Nhạc Việt trong xu thế toàn cầu hóa

Thứ Năm, 19/12/2019, 17:08
Đưa nhạc Việt đến gần công chúng thế giới là điều mà các nghệ sĩ đã và đang nỗ lực bằng nhiều con đường khác nhau. Trên hành trình biến tham vọng đó thành hiện thực, bước đầu họ đã gặt hái một số thành công nhất định. Tất cả làm động lực cho hành trình còn dài và lắm thách thức phía trước.


Thời kỳ hội nhập, việc nghệ sĩ kết hợp với ekip nước ngoài được coi là xu thế tất yếu. Trước đây, đã có nghệ sĩ bắt tay ekip quốc tế như Thanh Bùi, Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… Tuy nhiên trường hợp này không nhiều và khá ngẫu hứng. Đến nay, trào lưu này mới thực sự bùng nổ và bài bản theo đà toàn cầu hóa ngày càng sâu và rộng.

Hầu hết MV đình đám của nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng, Hương Giang, Bích Phương, Chi Pu… đều có bàn tay của nhà sản xuất, đạo diễn đến từ nền âm nhạc tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhờ họ, sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt khoác lớp áo mới mẻ, chỉn chu, tiệm cận với nền âm nhạc và cách sản xuất chuyên nghiệp của thế giới.

Xu hướng hợp tác xuyên biên giới không dừng lại giữa ca sĩ với ekip sản xuất ngoại quốc mà còn vươn rộng đến loạt ngôi sao nổi tiếng của nước bạn. Đinh Hương mời bạn diễn là "nam thần" Thái Lan tham gia MV "Nếu hôm nay là ngày tận cuối để yêu". Sơn Tùng đóng cặp với "ma nữ" đẹp nhất Thái Lan Mai Davika trong MV "Chạy ngay đi".

Ca sỹ Lê Cát Trọng Lý (phải) kết hợp cùng dàn đồng ca Châu Phi trong MV "Tám chữ có".

Hương Giang không kém cạnh khi series MV kể về mối tình tay ba lắt léo có sự góp mặt của hai người mẫu, diễn viên Thái Lan nổi tiếng. Riêng Chi Pu, cô thường xuyên hợp tác với ekip Hàn Quốc từ nhà sản xuất, nhạc sĩ, đạo diễn đến diễn viên đóng MV. Chơi trội hơn cả, Sơn Tùng kết hợp với hai gương mặt thống lĩnh làng giải trí thế giới là rapper người Mỹ Snoop Dogg và người mẫu Madison Beer trong MV "Hãy trao cho anh".

Trước ý kiến cho rằng các nghệ sĩ nhà ta sính ngoại, học làm sang khi liên tục sánh đôi nghệ sĩ ngoại quốc, ca sĩ Đinh Hương phản pháo: "Là ca sĩ, ai cũng mong muốn mang đến cho công chúng sản phẩm chất lượng nhất. Ca sĩ phải yêu khán giả của mình lắm, phải tâm huyết với sản phẩm lắm thì mới gạt đi tất cả những khó khăn để mang đến những điều tốt nhất, nâng cao chất lượng hình ảnh và âm nhạc qua mỗi sản phẩm.

Cho nên, tôi gọi việc hợp tác với nghệ sĩ quốc tế là sự trân trọng khán giả ở tầm cao. Vì thực sự, việc mời các nghệ sĩ quốc tế hợp tác là điều không hề dễ dàng và quá tốn kém. Không phải thích là làm, muốn là theo như một trào lưu".

Không riêng nghệ sĩ dòng chính thống mà những nghệ sĩ hoạt động độc lập cũng bắt kịp xu hướng này. Mới đây, nhóm Ngọt khiến fan hâm mộ "nở từng khúc ruột" khi album thứ ba có sự nhúng tay của phù thủy âm nhạc Christian Wright. Christian Wright là kỹ sư bậc thầy từng tham gia nhiều dự án âm nhạc gây sốt, trong đó có nhạc phim "Harry Potter" và "Gravity". Đáng mừng hơn nữa, nhận "đỡ đầu" cho album chính là Abbey Road Studios -  nơi mà album đầu tiên của ban nhạc huyền thoại The Beatles ra đời.

Việc hợp tác xuyên biên giới giúp nghệ sĩ Việt được công chúng quốc tế chú ý. Sản phẩm của họ ít nhiều mang tiếng nói toàn cầu. Chẳng phải vậy mà dù chất lượng chưa được đánh giá cao nhưng một lượng fan đông đảo của Chi Pu là người Hàn Quốc. Tương tự, dưới sức ảnh hưởng của hai siêu sao người Mỹ, MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada…

Lấy lý do hội nhập với bạn bè năm châu,  các "sao" nhà ta còn rộ lên mốt nghệ danh ngoại. Nghệ danh nghe như phim kiếm hiệp Trung Quốc hoặc nửa Tây nửa Ta đã "xưa rồi Diễm". Thử liệt kê một loạt nghệ sĩ trẻ nổi tiếng bây giờ, công chúng sẽ hoang mang không biết họ có phải là người Việt hay không. Không chỉ giới ca sĩ như Orange, Karik, Min, Erik, Jack, Amee, B-Ray, Justa Tee… mà ngay cả nhạc sĩ cũng lấy nghệ danh ngoại như Only C, Mr Siro, K-ICM…

Họ thường giải thích rằng: nghệ danh ngoại giúp cho fan quốc tế dễ gọi. Khổ nỗi, chính những nghệ sĩ này lại rất hiếm khi thực hiện sản phẩm âm nhạc phi biên giới! Nhìn rộng ra, khá nhiều nghệ sĩ người Việt làm bạn bè quốc tế trầm trồ vẫn trung thành với cái tên cha sinh mẹ đẻ.

Đó là Thanh Bùi, Nguyên Lê, Đặng Thái Sơn, Ngô Hồng Quang, Võ Vân Ánh…  hay những nghệ sĩ trẻ luôn thể nghiệm với bạn bè năm châu như Lê Cát Trọng Lý, Tiên Tiên, nhóm Ngọt… Do vậy, có thể nói phần nhiều nghệ danh Tây thể hiện thói sính ngoại, thích thể hiện của không ít nghệ sĩ thời nay chứ chưa giúp ích được gì cho quá trình quốc tế hóa nhạc Việt đương đại.

Đi cùng với nghệ danh ngoại là "mốt" hát chêm tiếng Anh và đặt tên bài hát bằng tiếng nước ngoài. Đây là cách nghệ sĩ Việt học hỏi giới K-pop. Phần nhiều họ hát tiếng mẹ đẻ, chỉ thỉnh thoảng bồi vài ba câu tiếng Anh. Phải thừa nhận rằng với những người không hiểu lắm về tiếng Hàn, họ có thể lờ mờ đoán được ca sĩ đang hát về chủ đề gì. Chẳng hạn hát về tình yêu thì có những câu từ tiếng Anh rất thông dụng như love, baby, crazy, sweet, my heart, my boy, my girl…

Ca sĩ Đinh Hương và nam diễn viên người Thái Lan trong MV "Nếu hôm nay là ngày tận cuối để yêu".

Bắt chước theo, nghệ sĩ nhà ta cũng tập tành hát như thế. Tuy nhiên, vì V-pop vẫn chưa làm nên bản sắc riêng, chưa có sức lan tỏa như K-pop nên những bài hát như thế chỉ khiến giới trẻ thích thú. Đối với đôi tai khó tính, họ cực lực phản đối cách hát nửa nạc nửa mỡ. Riêng cách hát song ngữ bằng hai lời tách biệt được khá nhiều khán giả ủng hộ, song rất hiếm ca sĩ thể hiện tốt.

Suy cho cùng, chuyện nghệ sĩ sính nghệ danh ngoại hay thể hiện chút tiếng Anh, tiếng Tàu trong sản phẩm âm nhạc chưa phải là hệ quả nghiêm trọng. Điều đáng lưu tâm nhất là chúng ta dễ đánh mất chính mình trong cuộc chơi hội nhập. Công bằng mà nói, việc kết hợp với ekip và nghệ sĩ nước ngoài khiến đa số sản phẩm của ca sĩ Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc phong cách ngoại lai từ âm nhạc cho đến vũ đạo, thời trang. Nếu thử bỏ ca từ tiếng Việt vốn dĩ được viết khá hời hợt, không bản sắc đi thì người nghe sẽ nghĩ ngay đó là tác phẩm US-UK (âm nhạc Âu - Mỹ) hoặc K-pop chính hiệu.

Số nghệ sĩ cố gắng thể hiện cá tính âm nhạc riêng biệt, tìm cách thổi màu sắc bản địa vào tác phẩm quốc tế hóa còn khá khiêm tốn. Cho đến nay, thể loại world music vẫn chưa được nhiều nghệ sĩ Việt chú trọng. Nó mới lạ, giữ được hồn dân tộc giao thoa với âm nhạc phương Tây, là cầu nối đưa tâm hồn Việt ra thế giới nhưng dường như nó khá khó để theo đuổi lâu dài. Bền bỉ nhất hiện nay có thể kể đến Lê Cát Trọng Lý, Ngô Hồng Quang…  Trên hành trình rong ruổi thực hiện dự án "Dreamers concert 6", Lê Cát Trọng Lý đưa chất nhạc world music trong trẻo, đẫm vị thiền và âm hưởng Việt đến những vùng đất xa xôi như Kenya, Mông Cổ, Bhutan, Mauritius...

Những yếu tố bản địa khác nhau hòa quyện, đan xen, xóa nhòa mọi ranh giới, màu da, đưa người nghe chạm đến cái đẹp thuần khiết của nghệ thuật. Cuối tháng 9 vừa qua, cô còn kết hợp với dàn hợp xướng ở lục địa đen để làm nên MV đầu tiên trong sự nghiệp mang tên "Tám chữ có". Ngô Hồng Quang trở thành một nghệ sĩ toàn cầu thực thụ khi anh đưa vốn quý của dân tộc, đặc biệt là âm nhạc của người dân tộc thiểu số như Ê Đê, Mông, Thái... tung hứng cùng âm nhạc năm châu.

Tính đến năm 2019, anh đã có đến sáu album và hàng trăm buổi biểu diễn vòng quanh thế giới cùng nhiều nghệ sĩ bậc thầy đến từ những đất nước khác nhau. Cái tài tình của Quang là anh kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố đương đại, thổi thứ âm nhạc mới để lột xác âm nhạc dân tộc, chinh phục cả người nghe ngoại quốc lẫn trong nước.

Khán giả mong mỏi dù không theo đuổi world music mà đam mê dòng nhạc thịnh hành như pop, jazz, RnB… thì sản phẩm quốc tế hóa của nghệ sĩ Việt vẫn đọng lại một cá tính âm nhạc đặc trưng. Làm sao để người ta chỉ cần nghe qua cách triển khai giai điệu lẫn ca từ hay nhìn trang phục, vũ đạo sẽ đoán ngay được anh là ai, đến từ đâu. Đáng buồn là đến nay, dù sự hợp tác ngày càng chuyên nghiệp, mở rộng khoảng cách địa lý nhưng những sản phẩm quốc tế hóa tạo được dấu ấn vẫn còn rất khiêm nhường.

Mai Quỳnh Nga
.
.