Những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật của lực lượng CAND trong năm 2018
Đoàn kịch nói CAND gây ấn tượng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2018
Năm 2018, Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4, với 27 vở diễn của 22 đoàn kịch nói trong cả nước. Đến với sân thi lớn này, Đoàn Kịch nói CAND có vở diễn "Gặp lại người đã chết" được Ban tổ chức trao Huy chương Bạc; các cá nhân như diễn viên Hồng Lê (vai Bảo Yến), Hồng Tuấn (vai Ba Tẩu) được trao Huy chương Vàng.
Huy chương Bạc được trao cho diễn viên Mỹ Duyên, Quốc Thắng, Việt Tùng. Đây được xem là một thành công lớn của Đoàn Kịch nói CAND trong năm qua.
Cảnh trong vở “Gặp lại người đã chết” của Đoàn Kịch CAND trong năm 2018. |
Điều đáng nói hơn "Gặp lại người đã chết" là một vở diễn cảm động, đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả dù là khi đoàn biểu diễn tham gia Liên hoan; đi lưu diễn tại các tỉnh, thành hay xuất hiện trong chương trình Nhà hát Truyền hình trên VTV.
"Gặp lại người đã chết" (Đạo diễn: NSND Lê Hùng) được nhà biên kịch Đăng Chương chuyển thể từ những trang hồi ký chân thực, sống động của Đại tá Phạm Văn Quyền (nguyên Viện trưởng Viện lịch sử CAND), nội dung tái hiện những ngày tháng chiến đấu anh dũng, những chiến công quả cảm cũng như những mất mát hy sinh của những người chiến sĩ CAND ở miền Bắc trong quá trình chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngoài việc tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018, "Gặp lại người đã chết" còn được phục vụ khán giả Thủ đô, các tỉnh miền núi phía Bắc và nhận được nhiều tình cảm nồng hậu của khán giả nói chung, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nói riêng.
Khánh thành Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND
Trung tuần tháng 3-2018, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho Công an khu 12 với 6 điều căn dặn về tư cách người công an cách mạng, Bộ Công an phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ có 6 điều dạy CAND và khánh thành Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.
Được xây dựng tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, khu di tích lịch sử lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND có tổng diện tích 2,6 ha. Công trình bao gồm các hạng mục: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù điêu, sân hành lễ, nhà đón tiếp, nhà truyền thống, nhà ban quản lý, hồ nước, bãi đỗ xe, sân đường nội bộ, hệ thống điện, cấp thoát nước...
Kinh phí xây dựng công trình được huy động từ nguồn xã hội hoá và do CBCS trong Lực lượng CAND đóng góp. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục lịch sử, truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND.
Trong 70 năm qua, 6 điều Bác Hồ dạy CAND là di sản tinh thần vô cùng quý báu, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng CAND, là chuẩn mực đạo đức, lối sống, phương châm hành động, biện pháp công tác, thái độ ứng xử mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh nào cũng đều nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực hiện. Chính vì thế, sự kiện khánh thành Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại Bắc Giang đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của không chỉ cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng mà còn của đông đảo quần chúng nhân dân.
Chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" và "Giữ trọn lời thề"
Đây là hai chương trình nghệ thuật do Báo CAND phối hợp với Truyền hình ANTV tổ chức nhân kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, 73 năm ngày Truyền thống của lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2018), cũng như kỷ niệm 72 năm ngày báo CAND phát hành số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2018).
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Giữ trọn lời thề” do Báo CAND tổ chức. |
Cả hai chương trình đều được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với vai trò đạo diễn của NSƯT Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình quy tụ những ca sĩ hàng đầu hiện nay trong dòng nhạc truyền thống, dân gian như Hoàng Tùng, Trọng Tấn, NSƯT Phương Thảo, Lan Anh, Tân Nhàn... và các ca sĩ trẻ tài năng như Tạ Quang Thắng, Thu Hằng, Hồng Duyên...
Ngoài các ca khúc đi cùng năm tháng, ca ngợi quê hương, đất nước, những người thực hiện chương trình đã dành một thời lượng không nhỏ gửi đến khán giả các sáng tác về Lực lượng CAND. Nếu như những ca khúc quen thuộc như "Chúng ta là chiến sĩ Công an", "Giữ trọn lời thề", "Từ một ngã tư đường phố", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" mang đến cảm xúc tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của lực lượng CAND thì những ca khúc mới sáng tác như "Nơi anh đứng", "Vinh quang thầm lặng"... lại là những chia sẻ bình dị, sâu lắng về công việc, những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an giữa thời bình.
Những thước phim tư liệu đầy ắp sự kiện xen kẽ giữa các tiết mục ca nhạc cũng giúp khán giả được dịp ôn lại truyền thống đáng tự hào của lực lượng CAND nói chung cũng như chặng đường 72 năm ra đời, phát triển không ngừng của Báo CAND.
Không chỉ gửi tặng khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc biệt, Ban tổ chức còn trao 15 suất quà cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng lực lượng CAND, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng như 15 suất quà cho các đồng chí lão thành và thân nhân các đồng chí lão thành có nhiều cống hiến với Báo CAND và Cục Truyền thông CAND.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ X
Đây là hoạt động văn hóa, chính trị thiết thực nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ có sáu điều dạy CAND (11/3/1948 - 11/6/2018), 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).
Một tiết mục trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ X. |
Chủ đề Liên hoan lần này là "70 năm CAND khắc ghi lời Bác" với các loại hình ca, múa, nhạc và sân khấu kịch. Liên hoan được tổ chức tại 4 khu vực trên toàn quốc. Trong đó, Liên hoan khu vực I tổ chức từ ngày 11/3 đến ngày 14/3 tại tỉnh Bắc Giang với sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật Công an các đơn vị phía Bắc. Khu vực III tổ chức từ ngày 26/3 đến 29/3 tại tỉnh Bình Thuận với sự tham gia của 35 đoàn nghệ thuật Công an các đơn vị miền Trung, Tây Nguyên. Khu vực IV được tổ chức từ ngày 17/4 đến ngày 20/4 tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của 24 đoàn nghệ thuật quần chúng công an các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Khu vực II được tổ chức tại tỉnh Nghệ An từ ngày 15/5 đến ngày 18/5 với sự tham gia của 22 đoàn nghệ thuật Công an các tỉnh Bắc bộ, Bắc và Nam Trung Bộ.
Các tiết mục nghệ thuật tại Liên hoan đều tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của lực lượng CAND, hình ảnh người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Hàng trăm tiết mục được đầu tư kỹ về nội dung kịch bản, tiết mục dàn dựng, hòa âm, biên đạo... phong cách sân khấu đa dạng, phong phú, từ những bản hành khúc, ca khúc truyền thống cho đến các phong cách nhạc nhẹ tiếp cận với các trào lưu ca nhạc tuổi trẻ. Nhiều tiết mục tự biên như múa, hòa tấu nhạc cụ, kịch ngắn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ X không chỉ là ngày hội của những CBCS làm công tác văn hóa, văn nghệ mà còn là dịp để CBCS Công an các đơn vị, địa phương giao lưu, học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật, khơi dậy lòng nhiệt tình, say mê của các cá nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng từ cơ sở.