MV nhạc Việt: Tìm về hồn xưa tích cũ

Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:26
Rất nhiều MV của làng nhạc Việt gần đây mang màu sắc hoài cổ, khai thác kho tàng 4.000 năm văn hiến cha ông. Bên cạnh việc thổi làn gió tươi mới, cuốn hút cho MV, dòng trào lưu hoài cổ của các ca sĩ trẻ còn giúp công chúng hiểu và yêu hơn lịch sử, văn hóa dân tộc.


"Hết thương, cạn nhớ" do Đức Phúc thể hiện là một bản ballad nhẹ nhàng. Nếu chỉ nghe bản audio chứ không xem MV thì người nghe đinh ninh: Đây là bài hát nói về tình yêu đôi lứa đơn thuần, thậm chí khá ủy mị. Ca từ cũng hết sức hiện đại nên người nghe có thể tưởng tượng đây là tình cảm của những cô gái, chàng trai thời nay.

Do vậy, khi bản MV xuất hiện, không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên. Minh họa cho ca khúc thời thượng đó lại là câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở và mối tình đơn phương của Lý Cường (con trai Bá Kiến). Khung cảnh làng quê Bắc Bộ hệt như trong thước phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Chỉ có điều, ở MV "Hết thương, cạn nhớ", biên kịch đã biến tấu câu chuyện ít nhiều.

Thị Nở ngu ngơ nhưng không hề xấu xí. Thị chỉ xấu xí khi ăn mặc lôi thôi và để lộ cái bớt xanh bên trán. Đến khi Lý Cường động lòng lúc Thị Nở xin Bá Kiến thả Chí Phèo ra tù, thị được tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc tươm tất. Lúc này, Thị Nở trở nên xinh đẹp lạ lùng. Nhưng rồi khi cứu được anh Chí ra khỏi nhà lao, Thị Nở chạy trốn theo Chí.

Tạo hình Mị Châu của ca sĩ Bùi Lan Hương trong MV "Mặt trăng".

Tương tự như MV của Đức Phúc, MV "Đừng hỏi em" của Mỹ Tâm, "Anh ơi anh ở lại" của Chi Pu, "Mặt trăng" của Bùi Lan Hương đều có phần lời hiện đại nhưng nội dung, bối cảnh MV lại theo xu hướng hoài cổ. Nếu Mỹ Tâm chọn thời điểm chiến tranh chống Mỹ nơi vùng quê nghèo thì Chi Pu mượn câu chuyện tình với nhà vua của chị em Tấm Cám để nói lên nỗi đau bị người mình yêu thờ ơ. "Mặt trăng" của Bùi Lan Hương theo dòng dream pop.

Chất nhạc ma mị, phiêu linh và đau đớn do Bùi Lan Hương thể hiện trở nên thăng hoa, hòa quyện với thiên tình sử bi thương Mị Châu - Trọng Thủy. Người nghe sởn gai ốc khi Bùi Lan Hương cất lên câu ca: "Em đã lỡ yêu người không thương em/ Em đã muốn những điều quá xa/ Mà con tim ngang bướng/ Không chịu nghe đúng sai/ Mặt trời soi em trần trụi yếu đuối/ Con mắt thấy những gì muốn xem/ Chỉ mặt trăng mới biết/ Những điều em giấu đi…".

Điều đáng mừng là dưới phần bình luận về ca khúc, rất nhiều khán giả đã cùng Bùi Lan Hương mổ xẻ, phân tích cái chết Mị Châu dưới góc độ văn hóa, lịch sử, triết học… một cách rất sôi nổi, văn minh.

Câu chuyện Chí Phèo - Thị Nở từng được ekip của ca sĩ Hoàng Thùy Linh nhắc đến trong MV "Để Mị nói cho mà nghe". Dù nội dung ca khúc chỉ nói về tâm tư của Mị - nhân vật trong tác phẩm văn học "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài, nhưng cốt truyện MV lại đề cập đến rất nhiều nhân vật văn học khác như Chí Phèo - Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu, lão Hạc, anh cu Tràng…

Hoàng Thùy Linh là người tích cực đưa vốn cổ vào âm nhạc đương đại không chỉ trong tạo hình, nội dung MV mà còn đậm đặc trong lời hát, giai điệu Trước đây, cô thành công với MV "Bánh trôi nước" đầy ma mị. Sau MV "Tứ phủ" khai thác về đạo Mẫu thì sắp tới, cô trình làng album "Hoàng" đậm đặc hồn xưa tích cũ với dòng nhạc chủ đạo là world music.

Trong số bảy ca khúc, ngoài những bài hát quen thuộc, Hoàng Thùy Linh còn trình làng nhiều bài hát mới như "Em đây chẳng phải Thúy Kiều" hay "Kẽo cà kẽo kẹt" mượn tích Tấm Cám. Ca sĩ Bích Phương cũng ưu ái chất liệu dân tộc trong mỗi dự án âm nhạc.

Từ việc cài cắm chút ít vốn xưa như tục mời trầu, chơi ô ăn quan… trong MV "Bùa yêu" đến việc giới thiệu nguyên kho tàng phong tục của người Dao trong MV "Có thương nhau thì đừng làm trái tim em đau", Bích Phương đều làm nên những bản hit (ca khúc, MV ăn khách).

MV từng một thời bị coi là món "lạc kèm bia"- một kiểu quà tặng kèm khi ca sĩ ra mắt ca khúc mới. Bây giờ, nói như nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, MV chiếm đến 50% thành công của một ca khúc bởi nó góp phần quan trọng trong việc truyền tải tinh thần và ý nghĩa mà nhạc phẩm muốn gửi gắm. Phải thừa nhận rằng, các MV đã khiến câu chuyện dân gian tưởng như xưa cũ, quen thuộc được tái sinh và trở nên sống động, thu hút.

Giữa nền nhạc hiện đại phương Tây như pop, dream pop, hip hop, blue, world music, EDM…, sắc màu dân gian trở thành gia vị lạ và đặc sắc. Vốn xưa giúp âm nhạc đại chúng bứt phá ra khỏi lối mòn nhàm chán và dần "bản địa hóa" dòng âm nhạc vốn xuất phát từ phương Tây này. Cái mới và cái cũ bổ trợ cho nhau để làm nên một MV thuần Việt lôi cuốn.

Ngược lại, dưới góc nhìn của nghệ sĩ trẻ, họ lý giải câu chuyện dân gian theo một cách hoàn toàn mới. Chẳng hạn như chuyện Mị phá bỏ mọi trói buộc, xuyên qua không gian để cứu những nhân vật như lão Hạc, chị Dậu, Chí Phèo… khỏi những bất công. Chi Pu thì lý giải tâm tư giằng xé mấy ai hiểu của Cám - nhân vật vốn bị mọi người cho là mưu mô, cướp chồng của Tấm.

Hay Bùi Lan Hương dùng "Mặt trăng" nói hộ nỗi lòng nàng Mị Châu. Ngoài ra, những phong tục, tập quán lâu đời hoặc văn hóa của các dân tộc anh em như Mông, Dao, Thái… cũng được tôn vinh và giới thiệu đầy hấp dẫn. Phát hành album "Hoàng", ca sĩ Hoàng Thùy Linh tâm sự: "Là một nghệ sĩ Việt, tôi tự hào vì mình đang thổi những làn hơi văn hoá truyền thống vào thế giới của âm nhạc đương đại". Từ những hình ảnh chỉ mang tính chất "nhá hàng" trong MV của thần tượng, fan hâm mộ (đặc biệt là giới trẻ) sẽ chủ động tìm hiểu kho tàng văn hóa, lịch sử cha ông, yêu thêm các áng văn thơ, phát huy tinh thần dân tộc.

Tuy nhiên, việc vay mượn, lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, văn hóa các tộc người cũng hết sức thận trọng. Không thể tùy tiện bạ đâu làm đó. Sử dụng câu chuyện "Chí Phèo" của Nam Cao để làm nền cho MV "Hết thương, cạn nhớ" nhưng ekip Đức Phúc cải biên đến độ Lý Cường (con trai Bá Kiến) giành Thị Nở với Chí Phèo khiến không ít khán giả phản ứng. Họ cho rằng Đức Phúc phá nát nguyên tác.

Ca sĩ Đức Phúc (giữa) hóa thân thành Lý Cường- con trai Bá Kiến trong MV "Hết thương, cạn nhớ".

Trường hợp Hoàng Thùy Linh trong MV "Tứ phủ" cũng bị nhiều người chỉ trích vì ca sĩ thực hiện không đúng những nghi lễ, vũ điệu và hóa trang trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Dù gây "bão" nhưng MV "Để Mị nói cho mà nghe" vẫn bị một số nhà chuyên môn soi ra nhiều hạt sạn, nhất là tạo hình của Hoàng Thùy Linh. Trong tọa đàm về việc sử dụng biểu tượng văn hóa trong đời sống đương đại, một chuyên gia của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng chiếc váy mà Hoàng Thùy Linh mặc không phải là váy nguyên gốc của phụ nữ Mông. Một khán giả người Mông thì lắc đầu: "Phụ nữ Mông không nhảy múa như cô ca sĩ đó, cũng chẳng ai ném pao bằng vợt cầu lông bao giờ".

Ở góc nhìn khác, nhiều người cho rằng trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại, không chỉ trang phục mà âm nhạc, cốt truyện truyền thống cũng cần được cách tân, biến tấu để làm nên sự mới lạ, hấp dẫn. Bởi nếu bê y nguyên từ đời sống vào thì còn gì là sáng tạo nghệ thuật.

Nói về cách tân trang phục truyền thống trong hoạt động nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ người Ê đê Linh Nga Niê K'Dăm thẳng thắn: "Tôi ủng hộ sự phá cách, cải tiến trang phục để dùng cho nghệ thuật sân khấu vì nghệ thuật sân khấu là nơi thiên về giải trí, sáng tạo chứ không bắt buộc nguyên gốc như nghệ thuật diễn xướng dân gian. Khi biểu diễn các bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên, nghệ sĩ không cần thiết phải mặc trang phục giống người Ê đê, Gia Rai hay Ba Na. Miễn sao người ta nhận ra ngay đó là trang phục mô phỏng đồng bào Tây Nguyên.

Nghệ sĩ cũng có thể cải tiến cho bộ trang phục đó đẹp và độc đáo hơn. Tuy nhiên, không nên cải tiến theo kiểu dùng cái nguyên gốc để lắp ghép, lai tạp vô ý, thiếu hiểu biết như vụ lấy chiếc khăn Piêu làm khố cách đây mấy năm. Sự sáng tạo đó phải có giới hạn, hiểu biết để kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại"

Dù vấp phải tranh cãi nhưng các MV trên đều là những MV triệu view và đa số có tác động tích cực đến người nghe. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cởi mở: "Đây là xu hướng rất thú vị và tích cực cần được khuyến khích, ít nhất nghệ sĩ trẻ đã có ý thức tìm về với văn hóa nguồn cội của dân tộc. Văn hóa của mỗi dân tộc Việt Nam là một kho báu lớn đang cần được khai thác. Miễn sao các bạn ấy làm với một cái tâm chân thành, văn minh, có hiểu biết và đầy trách nhiệm. Nếu chỉ ăn theo trào lưu, sự kết hợp giữa cái mới và cái cũ sẽ gây nên thảm họa".

Phan Thi Uyên
.
.