“Ông Tây” đi tìm vẻ đẹp không tuổi trên đất Việt

Thứ Bảy, 15/07/2017, 12:48
Rong ruổi qua hơn 35 quốc gia, nhưng cuối cùng Réhahn lại chọn phố cổ Hội An làm quê hương thứ hai của mình sau xứ Normandy của nước Pháp hoa lệ xa xôi. Tất cả bắt đầu bằng nụ cười hiền hậu của bà cụ chèo thuyền. Nụ cười thắp lên cho anh niềm đam mê với vẻ đẹp xưa cũ trên dặm dài đất nước hình chữ S. Anh đi tìm và cất giữ bằng ống kính của mình...


Năm 2011, cụ Xong, bà cụ chèo thuyền trên sông Thu Bồn - trở thành "nhân vật" của Réhahn. Bà cụ như một định mệnh, đánh dấu bước ngoặc trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh. Năm ấy, anh là vị khách du lịch xuống chiếc thuyền của bà để ngao du ngắm ven bờ phố Hội. Anh trêu: "A, bà không có răng". Bà cụ 74 tuổi móm mém cười và tinh nghịch lấy tay che miệng. Trong khoảnh khắc ấy, anh bấm máy hối hả.

Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" đi qua nhiều đất nước, lên cả những trang tạp chí danh tiếng nhất. Cụ Xong trong bức ảnh được báo chí nước ngoài ca tụng là "Người phụ nữ đẹp nhất thế giới". Đến bây giờ, ánh mắt cụ Xong luôn lấp lánh hạnh phúc khi nhìn ngắm bức ảnh ấy - bức ảnh đã đưa tên tuổi cụ và Réhahn vượt xa ra ngoài biên giới, đến với bạn bè quốc tế. Cụ cũng chẳng ngờ, nhờ bức ảnh ấy, những giấc mơ từ thơ bé như được đi thăm Hà Nội, thăm TP Hồ Chí Minh lại trở thành hiện thực.

Nhiếp ảnh gia Réhahn.

Rehahn thú thật: "Khi tôi chụp bức chân dung mang tính biểu tượng của bà, chúng tôi đã không hề nghĩ rằng bức ảnh này sẽ thay đổi cuộc đời chúng tôi". Tháng 3-2016, bức chân dung nổi tiếng của cụ Xong được đưa vào bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội để công chúng Việt Nam thưởng lãm.

Chính cụ đã tạo cảm hứng cho Réhahn theo đuổi vẻ đẹp cổ kính, trầm tích dưới lớp cát bụi thời gian ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Tính đến nay, anh đã ở Việt Nam được 6 năm để chụp người bạn của cụ, những cụ ông, cụ bà hiền lành và dễ mến đều đã trên 80 tuổi. Thăm bất kỳ ngôi làng nào, điều đầu tiên anh làm là tìm kiếm các cụ già trong vùng. Bằng vốn tiếng Việt bập bẹ, anh cố gắng trò chuyện với họ. Đó là cách dẫn anh đến với cụ bà Rengao 103 tuổi, hoặc gần đây là một cụ bà bằng tuổi khác người dân tộc Mạ.

Các cụ già rất niềm nở đón tiếp một "ông Tây" hài hước, một người coi "chỉ những điều chạm đến trái tim mới là vẻ đẹp chân chính" như Réhahn. Mỗi lần như thế anh cảm thấy biết ơn khi họ đã mở lòng chia sẻ bao câu chuyện thuở xa xưa mà anh chưa từng biết và để cho anh nắm bắt tâm hồn họ bằng ống kính.

Càng đi, càng tiếp xúc, anh càng hào hứng khi nhận ra các cụ bà Việt Nam rất hài hước, hóm hỉnh. Khi bà cụ dân tộc Mạ 103 tuổi nhắc anh về thành phố nhớ gửi ảnh thì anh ngạc nhiên hỏi: "Cháu gửi hình cho bà bằng cách nào ạ?". Bà cụ cười móm mém chỉ vào cô con gái: "Anh cứ gửi qua Facebook".

Tất cả đã làm nên bộ sưu tập "Vẻ đẹp không tuổi". Bộ ảnh mang đến cho công chúng hàng trăm vẻ đẹp được tạc nên bằng chiều dài thời gian và không gian. Lý giải vì sao dành trọn đời để mê mải vẻ đẹp già cỗi ấy, Réhahn cắt nghĩa: "Dù cuộc đời nhiều phức tạp, điều kiện sống khó khăn, trải qua một quãng thời gian đen tối trong lịch sử nhưng họ không chỉ rất mạnh mẽ mà còn vui vẻ và yêu đời. Và với tôi, gương mặt của người già, những đường nét khắc sâu thể hiện được hai điều: Cuộc sống khó khăn nhưng đồng thời là niềm hạnh phúc và sự tử tế. Có một điều tôi thật sự khâm phục và muốn cho mọi người thấy một điều khi mà giờ đây chúng ta trân trọng tuổi trẻ hơn những người mang đầy kinh nghiệm sống, văn hoá xa xưa, phong tục tập quán, trí tuệ, những người đã chứng kiến lịch sử và sự chuyển mình của đất nước; những người đã nuôi dưỡng chúng ta".

Các bức ảnh ngợi ca vẻ đẹp cùng sự kiên cường của những cụ bà Việt Nam. Bộ ảnh nhằm đem lại một cách nhìn tích cực về tuổi già vốn cần được trân trọng và tôn vinh. Bằng cách ghi lại khoảnh khắc chân thật, Réhahn đã cho thấy được nét quyến rũ của các nhân vật lớn tuổi. Anh tin rằng vẻ đẹp của con người là sự hoà quyện của vẻ đẹp trong tâm hồn lẫn bề ngoài, và qua ống kính của mình, anh đã kể lại những câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam.

Bao khó khăn, bão tố trong cuộc đời đều hằn lên qua đôi mắt nhăn nheo, qua đôi tay già nua, tất cả điều đó đã thể hiện phong thái, sự tự tin, hồn hậu của họ. Xem tác phẩm, thật không ngoa khi giới truyền thông thế giới gọi Réhahn là nhiếp ảnh gia "lưu giữ linh hồn nhân vật". Nó vượt lên những gì gọi là đẳng cấp về nghệ thuật và kỹ thuật, mà ở đó ăm ắp những xúc cảm và câu chuyện trong đôi mắt, vết hằn nhăn nheo của nhân vật.

Năm 2017 đánh dấu 10 năm sự nghiệp nhiếp ảnh của Réhahn. Anh kỷ niệm chặng đường vào nghề bằng việc thành lập phòng trưng bày Couleurs d'Asie by Réhahn tại TP Hồ Chí Minh. Phòng trưng bày giới thiệu những tác phẩm ảnh nghệ thuật do anh chụp ở Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Cuba. Tất nhiên không thể thiếu tác phẩm "Nụ cười ẩn giấu" nổi tiếng. Nơi đây trưng bày các bức ảnh được in trên giấy Kodak Endura Metallic - loại giấy cao cấp được sản xuất tại Pháp. Nó đem lại hiệu ứng ánh sáng và màu sắc vô cùng sắc sảo và sống động cho các bức ảnh.

Nhiếp ảnh gia Réhahn vui đùa cùng các nhân vật trong bộ ảnh "Vẻ đẹp không tuổi" (ảnh: Hạ My).

Yêu vẻ đẹp được dệt nên bởi mưa nắng, Réhahn xách ba lô lên và đi về vùng núi phía Bắc. Hòa trong mây trời, gió núi, anh tận mắt chứng kiến văn hoá đa dạng, phức tạp và sự tồn tại mong manh các di sản văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp xúc với 45 trên 54 nhóm dân tộc Việt Nam, nỗi đau đáu về sự phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người càng đè nặng Réhahn. Anh chỉ biết góp công sức ít ỏi của mình bằng cách chụp lại các hình ảnh văn hoá tương phản đặc trưng và thu thập những bộ trang phục truyền thống cùng các hiện vật quý giá để xây dựng nên Bộ sưu tập Di sản vô giá mà nay đã trở thành linh hồn của Bảo tàng ảnh nghệ thuật cùng tên ở Hội An. Nơi đây trưng bày hơn 200 bức ảnh về Việt Nam, văn hoá đa dạng của các dân tộc và hơn 30 trang phục dân tộc nguyên bản.

Réhahn cho rằng: "Phát triển xã hội thông qua việc mở rộng nhận thức của mọi người về các nền văn hoá khác cũng quan trọng không kém việc tìm hiểu và tự hào về văn hoá của riêng họ. Bảo tồn văn hoá phải được tác động từ bên ngoài, khi người dân tộc nhìn thấy văn hoá của mình được mọi người quan tâm yêu thích, họ sẽ càng cố gắng để giữ gìn".

Nhiếp ảnh gia Réhahn đến từ Normandy, Pháp. Anh đặc biệt được biết đến thông qua những bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ. Anh thường xuyên hợp tác cùng các chương trình National Geographic và Travel Live mua bán sử dụng tác phẩm của mình. Một số hoạt động nổi bật của Réhahn:

-Tháng 1-2014: Phát hành cuốn sách ảnh đầu tiên mang tên "Vietnam, Mosaic of Contrasts" (Việt Nam, những mảnh ghép tương phản) gồm 150 tác phẩm miêu tả hình ảnh đa dạng của đất nước. Cuốn sách nhanh chóng có mặt trên 29 quốc gia.

-Tháng 5-2015: Hai tác phẩm "Best Friends" (Những người bạn tốt) và "Hidden Smile" (Nụ cười ẩn giấu) được đưa vào Bộ sưu tập của Bảo tàng Asian House tại Havana, Cuba.

-Tháng 11-2015: Phát hành cuốn sách ảnh thứ hai mang tên "Vietnam, Mosaic of Contrasts, Volume II" (Việt Nam, những mảnh ghép tương phản, cuốn II).

Mai Quỳnh Nga
.
.