Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Ống kính sấp ngửa bụi trần

Thứ Bảy, 10/06/2017, 08:00
"Ai ổi không?", "Báo đê, báo đê!", "Ai chè đậu xanh, nước dừa hôn?"... Tiếng rao bổng trầm, có lúc vui tươi như con nắng mới, lúc buồn bã ế ẩm chiều mưa. Tiếng rao vọng từ đường quê, ngõ phố viết nên cả cuộc đời mưu sinh tảo tần của các bà, các mẹ, của bao kiếp người nhỏ bé cần lao. Mấy chục năm về trước, cậu nhóc Trần Thế Phong cũng cất lên tiếng rao lanh lảnh như thế trên vỉa hè thành phố phương Nam cháy nắng...


Bà cụ cắp rá ổi. Hàm răng đen tuyền nhuộm nước trầu đỏ. Vệt nước trầu vương trên chiếc áo bà ba trắng đục màu mồ hôi. Chiếc nón lá cũ mềm, rã mục, bung vành. Bà nhìn thẳng vào ống kính, nụ cười hồn hậu như bà tiên trong câu chuyện cổ. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chọn bức ảnh ấy làm tác phẩm chủ đề cho cuốn sách ảnh mang tên "Mưu sinh" ra mắt ngày 9-6 tại TP Hồ Chí Minh.

Thương sao hình ảnh người mẹ Việt, người bà Việt! Nhớ câu cụ Tế Xương ngâm tặng vợ: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông…".

Trần Thế Phong chụp từ Nam ra Bắc nhưng cận cảnh nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - nơi phồn hoa đô hội mở lòng đón bao mảnh đời tứ xứ bươn bả kiếm miếng cơm manh áo. Anh ghi lại mọi khoảnh khắc của cuộc mưu sinh: chị bán rau lội bì bõm dưới cơn mưa tầm tã, anh bán hủ tiếu đội cái nắng chang chang, ông bán bong bóng đợi khách trên lề đường khói bụi, ghe tạp hóa lênh đênh sông nước...

Dù ở bất cứ đâu, bất kể thời tiết như thế nào, buôn bán mặt hàng gì, già hay trẻ, nam hay nữ, họ cũng nở nụ cười tươi rói, thanh thản yêu đời. Xuyên suốt tập ảnh là sắc màu tươi vui, ngợi ca cuộc sống cần lao, tràn đầy nghị lực vươn lên dẫu đâu đó vẫn còn chiếc bóng lẻ loi đổ dài trên đường về xa ngái thân cò…

Qua ống kính Trần Thế Phong, người ta không thấy dậy lên niềm xót xa chạnh lòng mà chỉ thấy ở đó hình ảnh thân thương, gần gũi như dáng mẹ, dáng cha, dáng chị của mình ngày nào. "Tôi tìm thấy nét đẹp đời thường lấp lánh trong những công việc chân tay lấm lem, nhọc nhằn của họ. 

Vất vả vậy nhưng họ không ca thán mà luôn sống hết mình, làm hết mình, gom góp từng đồng bạc lẻ để ấp ủ giấc mơ giản dị, bé mọn cho con, cho cháu giữa thành phố rộng lớn, nhà cao. Phía sau gánh hàng rong tất bật của bà mẹ quê, phía sau chiếc xe ba gác lọc cọc của người cha xứ nẫu… là những đứa con lần lượt vào đại học, mai này bước vào đời làm ông này, bà kia "  - Trần Thế Phong tâm sự.

Có bao con người rất đỗi quen thuộc mà ta hai bữa đi về thờ ơ lướt qua, nay trước góc ảnh xúc động của Trần Thế Phong, mới thảng thốt giật mình. Đó là chàng trai mù bán móc khóa điện thoại, tăm bông ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần Dinh Thống Nhất.

Trong ảnh, chàng trai hiện lên với vẻ đẹp lặng lẽ, nhẫn nại sau dãy móc khóa sặc sỡ, mời chào khách mua. Đó là hai cha con sống dưới một chân cầu ở TP Hồ Chí Minh, mọi sinh hoạt đều trên chiếc ghe chật chội. Ngày ngày, người cha lên lề đường, rời dòng kênh hôi thối rác rưởi, bán lắm thứ lặt vặt cho khách qua lại để kiếm tiền cho con đến lớp học tình thương gần đó.

Trần Thế Phong có sự đồng cảm đặc biệt với người buôn thúng bán bưng. Các tập sách ảnh trước đây của anh không thiếu vắng hình ảnh đặc trưng ấy của văn hóa Việt. Đó là "Gánh" với bước chân miệt mài của các bà, các mẹ hàng rong. Hay trong "Những nẻo đường tuổi thơ" là khoảnh khắc cười đùa hồn nhiên của em bé đánh giày, bán báo, vé số… trên đường phố hay móc bọc trên bãi rác. Tuổi thơ ấu nặng nợ cơm áo đã làm nên một Trần Thế Phong hôm nay, xoay ống kính theo phận người giữa nhịp đời hối hả, đầy trân trọng, nâng niu…

Tác phẩm “Sài Gòn - Saigon (2009)” trong sách ảnh "Mưu sinh" của Trần Thế Phong.

Cha mẹ đường ai nấy đi khi Phong còn khát sữa. Cậu bé ăn nhờ ở đậu nhà cô ở quận 4. Mới sáu tuổi đầu, Phong đã lăn lộn đầu đường xó chợ với đủ thứ nghề. Nào bán vé số, bán báo, bán kem, nào đánh giày, lượm ve chai… Mái tóc cháy khét của Phong thêm khét lẹt bụi đường trong các cuộc giành giật miếng ăn nảy lửa với tay anh chị giang hồ nhí. Có ngày tiền bị lột sạch, cậu thất thểu ngồi khóc thút thít với cái bụng đói. Thằng bạn đồng nghiệp vỗ vai chia cho nửa khúc bánh mì.

Bây giờ nhớ lại, anh mới thấy khúc bánh mì lúc ấy sao mà ngon hơn mọi thứ cao lương mỹ vị mình nếm sau này. Khúc bánh mì xua đi hận thù hơn thua trong lòng thằng bé mới lớn. Để hai thằng bé cười rộ và ngày mai tiếp tục "Báo đê, báo đê" dù chân còn cà nhắc. Cửa từ bi đón Phong bằng những bài học về lòng nhân ái, để biết cho đi không cần toan tính...

Bức ảnh đầu tiên trong đời cầm máy là trẻ em mưu sinh đường phố. Anh chụp như lưu dấu tuổi thơ mình một thời, để tri ân. Lớn lên từ gió sương bụi đường, hơn ai hết, Trần Thế Phong hiểu thấu phận đời rong ruổi trên khắp đường quê, phố thị. Quả thật, phải có sự đồng cảm sâu sắc, anh mới có được những tấm ảnh thân thương đến thế. Ống kính ấy dường như nói rằng nhân vật trong ảnh không phải là kẻ xa lạ mà là người thân của anh.

Anh trò chuyện với họ, lắng nghe câu chuyện của họ như thể chuyện mẹ, chuyện bà mình và anh sẽ kể cho họ nghe ngày xa xưa thân ái. Anh yêu gánh hàng hoa thơm ngát của cô hàng, khâm phục mâm bánh được ông anh vừa đội điệu nghệ vừa lái xe máy rất cừ. Trần Thế Phong hối hả bấm máy như thể muốn lưu lại tất cả, tất cả… như sợ mọi thứ mai kia vuột mất. Anh chụp, để biết đâu sau này chính nhân vật bắt gặp hình ảnh ấy mà ứa nước mắt nhớ thuở hàn vi.

Lần nào cũng vậy, sau triển lãm ảnh, tiền bán sách anh luôn  trích ra làm từ thiện. Bà Margrit Schlosser, Cựu đại diện quốc gia của Tổ chức Thụy Sĩ phi chính phủ Terre des hommes (Đất lành) -  Cứu trợ nhi đồng tại Việt Nam từng nhận xét về nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong như sau: "Giống như một họa sĩ - người nhìn thấy hình ảnh thông qua "con mắt bên trong"  trước khi bắt đầu vẽ nó, Trần Thế Phong lang thang qua khắp mọi miền, quan sát và tạo hình ảnh, rồi cuối cùng anh chụp lấy và sáng tác với ống kính của mình.

Anh là một người rất khiêm tốn và nhân đạo, cống hiến đời mình để ghi lại cuộc sống khó nhọc của người bất hạnh hoặc bị thiệt thòi ở Việt Nam, ví dụ người bán dạo trên phố, trẻ em khiếm thị hoặc trẻ em đường phố... Anh còn là người rất hào phóng, đặc biệt giúp đỡ hỗ trợ cho trẻ em nghèo tại quê nhà. Chính trong bối cảnh này mà tôi đã gặp Trần Thế Phong lần đầu tiên".

Đi theo thể loại ảnh báo chí nghệ thuật, Trần Thế Phong tâm niệm rằng nhiếp ảnh gia không chỉ bắt lấy khoảnh khắc mà còn nhận lãnh trách nhiệm xã hội. Hồi còn nhỏ, cậu bé Phong mắt tròn mắt dẹt khi thấy nhiều người được cứu giúp chỉ nhờ một bức ảnh đăng báo. Ước mơ thơ bé đó đã chắp cánh để anh trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh của giới bình dân, mải miết phụng hiến dòng đời…

Mai Quỳnh Nga
.
.