Ốc mượn hồn

Thứ Sáu, 06/11/2020, 10:12
Vẫn biết, tri thức là để học hỏi và những gì người khác làm, chúng ta rất cần học hỏi theo nếu nó là tích cực. Nhưng đừng lầm lẫn giữa học hỏi kế thừa và sao chép khôn ngoan.


Sau thắng lợi của phim “Ròm”, “Tiệc trăng máu” lại tiếp tục mang về những tín hiệu tích cực làm nức lòng những người yêu điện ảnh Việt. “Tiệc trăng máu” là một bộ phim rất đáng xem, khi nó có một kịch bản tốt, được sản xuất chỉn chu, có nghề, được truyền thông mạnh mẽ, quy tụ dàn diễn viên “khủng”. Nó đã vượt ra khỏi lãnh địa của điện ảnh giải trí đơn thuần và tiệm cận với lãnh địa của điện ảnh nghệ thuật thực sự.

Nhưng cũng từ thành công của “Tiệc trăng máu” và “Ròm”, đã bắt đầu nảy sinh những tranh luận xoay quanh hai đề tài. Thứ nhất là liệu điện ảnh nghệ thuật dù kén người xem đấy nhưng có phải là không có khả năng mang lại doanh thu đủ để các nhà đầu tư dũng cảm. Và thứ hai là câu chuyện có tầm vóc lớn hơn: định nghĩa lại về nền điện ảnh Việt Nam hiện đại trong diện mạo khoảng 20 năm qua.

Về đề tài thứ nhất, phải thừa nhận điện ảnh nghệ thuật vẫn cực kén khán giả và luôn có nguy cơ rủi ro lớn khiến các nhà đầu tư không thể mặn mòi. Thắng lợi của “Ròm” có thể được lý giải nhiều cách nhưng không thể bỏ qua chi tiết người xem đói phim sau thời gian giãn cách xã hội. Vì thế, khó có thể tin “Ròm” đủ làm động lực để phim nghệ thuật sẽ chiếm diễn đàn so với phim giải trí đơn thuần.

Đề tài thứ hai cần nhìn nhận nghiêm túc hơn, nhất là trong bối cảnh tin đồn Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã và đang chi phối thị trường điện ảnh Việt Nam. Chính vì thế, điện ảnh Việt gần đây chuộng mua lại bản quyền kịch bản các phim đình đám nước ngoài để Việt hoá (remake), mà “Tiệc trăng máu”, “Tháng năm rực rỡ”, “Em là bà nội của anh”… là các điển hình. Nhiều người cho rằng do điện ảnh Việt thiếu kịch bản hay. Ban đầu, lý do này nghe có vẻ hợp tai phần lớn công chúng.

Thực chất, điện ảnh Việt không hề thiếu kịch bản tốt. Nhiều đạo diễn, nhà biên kịch vẫn “găm” suốt nhiều năm qua các kịch bản rất hay, được giới trong nghề trân trọng chỉ vì lý do không có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền. Nhưng họ vẫn cặm cụi viết kịch bản mới, dù hi vọng về các nhà đầu tư luôn rất mong manh. Cơ bản, việc mua kịch bản ngoại đến từ hai lý do. Thứ nhất, tên tuổi của các phim gốc sẽ là điểm tựa để hút khách cho bản Việt hoá. Thứ hai, nó còn là quyết định của đơn vị đầu tư, mà theo tin đồn, bị chi phối cực mạnh bởi CJ.

Song, thứ vượt ra ngoài cái diện mạo chuyên đi làm lại phim nước ngoài của điện ảnh Việt hiện đại đã đặt ra câu hỏi liệu có sự sao chép tinh vi của điện ảnh Việt suốt những năm qua. Khi phim “Kungfu Hustle” của Châu Tinh Trì gây bão, lập tức điện ảnh Việt xuất hiện những dạng na ná kiểu phim hài với chi tiết phi logic như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Ngay sau khi “Mama, Mia” làm mưa làm gió các rạp, điện ảnh Việt cũng tiếp nối bằng một bắt chước thậm chí giống nhau nhiều chi tiết trong câu chuyện là “Những nụ hôn rực rỡ”… Kiểu copy tinh thần phim ngoại đình đám này đã thành quen tay, và nó tạo ra một gương mặt điện ảnh Việt hiện đại đầy chất “ốc mượn hồn”.

Việc Việt hoá phim ngoại nhìn qua không khác gì việc một đạo diễn, biên kịch Việt Nam dựng vở của Shakespare hay Moliere trên sân khấu Việt, hay việc một nhạc sỹ Việt dịch lời Việt cho một ca khúc ngoại lai. Song, cơ bản của việc dựng lại vở hay viết lời Việt kia nó còn nằm ở chỗ giữ vững tinh thần gốc, thậm chí có những chi tiết cực nhỏ cũng phải được giữ lại vì giá trị của nó trong tác phẩm. Còn việc Việt hoá điện ảnh, nhiều khi nó là sự bóp méo hơi thái quá khi bản thân người chuyển biên kịch còn chưa hiểu thấu đáo ý niệm gốc của cha đẻ tác phẩm.

Vẫn biết, tri thức là để học hỏi và những gì người khác làm, chúng ta rất cần học hỏi theo nếu nó là tích cực. Nhưng đừng lầm lẫn giữa học hỏi kế thừa và sao chép khôn ngoan. Dù tinh vi đến đâu đi nữa, sao chép khôn ngoan cũng chỉ là một cách làm khác của đạo nhái và nó lại còn tạo ra những sản phẩm đúng kiểu “ốc mượn hồn” khiến cho nền điện ảnh nước nhà trở nên méo mó hơn vì những giá trị lệch chuẩn.

Văn Đoàn
.
.