Thương lắm áo dài ơi!

Thứ Ba, 15/12/2015, 08:00
Ngay sau khi những hình ảnh về bộ áo dài "Con Rồng cháu Tiên" của Lệ Quyên - thí sinh đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2015 xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã gây nên tranh luận trái chiều trong dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, bộ trang phục cách điệu không thể hiện được truyền thống, bản sắc của Việt Nam. Có lẽ, chưa bao giờ tà áo dài Việt xuất hiện trên các sàn diễn quốc tế lại gặp nhiều "sự cố" như thời gian gần đây...

"Phá cách" hay phá nát?

Bộ áo dài mà Lệ Quyên mặc trong phần trình diễn "Trang phục truyền thống" do Thuận Việt - một người rất có kinh nghiệm trong việc lựa chọn trang phục cho thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thiết kế. Theo nhà thiết kế Thuận Việt, trang phục được thực hiện trên nền vải lụa gấm Việt Nam, kết hợp cùng những họa tiết thêu tay truyền thống, trang sức thiết kế do các nghệ nhân chạm trổ chế tác. Ý tưởng của bộ áo dài thì tốt nhưng nhiều nhà nghiên cứu, thiết kế thời trang cho rằng, bộ áo dài rất "không ổn". Điểm bị chê nhiều nhất chính là phần họa tiết trên áo. Hình ảnh con rồng trên áo được cho là lấy nguyên mẫu rồng thời Lý nhưng khi thể hiện, người xem không thấy được sự mạnh mẽ, bay bổng của con rồng, chưa kể, rồng ở vạt trước và vạt sau áo bị đặt vào "những vị trí nhạy cảm".

Ngoài ra, hình ảnh các dân tộc Việt Nam cũng được đưa lên vạt áo theo lối "tả thực" mà không được cách điệu qua lăng kính nghệ thuật. Lùm xùm xoay quanh bộ áo dài "Con Rồng cháu Tiên" của Lệ Quyên càng "nóng hơn" khi cách đây không lâu, bộ sưu tập "Nét đẹp Á Đông" đăng tải trên Tạp chí Heritage Fashion của Hãng hàng không Việt Nam gặp rắc rối khi đưa hình ảnh chùa Vàng của Myanmar - một hình ảnh linh thiêng lên phía trước áo dài.

Bộ trang phục "Con Rồng cháu Tiên" của Lệ Quyên trình diễn tại cuộc thi Hoa hậu "Siêu quốc gia" 2015 gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Không chỉ Lệ Quyên, bộ trang phục của Thúy Vân (thiết kế Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huynh) tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 tổ chức ở Nhật Bản hồi đầu tháng 11 vừa qua cũng nhận không ít "gạch đá". Phần lớn ý kiến cho rằng, do đính gần 2.000 viên pha lê nên trông bộ trang phục cứng đơ, thiếu đi sự mềm mại, nữ tính đặc trưng của áo dài Việt. Bên cạnh đó, bộ trang phục cũng bị chê là rườm rà, nhiều chi tiết phụ, chiếc khăn đóng to quá cỡ, che mất khuôn mặt đẹp của Thúy Vân.

Trước đó, vào tháng 6-2015, Hoa hậu Thùy Dung cũng trở thành tâm điểm của dư luận khi xuất hiện với chiếc áo cúp ngực, quần lửng và đội chiếc nón lá trong buổi trình diễn thời trang xuân - hè của nhà thiết kế Thủy Nguyễn ở Mercati Di Traiano, Rome, Italia. Điều đáng quan tâm là, những họa tiết trên áo bị cho là giống với họa tiết thường thấy của Trung Quốc và kiểu dáng bộ trang phục không còn mang bóng dáng thanh lịch, nền nã của áo dài Việt Nam. Với một chương trình nhằm quảng bá văn hóa thì bản sắc là điều cần được tôn vinh nhưng rõ ràng, những thay đổi không phù hợp đã làm lu mờ nét đẹp vốn có của tà áo dài Việt Nam.

Còn nhớ, năm ngoái, bộ áo dài mang tên "Long Vũ Khúc" (nhà thiết kế Võ Việt Chung) mà Nguyễn Thị Loan, đại diện Việt Nam tham dự đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới Miss World 2014 cũng gây nên những luồng dư luận trái chiều. Bộ áo dài bị cho là quá rườm rà và không phù hợp với văn hóa Việt. Bên ngoài chiếc áo dài màu đỏ là chiếc áo choàng khá rối mắt và thiếu tinh tế. Nhà thiết kế Võ Việt Chung chia sẻ rằng, hai bên tay áo cách điệu như một cái gọng, xuất phát từ ý tưởng chiếc thắt lưng đeo ngang bụng trong trang phục của quan lại triều đình xưa và chiếc nón quai thao được cách điệu, kết hợp với phần tua rua của người Dao đỏ.

Ý tưởng của bộ trang phục tốt nhưng sản phẩm thực tế lại không mang nhiều yếu tố thẩm mỹ. Trước đó, những bộ áo dài mà Nguyễn Thị Loan mặc tham dự các hoạt động bên lề cũng bị đánh giá là mờ nhạt, thiếu điểm nhấn tinh tế, nhất là trang phục có sử dụng hoa văn đặc trưng của một số thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới.

Không ít sao Việt cũng đã bị chỉ trích vì sự "phá cách" thành "phá nát" những bộ áo dài truyền thống khi xuất hiện trên sân khấu. Ca sĩ Mai Khôi từng khiến dư luận dậy sóng khi mặc áo dài không tà ở phía trước, kết hợp với quần bò và giày cao cổ. Ca sĩ Hiền Thục kết hợp áo dài tà ngắn với quần short hay ca sĩ Đồng Lan kết hợp áo dài với… váy hoa. Tương tự như vậy, ca sĩ Mỹ Lệ, Hồng Nhung, Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh… cũng khiến khán giả thất vọng vì cách phối đồ với áo dài "không giống ai".

Cá tính sáng tạo hay truyền thống dân tộc?

Một câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có nên giữ nguyên bản áo dài như nguyên mẫu vốn có của nó và việc giữ nguyên mẫu áo dài có phải là cách giữ gìn truyền thống? Câu trả lời là không bởi áo dài, bản thân nó đã là một sự cách tân trong lịch sử và sự giản dị trong thiết kế áo dài luôn mang tính hiện đại. Cách điệu áo dài là điều cần thiết và điều này chính là cách để áo dài tiếp cận với giới trẻ, phù hợp với sự năng động, trẻ trung của thế hệ trẻ. Điều quan trọng là cách điệu đến đâu và cách điệu như thế nào.

Theo nhiều nhà thiết kế thời trang thì "hồn cốt" của áo dài chính là phom dáng, chi tiết đặc trưng, màu sắc, họa tiết và nếu không chú ý đến vấn đề này thì áo dài rất dễ bị "lệch chuẩn", "na ná", "lai căng" những bộ trang phục truyền thống của dân tộc khác. Bản chất của áo dài là sự giản dị, mộc mạc nên sự cách điệu hiện đại quá không phù hợp, sự sáng tạo quá đà sẽ dẫn đến thảm họa thời trang.

Việc thiết kế áo dài cách tân đã khó, việc lựa chọn trang phục áo dài cho các thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ngoài việc giúp thí sinh nổi bật giữa hàng trăm nhan sắc thì chiếc áo dài còn đóng vai trò là "sứ giả văn hóa" đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, ngoài việc xây dựng ý tưởng, tạo điểm nhấn cho bộ áo dài thì việc gìn giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống là điều hết sức quan trọng. Các nhà thiết kế thường sử dụng chất liệu Việt, hình ảnh rồng, phượng… để đưa vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các họa tiết truyền thống cần phải hết sức thận trọng, đòi hỏi chiều sâu văn hóa, vốn kiến thức của nhà thiết kế. Nếu sử dụng hoa văn, họa tiết bừa bãi sẽ dẫn đến những "tai nạn văn hóa" rất đáng tiếc.

Đây là sự "phá cách" hay "phá nát" áo dài Việt?. Trong ảnh: Một số bộ áo dài của ca sĩ Mai Khôi gây "bão" dư luận thời gian qua.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khi đưa lên áo dài những hoa văn, họa tiết mang tính truyền thống hay những biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc thì các nhà thiết kế nên tìm đến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để được tư vấn chuyên sâu. Thiết nghĩ, khi mang áo dài Việt đi trình diễn tại những sự kiện văn hóa lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế cần có sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc. Với những thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế, các đơn vị cấp phép cũng nên có sự quan tâm đến trang phục của thí sinh, nhất là trang phục truyền thống - một biểu tượng văn hóa của quốc gia.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, "tất cả sự sáng tạo đều cho phép với một điều kiện quyết định là nhà thiết kế cần phải thấu hiểu phần hồn của chiếc áo dài truyền thống và có cái nhìn trong sáng của thời đại. Phần hồn của chiếc áo dài chính là sự đơn giản mà hiện đại, độc đáo mà thanh lịch, thân thiện mà duyên dáng, kín đáo mà gợi cảm. Điều này đòi hỏi nhà thiết kế phải có kiến thức nền tảng và tâm hồn của một con người Việt Nam".

Công việc của một nhà thiết kế thời trang đòi hỏi sự sáng tạo, phá cách và dấu ấn cá nhân đậm nét. Tuy nhiên, khi thiết kế áo dài, nhà thiết kế phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cá tính sáng tạo và truyền thống dân tộc. Áo dài không chỉ là trang phục mà còn là đặc trưng văn hóa của người Việt. Chính vì vậy, nhà thiết kế phải khẳng định được "cái tôi" cá nhân nhưng "cái tôi" đó phải phù hợp, nằm trong "mẫu số chung" là truyền thống dân tộc. Để làm được điều này, người thiết kế cần đến tài năng, tri thức văn hóa và hơn hết là tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phạm Thiên Giang
.
.