Phát hành phim sản xuất độc lập: Đường dài lắm nỗi gian nan

Thứ Sáu, 31/03/2017, 06:42
Phim độc lập hay phim sản xuất độc lập còn được gọi bằng tên khác là phim vị nghệ thuật (art film), do một người hoặc một nhóm người tự sản xuất không vì lợi nhuận, không có công ty chủ quản, với chi phí thấp, công nghệ đơn giản. 


Trước đây, người ta gọi là "phim tác giả", nhưng từ này rất khó hình dung bởi không có phim nào là khuyết danh. Ở Việt Nam, dòng phim độc lập thời gian qua đã không còn xa lạ với giới điện ảnh cũng như công chúng. Sự thành công của một số dự án thông qua những giải thưởng quốc tế mà các đạo diễn mang về đã chứng minh một hướng đi mới cho ngành điện ảnh, định hình cái tên Việt Nam trên bản đồ phim ảnh thế giới.

Thế nhưng, việc chiếu các bộ phim này tại thị trường trong nước lại là một câu chuyện có nhiều nhọc nhằn.

Một ví dụ về sự nhọc nhằn tìm đường đến với công chúng trong nước có thể kể đến đó là chuyện của đạo diễn Lương Đình Dũng với phim "Cha cõng con". Dù chưa ra rạp nhưng phim đã dự nhiều liên hoan phim quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng, như giải thưởng "Phim truyện xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Canada và giải "Quay phim xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Barcelona Planet - Tây Ban Nha.

Đạo diễn cho biết, vào tháng 4 tới "Cha cõng con" được chọn trình chiếu và tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Boston (BIFF) lần thứ 15, rồi chính thức có tên trong danh sách trình chiếu và đề cử tranh "Giải Remi" tại Liên hoan phim quốc tế Houston lần thứ 50 tại bang Texas, Mỹ.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí trong phim "Cha cõng con".

Tuy nhiên, phải đến giữa tháng 3 vừa qua, sau rất nhiều nỗ lực, đạo diễn Lương Đình Dũng mới đẩy được cánh cửa để "Cha cõng con" đến với công chúng Việt Nam. Trước đó, anh đã phải than thở rằng, phim đang gặp khó khăn trong phát hành.

Thậm chí, có lần trò chuyện, đạo diễn Lương Đình Dũng còn thở dài: "Làm phim đã khó rồi, bây giờ phát hành lại khó khăn, dù tôi biết sẽ khó nhưng khó quá mức tôi ngờ tới". Lúc đó, Lương Đình Dũng đã trao đổi với một đơn vị phát hành là không đòi hỏi gì  ở % chia sẻ mà cứ làm theo quy định của họ, anh sẵn sàng chấp nhận, miễn sao phát hành rộng nhất tới khán giả.

Sau nhiều nỗ lực để có được việc hợp tác với nhà phát hành của cụm rạp Lotte Cinema, "Cha cõng con" sẽ chính thức ra rạp ngày 5-4 tới. Lúc này, đạo diễn "Cha cõng con" chỉ mong khán giả hãy đến rạp, "xem phim và đón chờ những điều bình dị nhất như vậy họ sẽ tìm thấy nhiều điều giá trị ở trong đó".

Chưa biết khán giả Việt Nam sẽ đón nhận bộ phim độc lập chất chứa nhiều tâm huyết trong cả chục năm qua của đạo diễn Lương Đình Dũng thế nào, khi phim bom tấn "Kong: Đảo đầu lâu" đang khuynh đảo các phòng vé (sau hơn 2 tuần chính thức ra mắt tại Việt Nam, phim đã lập kỷ lục phòng vé trong lịch sử phát hành phim tại Việt Nam với 150 tỉ đồng).

Tuy vậy, đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn tin tưởng, "Cha cõng con" sẽ giữ chân khán giả ở trong rạp tới phút cuối. Bởi bên cạnh câu chuyện xúc động về tình phụ tử thiêng liêng, lại được kể theo cách "rất riêng", phim còn có nhiều cảnh đẹp về thiên nhiên, con người, mà cụ thể, là vùng đất Bắc Mê - Hà Giang, cùng hình ảnh dòng sông Gâm, khu vực thác Núi Đổ với hai ngọn núi đá dựng đứng…

Trước đó, câu chuyện đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp phải vất vả tìm đường để đưa những bộ phim "Bi, đừng sợ", "Đập cánh giữa không trung"… cũng khiến nhiều người quan tâm. Với "Bi, đừng sợ!"- dù đã có "visa" đi qua 30 nước và gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế, khi ra rạp, phim trụ rạp được 2 tuần, tiền thu về chỉ đủ trả cho đơn vị phát hành, còn với đạo diễn thì đây là bộ phim doanh thu bằng 0.

Với dự án phim "Cha, con và..." đã được phát hành tại Pháp, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… Riêng tại Pháp, phim bán được 50.000 vé, trụ rạp 3 tháng, tuy nhiên câu chuyện ra rạp ở Việt Nam lại thật sự khiến đạo diễn Phan Đăng Di đau đầu khi mà kinh phí làm phim mất 600.000 Euro, trong đó chiếm một nửa là do các đối tác trong nước đầu tư. Khi ấy, chính đạo diễn của "Bi, đừng sợ!" cũng cảm thấy sợ hãi vì thị trường điện ảnh ở trong nước.

Anh phải thốt ra: "Giờ tôi khá bất lực khi phải đoán định thị trường Việt Nam, tôi không thể đoán cái gì hay, cái gì khán giả thích để làm. Nên tôi chỉ chuyên tâm làm cái mình thích, cái mình muốn làm. Đến bộ phim thứ ba tôi sẽ cố gắng tìm nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, không dám tìm nguồn trong nước nữa, vì không phát hành được tại Việt Nam rất khổ cho họ!".

Còn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng, việc đạo diễn phải kiêm nhiệm, lo lắng, tìm "cửa" để phim được ra rạp có thể dẫn đến cạn kiệt nhiệt huyết của nhà làm phim. Bởi xét đến cùng, nếu phim giành được nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng lại "thua" ngay trên sân nhà về mặt doanh thu, thì rất khó khăn để một đạo diễn có thể tiếp cận với một dự án tiếp theo - dù người đó có là ai đi nữa.

Cũng theo đạo diễn Phan Đăng Di, phim độc lập phổ cập tới công chúng không dễ, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. "Châu Âu có thị trường cho phim độc lập, họ có thể chiếu phim ở rạp nhỏ, quay vòng phim nhiều năm trời, nên vẫn có doanh thu.

Một cảnh trong phim "Bi, đừng sợ!"

Còn các phim độc lập ở châu Á, như Trung Quốc chẳng hạn, dù giành giải quốc tế cũng khó phát hành lắm", anh nói. Đạo diễn "Bi, đừng sợ!" từng chia sẻ, ở Việt Nam, nếu chọn làm phim thương mại thì đạo diễn không bị căng thẳng trong việc đi tìm tài chính hay việc tự tổ chức, vận hành cả guồng máy rạp chiếu, phát hành…

Khi ấy, nhà sản xuất lo tất cả, đạo diễn chỉ được mời đến để thực hiện bộ phim và nhận thù lao. Ngược lại, với dòng phim độc lập, ngay từ đầu, nhà đầu tư đã không hào hứng vì cho rằng dòng phim này kén khán giả và khó phát hành nên khả năng thu hồi vốn khó.

Ở những nước có công tác giáo dục điện ảnh tốt thì phim độc lập còn có vị trí quan trọng. Như ở châu Âu, phim độc lập vẫn sống tốt vì khán giả có một nền tảng về điện ảnh. Còn ở Việt Nam, nhiều người không xem vì không hiểu. Một số khác có thể hiểu hoặc thích nhưng không có thói quen đến rạp, nên lại tìm đĩa lậu. Trường hợp phim "Bi, đừng sợ!" không "ăn thua" khi chiếu rạp nhưng giới kinh doanh đĩa lậu lại kiếm được kha khá. Đó là những ví dụ đau lòng và dễ làm người ta nản lòng...

Tuy nhiên, khó khi chinh phục "khán giả nhà" là vậy nhưng dòng phim này gần đây thu hút nhiều gương mặt mới. Chứng tỏ nghệ thuật thứ bảy vẫn có sức hút kỳ lạ và vẫn có những người gạt sự rủi ro sang một bên để tìm cách dấn thân. Có thể kể đến Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Nguyễn Phương Anh, Lương Đình Dũng, Đào Thanh Hưng…

Lý giải vì sao phim độc lập có sức hút này, một chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, nó phù hợp với những dự án mang đậm tính cá nhân. Bên cạnh đó, cũng là cách để các đạo diễn trẻ khẳng định tài năng của mình, giống như việc một người muốn có 1 "tấm danh thiếp" để giới thiệu... trình làng. Chính vì thế nên dù ai cũng biết phim sẽ khó khăn khi ra rạp, và không phải dễ để thành công như phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", nhưng các đạo diễn trẻ vẫn dấn thân, dù sẽ có lúc họ thấy mình đơn độc.

Thế nhưng, phía trước họ, là rất nhiều liên hoan phim quốc tế đang chờ đón và đã từng có rất nhiều giải thưởng cao đã thuộc về các đạo diễn trẻ dám dấn thân như thế. Năm ngoái, "Một thành phố khác" của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân đã giành giải trong hạng mục phim ngắn của Liên hoan phim Quốc tế Phim Độc lập IndieLisboa tại thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha.

Tiếp đó, phải kể tới Nguyễn Phương Anh giành Giải thưởng lớn (trị giá 20.000 USD) từ Diễn đàn Tài chính Điện ảnh châu Á (thuộc Liên hoan phim quốc tế Hong Kong) với dự án "Người vợ thứ ba"; Lê Bảo giành Giải Dự án phim truyện xuất sắc tại Chợ dự án Liên hoan phim quốc tế Singapore với "Vị"; Đào Thanh Hưng đạt Giải nhất (trị giá 10.000 USD), hạng mục Dự án châu Á xuất sắc tại Chợ dự án phim tài liệu châu Á ở Incheon (Hàn Quốc) với "Tiếng hót sau những chấn song"…

Đáng chú ý trong số đó, có hai phim sẽ tham dự Liên hoan phim Cannes năm nay, ở hạng mục The Cinefondation's Atelier (diễn ra từ ngày 17 - 28/5) là dự án phim "Cu li không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân và dự án phim "Vị" của Lê Bảo. Đó là một tín hiệu đáng mừng, khi mà cái tên Việt Nam đang tiếp tục được định vị trên bản đồ phim ảnh thế giới.

Nguyệt Hà
.
.