Những chiếc áo dài của cô Liệp

Thứ Hai, 08/02/2016, 08:00
"Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay?...". Con sông Hậu đã bao mùa nước nổi. Hình ảnh áo dài trắng thuở tóc thề vẫn trong veo miền ký ức êm đềm gối lên cuộc đời cô Đoàn Thị Liệp. Nếu "Tương tư" cô nữ sinh, nhà thơ Nguyên Sa tưởng tà áo nàng gói mây xuống phố, thì chiếc áo dài cô Liệp lại gói buồn vui, gói cả cảnh sắc quê hương, gói cả bài văn, câu thơ mà nối nhịp tương lai cho lũ học trò nhỏ.  


Cô Liệp yêu chiếc áo dài từ hồi còn là một cô bé xíu. Má đi chợ, đi làm, hai tà áo tung bay theo gió. Liệp thích quá, lấy hai tấm khăn rằn của má cột túm hai đầu giả làm áo dài, tung tăng chơi với lũ bạn… Ông nội vốn nệ cổ, răn nhi nữ trong nhà học biết mặt chữ rồi lẹ kiếm tấm chồng. Nhưng ông cũng nặng tư tưởng "Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao (Mọi việc đều thấp kém/ Chỉ có đọc sách là cao thượng)". Đứa nào học giỏi, dù trai hay gái, nội đều cưng. Liệp được khoản này. Vào đệ nhất, con gái trường Thoại Ngọc Hầu, xứ Long Xuyên đã mặc áo dài trắng. Liệp mừng nâng niu tà áo dài đầu tiên trong đời.

Liệp học giỏi, tề gia nội trợ đảm, nhưng nội cô bảo chỉ yên cháu gái yên bề gia thất sớm chừng nào hay chừng ấy, giục hoắng. Khi Liệp đậu Đại học Văn khoa, lên Sài Gòn học thì nội không giục giã cô lấy chồng nữa. "Ông nội khoái nhất nghề giáo viên mà". Ước mơ được trở thành cô giáo, cả đời gắn với áo dài trên bục giảng trở thành sự thật.

Phong trào sinh viên đấu tranh nổi lên, tà áo trắng của cô cùng bạn bè xuống đường. Chiếc áo lấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình, của bạn. Chân đất, thép gai, bàn ghế ngổn ngang, những cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên ngày càng dày đặc. Kề vai sát cánh bên cạnh những thủ lĩnh thanh niên, không hề hay biết đó là những người cộng sản. Cô xuống đường đơn giản vì lòng căm thù tội ác dã man của bọn Mỹ - ngụy.

Cô Đoàn Thị Liệp.

Sau này, người yêu cô - một chàng sinh viên khoa Toán - cũng xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung. Năm 1977, cuộc chiến biên giới Tây Nam ngày càng khốc liệt. Ngày anh sắp lên đường, một đám cưới diễn ra vội vã. Một ngày, một giờ, một phút bên nhau cũng trọn đạo vợ chồng. Chuẩn bị đám cưới, một mình cô dâu chạy vạy lo hết mọi thứ. Áo dài hồng đẹp nhất khoác lên trong ngày trọng đại. Ngọn đèn đêm tân hôn chưa tàn, ba lô chàng đã vội, áo hồng bịn rịn nước mắt. Thì thôi, "phép công là trọng, niềm tây sá nào".

Đêm trăng, khuyết một vầng giữa trời. Người thiếu phụ ngồi đó, ôm con trong tấm áo sờn cũ của chồng mà ơ hờ vầng trăng. Những chiếc áo dài đẹp nhất bán đi để đổi lấy miếng ăn. Trông ra con đường thăm thẳm, tưởng màu áo chinh phu khuất mấy dặm dâu mờ. Nhưng sao bãi dâu cứ ngút ngàn xanh, mà bụi hồng nào thấy... "Chàng thì đi cõi xa mưa gió/ Thiếp thì về buồng cũ gối chăn/ Đoái trông theo đã cách ngăn/ Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh"… Có phải trót yêu "Chinh phụ ngâm" thuở để tóc thề mà đời cô vận nỗi.

Chiếc áo dài sáng lên lớp nằm nơi góc tủ, chiều cô tất tả đồ xôi, làm chả giò đem bán. Đêm, mệt nhoài đôi quang gánh, quệt nước mắt nghe tiếng con bi bô: Mẹ ơi, ba đâu? Cô ngửa mặt chặn giọt nước mắt chực trào, đằng hắng: "Ba đi xa rồi con à, mai mốt ba về". Lời phỉnh lừa con nít. Vậy mà khi con nít thành người lớn thì người lớn lại hóa con nít. Cô bám vào những lời nói ngày ấy mà phỉnh lừa chính mình. Bây giờ, tóc đã thoảng màu sương khói, nhưng mỗi khi trông ra cửa cô lại ngơ ngác một mình: "Có phải anh đi đâu một lúc rồi sẽ về với mẹ con em?". Dẫu, mấy chục năm qua, lúc hơi may kéo về bên cửa sổ, lá vàng rơi lác đác, chiếc áo dài của cô Liệp chuyển sang màu tím - màu người chinh phu yêu, hay màu buồn của đen, trắng, xám… chịu tang.

Tôi vẫn thường ngẩn ngơ khi nhìn ai đó mặc áo dài, cả một trời dịu dàng, ý nhị, duyên dáng rất Việt Nam. Chiếc áo thiêng liêng bởi bao đời các bà, các mẹ gửi gắm. Với cô Liệp, chiếc áo là cuộc đời, là tâm trạng và hơn hết nó trở thành con thuyền chuyên chở tri thức, tâm hồn và tình yêu văn chương, yêu cái đẹp đến những mái đầu xanh. Năm 1990, lần đầu được ghé thăm Thủ đô, bắt gặp tranh Đông Hồ, cô thích thú mua về để làm giáo cụ trực quan cho bài giảng "Bên kia sông Đuống". Vài bức tranh không đủ cho lũ quỷ nghịch ngợm của trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức.

Nhìn tà áo dài, cô nghĩ sao mình không vẽ tranh lên áo để tụi nó dễ thấy. Bạn thân là họa sĩ Như Mai sẵn sàng giúp miễn phí cô bạn nghèo, cô Liệp chỉ tốn tiền vải. Giảng đến đoạn "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong", bọn học sinh reo: "Ê, trên áo cô có tranh gà, heo Đông Hồ kìa tụi bây ơi". Cả lớp ồ lên thích thú, giờ học sôi nổi hẳn. Những chiếc áo dài chọn chi tiết đắt giá của tác phẩm văn học khác lần lượt ra đời.

Một số chiếc áo dài trong tủ sách giáo khoa ngữ văn bằng áo dài của cô Liệp. 

Mỗi lần đến tiết văn, bầy quỷ nhỏ hào hứng chơi trò đoán coi hôm nay cô sẽ đưa chi tiết, hình tượng nào trong tác phẩm lên áo: Một chiếc áo màu nâu vẽ rừng xà nu ngút ngàn, thấp thoáng căn nhà sàn trong tác phẩm "Rừng xà nu". "Sóng" của Xuân Quỳnh là chiếc áo màu xanh biển, có con sóng bọt tung trắng xóa. "Đây thôn Vĩ Dạ" là chùa Thiên Mụ và những chiếc nón lá thấp thoáng của cô gái xứ Huế. "Cáo tật thị chúng" là một nhành mai và câu thơ "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai". Tủ sách giáo khoa ngữ văn bằng… áo dài của cô Liệp lên tới gần 200 chiếc. Không chỉ áo dài, cô còn trang điểm và để tóc theo từng vùng miền mà mỗi tác phẩm đề cập. Giảng "Một người Hà Nội", cô để tóc xoăn mái đặc trưng của thiếu nữ Hà thành. Có khi lại vào vai bà má miền Nam với chiếc áo dài nâu giản dị cùng khăn rằn.

Sau kỳ thi tốt nghiệp, cậu học trò chạy hì hục đến nhà cô, khoe mình được 6,5 điểm môn văn. Cô không tin nổi một học sinh coi điểm 5 ngữ văn là đụng nóc lại phá kỷ lục ngoại mục. Đề ra đâu có dễ - phân tích tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Cậu chàng gãi đầu cười khì: "Con nhớ đến áo dài của cô. Trên đó vẽ dòng sông màu ngọc bích tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo… Con nhớ sao thì viết vô như vậy".

Áo dài cô Liệp đã "cứu" không ít học sinh kém văn như thế. Mặc áo dài, cô thường bới tóc kiểu "be bờ lá mạ" dịu dàng, hiền hòa của thiếu nữ sông nước miền Tây. Để riết một kiểu tóc dài cũng ngán, cô đổi sang kiểu tóc tém nổi loạn. Tan buổi học, cậu học trò chạy theo dúi nhanh tờ giấy. "Cô để kiểu tóc này coi dữ lắm. Con thích mái tóc "Người đẹp Tây Đô" ngày trước. Cô mà không chịu nuôi tóc để bới kiểu "Người đẹp Tây Đô" là con không thèm học nữa". Cậu chàng là học sinh cá biệt mà cũng có gu thẩm mỹ ghê. Mới học kha khá môn Văn một chút mà ra tối hậu thư "đe dọa" làm cô toát mồ hôi hột. Ừ thì mình chẳng từng biểu học trò học văn là học cái đẹp, vậy nên người dạy văn và học văn cũng phải đẹp từ trong nhân cách lẫn vẻ tươm tất bề ngoài, cử chỉ. Nhờ tối hậu thư đó mà cô thủy chung với kiểu tóc "Tây Đô" cho đến bây giờ.

Mồng ba Tết thầy, học trò tề tựu về căn nhà nhỏ sum suê cây trái đông như hội. Câu chuyện cũ vẫn nhắc nhở về tủ áo dài quý giá. Gần 40 năm đứng trên bục giảng, bao thế hệ học trò từ tà áo dài cô Liệp đã cất những bước chân vững vàng vào đời, yêu áng văn chương lấp lánh nhân sinh… "Tụi con thấy nhiều bộ thiếu là tại cô đem cho mấy đứa giáo viên nghèo, mình giữ làm gì nhiều trong khi tụi nó không có tiền may áo. Tội nghiệp!". Trong tủ, chỉ còn lại những nếp áo in hằn vết thời gian chứa hoài niệm đời người…

Mai Quỳnh Nga-Xuân 2016
.
.