Nở rộ nhạc phim gây sốt

Thứ Bảy, 12/08/2017, 08:04
Đi đôi với số lượng và chất lượng phim Việt ngày càng tăng, vài năm trở lại đây, nhạc phim cũng có bước đột phá đáng kể. Đáng mừng là ngày càng nhiều bài hát khi tách khỏi khuôn khổ bộ phim vẫn sống khỏe, thậm chí gây bão dài lâu trong cộng đồng yêu nhạc.


Nổi từ bài mới đến nhạc cũ

Ca khúc “Ngồi hát đỡ buồn” do Trúc Nhân trình bày trở thành từ khóa được săn lùng nhiều nhất YouTube. Đây chính là bài hát tạc nên linh hồn cho bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho ra đời ca khúc vô cùng độc lạ theo đúng chuẩn yêu cầu hóc búa của đạo diễn: “Một bài hát vừa mang hơi hướm đồng quê Mỹ nhưng phải rất Việt Nam. Ca từ nói về nỗi buồn nhưng phải mang đến không khí vui vẻ, không nên cụ thể, nghe vu vơ vô nghĩa nhưng lại có lớp lang sâu sắc về ý tứ”. Đối lập với sắc thái hóm hỉnh, tưng tửng của “Ngồi hát đỡ buồn” là ca khúc “Cô gái ngày hôm qua” đầy da diết, lãng mạn do Vũ Cát Tường thể hiện.

Bộ phim “Em là bà nội của anh” nổi tiếng với ca khúc chủ đề cùng tên. Thế nhưng sáng tác được giới trẻ lùng sục nhiều nhất trong bộ phim này lại là “Mình yêu từ bao giờ” (nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong) do Miu Lê trình bày. “Em chưa 18” thì nổi đình nổi đám với bài hát “Yêu là tha thứ” của Only C. Only C xem ra rất có duyên với nhạc phim.

Ca khúc “Bống bống bang bang” của anh dành cho phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” hay “Hai cô tiên” (hợp tác cùng nhạc sĩ Hoàng Long) cho phim “Ngày xửa ngày xưa” đều trở thành hit khiến giới học sinh, sinh viên phát cuồng bởi giai điệu, ca từ lạ tai, vui nhộn. Trong đó, MV “Bống bống bang bang” trở thành MV đầu tiên của làng nhạc Việt cán mốc 200 triệu lượt xem trên YouTube sau gần một năm ra mắt.

“Bống bống bang bang” là nhạc phim thành công nhất khi sở hữu MV đầu tiên của Vpop cán mốc 200 triệu lượt xem trên YouTube.

Điểm danh hết nhạc phim ấn tượng phải tốn khá nhiều thời gian. Điển hình có thể nhắc đến  “Chờ người nơi ấy” của nhạc sĩ Huy Tuấn trong phim “Mỹ nhân kế”, "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP trong phim "Chàng trai năm ấy",  “Cho em gần anh thêm chút nữa” của bộ phim cùng tên, “Anh từ đâu”- phim “Bao giờ có yêu nhau”...

Nhiều bộ phim trở thành liều doping cho hàng loạt bài hát xưa cũ - vốn là bản hit một thời - trong giới thanh niên. “Tình thôi xót xa” và “Tình thơ”, “Người ta nói” được bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” lăng xê mạnh mẽ. Các bạn trẻ thi nhau cover (thể hiện lại) những nhạc phẩm của chương trình “Làn sóng xanh” vốn gây sốt cách đây 20 năm. Giới ca sĩ cũng không thua kém khi cover theo hướng cách tân khiến ca khúc vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm.

Nhạc Trịnh quen thuộc với công chúng nhưng thẳng thắn thừa nhận rằng nhạc Trịnh vẫn chưa được đông đảo giới trẻ mộ điệu. Nó thường mặc định là dòng nhạc dành cho lớp người nhiều trải nghiệm. Vậy mà qua giọng hát của Miu Lê trong phim “Em là bà nội của anh”, những tai nghe vốn khoái Sơn Tùng M-TP, những đôi chân nhảy nhót tưng bừng với Only C lại say sưa lên mạng tải về “Còn tuổi nào cho em”, “Diễm xưa”. Và họ cover trên mạng xã hội, hát mỗi khi đi karaoke.

Dễ hiểu bởi Miu Lê là ca sĩ trẻ, cô có cách cảm nhận và xử lý bài hát “khó nhằn” của Trịnh theo cách riêng mình. Cô hát như đang kể chuyện, hồn nhiên mơ mộng, trong trẻo thả nỗi buồn theo gió. Nó đồng điệu với tâm hồn người trẻ. Điểm cộng lớn chính là bài hát ấy quá hợp với mạch phim, với cảm xúc của một bà lão được trở về trong hình hài cô gái đôi mươi tinh nghịch. Nhiều người thừa nhận, nghe “Còn tuổi nào cho em” và nhìn lại chuỗi hoài niệm về tuổi thanh xuân góa chồng, một mình lăn lộn tần tảo nuôi con của nhân vật Thanh Nga, họ ứa nước mắt.

“Thằng Cuội” là ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Lê Thương nhưng nhờ bản hòa âm mới mẻ của nhạc sĩ Đỗ Thanh Lâm, nhờ bối cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhạc và phim đã hòa làm một, dìu đỡ trên đôi cánh của nhau để đến thẳng trái tim công chúng. Phần hòa âm giản đơn, mộc mạc hòa cùng giọng hát trong veo, nũng nịu trẻ con của Ngọc Hiển khiến “Thằng Cuội” làm người xem rưng rưng nhớ khung trời tuổi mộng hồn nhiên.

Không kém cạnh Victor Vũ, Dustin Nguyễn khá cao tay khi sử dụng ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau” của Phạm Duy để khắc họa mối tình đẹp như mơ, đắm say tận cùng, khổ đau chất ngất mà đầy ma mị, luân hồi kiếp kiếp trong phim “Bao giờ có yêu nhau”.

Hết rồi thời “cho đủ mâm đủ bát”

Trước đây hơn chục năm, giới nhạc sĩ không ngừng la ó nhạc phim điện ảnh của Việt Nam quá tệ. Các đạo diễn không coi trọng nhạc phim nên cứ tiện tay là lấy một đoạn nhạc có sẵn nhét vào cho đủ mâm đủ bát, tạo “không khí” chứ không quan tâm nó có phù hợp với mạch truyện, tâm lý nhân vật hay không. Số khác thì đặt hàng sáng tác với giá bèo. Hệ quả là ca khúc sơ sài, lồng vào với mục đích minh họa là chính hoặc dùng cho đoạn mở đầu và kết phim. Việc đầu tư ra tấm ra món với nhạc phim đối với họ quá xa lạ, tốn kém.

Vài năm trở lại đây, khi thị trường phim điện ảnh Việt bùng nổ và cạnh tranh gay gắt thì cái nhìn về nhạc phim đã khác. Họ hiểu rõ sự lợi hại của âm nhạc với điện ảnh như nhạc sĩ Huy Tuấn từng khẳng định chắc nịch, đại ý: “Một tác phẩm âm nhạc không có hình ảnh thì nó vẫn là tác phẩm độc lập. Nhưng một bộ phim không có âm nhạc thì nó không phải là một tác phẩm hoàn chỉnh”. Vì thế, nhà sản xuất không ngại rót một khoản tiền lớn để đặt hàng nhạc sĩ tên tuổi viết từ nhạc nền, nhạc đệm đến sáng tác ca khúc sử dụng trong phim, ca khúc quảng bá trước và sau khi phim phát hành. Đặc biệt, bây giờ gần như phim nào cũng chịu chi để dựng ca khúc chủ đề thành MV độc lập như một sản phẩm âm nhạc thực thụ.

“Ngồi hát đỡ buồn” của phim “Cô gái đến từ hôm qua” đang gây bão trong cộng đồng yêu nhạc.

Số lượng nhạc phim không dừng lại ở một, hai bài mà nâng lên đáng kể để đạo diễn tha hồ lựa chọn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sử dụng tổng cộng 11 ca khúc trong “Cô gái đến từ hôm qua”. Khỏi phải nói cũng biết đội ngũ làm nhạc cho bộ phim này hùng hậu thế nào.

Bên cạnh Nguyễn Hải Phong dày dạn kinh nghiệm, êkip còn có nhạc sĩ Vũ Cát Tường, Trần Hữu Tuấn Bách và các nhạc sĩ phối khí như Nguyễn Thanh Nhật Minh, Tâm Vinh, Vũ Minh Tâm, Trần Dũng Khánh... Đạo diễn Victor Vũ cũng là người vô cùng chăm chút cho khâu âm nhạc. Anh thường hợp tác với nhà soạn nhạc gốc Á Christopher Wong để tạo nên giai điệu mê mẩn cho “Giao lộ định mệnh”, “Chuyện tình xa xứ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”...

 Không ít phim bị liệt vào hàng thảm họa đã vớt vát phần nào doanh thu vì khán giả đến rạp để nghe hơn là xem. Nổi bật nhất phải kể đến “Vòng eo 56”. Đối lập với nội dung bị chê tơi tả thì ca khúc “Ngày em xa quê” thuyết phục hầu hết đôi tai khó tính.

Người ta nhớ mãi giọng hát Thùy Chi trong vắt ngân lên giữa cánh đồng lúa xanh đầy da diết, khắc khoải. Ca khúc “Mẹ ơi đừng bỏ con” ở phân cảnh cuối được xem là chi tiết đắt giá “cứu” bộ phim “Bệnh viện ma”. “Fan cuồng” cũng là trường hợp thuộc về “phần nghe lấn phần xem”. Nhiều nhạc phẩm rock như “Đi về yêu thương” khiến khán giả “phát cuồng”.

Biết rõ thế mạnh của nhạc phim nên mới xuất hiện trào lưu mua ca khúc hit đang làm mưa làm gió để lấy le. Tuy nhiên, ca khúc hay không thể cứu hoàn toàn bộ phim nếu nội dung phim quá dở hoặc nhạc phim một đằng, cốt truyện một nẻo. Dù tốn bộn tiền mua "Lạc trôi" làm át chủ bài nhưng "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu" vẫn lẹt đẹt ở phóng vé. “49 ngày" phần 2 cũng chỉ gây ấn tượng ban đầu khi đạo diễn tuyên bố mua bản quyền ca khúc hit "Yêu không hối hận"  làm nhạc phim.

Rõ ràng, thành công ở đây không phải là ăn may mà cần có sự bắt tay, đầu tư nghiêm túc của cả người làm phim và người làm nhạc. Nếu ví phim như tấm vải thô thì nhạc chính là hoa văn hoàn thiện, tạo sức hút và sự hài hòa cho tấm vải.

Nhạc sĩ Vũ Cát Tường cho rằng viết nhạc phim không chỉ đòi hỏi nhạc sĩ phải nắm rõ chủ đề, nội dung tư tưởng bộ phim mà còn phải am hiểu được tâm lý nhân vật. Điều đó buộc nhạc sĩ phải có trải nghiệm, có vốn sống dày dặn. Bài hát chứa giai điệu mới lạ, lời ca giàu chất văn học, gửi gắm chiều sâu thông điệp thì mới mong vừa nâng tác phẩm điện ảnh lên, vừa góp phần làm phong phú đời sống âm nhạc.

Phan Thi Uyên
.
.