Chương trình "Còn điều chi em mải miết đi tìm?":

Những tụng ca thương yêu bằng thơ nhạc

Thứ Bảy, 11/03/2017, 08:00
Hà Nội như co mình lại trong cái se sắt của đợt không khí lạnh cuối mùa. Nhưng những người yêu thơ Hồng Thanh Quang đã có những phút giây ấm áp khi được hòa mình vào không khí của đêm thơ nhạc: "Còn điều chi em mải miết đi tìm" tối 6-3 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. 


Hơn cả một "cuộc chơi" của thi cả đời say đắm với thơ, chương trình là những yêu thương, những xa xót, là món quà dành tặng những người phụ nữ, những người mà Hồng Thanh Quang trân trọng và lúc nào cũng mang trong mình cảm giác "cả đời như mắc nợ" nhân ngày 8-3.

Mặc dù rất bận rộn trên cương vị lãnh đạo của một cơ quan báo chí nhưng có lẽ chưa khi nào nhà thơ Hồng Thanh Quang lơ là với thơ. Ngoài việc thường xuyên cập nhật thơ trên trang Facebook cá nhân nhà thơ Hồng Thanh Quang còn chiều chuộng độc giả yêu thơ bằng việc đưa những tác phẩm của mình lên sân khấu. 

Sau các chương trình "Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em" (tháng 11-2013), "Anh không muốn lạc em thêm lần nữa" (tháng 10/2015) và "Trở về thương lấy nhau thôi" (tháng 1-2015 ở Quảng Bình), thì "Còn điều chi em mải miết đi tìm?" tiếp tục là món quà ý nghĩa mà nhà thơ Hồng Thanh Quang dành tặng cho những người yêu thơ, những người phụ nữ trong những ngày tháng 3 vô cùng đặc biệt.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc thơ trong chương trình.

Chia sẻ về việc chọn thời điểm tổ chức chương trình, nhà thơ Hồng Thanh Quang hóm hỉnh: "Cá nhân tôi nghĩ rằng, không có một ngày lễ nào lại vì đàn ông như ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Bởi đây là dịp đàn ông có cơ hội được bày tỏ tình yêu, sự quan tâm của mình đối với người phụ nữ và được làm những việc để phụ nữ trở nên hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn. 

Và khi phụ nữ hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn thì họ sẽ có nhiều cảm hứng để làm cho đàn ông trở nên hạnh phúc". Lý giải cho thắc mắc tại sao anh lại lấy tên cho chương trình là một câu thơ trong bài "Khúc mùa thu" nổi tiếng của mình: nhà thơ Hồng Thanh Quang cho hay: "Chương trình là một câu hỏi đầy đau đớn. Đó là sự băn khoăn day dứt và đau đáu của người đàn ông với người phụ nữ của đời mình. 

Là một người đàn ông, tôi muốn qua chương trình này giúp người phụ nữ sẽ hiểu hơn về người bạn đời của mình...". Đọc thơ Hồng Thanh Quang sẽ thấy anh luôn dành một sự yêu thương, thấu hiểu, nâng niu những người phụ nữ. Nên có người cho rằng, Hồng Thanh Quang viết thơ dường như để dành riêng cho những người phụ nữ, nhất là những người phụ nữ đa đoan cũng không sai. 

Những câu thơ ngập tràn cảm xúc, tha thiết và sẻ chia của anh có khả năng làm dịu đi, làm mát lành những đau đớn thương tổn mà đôi khi cuộc đời chất chồng lên vai phụ nữ. Nếu như phụ nữ tìm thấy cảm giác được che chở, nâng niu trong những câu thơ chân thành của anh  thì đàn ông tìm thấy trong thơ anh những tâm sự của chính lòng mình.

Trong cảm thức của những người yêu thơ Hồng Thanh Quang, khúc tụng ca mà anh dành tặng những người phụ nữ luôn là lời "Xin lỗi". Đó là lời xin lỗi hóm hỉnh với cô gái mình để ý: "Anh nào muốn nhớ em đâu/ Sao không thể viết một câu hững hờ?". 

Với cô con gái bé nhỏ, đó là lời xin lỗi đầy trách nhiệm: "Con gái ơi cục cưng của cha ơi/ Cha có lẽ không thể giúp cho đời con bằng phẳng hơn định mệnh/ Nhưng nếu cha yêu thương trân trọng hơn tất cả đàn bà trên thế giới/ Đời con sẽ đỡ mưa sa?". 

Và, với Mẹ, lời xin lỗi đã bật thành tiếng: "Mẹ ơi, sắp cuối con đường/ Làm sao để mẹ đỡ buồn vì con?". Ý niệm ấy trong thơ Hồng Thanh Quang lan tỏa đến người thưởng lãm bằng thanh ngân của NSND Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, tiếng hát của NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Phương Anh…

Là người giàu ý tưởng nên mỗi chương trình của Thơ nhạc của Hồng Thanh Quang luôn mang đến những bất ngờ, thú vị. Chương trình "Còn điều chi em mải miết đi tìm?" lần đầu tiên thơ được biểu diễn thông qua hát xẩm. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, chị là "fan" hâm mộ thơ Hồng Thanh Quang. 

Chị không bỏ sót một bài thơ nào trên Facebook của anh, thậm chí còn lưu lại trong sổ tay những bài thơ yêu thích: "Được biểu diễn trong chương trình thơ - nhạc của anh Hồng Thanh Quang là cơ hội may mắn cho tôi và nhóm xẩm Hà Thành. Có lẽ vì "con mắt nghề nghiệp" nên tôi luôn yêu những bài thơ đậm chất dân gian gần với xẩm như "Anh nào muốn nhớ em đâu", "Bỗng nhiên ta nhớ người dưng"...". 

Nghệ sĩ Khương Cường thì khẳng định: "Có người nói, thơ anh Quang chỉ để hát, tôi sẽ chứng minh rằng ngâm cũng rất hay". Cũng tại đêm nhạc này, lần đầu tiên nhà thơ Hồng Thanh Quang giới thiệu tới khán giả ca khúc do mình sáng tác: "Lạc tới dòng sông" qua sự thể hiện của NSƯT Tấn Minh. Bên  cạnh lợi thế về mặt ngôn ngữ, hình ảnh, những giai điệu trong ca khúc đầu tay này cũng da diết không kém những câu thơ đã làm say đắm lòng người của anh.

Khán giả đến với đêm thơ của Hồng Thanh Quang phần lớn là những người đã từng trải, có những năm tháng dặm dài tuổi trẻ buồn vui với thơ anh. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ. Họ đến, để thấy những rung động tình yêu của chính mình trong từng câu thơ, nốt  nhạc. Có lẽ, làm thơ không bao giờ là lựa chọn lý trí của nhà thơ Hồng Thanh Quang từ thuở 17 tuổi dạt dào rung cảm với trước một cô gái cho đến khi bước qua ngũ thập giãi bày với vợ, vỗ về con gái hay khóc mẹ... 

Thơ với Hồng Thanh Quang tự nhiên như sự ghi lại cảm xúc thật thà nhất của chính anh về những người phụ nữ bên mình? Với "Còn điều chi em mải miết đi tìm" trong thánh đường nghệ thuật, giữa gia đình, bạn bè và người hâm mộ, một lần nữa Hồng Thanh Quang lại rơi nước mắt tụng ca bằng thơ, bằng âm nhạc về những người phụ nữ.

Khánh Thảo
.
.