Những "Cánh buồm đỏ thắm" nuôi dưỡng tâm hồn

Thứ Sáu, 23/09/2016, 15:57
Vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bạn đọc ấn phẩm mới Bộ sách "Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc", gồm các tựa sách từng nuôi dưỡng biết bao tâm hồn thanh thiếu niên và bạn đọc đọc trẻ Việt Nam. Đó là "Chiếc nhẫn bằng thép" của K. Paustovky, "Dagestan của tôi" của Rasul Gamzatov, "Thép đã tôi thế đấy" của Nikolai A.Ostrovsky, "Maximka" của K.M Stanyukovich, "Người cá và Bột mì vĩnh cửu" của Alexander R. Belyaev, "Timur và đồng đội" và "Số phận chú bé đánh trống" của Arkady Gaidar...


Đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của các tác phẩm Văn học Nga ở Việt Nam, NXB Kim Đồng đã tổ chức 2 cuộc tọa đàm ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mang tên "Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm - Sức sống của tác phẩm văn học thiếu nhi đến từ xứ sở Bạch Bương".

Buổi tọa đàm ở đầu cầu TP. Hồ Chí Minh có sự tham gia của  PGS. TS Bùi Thanh Truyền, TS Hà Thanh Vân, nhà văn Trần Quốc Toàn đã thu hút sự tham dự  của không chỉ đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi mà của rất nhiều người trưởng thành yêu mến văn học Nga.

Buổi tọa đàm ở Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày mai (23-9) ở Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga với sự tham gia của dịch giả Thúy Toàn, PGS TS Phạm Gia Lâm, PGS Đào Tuấn Ảnh, TS Ngô Tự Lập, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Trần Thiên Hương, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh...

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm "Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm - Sức sống của tác phẩm văn học thiếu nhi đến từ xứ sở Bạch Bương".

Có thể nói, văn học Nga (hay theo cách gọi trước đây là Văn học Nga - Xôviết), chỉ cần nhắc lại cụm từ này thôi là bao kí ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Chắc hẳn đã từng có nhiều người đặt câu hỏi, văn học thiếu nhi Việt Nam sẽ ra sao nếu thiếu đi các tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương, với những ảnh hưởng của nó lên nhiều lớp nhà văn và độc giả Việt Nam.

Có thể có nhiều câu, nhiều cách  trả lời, song có một điều bất biến rằng đã có không chỉ một mà đã vài thế hệ thiếu nhi Việt Nam lớn lên với bao hoài bão tốt đẹp đã được hấp thụ những "dưỡng chất tâm hồn" từ các tác phẩm văn học Nga.

Những tác phẩm bất hủ của văn học Nga - Xôviết có thể kể đến như "Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn", "Vichia Maleev ở nhà và ở trường" của Nicolay Nosov; "Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino" của Alexandre Tonxtoi, "Bác sĩ Aibôlit" của Chukovsky… đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam, theo bước chân các em đến tuổi trưởng thành.

Đã có rất nhiều chàng trai cô gái Việt Nam lớn lên với "cánh buồm đỏ thắm" trong tim, bởi những tình cảm đặc biệt dành cho nhân vật Axôn với khát vọng chờ mong cánh buồm đỏ thắm suốt cả tuổi thơ, để một ngày vỡ òa cảm xúc khi con tàu mang cánh buồm rực rỡ ấy ghé vào ngôi làng đón cô bé. Thiên truyện chan hòa ánh sáng mặt trời và thắm đượm tình người được viết cách đây gần một thế kỉ, cho đến nay vẫn đủ sức làm xao xuyến, rung động hàng triệu con tim.

Hình ảnh cánh buồm đỏ đã trở thành biểu tượng của ước mơ, hi vọng của tuổi trẻ. Cho đến nay, tác phẩm "Cánh buồm đỏ thắm" đã được tái bản nhiều lần và vẫn được các em thiếu nhi tìm đọc. Với bộ sách "Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc" bạn đọc sẽ gặp lại những truyện ngắn giàu chất thơ, nhiều truyện đẹp như một bài thơ cổ điển trong "Chiếc nhẫn bằng thép" từng được trích giảng trong văn học nhà trường.

Không khí "thơ" ấy thấm vào hồn người thật tự nhiên, nhẹ nhàng, tinh tế để sau mỗi câu chuyện, độc giả lại cảm giác như tìm lại được một phần kí ức nào đó rất đẹp của tuổi thơ, một niềm vui nho nhỏ, một khoảnh khắc lắng đọng, thanh thản và bình yên cho tâm hồn.

Nếu muốn gặp lại Timur - chú bé "mặc chiếc áo sơ mi màu xanh có ngôi sao đỏ trên ngực" cùng các bạn của mình đã làm được nhiều điều khiến cho những người lớn trong làng từ bất ngờ, ngạc nhiên rồi an tâm và mến cảm, bạn đọc có thể tìm đọc và truyền cảm hứng đến những em bé quanh mình với "Timur và đồng đội".

Đó là câu chuyện sinh động, đẹp đẽ và cao thượng như một truyện cổ tích hiện đại. Gần 80 năm trôi qua kể từ khi cuốn truyện ra đời, các nhân vật thiếu nhi trong truyện vẫn có thể truyền cảm hứng tới bạn đọc nhỏ tuổi, không chỉ với thiếu nhi hay những người hay hoài nhớ về một thời đã qua mà với tất cả những ai luôn mang trong mình những ước mơ thiện nguyện tốt lành và trong sáng…

Và người ta cũng không thể quên, Rasul Gamzatov với tác phẩm văn xuôi vượt ra ngoài định nghĩa và biến thể của loại hình văn học. Nó là tự truyện, chỉ có điều là tiểu sử nhiều cốt truyện, nhiều giọng nói: tiểu sử của nhà thơ, tiểu sử làng bản thân thuộc và tiểu sử dân tộc đầy chất thơ và hết sức chân thành dù có được chuyển ngữ sang bất kỳ tiếng nói, chữ viết của dân tộc nào trên hành tinh. Những tác phẩm đậm sắc trữ tình và được sưởi ấm bởi sự hài hước nhẹ nhàng, được chiếu sáng bởi sự láu lỉnh, cái láu lỉnh tinh nghịch dí dỏm của tuổi thơ.

Nhà văn Rasul Gamzatov đã sử dụng khéo léo ngôn ngữ huyền diệu của dân gian giàu nhạc điệu và đầy màu sắc, đồng thời biết hòa trộn bất ngờ các sắc điệu văn phong rồi nói lên bằng ngôn ngữ tươi mới và phóng khoáng của người đương thời, khiến tác phẩm "Dagestan của tôi" trở thành một áng văn tuyệt đẹp, một bài thơ trữ tình sâu lắng, thiết tha mà những dư âm trong trẻo của nó sẽ còn vang vọng mãi trong tâm trí những ai đã từng đọc, từng yêu thương và đồng cảm với tác giả.

Sự trở lại của các tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi.

Rồi A. Belyaev trong "Người cá và Bột mì vĩnh cửu" với các vấn đề khoa học, những dự kiến táo bạo và sáng suốt về sinh lí học, y học, sinh vật học… Ông đưa người đọc vào thế giới muôn hình muôn vẻ, đầy chất thơ của không gian vô tận và đại dương mênh mông. Tác giả đã ngợi ca sức mạnh vĩ đại của con người với những khám phá phát minh khoa học, ca ngợi trí tuệ lớn lao không ngừng vươn lên chinh phục thiên nhiên, phục vụ cho đời sống, cho hạnh phúc của loài người.

Ở Việt Nam, trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, những cuốn sách kể trên từng được coi là sách "gối đầu giường" thế hệ thanh niên Việt Nam đã hi sinh thân mình cho Tổ quốc, như thương binh Phạm Hồng Sơn, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… và nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho quê hương trong kháng chiến chống Mỹ.

Ở thế hệ đó, có câu nói bất hủ, có bao lời yêu thương, bao triết lý, chân lý sống đẹp được ghi vào sổ tay của những thanh niên trước ngày lên đường nhập ngũ, như "Cái quí nhất của con người là cuộc sống.

Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người" được nhiều thanh niên ưu tú trích ra từ "Thép đã tôi thế đấy"...

Cho đến nay, những câu hỏi như tác phẩm Văn học Nga đã ảnh hưởng như thế nào đến lớp lớp độc giả thiếu nhi Việt Nam, ảnh hưởng ra sao đến các thế hệ nhà văn nói chung và nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam nói riêng? Sự tiếp nhận văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào? Liệu các tác phẩm Văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay?

Những câu hỏi trên và các vấn đề liên quan đến văn học Nga dành cho thiếu nhi, trước đây và đương đại, đã được thảo luận nhiều lần. Song, điều có thể khẳng định chắc chắn là, văn học Nga đã và sẽ là mạch nguồn trong trẻo, hấp dẫn nuôi dưỡng cho vẻ đẹp tâm hồn của trẻ thơ Việt Nam.

Vì thế, cho đến nay, dù trẻ em Việt Nam có thêm nhiều phương  tiện giải trí nhất là trẻ em thành thị đang bị máy tính, Smatphone và các trò chơi điện tử "đầu độc", thì việc khích lệ trẻ đọc sách, hướng đến những cuốn sách "Hạt giống tâm hồn" như tủ sách Văn học Nga là điều các bậc phụ huynh và nhà trường phải nỗ lực hơn nữa.

Bởi những cuốn sách "hướng thiện" sẽ là "thuốc bổ tinh thần", là nguồn dinh dưỡng tinh thần tuyệt vời đối với tuổi thơ và có ảnh hưởng không không nhỏ đến với các em trong việc hình thành nhân cách tuổi trưởng thành.

Với bộ sách "Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc" của NXB Kim Đồng xuất hiện lần này còn là cuộc gợi nhớ về đội ngũ dịch giả một thời hùng hậu, với những bản dịch từng được coi là góp phầm "làm sang", "làm đẹp" thêm cho nguyên tác với các tên tuổi như Phan Hồng Giang, Lê Khánh Trường, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Ca Sơn, Thúy Toàn… Không những thế, bộ sách tái bản còn được chăm chút kĩ lưỡng về mĩ thuật và công nghệ in ấn. Một số cuốn có sử dụng lại minh họa của bản in lần đầu với mong muốn lưu lại kỉ niệm về những năm tháng đã qua, những ước mơ không cũ với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Nguyệt Hà
.
.