Phân loại độ tuổi đọc truyện tranh: Mỗi nơi một kiểu
Truyện tranh đâu chỉ dành riêng trẻ em
Nhiều nhà xuất bản (NXB) vẫn mặc định rằng: "Truyện tranh chỉ dành cho trẻ con nên không mắc mớ gì phải dán nhãn cho rắc rối. Cái cần làm là họa sĩ, tác giả truyện tranh phải sáng tác thật trong sáng, phù hợp với trẻ em. Chấm hết!". Tư duy tai hại này khiến họa sĩ Việt chỉ biết lắc đầu than trời.
Sự sáng tạo của họ bị bóp nghẹt khi liên tục bị gò trong khuôn khổ và đối mặt với lưỡi kéo kiểm duyệt "tử thần". Tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu cho hay mình gặp nhiều khó khăn khi muốn đưa truyện tranh "Bad Luck" ra thành sách giấy. Trên trang Comicola.vn - ngôi nhà của những người sáng tác và yêu truyện tranh - "Bad Luck" sốt sình sịch đến đâu thì ra sách lại chật vật đến đó.
Người cấp phép cho rằng truyện có ngôn từ không phù hợp với tuổi học đường. Đại loại như các từ mày - tao, câu chửi thề, bỗ bã… trong truyện buộc phải sửa lại thành lời nói nghiêm túc thì NXB mới cấp giấy phép. Trong khi đó, phản hồi trên trang Comicola và trang cá nhân của Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, giới trẻ rất thích thú trước ngôn ngữ thời thượng, siêu "bựa" đúng chất tuổi teen với câu chuyện hóm hỉnh.
Ẩn sau vẻ hài hước giúp người đọc giải trí sảng khoái vẫn là bài học thú vị, nhân văn. Nếu bị sửa thành nghiêm túc thì coi như "Bad Luck" bị khai tử vì nó không còn là chính nó. Thảm hại hơn, dù đã dành nửa năm ròng sửa tới sửa lui để chiều lòng NXB nhưng Đào Quang Huy vẫn không thể "qua cửa" với "Truyện cực ngắn".
Cũng vì người đọc trong mắt "nhà gác cửa" hiện lên dưới hình hài trẻ em nên "Địa ngục môn" của Can Tiểu Hy lên bờ xuống ruộng khi NXB yêu cầu cắt các cảnh bạo lực, rùng rợn. Tương tự, tập 1 "Long Thần Tướng" bị bôi xóa không thương tiếc.
Thời gian tới, NXB Trẻ sẽ bỏ bảng phân loại T1, T2, T3, How để thay bằng bảng phân loại mới. |
Nghịch lý ở chỗ khi đi thi ở sân chơi khu vực với bản nguyên vẹn, "Long Thần Tướng" và "Địa Ngục Môn" được quốc tế đánh giá rất cao, lần lượt giành giải Bạc "Cuộc thi truyện tranh quốc tế" do Nhật Bản tổ chức năm 2016 và 2017. "Nếu cắt hết mấy cảnh này thì truyện bị lủng củng, phi logic. Bị cắt sửa hoài nên chúng tôi chỉ dám công bố đứa con tinh thần của mình trên mạng chứ không mặn mà ra sách" - họa sĩ Bảo Châu ngao ngán.
Trong khi truyện Việt bị soi đến ngộp thở thì truyện ngoại tha hồ nhảy vào thị trường nước ta mà ít khi bị soi xét. Nếu có dán nhãn 16+, 18+ thì loại truyện này vẫn nghiễm nhiên nằm ở kệ sách thiếu nhi trong nhà sách do định kiến "truyện tranh chỉ dành cho trẻ em" của người Việt Nam. Hệ quả là trẻ em bị tiếp nhận loại truyện ngoại quốc có yếu tố bạo lực, cảnh nóng, ngôn tình ủy mị...
Từ đó, dư luận lại lên án tác giả, quy kết NXB vì "tội" cung cấp cho trẻ em ấn phẩm độc hại. Khi chưa có bảng phân loại độ tuổi, để "né đòn", không ít truyện có yếu tố bạo lực, giới tính, sexy… đều bị biên tập viên che mờ hoặc bôi xóa hết. Truyện "Thám tử Kindaichi" thuộc thể loại trinh thám, kinh dị nên có vô số cảnh chết chóc, máu me.
Nhân vật trong truyện khoảng 18 tuổi nên cảnh ăn mặc gợi cảm với đồ tắm, yêu đương trai gái… là chuyện bình thường. Nhưng để an toàn nếu không may người đọc là trẻ em, bộ bikini của nhân vật nữ bị "vẽ lại" trông như cái váy. Cách biên tập, che chắn quá đà khiến độc giả khó chịu, không hiểu tình tiết vụ án.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ khẳng định, truyện tranh là một thể loại chứ không phải dành cho một đối tượng nhất định. Đã là thể loại thì nó cũng giống như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn… nên nó có tác phẩm dành cho thiếu nhi, có tác phẩm dành cho người lớn.
Ở Nhật, truyện tranh dành cho người lớn thậm chí bán rất chạy. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc gây sốt như "Ngôi nhà hạnh phúc", "Vườn sao băng", "Hoàng cung", "Thợ săn thành phố"… đều chuyển thể từ truyện tranh Nhật mà ra. Ở ta, từ cuối năm 2013 đến nay xuất hiện không ít truyện dành cho tuổi trưởng thành như "Long Thần Tướng", "Địa Ngục Môn", "Chuyện tào lao của Vàng Vàng"… bàn về vấn đề lịch sử, thuyết luân hồi - nhân quả, tình hình thời sự chính trị - kinh tế... Nhưng khi xuất bản, nó vẫn bị choàng "chiếc áo trẻ em" rồi bắt cắt xén cho vừa vặn (?!).
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola cho hay: "Tại các ngày hội truyện tranh ở Mỹ, Nhật, Anh, Đức... lứa tuổi chủ yếu đến xem là lứa tuổi trưởng thành (20-35 tuổi). Chúng tôi làm truyện tranh để truyền tải tâm tư, nguyện vọng của lứa tuổi mình do đó rất cần một hệ thống phân loại độ tuổi đọc được cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Nếu quan niệm truyện tranh là dành cho trẻ con, lớp họa sĩ mới này chắc chắn khó có thể sáng tác tiếp".
Cần hệ thống dán nhãn thống nhất
Đầu tháng 10 năm nay, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm chính thức có hiệu lực.
Khoản 1, Điều 12, Thông tư 09 quy định, các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi: Trẻ dưới 6 tuổi; trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi; trẻ từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi. Thông tư 09 được giới xuất bản, người đọc và họa sĩ vô cùng hoan nghênh. Thế nhưng, nhiều NXB vẫn rất lúng túng trong việc dán nhãn phân loại độ tuổi theo Thông tư bởi cách hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể, thống nhất.
Truyện của tác giả Việt như "Địa Ngục Môn", "Mèo Mốc", "Bad Luck" được “soi kỹ” khi xin giấy phép xuất bản. |
Thực tế nhiều năm nay, một số NXB đã tự mày mò dán nhãn chứ không đợi khi có Thông tư. Việc dán nhãn trở nên cấp thiết vì nó không chỉ giúp NXB tránh rắc rối lôi thôi, cơ quan kiểm duyệt thở phào mà còn giúp người đọc dễ dàng chọn lựa được ấn phẩm phù hợp, "giải phóng" sự sáng tạo của giới họa sĩ sáng tác. Tiên phong trong việc dán nhãn phải kể đến NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, một số bộ sách của NXB Giáo dục, NXB Dân Trí…
Thời gian tới, NXB Trẻ bắt đầu áp dụng bảng phân loại mới thay cho bảng phân loại cũ để in ở bìa truyện. Nếu bảng phân loại cũ gồm 4 cấp độ như T1 (Thiếu nhi), T2 (Tuổi Teen), T3 (Tuổi Trưởng Thành) và How (Truyện tranh truyền tải kiến thức) thì bảng phân loại mới được chia thành 6 cấp độ: 0+ (từ 0 tuổi trở lên), 3+ (từ 3 tuổi trở lên), 6+, 12+, 16+ và 18+. Chẳng hạn "Nhóc Miko" sẽ được dán nhãn 6+, "Siêu đầu bếp tí hon" 12+, "Thám tử Kindaichi" 18+… Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, so với bảng phân loại cũ thì bảng phân loại mới rõ ràng, sát sao và giúp bạn đọc dễ phân biệt truyện này phù hợp với lứa tuổi nào. NXB Kim Đồng thì có cách phân loại như 10+, 12+, 16+, 17+...
Thông tư 09 cùng văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa đưa ra bộ tiêu chí, quy chuẩn chung rõ ràng nào để các NXB có thể thống nhất thực hiện. Để có bảng phân loại tương đối chặt chẽ trên, NXB Trẻ vừa dựa vào Thông tư 09 vừa áp dụng các tiêu chí do họ tự vạch ra đồng thời tham khảo cách làm hay ở nước ngoài. Ví dụ như những cuốn hình ảnh thật nhiều, hồn nhiên và chữ vô cùng ít và in thật to thì phù hợp với các em bé 3 tuổi.
Ngoài lứa tuổi, nhiều nước còn phân loại truyện dựa theo các tiêu chí khác nhau như: thể loại, giới tính, trình độ… Chẳng hạn truyện dành cho bé gái, bé trai. Truyện trinh thám, kinh dị, ngôn tình thì dành cho tuổi trưởng thành...
Vì chưa có tiêu chí cụ thể nên không ít NXB dính "phốt" dán nhãn. Dù NXB Kim Đồng đã dán nhãn 12+ và chỉnh sửa cẩn thận nhưng bộ truyện "Shin - Cậu bé bút chì" của tác giả Yoshito Usui vẫn bị phụ huynh phản ứng dữ dội vì có nhiều chi tiết bạo lực, dung tục không phù hợp với tuổi thiếu niên. Thực chất tại Nhật, dù nét vẽ dễ thương, đáng yêu nhưng bộ truyện này đã thăng cấp lên mục dành cho người lớn bởi những cảnh trần trụi, chọc cười liên quan đến giới tính và dùng từ ngữ tục tĩu.
Ở Việt Nam, mức độ đề cập giới tính như thế nào, bạo lực ra sao để dán nhãn 12+, 16+ hoặc 18+ vẫn là bài toán khó. Đứng trước bài toán này, đa số NXB vẫn dán nhãn theo cảm tính, tự mình thẩm định nội dung chứ chưa có một bộ phận nghiên cứu tâm lý lứa tuổi đúng nghĩa. Mỗi đơn vị có những quy chuẩn khác nhau dẫn tới việc dán nhãn lộn xộn, thiếu đồng bộ. Vì thế sẽ không lạ nếu cùng một nội dung, nhưng cuốn này NXB A dán 16+, NXB B lại dán 18+, gây lúng túng cho độc giả.