Nữ thi sĩ của xứ sở chim yến

Thứ Hai, 06/03/2017, 11:54
Nhà thơ Lệ Thu từng là đại biểu Quốc hội khóa 9 (1992 – 1997), Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định (1992 – 1997) và đã 4 lần nhận giải A Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu qua các giai đoạn: 1991 – 1995, 1996 – 2000, 2001 – 2005 và 2006 – 2010.


1. Quý 3 năm 1973, theo sự điều động của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thống nhất, một nhóm phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được điều động vào chiến trường miền Nam để thành lập ngay một Đài phát thanh Giải phóng ở Khu 5 (giống như Đài Tây Ninh ở Nam Bộ). 

Vì đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu: Phải là nhà báo viết tốt, có năng lực lãnh đạo, có khả năng bồi dưỡng phóng viên, cộng tác viên trong điều kiện “độc lập tác chiến” và nhất thiết phải là người Khu 5, nên nhà thơ Lệ Thu đã phải chia tay chồng, con (con trai đầu của bà lúc này mới 7 tuổi) và trở thành thành viên của nhóm trên.

Chuyến đi B (chiến trường miền Nam) của Lệ Thu bắt đầu từ ngày 10-8-1973 cho đến 30-4-1975 – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khởi hành tại Hà Nội và tập kết tại Bình Định.

Như thế là Lệ Thu phải đi dọc Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh và phải qua mọi gian khổ, thử thách như một người lính thực thụ. Đây cũng là cơ sở thực tế hết sức nóng bỏng để Lệ Thu hoàn thành cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” xuất bản vào đúng tháng 4 năm 2015, nhân 40 năm ngày nước nhà thống nhất qua Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Và chặng hành trình gian lao và anh dũng này được chia thành phần qua các tiêu đề: “Đường về”, “Sống ở Trường Sơn”, “Xuống đồng bằng”, “Với quê hương Bình Định”, “Chiến dịch mùa xuân 1975”, “Má về từ nhà lao”, “Hạ cánh xuống sân bay”…

Bên cạnh nỗi buồn, nỗi lo… chuyến đi B này còn đem đến cho Lệ Thu một niềm vui khác. Ngày 10-8-1973, bà viết: “Khi được thông báo ở trong danh sách đi B đó, mình chưa kịp nghĩ gì, cũng chẳng quan tâm đến chức vụ gì, chỉ thấy vui mừng vì sắp được về gặp má và các em sau 20 năm cách xa biền biệt. Đã bao nhiêu lần, mình mong mỏi được về quê”.

Cũng trong ngày 10-8-1973 này, bà  viết tiếp: “Vì cũng đã có không ít người viện cớ này nọ thật (để tránh đi B). Mình không muốn đánh đồng với sự không đàng hoàng đó”. Và ngay từ thời điểm đó, chị đã có suy nghĩ: “Đi nước ngoài hay đi chiến trường cũng đều tốt, miễn là sống có ý nghĩa”. Sở dĩ Lệ Thu có suy nghĩ này vì trước đó, bà không thể đi du học nước ngoài được vì lý do sức khỏe, cho dù đã học xong một năm dự bị tiếng Hoa ở  trong nước.

Vì là nhà thơ, nên đi dọc chiến trường, Lệ Thu làm khá nhiều thơ. Trong bài thơ “Viết cho con”, thơ bà có những câu thật hào sảng và khí khái: "Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ Trong vinh quang con không phải cúi đầu". Trong bài “Ru con”, bà đã hát ru thật cảm động trong tưởng tượng: "À ơi…con ngủ cho ngoan/ Giữa Trường Sơn, mẹ ru con à ời/ Vẫn là tiếng mẹ đấy thôi/ Vẫn là con đấy xa vời lắm thôi", rồi bà viết: “Ru con không thấy con khóc, mà chỉ có hai bà mẹ trẻ cùng khóc vì quá nhớ con”. Bà cũng có lúc vì “Buồn quá, chẳng biết làm gì, phải viết, cũng là để tâm sự với chính mình đấy thôi”.

Với Lệ Thu, những năm tháng chiến trường là những trải nghiệm máu thịt và lớn lao, chân thành của riêng bà: “Một thời gian khổ đã đi qua để lại cho con người những kỷ niệm vừa thân thiết, vừa sợ hãi. Lắm khi tự ngạc nhiên với mình, không hiểu tại sao mình lại có thể chịu đựng nổi đến mức vậy. Cũng như có những khi mình viết được những câu thú vị không ngờ, để sau đó một thời gian đọc lại nhật ký của mình mà rơi nước mắt”. Và đó cũng là phẩm chất và bản lĩnh của một nữ nhà báo - chiến sĩ.

Khi đọc “Lời cuối sách”, độc giả mới hiểu ra nguyên nhân sâu xa mà “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” được xuất bản. Lệ Thu muốn truyền lại suy nghĩ, hành động của cả thế hệ mình với thế hệ mai sau. Bởi thế mà bà mới viết như một sự bộc bạch, như một gửi gắm một cách cảm động, chân tình và tha thiết: “Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó (tập nhật ký) đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố”.

Vì thế mà không phải ngẫu nhiên, khi đọc “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”, trong “Lời giới thiệu”, nhà thơ Hữu Thỉnh trân trọng viết: “Cám ơn chị đã cho tôi được sống lại những ngày lịch sử trọng đại không bao giờ quên cách nay tròn 40 năm. Và cám ơn hơn nữa là được chị cởi mở hành trình tâm trạng trước biết bao thắt mở của đời sống chiến trường. 

Tôi nghĩ những ai đã trải qua cuộc chiến tranh oanh liệt ấy sẽ trân trọng tập nhật ký này. Và cả những người mới đến, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, cũng sẽ nâng niu những trang đời của một lớp người đi trước. Lệ Thu viết cho riêng chị, nhưng “tài liệu cá nhân” này cần thiết và có ích cho tất cả chúng ta”.

2. Trong cuốn “Văn nhân Bình Định – một góc nhìn”, nhà văn Lê Hoài Lương viết: “Từ tập thơ đầu tay “Xứ sở loài chim yến” đến tập thơ mới nhất (“Tri âm của đất”, tập thơ thứ mười) và nếu tính thêm cả trăm bài đang sắp xếp cho tập thơ mới, có thể nói đó là sản phẩm những tháng năm cầm bút của nhà thơ Lệ Thu. 

Tôi nêu vài thống kê nhỏ ấy cũng chỉ để nói điều này: Khởi đầu những vần thơ in báo đến các cuốn sách từ bấy đến giờ của bà là một vạch thẳng băng, nhất quán, về những suy tư và thi pháp, về bản lĩnh và điềm đạm một tấm lòng, một niềm tin. Đó là sự thẳng băng nhất quán của người – thơ Lệ Thu”.

Nhà thơ Lê Thu trong một buổi giao lưu với các độc giả tại câu lạc bộ văn hóa Xuân Diệu, tỉnh Bình Định.

Nhà văn Lê Hoài Lương cho rằng: “Lệ Thu là người viết nhiều thơ cho con xuất phát từ cảm thức về Tổ quốc và tấm lòng người mẹ, có khi bằng lời hát ru đẫm chính khí: "Chênh vênh vách đá ngàn khơi/ Mẹ xây tổ giữa một trời sóng chao/ Cho con biết tự dạt dào/ Hiên ngang từ phút ban đầu loài chim", có khi chắt lòng đơn giản một lòng mẹ, một người mẹ-thi-sĩ: "Vần thơ dù dở, hay/ Đời mẹ dù đắng chát/ Vẫn dành riêng khúc hát/ Ngọt lành này cho con…”.

Bà kể: “Tôi tập kết ra Bắc năm 1955, từng là học sinh phổ thông của Trường 6, Trường 8 ở Hải Phòng, cùng thời với Trà Giang, Ý Nhi, Nguyễn Chí Hiếu… Ở độ tuổi thanh xuân, tôi theo học Tổng hợp Văn khóa 6 cùng với Mã Giang Lân, Anh Ngọc, Lữ Huy Nguyên, Hoàng Lại Giang, Đinh Văn Đức…

Hai bài thơ đầu tiên của tôi là “Tên anh” và “Mường Khương” được “trình làng” vào năm 1970 trên Báo Quân đội nhân dân và Báo Văn nghệ với bút danh Lưu Phương. Từ tháng 9 năm 1964, tôi đã là phóng viên của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Năm 2014, tôi đã gần như tổng kết đời thơ của mình bằng cách xuất bản tập thơ tuyển “Điềm đạm Việt Nam”.

Tôi đã đọc kỹ “Điềm đạm Việt Nam” và ấn tượng với những bài thơ của bà: “Đừng hỏi”, “Dặn con”, “Qua dốc”, “Sân khấu – cuộc đời”, “Như có điều gì”, “Nhiều khi”, “Một thời ta sống”, ”Qua sông Mịch La nhớ Khuất Nguyên”, “Hai bốn chữ cái”, “Thế chấp”, “Vết xước”…

Những câu: "Nếu mỏi/ con ngồi đâu cũng được/ miễn đừng làm nát cỏ non/ Muốn cao hơn/ con đứng đâu cũng được/ trừ trên đầu bạn con/ Muốn đến đích/ con đi đường nào cũng được/ đừng vừa đi vừa mắng mỏ đường mòn" hoặc "Xin cẩn trọng mỗi khi cầm dao kiếm/ Khi thốt lời/ Khi ngắt một nhành hoa"… làm tôi nhớ và kính trọng bà thêm. Có lần, mắt tôi lẫn tâm trí tôi đã dừng khá lâu ở “Thế chấp” với nhiều ngẫm ngợi:

Câu thơ hay không bảo lãnh được hành vi
nếu hành vi đó có chút gì khuất tất
chỉ có thể đem giá trị đời mình có thật
thế chấp cho đời để nhận những câu thơ.

Và cả ở những câu thơ lắng đọng đầy tâm sự trong “Qua Mịch La nhớ Khuất Nguyên” nữa:

Tận đáy Mịch La hề mãi sạch
Khóc, cười…viên cuội giữa xanh trong
Rong rêu chẳng bám hề thanh bạch
Ôm khúc Ly Tao buốt tận lòng.

3. Nhà thơ Lệ Thu từng là đại biểu Quốc hội khóa 9 (1992 – 1997), Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định (1992 – 1997) và đã 4 lần nhận giải A Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu qua các giai đoạn: 1991 – 1995, 1996 – 2000, 2001 – 2005 và 2006 – 2010.

Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi thấy bà là một người lịch lãm, thẳng thắn, tự trọng, đầy bản lĩnh và luôn tôn trọng lý tưởng sống của mình. Bà hầu như không quan tâm, để ý đến những chuyện không đâu.

Có lần tôi nêu thắc mắc: “Thế giữa nhà thơ Lệ Thu và nhà thơ N. có chuyện gì mà hai người có vẻ “công” nhau đến thế?”, bà cười cười: “Thì có gì đâu. Đơn giản vì các nhà thơ dễ giận nhau lắm. Mà có khi chỉ vỉ cái cớ rất không đâu. Có khi chỉ có một người “dựng chuyện”: “Chị ấy không thích thơ anh lắm và đã có lần chê thơ anh”, thế là bất cần kiểm chứng, tự nhiên… thành chuyện”.

Tôi thắc mắc tiếp: “Ở ngoài kia, sao có người hiểu nhầm chị qua những lời thị phi? Chị có biết không và thấy có cần nói lại gì không?”, nhà thơ Lệ Thu thản nhiên: “Biết chớ! Nhưng mình thấy cũng không cần thiết phải thanh minh nữa. Vả lại, mình cũng đã lớn tuổi rồi. Hơi đâu…”.

Đặng Huy Giang
.
.