Đầu tư sản xuất phim: Lợi nhuận lớn, rủi ro cao

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:00
Cuối tháng 3 vừa qua, ca sĩ Thủy Tiên đã có buổi ra mắt bộ phim đầu tiên cô đứng tên ở vai trò nhà sản xuất với tên gọi "Vợ ơi...Em ở đâu?". Cùng thời điểm này, Trương Ngọc Ánh cũng đang tích cực tung những thông tin, hình ảnh liên quan tới bộ phim "Truy sát" - trong đó cô vừa là nhà sản xuất kiêm diễn viên chính. "Đả nữ" Ngô Thanh Vân cũng từng ghi dấu ấn với vai trò này trong "Ngày nảy ngày nay", "Tấm Cám"... 


Giờ đây, không chỉ những người trong nghề mà nhiều nghệ sĩ ở những lĩnh vực khác cũng sẵn sàng bỏ công sức, dốc hầu bao để đầu tư vào điện ảnh nhằm kiếm lợi nhuận khủng.

1.Việc ca sĩ Thủy Tiên lộng lẫy trong buổi ra mắt phim "Vợ ơi...Em ở đâu?" với vai trò nhà sản xuất phim đã thực sự gây được sự chú ý của dư luận. Bởi lâu nay, Thủy Tiên thường được biết tới với vai trò ca sĩ. Sau này, cô có tham gia vào lĩnh vực điện ảnh - truyền hình nhưng chủ yếu với tư cách người viết nhạc cho phim hay đóng phim như một cách "dạo qua màn ảnh".

Tuy nhiên với "Vợ ơi...Em ở đâu?", Thủy Tiên không chỉ tham gia một vai nhỏ mà còn giữ vai trò nhà đầu tư. Không nằm ngoài thể loại phim đang phổ biến hiện nay là phim hài - tình cảm, "Vợ ơi...Em ở đâu?" quy tụ của dàn "trai xinh gái đẹp" như Bình Minh, Huy Khánh, Phan Thị Mơ, Trương Tri Trúc Diễm...

Bộ phim đầu tay của ca sĩ Thủy Tiên với vai trò là nhà sản xuất.

Nhưng Thủy Tiên không phải là người ngoại đạo đầu tiên xuất tiền đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. Trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đầu tư sản xuất và tham gia một vai nhỏ trong phim "Hiệp sĩ mù". Gần đây, không biết có phải vì thị trường ca nhạc bão hòa không mà ông bầu ca nhạc Quang Huy -  người có tiếng mát tay trong việc lăng xê ca sĩ còn ghi dấu ấn ở lĩnh vực điện ảnh bằng hai dự án phim ca nhạc đình đám là "Thần tượng" và "Chàng trai năm ấy".

Nhiều người hài hước rằng, điện ảnh Việt đang ghi dấu sự đầu tư mạnh tay của những người đẹp. Sau "Hương Ga", "Truy sát" là bộ phim thứ 2 do Trương Ngọc Ánh đóng vai trò nhà sản xuất kiêm diễn viên chính. Cô được đánh giá là một trong số ít những người đẹp luôn nghiêm túc trong làm nghề và đầu tư kỹ lưỡng với từng vai diễn. Từ cô Dần trong "Áo lụa Hà Đông", bà trùm giang hồ trong "Hương Ga" và giờ đây là nữ cảnh sát hình sự trong "Truy sát"...

Những vai diễn của Trương Ngọc Ánh luôn có cá tính mạnh mẽ, số phận đặc biệt. Dường như không "an phận" với vai trò diễn viên, Trương Ngọc Ánh đã bắt tay vào đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh thứ 7 và tỏ ra khá có kinh nghiệm trong việc PR cho những đứa con tinh thần của mình. Trong số những người đẹp có thâm niên đầu tư vào điện ảnh phải kể tới Ngô Thanh Vân.

Không chỉ được biết tới như một diễn viên với hình tượng "đả nữ" quyến rũ, bí ẩn trên màn ảnh, Ngô Thanh Vân còn bắt tay vào thực hiện nhiều dự án phim táo bạo: "Tấm Cám", "Ngày nảy ngày nay". Sau một thời gian vắng bóng trên màn ảnh, gần đây, người đẹp Mai Thu Huyền cũng đã trở lại với vai trò diễn viên chính kiêm nhà sản xuất trong bộ phim truyền hình "Những ngọn nến trong đêm" phần 2. Người đẹp Ngọc Trinh cũng vừa tung ra bộ phim về chính cuộc đời cô với tên gọi “Vòng eo 56”...

Đã qua rồi giai đoạn chỉ những người am hiểu hoặc làm việc trong lĩnh vực điện ảnh mới tham gia sản xuất phim. Giờ đây điện ảnh đang trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư của không ít những người ngoại đạo. Dự án phim "Liên minh huyền thoại" còn kêu gọi cả đoàn làm phim cùng chung sức đầu tư cho bộ phim qua hình thức góp vốn, góp cát xê cho thấy xu hướng đầu tư làm phim đang phát triển và nở rộ dưới nhiều hình thức.

Một trong những nguyên nhân khiến điện ảnh thu hút nhiều nhà đầu tư bởi nếu sản xuất được những bộ phim hay thì doanh thu từ hàng chục đến vài chục tỉ đồng là chuyện đơn giản. Nếu chỉ nhìn bề nổi, điện ảnh đang là lĩnh vực có khả năng thu lãi nhanh và nhiều nhất hiện nay, trong bối cảnh sân khấu đang rơi vào tình trạng khó khăn, thị trường ca nhạc thì bão hòa. Một số ông bầu ca nhạc cho rằng, để có thể đẩy một ca sĩ từ vô danh lên tới hàng ngôi sao là việc vô cùng khó khăn, mạo hiểm nếu không muốn nói là không tưởng. Việc đầu tư tiền bạc cho một giọng hát nhưng có thu lại được vốn hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thậm chí vẫn là chuyện hên - xui.

2. Trong khi đó, điện ảnh dường như đang khoác trên mình một diện mạo tươi sáng hơn. Số lượng khán giả đến các cụm rạp xem phim tăng mạnh so với năm ngoái thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Không chỉ những phim "bom tấn" của Mỹ, nhiều phim Việt đã đạt được doanh thu "khủng" tại thị trường trong nước. Tiêu biểu phải kể đến "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh", "Taxi em tên gì?", "Tía tôi là cao thủ"...

Thực tế đã chứng minh, phim nội, dù được làm với kinh phí vừa phải vẫn có thể lọt vào top đầu doanh thu phòng vé nếu bắt trúng tâm lý, thị hiếu khán giả. Bằng chứng là "Tèo em", "Quả tim máu", "Để Mai tính 2" đều có doanh thu vượt hơn 100 tỷ đồng. Nếu phim ra rạp ăn khách, cơ hội thu hồi vốn của nhà sản xuất nhanh gọn hơn so với đầu tư các lĩnh vực giải trí khác khá nhiều.

Bên cạnh vai trò diễn viên, lâu nay Ngô Thanh Vân (giữa) còn được biết đến với vai trò là nhà sản xuất phim.

Đầu tư làm phim đang là một trào lưu gia tăng mạnh mẽ dưới nhiều hình thức và cũng là xu hướng chung của thế giới. Việc đầu tư này khiến cho thị trường điện ảnh sôi động hẳn lên với một loạt những bộ phim nhựa liên tục bấm máy. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, không khí làm phim nhựa rộn ràng như thời kỳ phim "mì ăn liền" của những năm 90 của thế kỷ trước.

Một trong những điểm dễ nhận thấy ở dòng phim này là thể loại phim hài - tình cảm lên ngôi. Phim hài vốn được coi là dễ hút khách nhất nên các nhà sản xuất tập trung vào kiểu phim này. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng có được tiếng cười thú vị, sảng khoái nếu chưa muốn nói vì không được đầu tư kỹ lưỡng nên hài nhạt nhẽo, phản cảm.

Bên cạnh mô típ phim quen thuộc thì những phim được sản xuất dưới hình thức này thường chú trọng mời những ngôi sao trong giới giải trí hơn là diễn viên chuyên nghiệp. Các nhà sản xuất thì thường cho rằng, phim phải nhiều tên tuổi nổi tiếng mới dễ hút khán giả. Tuy nhiên, rất ít trong số này khẳng định được khả năng diễn xuất của mình cũng như đủ tỉnh táo và tự trọng để nhận ra mình không có nhiều khả năng đến vậy. Chính vì thế, một số bộ phim thất bại ngay tại phòng vé có nguyên nhân vì xuất hiện quá nhiều những "bình hoa di động".

Bên cạnh một số phim xem được, nhiều phim của một số đạo diễn "tay ngang" - hoặc nhà sản xuất không có chuyên môn nhưng can thiệp quá sâu vào công việc làm phim khiến tác phẩm ra đời bị đánh giá thấp về chuyên môn. Không ít trong số đó thuộc hàng thảm họa như "Mất xác", "Không nói được"... Nội dung sơ sài, thiếu lôgic, cách làm phim ngô nghê khiến người xem có cảm giác như xem một bộ phim truyền hình rời rạc hơn là một bộ phim điện ảnh thực sự. Chưa kể tới việc, chỉ với số tiền vài tỉ đồng, các nhà sản xuất đổ xô vào làm phim nhựa trong khi năng lực chỉ đủ sức làm phim truyền hình. Các phim ra rạp đều có chung mẫu số là một nồi lẩu thập cẩm với một chút hài hước, một chút sexy, một chút bạo lực...

Sức hút từ rạp chiếu thậm chí còn đang khiến nguồn nhân lực từ làm phim truyền hình đổ xô vào dòng chảy làm phim cho màn ảnh rộng. Dưới sức ép của doanh số, nhiều êkip phải chạy theo số lượng, ít đầu tư nghệ thuật dẫn đến những dự án phim dở, kém chất lượng và thua đau ngay tại phòng vé. Những lý do như tay nghề yếu, sự thiếu chuyên nghiệp của ê kíp đã khiến giấc mộng tiền tỉ chỉ là mơ ước. Sự thất bại của mùa phim Tết là minh chứng rõ nét nhất cho việc khi nhiều người cùng tham gia vào thị trường phim, nếu không mang đến những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn thì thua lỗ là điều dễ nhìn thấy.

Những bộ phim dù được đầu tư khá công phu và vốn lớn nhưng thất bại ở phòng vé như "Thiên mệnh anh hùng", Lửa Phật", "Quyên" cho thấy sự thành công của phim không nằm ở yếu tố ngôi sao hay yếu tố câu khách rẻ tiền mà phải là những phim thật sự chất lượng, đáp ứng được đúng mong muốn của khán giả.

Khánh Thảo
.
.