Phim “Phượng Khấu”: Phim cung đấu tiên phong hứa hẹn đậm đà bản sắc Việt

Thứ Sáu, 21/06/2019, 08:10
“Khi nhắc tới sử Việt, người ta thường nhắc đến các hoàng đế, anh hùng, tráng sĩ mà rất ít nhắc đến nữ nhân, trong khi họ là một ray song song không thể thiếu tạo nên đường ray lịch sử. Do vậy, “Phượng Khấu” đã góp phần đặt viên gạch tiên phong để gương mặt nữ nhân chốn hậu cung trở thành đề tài thú vị, hấp dẫn của điện ảnh Việt” – Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định.


Nói về dòng phim cung đấu, hẳn khán giả mộ điệu sẽ nhớ ngay đến các bộ phim đình đám của Trung Quốc, Hàn Quốc, trong đó có không ít phim dựa trên nhân vật lịch sử như Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi (Trung Quốc), nàng Dae Jang Geum, Hoàng hậu Ki (Hàn Quốc)... Các bộ phim trên không chỉ hấp dẫn bởi chuyện đấu đá tàn độc, âm mưu tranh sủng gay cấn giữa các phi tần mà còn lôi cuốn nhờ phục trang, dấu ấn văn hóa đặc sắc.

Mới đây, các bộ phim cung đấu như “Như Ý truyện”, “Diên Hi công lược”… gây sốt châu Á, trong đó có Việt Nam. Công chúng không khỏi tiếc rẻ tự hỏi bao giờ nước mình mới có phim cung đấu ra ngô ra khoai. Bởi nói như GS Lê Văn Lan, sử Việt không thiếu thâm cung bí sử ly kỳ, hấp dẫn xoay quanh bà hoàng, công chúa, phi tần…

Trước đây, Việt Nam cũng có một số bộ phim mang hơi hướng này, điển hình là “Đêm hội Long Trì” (1989) và phần tiếp theo “Kiếp phù du” (1990). Nếu “Đêm hội Long Trì” chủ yếu xoay quanh những mưu mô, toan tính lạm dụng sự sủng ái mà Chúa Trịnh Sâm giành cho của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thì ở phần 2 là cuộc chiến giành ngôi thái tử cho con của Tuyên phi với Thái phi Dương Thị Ngọc Hoan.

Một cảnh trong phim “Phượng Khấu”.

Nội dung và cách diễn xuất của dàn diễn viên như Lê Vân, Thế Anh, Thu Hà, Hoàng Cúc… được đánh giá cao nhưng trang phục, tạo hình nhân vật, bối cảnh… vẫn bị chê là sơ sài, sân khấu hóa. Từ đó đến nay, dòng phim này gần như không có tác phẩm nào.

Trước cơn sốt của “Như Ý truyện”, “Diên Hi công lược”, một số nghệ sĩ không tiếc tiền bạc và công sức đầu tư web drama (phim chiếu mạng) theo dòng cung đấu. Cặp vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang - Tiến Luật ra mắt “Bổn cung giá lâm”, “Kiều nữ làng hài”,  Nam Thư thì có “Nam Phi liên hoàn kế”. Tuy nhiên, các tình huống đấu đá không thâm sâu, sắc sảo mà chủ yếu gây cười như lối phim hài. Đáng nói nhất, nội dung các phim này đều hư cấu và trang phục, lối xưng hô… đa phần ngoại lai, bắt chước xứ người.

Rõ ràng, làm phim cung đấu thuần Việt nói riêng và phim lịch sử phong kiến nói chung không hề đơn giản. Ngoài kịch bản, các yếu tố như bối cảnh, trang phục, trang điểm, phục sức… không ngừng làm khó nhà làm phim. Rất nhiều bộ phim cổ trang, lịch sử Việt bị la ó về trang phục. Hiểu thực trạng đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh càng quyết tâm biến ước mơ về một bộ phim cung đấu sát sử và thuần Việt có chất lượng cao thành hiện thực.

Năm 2018, anh gặp nhóm “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” – nhóm chuyên khảo chuyên nghiên cứu về hậu cung Việt Nam. Vài năm gần đây, phong trào cổ phong lên cao cũng kéo theo nhiều nhóm, đơn vị nghiên cứu về trang phục, văn hóa thời phong kiến ra đời. Điển hình nhất có thể kể đến nhóm Ỷ Vân Hiên, nhóm Đại Việt Cổ Phong với dự án “Hoa văn Đại Việt” và “Việt Nam cổ phục”…

Từ những điều kiện thuận lợi này, Huỳnh Tuấn Anh và ekip bắt tay thực hiện dự án phim “Phượng Khấu”. Nhóm biên kịch gồm những bạn trẻ giàu đam mê với lịch sử như Hằng Nguyễn, Ngọc Trí, Minh Khôi viết nên kịch bản khai thác về cuộc đời Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, hay được dân gian biết đến nhiều hơn với danh hiệu Từ Dụ Thái hậu, mẹ vua Tự Đức. Bà được dân gian xướng tụng, tôn thờ là bậc mẫu nghi hiền đức, chăm lo cho muôn dân. Bộ phim xoay quanh quãng thời gian 1840 – 1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của vua Thiệu Trị và đối mặt với bao âm mưu tranh quyền đoạt vị của những phi tần khác.

Phượng Khấu từ Hán Việt nghĩa là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên hai vạt áo Nhật Bình. Tương truyền khi Từ Dụ Thái hậu còn trẻ, vẫn còn là phủ thiếp của Trường Khánh công (Thiệu Trị trước khi lên ngôi), khi yết bái Nhân Tuyên Hoàng thái hậu, bà và Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm được Thái hậu ban một chiếc cúc áo vàng, một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa, nhưng đều được bọc kín bằng bao đỏ.

Thái hậu khấn rằng: "Ai được cúc áo chạm hình phượng, thì có con trước". Rồi Thái hậu sai thị nữ đưa cho Hoàng hậu và Lệnh phi chọn bao, nhưng không được mở ra, để thế mà dâng lên. Hoàng hậu nhường bà Lệnh phi chọn trước. Khi mở ra, bà Lệnh phi được cúc chạm hoa, bà được cúc chạm phượng. Quả nhiên bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi, chỉ một năm sau khi tiến cung. Đó là lúc tấn bi kịch bắt đầu.

“Phượng Khấu” không chỉ đưa khán giả đến những đấu đá chốn thâm cung của các phi tần, mà qua đó, còn là lời tiếc thương cho thân phận người phụ nữ trong chốn cung cấm. Bao câu chuyện đau lòng và mưu kế tàn độc để triệt hạ lẫn nhau đều xuất phát từ những tâm tình không biết tỏ cùng ai, những đường cùng không lối thoát của mỗi nữ nhân. Tất cả đã biến Đại Nội – Huế những năm Thiệu Trị bao trùm trong một bức tranh nhiều nước mắt và bi kịch xót xa.

Câu chuyện lịch sử trong phim được GS Lê Văn Lan, TS Nguyễn Khắc Thuần và nhóm “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” cố vấn, chỉnh sửa để phù hợp, tôn trọng các cột mốc chính sử. Điều khiến công chúng rất kỳ vọng ở bộ phim này là bởi “Phượng Khấu” là dự án đầu tiên nghiên cứu và sử dụng khá chính xác trang phục thời Nguyễn để đưa vào sử dụng trong phim.

Toàn bộ phần nghiên cứu, thiết kế và thực hiện do Ỷ Vân Hiên – nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực phục dựng trang phục cổ - đảm trách. Nghệ nhân Vũ Kim Lộc là người giúp ekip phục chế mũ mão. Ông là nghệ nhân phục chế mũ mão triều Nguyễn nổi tiếng nhất hiện nay tại Huế. Riêng phần trang phục, phục sức trong phim đã ngốn nguồn kinh phí khổng lồ.

Không chỉ vậy, các giá trị văn hóa, lễ nghi, tín ngưỡng, âm nhạc, thơ văn, ẩm thực… của triều đại nhà Nguyễn cũng được phỏng dựng một cách sát sử nhất có thể. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, sự tỉ mẩn, công phu của ekip là điều rất đáng trân trọng bởi thông qua điện ảnh, khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ) được tiếp cận lịch sử và di sản cha ông một cách gần gũi và sinh động nhất.

Nghệ sỹ Hồng Đào vào vai Thái hậu Từ Dụ.

Trong “Phượng Khấu”, nghệ sĩ Hồng Đào đảm nhiệm vai Thái hậu Từ Dụ. NSND Hồng Vân vào vai Lệnh phi, NSƯT Thành Lộc hóa thân thành vua Thiệu Trị. Phim còn có sự góp mặt của nghệ sĩ nhiều thế hệ như: NSƯT Lê Thiện, NSƯT Minh Trang, Kiều Trinh, Thanh Tú, Jun Phạm, Diễm My 9X…

Tại buổi ra mắt dự án, NSƯT Lê Thiện xúc động: “Không biết diễn viên trẻ thì sao chứ tôi rất xúc động khi được tham gia dự án này. Gắn bó với sân khấu cải lương rồi về già sang lĩnh vực điện ảnh, tôi vẫn thấy mình lơ là với văn hóa dân tộc. Mình biết, mình hiểu nhưng chưa hiểu biết thấu đáo. Để bây giờ đoàn làm phim trẻ này mời tham gia “Phượng Khấu”, tôi mới kinh ngạc khi tường tận vẻ đẹp truyền thống của dân tộc”.

Ngay khi tung trailer (đoạn giới thiệu phim) đậm chất điện ảnh, “Phượng Khấu” đã nhận được sự phản hồi tích cực từ đông đảo công chúng. Bộ phim sẽ bấm máy chính thức vào tháng 8 -2019 và dự kiến khởi chiếu đầu năm 2020 trên YouTube và truyền hình trả phí với định dạng Original Series (phim nguyên gốc dài tập).

“Tôi chọn định dạng Original Series cho “Phượng Khấu” mà không làm phim điện ảnh dù có rất nhiều lời mời. Phim điện ảnh chỉ gói gọn trong 90 phút trong khi làm dài tập, tôi có 18 tập, mỗi tập dài 60 phút mà chất lượng hình ảnh không thua kém gì phim điện ảnh. Như vậy tôi sẽ có nhiều thời gian để kể cho khán giả nghe câu chuyện thú vị này, đi sâu vào nội tâm, số phận của từng nhân vật.

Làm phim chiếu rạp nghĩa là chúng tôi làm phim để kiếm tiền trong khi với dự án này, chúng tôi muốn kiếm tiền để làm phim. Hơn nữa chiếu trên internet là cách để chúng tôi đưa bộ phim đi xa, đến với mỗi người con đất Việt đang tha phương trên toàn thế giới, trưng trổ với bạn bè năm châu nét đẹp về một triều đại vàng son. Thời hội nhập, “của hồi môn” mà cha ông để lại là thứ giúp chúng ta đàng hoàng bước ra thế giới và tự hào sánh vai”– đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trải lòng.

Mai Quỳnh Nga
.
.