảnh quay ở nước ngoài thì những bộ phim hợp tác sản xuất chiếm đa số và "Tuổi thanh xuân" là một ví dụ điển hình. Là bộ phim hợp tác giữa hai Đài truyền hình của hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc nên dù là bộ phim dài tập,"Tuổi thanh xuân" có tới phân nửa những cảnh quay được thực hiện ở xứ sở kim chi. Những khung cảnh đẹp như mơ mà khán giả thường xuyên bắt gặp trong những bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng đã xuất hiện trong "Tuổi thanh xuân".

Bộ phim "Người cộng sự" lại là dự án hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với Đài Truyền hình TBS của Nhật Bản. Phim nói về sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba Sakitaro với chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam. Sự nỗ lực của các nhà làm phim trong việc vượt qua nhiều trở ngại về khoảng cách thời gian, không gian đã mang lại thành quả ban đầu cho phim truyền hình hợp tác.

Để từ sự khởi đầu thuận lợi ấy, "Khúc hát mặt trời" tiếp tục minh chứng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam - Nhật Bản. Những cảnh quay đẹp mắt ở xứ sở hoa anh đào đã mang đến một làn gió mới cho phim truyền hình Việt Nam,

Tuy nhiên, sử dụng bối cảnh ngoài nước không chỉ là đặc quyền của những bộ phim hợp tác. Nhiều đạo diễn với kịch bản ưng ý đã sẵn sàng chịu chi để xuất ngoại quay phim. Bộ phim về đề tài phòng chống tội phạm ma túy "Bí mật tam giác vàng" là một thực tế. Khá nhiều cảnh quay được thực hiện tại Thái Lan, Lào.

Phía nhà sản xuất cho rằng, phim đề cập đến những vụ án buôn lậu ma túy tại khu vực biên giới 3 nước, với những cuộc đấu trí căng thẳng của cảnh sát Lào, Thái Lan, Việt Nam nên dù tốn kém cũng phải làm phim trên nước bạn. Tương tự, một bộ phim phía Nam có khá nhiều cảnh quanh ở nước ngoài phải kể tới "Trở về".

Sau khi hoàn thành phần 1 ở Campuchia với bối cảnh là câu chuyện tình yêu của cô gái người Campuchia gốc Việt với anh chàng người Việt thì phần 2 của "Trở về" lại khai thác nét thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ của nước Lào. Qua đó là câu chuyện về mối tình thơ mộng của một cô gái Lào và chàng trai người Việt sang Lào lập nghiệp.

Điều đầu tiên mà những bộ phim có cảnh quay ở nước ngoài mang đến cho khán giả là những hình ảnh lạ, chân thực và sinh động. Vì "thắt lưng, buộc bụng" cất công như vậy nên hầu hết những nhà làm phim đều cố gắng mang về những nét đặc trưng nhất về thiên nhiên, cảnh vật ở các quốc gia ấy. Đó là cảnh tuyết trắng xóa, dòng sông băng trong những bộ phim có bối cảnh châu Âu. Hình ảnh những rừng cây lá vàng, lá đỏ đầy lãng mạn trong những bộ phim quay ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay mái chùa cong vút đặc trưng của các nước Thái Lan, Lào...

Một cảnh quay tại Đông Âu trong phim “Hai phía chân trời”.

Việc thực hiện những bối cảnh ngoại cho phim luôn có chi phí cao hơn rất nhiều so với việc thực hiện quay ở trong nước. Tuy nhiên, vì yêu cầu của kịch bản, vì hướng đi mới nên một số nhà làm phim đã chấp nhận tốn kém để mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thực nhất.

Hầu hết các đạo diễn từng mang phim đi quay ở nước ngoài chia sẻ, làm phim bên ngoài lãnh thổ vất vả, tốn kém hơn nhiều. Đạo diễn phim "Bí mật tam giác vàng" chia sẻ việc quay 2 tháng ở nước ngoài với nhân lực trung bình của đoàn là 50 người đã đẩy chi phí lên tới 500 triệu đồng/tập. Từ việc lo visa, lo chỗ ăn ở cho cả đoàn, làm thủ tục để thực hiện những cảnh quay đều phải tính toán kỹ lưỡng.

Việc sử dụng bối cảnh nước ngoài luôn được các đạo diễn cân đong chi tiết bởi thêm cảnh, thêm ngày là... thêm tiền. Trong khi kinh phí làm phim thường khá eo hẹp. Vì thế, ê kíp ra nước ngoài của nhiều bộ phim chỉ gồm những thành phần thật sự cần thiết và diễn viên.

Sự khác biệt về ngôn ngữ, đồ ăn, đặc biệt là văn hóa, thói quen... hoàn toàn có thể là những trở ngại nếu không có sự chuẩn bị chu đáo. Chính vì vậy, để thuận lợi hơn trong việc quay phim ở nước ngoài, các đạo diễn thường chọn con đường hợp tác sản xuất. Còn với những bộ phim "tự lực cánh sinh" thì huy động các mối quan hệ để hỗ trợ về thủ tục hành chính, bối cảnh quay... là điều thực sự cần thiết.

Những mới lạ về cảnh sắc, cuộc sống, sinh hoạt của con người ở những bộ phim này thực sự mang lại một làn gió mới cho phim Việt. Đó là một trong những điểm thu hút, hấp dẫn, góp phần vào sự thành công của mỗi bộ phim. Đồng thời cũng khẳng định sự mạnh dạn đầu tư của các nhà làm phim với mục đích mang đến cho khán giả những thước phim chân thực, cảm xúc nhất. V

iệc mang phim Việt ra nước ngoài quay là một xu hướng tất yếu và cần khuyến khích tuy nhiên tạo dựng những bối cảnh xa xôi ấy hiệu quả thế nào vẫn phụ thuộc vào tài nghệ của mỗi đạo diễn. Để những bối cảnh ấy thực sự là những hình ảnh đắc địa, làm nổi bật nội dung cốt truyện chứ không phải chuyện "cưỡi ngựa xem hoa" hay làm cho có.

Khánh Thảo
.
.