Những giai điệu Vân Hòa

Thứ Sáu, 13/12/2019, 17:38
Có thể bạn chưa nghe tên và chưa thấy cái giếng rất kỳ lạ ở làng Nghe (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội). Tôi cũng vậy nhưng lại thuộc mấy câu thơ mà người ta viết: “Nào ai có về làng Nghe/ Đi xem cái giếng suối Ghe thầm thì”...


Rất có thể bạn cho tôi là thô nhưng hãy nhớ là người Mường ở đây gọi giếng đó là Pó Ché. Dịch sang tiếng Nôm mà người xưa vẫn dùng nghĩa là cái “ấy”. Bạn có tin hay không thì tùy. Cứ lên Vân Hòa sẽ biết ngay thôi.

Xôn xao chiêng trống Ba Vì

Nghe nói thôn Mồ Đồi có đội chiêng và tốp nữ nhảy sạp nổi nhất xã Vân Hòa, tôi định tìm đến nhưng có người lại đưa tới nhà nghệ nhân Đinh Hữu Tiến để chỉ dẫn. Trước đây, ông Tiến nguyên là Chủ tịch xã Vân Hòa và kiêm Bí thư Đảng ủy thôn Đồng Chay. Về hưu, nay ở tuổi 80 nhưng ông vẫn đàn ca sáo nhị như ai.

Nghệ nhân Đinh Hữu Tiến chơi chiêng.

Nhìn ông đang lau chiếc chiêng, tôi biết là ông yêu nó lắm. Ông chào tôi bằng một giai điệu chiêng rộn ràng rồi dẫn tôi vào vườn hoa trước sân nhà. Đôi mắt lão nghệ nhân sáng ngời trong giai điệu chiêng rộn lên những âm thanh vui tươi. Ông là người vừa đánh chiêng vừa sáng tác những ca khúc để hát trong những đêm liên hoan. 

Tôi nghĩ bạn không dễ gặp được một ông Chủ tịch xã lại say mê âm nhạc cồng chiêng đến vậy. Hãy nghe ông hát bài ca của mình: “Đồng Chay làng Bặn quê ta. Hai làng văn hóa, Vân Hòa rạng danh. Thẳng vào du lịch Khoang Xanh. Trục ngang đường xã đã thành vần thơ…”. Mái tóc ông bồng bềnh bay trong nhịp điệu cồng chiêng ngân vang.

Một lát sau, nghệ nhân Đinh Hữu Tiến chỉ đường cho tôi sang thôn Mồ Đồi. Ông nói cứ lên con dốc trước mặt sẽ có nhiều điều thú vị chờ đón. Quả nhiên, trên con đường tới lưng dốc, tôi đã nghe thấy tiếng hát hòa trong tiếng sạp nhảy náo nức trên đỉnh đồi. Tôi cứ đi theo hướng tiếng chiêng và lọt vào khu dịch vụ Long Việt lúc nào không hay. Đây là nơi bao thầu những buổi biểu diễn của đội văn nghệ nữ của thôn Mồ Đồi phục vụ du khách.

Ngay lập tức, tôi như mê mẩn với những bước nhảy thướt tha của mười cô gái Mường trong nhịp điệu cồng chiêng. Những cánh tay mềm mại nghiêng nghiêng như cánh chim lượn quanh sườn đồi. Còn phía trước là những làn mây trắng trên đỉnh núi Ba Vì cuồn cuộn bay về. Tiếng cồng chiêng mỗi lúc một dồn dập như bay lên trong câu chuyện tình của nàng công chúa Ngọc Hoa với chàng Sơn Tinh. Âm hưởng mênh mang vọng từ ngôi làng bên chân núi Ba Vì.

Nghệ nhân Định Thị Thanh, đội trưởng cồng chiêng Mồ Đồi cất tiếng hát trong ánh nắng bừng lên trong đồi đất đỏ. Chị biểu diễn một trích đoạn trong trường ca “Đẻ đất - đẻ nước” của dân tộc Mường. Đó là câu chuyện về sự ra đời của các Mường trên vùng rừng núi bao đời nay. Chị nói các bài hát của người Mường đều theo thể lục bát nên giai điệu trở nên thân quen như lời ru của đồng bằng Bắc bộ.

Tôi lắng nghe một cô gái đang hát phục vụ một tốp thanh niên trẻ vây quanh. Lời ca bay bổng theo nhịp trống bập bùng: “Tình là tình cái ngẩn ngơ. Dạ tương tư suốt đêm chờ trăng tan, Tình là tình cái đập tràn. Yêu như thác đổ gào khan nỗi đời…”. Những bạn trẻ nhún theo điệu nhạc nhảy sạp vừa mới bật lên.

Mọi người tản ra để học cách nhảy sạp theo các nghệ nhân hướng dẫn. Nhịp điệu cồng chiêng mỗi lúc thêm rộn ràng. Thế là cả trẻ em đến người già cùng cầm tay nhau vào sạp. Tôi được một cô gái Mường cầm tay đưa vào bước nhảy. Cứ nhìn theo bước chân cô gái mà tôi nhún theo. Mọi người cũng như vậy. Ai cũng lóng ngóng ban đầu.

Rồi chân theo chân, tay cầm tay nhịp nhàng theo tiếng đập của những cây tre. Tôi như trẻ lại và đã vượt qua rào cản tuổi tác đến với không khí âm nhạc rộn ràng hòa cùng bạn bè bốn phương. Ai nấy bị cuốn hút trong giai điệu trẻ trung đầy phấn khích đúng như lời hát phụ họa theo rằng: “Tình là tình cái trống vui. Vỗ nhanh trong nhịp ngậm ngùi nhớ nhung”.

Cây đa Thần dưới chân núi Thánh

Chia tay đội cồng chiêng, tôi được nghệ nhân Đinh Hữu Tiến chỉ đường vào thôn Rùa, sát chân núi Ba Vì. Ông nói cái giếng Pó Ché mà tôi nói đến cũng gần ở đó. Tôi phì cười vì bị lão nghệ nhân "bóc mẽ". Nghệ nhân Tiến bảo muốn xem giếng giống cái “ấy” phải xin phép người ta. Bởi cái “ấy” nằm trong một trang trại tư nhân rồi.

Ôi! Nghĩ mà tức. “Di sản” gợi cảm đến thế mà bị bán phắt mất. Nghe chừng phiền hà thế là tôi phóng xe đi vào thẳng thôn Rùa luôn. Nghe nói đến cây đa ngàn năm tuổi có chín nhánh rễ bò ra như chân ông rùa cũng thú vị chứ. Tôi càng đi càng gần tới chân núi Ba Vì. Những đám mây bay tứ tán theo chiều gió quẩn. Bất ngờ tôi phanh kít xe lại vì phía trước cây đa chín nhánh hiện ra trong đám sương bay.

Lát sau một người thôn bản đi qua. Đó là bà Sử người làng Rùa. Thấy tôi mải mê chụp ảnh loay hoay với các góc độ suýt trượt ngã, bà Sử chỉ lên ngôi miếu nhỏ phía trên hỏi tôi đã thắp hương chưa. Tôi ớ người, hay có lẽ vì thế mà mình cứ trượt chân mấy lần. Tôi lần mò vào thắp một nén hương để sẵn ở miếu. Bà Sử nói trước kia đền thờ Tản Viên được xây ở đây. Sau đền được dinh lên đỉnh núi xây thành mấy cấp trên đó.

Đội cồng chiêng thôn Mồ Đồi.

Theo bia tạc lại bên miếu, đình làng Rùa thờ Thánh Tản viên sơn, còn gọi là Sơn Tinh - vị Thánh đứng đầu tứ thánh bất tử trong huyền sử nước ta. Tôi còn bất ngờ hơn trong bia ghi lại chi tiết về làng Rùa còn là cơ sở kháng chiến của cơ quan tỉnh Sơn Tây (cũ) trong những năm 1946-1952. Đồng thời nơi đây là địa chỉ đào tạo thiếu sinh quân cho Trung đoàn Ký Con, do các tướng Hoàng Thái, Hoàng Sâm và Phùng Kế Tài phụ trách.

Bà Sử kể trước đây giặc Pháp đã từng đến bỏ bom cháy sập cả đình làng nhưng đội quân kháng chiến vẫn lớn mạnh tiến về mặt trận Điên Biên Phủ. Đột nhiên tôi nhớ tới thi phẩm “Nhớ Ba Vì” của nhà thơ Quang Dũng. Có thể đã có lần ông tới đây với Trung đoàn Ký Con chăng. Một bài thơ đẫm chất thơ mộng của một thi nhân lãng tử.

Quang Dũng đã thương nhớ Ba Vì sau những phút giây lắng đọng nơi chiến trường. Nhà thơ đã trao cho Ba Vì những nỗi niềm sâu nặng tình đời: “Từ xa thương nhớ Ba Vì ơi. Thời gian chưa muốn phai dáng người. Giang hồ dừng bước. Nhớ nhung Ba Vì ơi. Ba Vì mờ cao. Làn sương chiều xa buông gió về. Hương núi thơm dâng hồn về đâu…”.

Tôi bâng khuâng nhớ đến bao ký ức bên cây đa Rùa. Phía trước là đỉnh núi Vua, nơi có đền thờ Bác Hồ, cao 1296 mét. Từ đây có thể quan sát mọi góc độ của dẫy núi với ba đỉnh cao. Đó là núi Vua, núi Tản, núi Ngọc Hoa quanh năm mây phủ, cùng với hàng chục đỉnh núi khác điệp trùng rừng xanh. Mây vẫn bay lả xuống chân núi trong cơn gió Bắc tràn về. Ngọn núi Ba Vì lồng lộng cao vút lên tận trời.

Tôi rất nhớ không ít lần đã leo qua 1.300 bậc lên dâng hương tại đền thờ Bác và chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ và dòng sông Đà cuồn cuộn trôi về phía xa. Từ đây tôi nhớ đến câu đối lừng lẫy của Nguyễn Trãi đã viết trên đỉnh Ba Vì: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hào khí mênh mang vạn thuở còn”. Đó chính là lời hịch non sông mà hào khí dân tộc sau này đã vang lên trong Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ.

Ký ức mây

Càng đi về cuối đường xã Vân Hòa, ta sẽ tới chân núi có cảm giác hòa vào trong thế giới điệp trùng mây bay. Những khối mây mộng mị làm tôi tưởng nhớ đến những khúc dân ca của người Dao và Người Mường cổ mà tôi đã từng nghe một thời trên bản làng xưa. Tôi đoán chắc bất cứ nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng sẽ bị thu hút bởi những hình dạng muôn hình muôn vẻ của những đỉnh mây trên những đỉnh núi Ba Vì.

Chỉ dừng lại mươi phút, tôi cũng đã chộp được hàng chục kiểu ảnh đầy sự biến hóa của những áng mây. Có lúc mây bay lên cao rồi xòa xuống thấp. Lại có khi ngỡ như mây đang ngủ quên trên đỉnh núi. Và còn đó âm vang những điệu múa và tiếng cồng chiêng rạo rực suối mây một thuở hoang sơ. Tiếng trống và kèn từ thôn Mồ Đồi vẫn vang rền quanh thung lũng. Những bài ca tình yêu của những cô gái chàng trai Mường hòa quyện trong lời giao duyên tình tứ. Có đám mây bay tràn xuống chân núi như muốn cuốn tôi lên cao vậy. Một cảm giác thích thú mê mẩn với vẻ đẹp của những áng mây bay.

Vương Tâm
.
.