Nỗi niềm “biển nhớ”

Thứ Ba, 11/12/2018, 08:14
Trước khi tôi đi Quy Nhơn, đã có người "đe" hãy cẩn thận, chớ xuống biển vào các buổi sáng, dễ bị cá mập cắn. Lại có người dặn, nếu có uống rượu Bầu Đá, thì phải uống ít một, kẻo nó cay xé cổ họng đó. Thêm một ông bạn ghé tai đọc: "Bình Định có núi Vọng phu/ Có đầm Thị Nại có cù lao xanh/ Em về Bình Định cùng anh/ Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa". Nhớ được mấy thứ đó, tôi ù cả tai. Thế là lên đường...


Những giọt Chàm

Đến thành phố Quy Nhơn, tôi thật may gặp được vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang. Họ đưa ra một số địa chỉ cho tôi lựa chọn. Trong số những nơi sẽ đến, tôi thú vị nhất là những cụm Tháp Chàm và muốn đến thành Đồ Bàn (Vijaya), cố đô cuối cùng của người Chăm ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định.

Hôm sau, chúng tôi có mặt tại Tháp Đôi, trên đường Trần Hưng Đạo, cách trung tâm chừng ba cây số. Theo như nhà thơ Trần Thị Huyền Trang cho biết, hồi 1985, cố thi sĩ - nhạc sĩ Văn Cao cũng đã từng đến đây và còn đi thăm nhiều cụm Tháp Chàm khác. Nhân dịp này, nhà thơ đã viết ba bài thơ Quy Nhơn, trong bài thơ thứ hai có câu rất độc đáo viết về những ngọn tháp: "Từ trời xanh - rơi - vài giọt Tháp Chàm". Sau chuyến đi đó, chùm thơ này của Văn Cao đã được in trên báo Văn nghệ. Đây là sự báo hiệu trở lại của nhà thơ sau gần ba mươi năm im lặng. Ba thi phẩm "Quy Nhơn" đã ghi dấu ấn lạ, gợi những bí ẩn trong các ngôi Tháp Chàm tồn tại nơi đây.

Tác giả bài viết bên Tháp đôi.

Nghe nói trên đỉnh hai ngọn tháp, người Chăm đã gắn hai quả cầu bằng vàng thật, nhưng đã bị giặc Pháp cướp phá đem đi. Sau bao nhiêu năm trùng tu, lấy lại nguyên dạng cổ xưa, nay Tháp Đôi như một báu vật, đúng với hồn cốt Chăm. Một vẻ đẹp kiêu hãnh và linh thiêng. Tháp lớn cao 20m. Tháp nhỏ chừng 18m. Chúng nằm gần kề bên nhau như một cặp "vợ chồng" hạnh phúc. Những lớp gạch chồng khít đỏ au, mượt mà dưới nắng vàng ruộm mật ong. Tôi như bị hút hồn vào cụm điêu khắc vũ nữ Chăm vòng quanh diềm mái tháp. Đó là biểu tượng được khắc họa ở nhiều tháp khác, nhưng ở đây sự hiện diện của những vũ nữ lại vô cùng cuốn hút.

Một không gian trầm lắng lọt thỏm sau con phố ồn ào. Hai ngôi tháp bên những cây dừa cao vút, tạo nên sự song hành như đang bay lên trời. Ở đó các vũ nữ cùng những chú hươu bên tháp nhỏ vui hát trong tiếng kèn Saranai réo rắt. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên: "Cả trời đất đêm nay tràn ánh sáng/ Bên Chiêm nương ta say uống nguồn mơ" (Ánh sáng). Nguồn mơ đó chính là sự mầu nhiệm của vũ điệu Chăm. Những nhịp điệu của đường cong dụ hồn người đi theo một nguồn sáng vũ trụ. Chính vì lẽ đó, trong dân gian, người Bình Định vẫn truyền tụng rằng: "Cầu đôi mà tháp cũng đôi/ Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao".

Lễ hội của người Chăm cũng diễn ra hàng năm ở đây. Đội vũ nữ Chăm trong thôn thường xuất hiện như bay từ trên tháp xuống. Họ biểu diễn trong nhạc lễ, tưởng vọng lại một vương triều đã tàn phai sau hàng ngàn năm tồn tại. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang còn cho biết, thành Đồ Bàn hiện nay chỉ còn là dấu vết, các báu vật còn lại của các chế đế Chăm không được bao nhiêu. Nhưng may sao, các cụm Tháp Chăm đã tồn tại cho đến ngày nay. Chúng là minh chứng sâu sắc nhất cho thời trị vì trong suốt năm thế kỷ (từ năm 1000 đến 1471) của các đế chế Vijaya tại Bình Định.

Tháp Đôi là điểm nhấn tiêu biểu của 14 công trình Tháp Chăm cổ đang được bảo tồn. Đặc biệt trong đó Tháp Cánh Tiên, thuộc khuôn viên thành Đồ Bàn cổ còn gắn với tích Vua Chế Mân ra lệnh xây tặng riêng cho vợ, Công chúa Huyền Trân, trong mối nhân duyên bang giao trước đó. Tiếng trống Ghi năng đâu như kế bên Tháp Đôi vỗ liên hồi, dồn dập tựa sóng biển khắc khoải ngày đêm…

"Trời cao níu bước sơn khê"

Nơi chúng tôi đến tiếp theo, Trường Đại học Quy Nhơn (Trường Sư phạm Quy Nhơn cũ), nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bản "Dã Tràng ca". Những ký ức xa xôi hiện về như câu chuyện của mới ngày hôm qua thôi. Nữ thi sĩ trẻ Minh Đan (hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh), người Bình Định có lần nói với tôi, đi đâu vẫn hướng về "mắt biển" quê nhà. Bởi ở đó thời sinh viên, chị đã từng hát những khúc tình ca của Trịnh.

"Biển nhớ" đã ghi lại những hình ảnh mơ mộng và thăm thẳm một Quy Nhơn, với "mắt đêm đèn vàng". Đó là cuộc chia tay nặng trĩu tâm tư, không lời hò hẹn mà Trịnh Công Sơn gửi cho người đẹp Bích Khê. Nàng là ca sĩ hát trong đội văn nghệ nhà trường do Trịnh Công Sơn cùng nhóm bạn thành lập nên. Cô sinh viên xinh xắn dễ thương Bích Khê đã neo vào tâm hồn nhạy cảm của Trịnh Công Sơn.

 Giọng hát trong trẻo trôi trong tiếng đàn ghita gỗ như mối giao cảm thầm lặng, như có như không nơi biển vắng ngày nào. Đến khi nàng phải về với gia đình ở Nha Trang (1963), dây đàn yêu bỗng như đứt giữa chừng, cho dù cuộc tình chưa tới. Một nỗi nhớ bâng khuâng cất lên trong đêm đèn vàng ấy. Tình ca "Biển nhớ" như một cuộc trò chuyện chia xa: "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê/ Trời cao níu bước Sơn Khê…".

Có thể nói, trong giai đoạn ở Quy Nhơn (từ 1962 đến 1964), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác được nhiều ca khúc nhất, sau thời "Ướt mi". Đặc biệt, trong cuốn sổ truyền thống nhà trường vẫn còn ghi lại hình ảnh vang dội của ba đêm "Đại nhạc hội" do đội văn nghệ nhà trường biểu diễn tại rạp Kim Khánh (rạp 31-3 hiện nay). Ngôi phòng trọ trên đường Gia Long (Trần Hưng Đạo) nay tuy không còn như cũ, nhưng vẫn lưu dấu bước chân Trịnh Công Sơn ngày nào. Trên lầu cao của ngôi nhà vẫn còn tiếng đàn của Trịnh kể những câu chuyện về biển và nỗi niềm chan chứa thân phận con người.

Tháp Cánh Tiên trong khu vực thành Đồ Bàn cổ.

Nhiều người hiện vẫn còn nhớ hình ảnh người nhạc sĩ gầy gò, ngồi trên bờ biển hút thuốc cùng với cây đàn. Nhạc sĩ đã viết những tình khúc trên vỏ bao thuốc lá Bastos xanh, khi cảm xúc ập đến, cùng nỗi niềm trong con tim trào dâng. Những bản viết tay được đưa đến ban nhạc tập và ai cũng thuộc lòng. Đó là một cách xuất bản kỳ lạ nhất trong cuộc đời nghệ sĩ.

Giờ đây, ai còn giữ lại những vỏ bao thuốc vuông vắn ấy thì quý giá biết chừng nào. Bởi còn đó những "Vết lăn trầm", "Chiều một mình qua phố", "Lời mẹ ru", "Hoa buồn", "Nắng thủy tinh", "Cát bụi"… Nhiều bản nhạc không còn được lưu giữ bút tích của Trịnh. Một thời như "Trường ca Dã Tràng" đã bị lưu lạc đến bốn mươi năm, sau mới có dịp tìm lại.

Vào thời kỳ này, có quán cà phê Tuyết Trắng (gần sát với Trường Sư phạm), nơi Trịnh Công Sơn thường cùng bạn bè lui tới. Tới năm 1995, xuất hiện quán cà phê Thu Vàng ở 70 phố Trần Cao Vân, đầu tiên có ban nhạc biểu diễn.

Ca sĩ Quang Dũng khi 16 tuổi cũng đã từng hát ca khúc "Ướt mi" tại Thu Vàng. Đặc biệt, quán thường tổ chức đêm hát nhạc Trịnh vào dịp sinh nhật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28-2) hàng năm. Sau bao thăng trầm cuộc đời, tới tháng 10-1998 nhạc sĩ mới có dịp trở lại, ngồi uống cà phê với chị Thu Trang chủ quán cùng bạn bè cũ. Đó là sự cảm kích và tri ân cuối cùng với Quy Nhơn. Bởi hai năm sau, nhạc sĩ đã chia tay cõi tạm về với thiên thu, trong một ngày "không tưởng" (1-4-2001).

Ngôi nhà văn chương

Một điều bất ngờ đến với tôi khi trở về nhà vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, mới hay cả con trai của anh chị cũng là một nhà văn trẻ (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), nổi tiếng về những tác phẩm viết cho tuổi thiếu niên.

Tôi đã từng thuộc những câu thơ của Nguyễn Thanh Mừng từ cách đây 20 năm, với hồn thơ lạ lẫm sảng khoái, pha chút ngông ngạo: "Ngửa đầu uống một kinh thành/ Nét mày Phật Thệ vừa thanh thản cười/ Giang tay viết giữa mây trời/ Câu thơ hào sảng tặng người hào hoa" (Uống nước dừa bên tháp Vijiya). Còn nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang lại thầm lặng, tinh tế: "Tôi mang theo trong trái tim mình/ Mùi ban mai và mùi nắng chiều chưng cất qua tán lá/ Không thể nào phai giữa bon chen hối hả/ Mùi dấu yêu thấm đượm của người thân" (Hành trang).

Họ thật hạnh phúc khi con trai Nguyễn Trần Thiên Lộc đồng hành trên con đường chữ nghĩa. Ở tuổi 28, Nguyễn Trần Thiên Lộc đã có hơn 10 đầu sách, với những giải thưởng văn học về tuổi thơ. Nhưng anh luôn nhớ lời mẹ dặn: "Trước thời gian không phải nhiều lời/ Ta đã vượt bao nhiêu rào cản/ Bàn tay ấm hơi bàn tay bè bạn/ Yêu chân thành, tin cậy - thế là đi!". Quả đích thị đây là ngôi nhà văn chương đáng yêu ở xứ biển Quy Nhơn.

Vương Tâm
.
.