Nhạc Việt xuất ngoại: Cổ truyền sôi nổi, đại chúng loay hoay

Thứ Hai, 11/12/2017, 08:10
Trong khi dòng nhạc cổ truyền hay dân gian Việt Nam pha trộn đương đại phương Tây ngày càng được quảng bá mạnh mẽ ở nước ngoài thì âm nhạc đại chúng Việt Nam vẫn dừng lại ở những cuộc dò đường nhỏ lẻ.  


Nhạc cổ truyền, dân tộc rầm rộ ra "biển"

Mới đây, "Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony" gồm hơn 50 nghệ nhân, nhạc công đến từ cộng đồng dân tộc thiểu số ở khắp ba miền của Tổ quốc vừa ra mắt công chúng. Đây là dàn nhạc đặc biệt bởi thứ âm nhạc họ giới thiệu cho công chúng quốc tế mang đầy đủ màu sắc đặc trưng của từng dân tộc như: đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống paranưng…

Và đương nhiên không thể thiếu những bài dân ca mộc mạc. Thực hiện dự án này, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý và nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến đã lặn lội đến các bản, buôn làng để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn nhạc khí từ dân tộc Tày, Thái, Dao, H'Mông, M'Nông, Ê Đê, Xơ Đăng…

"Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony" mới chỉ là bước đầu của dự án S.E.A Sound. Tham vọng mà dự án này hướng đến là kết nối nghệ nhân của các quốc gia ASEAN lại với nhau. Từ đó, mỗi nước đưa âm nhạc của mình tiếp cận khán giả ngoại quốc.

Một số nghệ nhân trong "Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony". 

Thời gian gần đây, sức sống của âm nhạc đương đại mang chất liệu âm nhạc truyền thống dần trở nên thu hút với những thị trường âm nhạc khó tính như Châu Âu, Mỹ. Dòng nhạc vừa hiện đại vừa truyền thống này không dừng lại ở những cuộc giao lưu âm nhạc đơn thuần mà đã có đĩa bày bán trên thị trường nước bạn. Trong danh sách người có công bắc cầu là Nguyên Lê - nhạc sĩ người Pháp gốc Việt. Ông được giới mộ điệu quốc tế nghiêng mình kính phục bởi album "Tales from Vietnam" (Những chuyện kể từ Việt Nam).

Ra mắt năm 1996, đây là album kết hợp giữa nhạc jazz và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ngoài album này, các ca khúc của ca sĩ Hương Thanh cũng được tiêu thụ nhanh chóng, thậm chí cháy hàng ở Châu Âu bởi nó được Nguyên Lê mang đến màu sắc đặc biệt hòa quyện giữa jazz và giai điệu dân ca Việt trên nền nhạc phối khí của đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, bộ gõ… 

Nguyên Lê có không ít dự án dựa trên nền âm nhạc dân gian Việt Nam để phát triển thành một dòng world jazz mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ.

Đầu năm nay, người nhạc sĩ tài danh này tiếp tục bắt tay với nghệ sĩ Ngô Hồng Quang thực hiện album "Hanoi Duo". Ngô Hồng Quang là người đam mê âm nhạc dân tộc và không ngừng tìm tòi để hòa trộn nó với dòng chảy đương đại. Trước đây, nhiều nhạc sĩ nước ngoài có dịp hợp tác với Ngô Hồng Quang đã vô cùng bất ngờ trước các tác phẩm lạ lẫm của anh. Những đĩa nhạc này được bán tại Hà Lan với giá 15 euro.

Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang gặp nhau ở điểm chung này. "Hanoi Duo" tập hợp những tác phẩm do hai người sáng tác. Hầu hết các ca khúc mang âm hưởng của những bài hát xẩm, quan họ, dân ca dân tộc thiểu số lẫn trong tiếng đàn cò, đàn bầu, đàn môi kết hợp với các nhạc cụ điện tử thịnh hành. Không chỉ tài trợ hoàn toàn kinh phí, Hãng đĩa ACT (Đức) còn đảm nhiệm khâu phát hành album độc đáo này ở châu Âu.

Album "Độc đạo" của Tùng Dương cũng có sự chấm phá thần thánh của màu sắc dân gian đương đại nhờ đôi tay "phù thủy" Nguyên Lê. "Độc đạo" không thuần dân gian đương đại như các album mà Nguyên Lê thực hiện trước đây bởi nó đa thể loại.

Màu sắc dân gian chỉ thảng hoặc, hòa cùng cá tính mạnh mẽ của Tùng Dương để mang đến những bản nhạc theo lối rẽ riêng biệt. Nó khiến "Độc đạo" trở nên khác biệt giữa muôn vàn các màu sắc âm nhạc thú vị khi phát hành ở Pháp. Nhờ tiếng vang này, Tùng Dương mới có được liveshow đáng mơ ước ở Paris với giá vé 40 - 50 euro/vé.

Võ Vân Ánh cũng là cái tên không thể bỏ qua khi nói về các sáng tác kết hợp rock, jazz với âm hưởng truyền thống như đàn tranh, đàn T'rưng, đàn tam thập lục, đàn bầu… Âm nhạc đặc biệt đã giúp chị gặt hái được nhiều thành tích đáng nể như: năm 2003, nhạc phim tài liệu "Daughter from Danang" được đề cử giải thưởng Oscar; giải Emmy nhạc nền phim "Bolinao 52"...

Giới chuyên môn cho rằng sở dĩ dòng nhạc này dần gây dấu ấn mạnh mẽ khi ra "biển" là bởi bản sắc riêng biệt đã làm nên giá trị và chỗ đứng nổi bật cho nó trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Và khi nó được hòa trộn với âm nhạc Tây phương hoặc thể hiện bằng nhạc cụ Tây phương, khán giả càng dễ tiếp cận, tìm hiểu.

Nhạc nhẹ chưa tìm được màu sắc riêng?

Trong một lần đến Việt Nam, ca sĩ Thái Lan Tata Young thẳng thắn: "Tôi không hề có khái niệm gì về âm nhạc đại chúng Việt Nam". Phát biểu này của cô ca sĩ nổi tiếng trên thị trường âm nhạc quốc tế khiến không ít fan Việt giận dữ nhưng nó thừa nhận một sự thật phũ phàng mà ta không thể chối bỏ. Chính các nhạc sĩ, ca sĩ trong nước như Quốc Trung, Đức Tuấn cũng từng chua xót bảo rằng nhạc Việt vẫn là vùng trũng, là ốc đảo trên bản đồ âm nhạc thế giới. Thậm chí, chẳng nói nơi đâu cho xa xôi, ngay cả khi đặt lên bàn cân so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines..., ta cũng thua xa.

Ở sân chơi lớn, nhạc đại chúng Việt vẫn dừng lại ở mức quảng bá hình ảnh chứ chưa thành công ở khía cạnh kinh doanh sản phẩm. Các giải thưởng âm nhạc, các buổi liên hoan giao lưu mang tính quốc tế vẫn được truyền thông trong nước tung hô hết lời và chủ yếu làm nức lòng fan Việt.

Mỹ Tâm đoạt giải tại Mnet Asian Music Awards (MAMA) và MTV EMA, Đông Nhi đi nhận giải MTV EMA ở Hà Lan, Noo Phước Thịnh gây ấn tượng ở Liên hoan âm nhạc tại Hàn Quốc, Sơn Tùng M-TP đoạt giải "Nam nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc" của Big Apple Music Awards 2016 ... chỉ khiến báo chí trong nước được phen rôm rả còn người hâm mộ thì mừng húm, tưởng nhạc Việt sắp chạm cung trăng đến nơi. Thực tế, khi hỏi về nhạc nhẹ Việt Nam, hầu hết nghệ sĩ nước ngoài sẽ có câu trả lời na ná như Tata Young.

Các giải thưởng quốc tế có vinh danh ca sĩ Việt như MAMA, MTV EMA... liên tục vướng lùm xùm và bị tố nặng mùi thương mại, tầm cỡ "ao làng", giải thưởng mang tính mặt trận... Nó vẫn là cuộc chiến của các fan trong nước nên tính chuyên môn không cao.

Dù liên tục được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế nhưng nhạc Việt vẫn chưa làm nên chuyện ở thị trường ngoại quốc. (Trong ảnh: ca sĩ Tóc Tiên nhận giải "Ca sĩ Việt Nam xuất sắc nhất Châu Á" tại giải MAMA).

Khi giải thưởng chẳng làm nên "cơm cháo" thì ca sĩ Việt phải chủ động "tiếp thị" sản phẩm của mình. Mỹ Linh được coi là ca sĩ tiên phong xuất khẩu nhạc Việt với đĩa 3 đĩa "Made in Vietnam", "Để tình yêu hát" và "Chat với Mozart" bày bán ở Nhật Bản vào đầu những năm 2000. Nhưng cuộc thử sức nhanh chóng chìm vào quên lãng. Vài năm sau, nhiều ca sĩ chuyển hướng sang hợp tác với nghệ sĩ hoặc ekip ngoại. Năm 2006, Mỹ Tâm sang Hàn Quốc thực hiện album "Vút bay", trong đó có nhiều ca khúc tiếng Hàn.

Thanh Bùi hợp tác với Tata Young tạo hit "Tình về nơi đâu" và năm nay anh tiếp tục gặp gỡ với các đối tác người Mỹ như nhà sản xuất RedOne. Không kém cạnh, Hồ Ngọc Hà cũng tìm đến nhà sản xuất của Hollywood Fernando Garibay...

Xu hướng hợp tác theo chuẩn Hàn được áp dụng hầu hết cho lứa ca sĩ trẻ. Chi Pu nuôi mộng làm ca sĩ khi có sự hậu thuẫn của ekip xứ kim chi. Các sản phẩm của nhóm Lime, Monstar... cũng đậm chất Hàn từ trang phục, bài hát, vũ đạo...

Tuy nhiên, rất hiếm sản phẩm hợp tác "xuyên biên giới" phát huy hiệu quả khi ra khỏi lãnh thổ chữ S. Thất bại ở xứ người nên nhóm Lime đành quay về Việt Nam hoạt động. Dù vậy,  sản phẩm của Lime luôn thấp lè tè trên bảng xếp hạng âm nhạc nước nhà.

Tại sao âm nhạc đại chúng khó bơi ra biển lớn? Theo ca sĩ Đức Tuấn, album phát hành ở nước ngoài thất bại vì ca sĩ vẫn chủ yếu hát bằng tiếng Việt và phổ biến với quy mô nhỏ. Chúng ta cũng chưa đạt chuẩn về mặt âm thanh, cách làm việc lại không có sự chuyên nghiệp.  Quan trọng nhất, phải chăng âm nhạc đại chúng Việt chịu sự ảnh hưởng bởi các dòng nhạc thịnh hành như US, UK (Âu Mỹ), K-pop (Hàn Quốc), J-pop (Nhật Bản), C-pop (Trung Quốc) nên ta luôn là người đi sau?

Cá tính âm nhạc từ đó bị tiêu diệt nhường chỗ cho yếu tố ngoại lai ngày càng thể hiện rõ nét từ ý tưởng, hình ảnh đến ca khúc, giai điệu. Sự thành công của "Độc đạo" và dòng nhạc dân gian đương đại thời gian gần đây đã chỉ cho các nghệ sĩ Việt thấy rằng: chúng ta không đọ nổi với mấy "gã khổng lồ" thì hãy trở về với những gì gần gũi và riêng biệt nhất của chính mình. Nhạc đại chúng rất cần những tìm tòi bứt phá, cần những tài năng thực thụ, nắm bắt được xu hướng của thị trường quốc tế chứ không chỉ thuần giải trí với kiểu bắt chước, ăn sẵn...

Mai Quỳnh Nga
.
.