Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Viết là chinh phục những mục tiêu

Thứ Sáu, 26/08/2016, 07:47
Sinh ra tại Hà Nội, nhưng 5 tuổi Phan Hồn Nhiên đã sống ở Sài Gòn. Chị là kết quả của cuộc "lai xa" giữa ba - người miền Nam tập kết ra Bắc và mẹ - người Hà Nội. Khi đất nước thống nhất, cả gia đình theo ba về Nam. Có lẽ giọng nói là thứ duy nhất của Hà - Nội - tuổi - lên - 5 chị còn giữ được đến giờ...


Tôi không nhớ cơn cớ nào mà có được tập truyện "Dốc mưa" của nhà văn Phan Hồn Nhiên. Cuốn sách cỡ bàn tay, nhỏ nhắn, xinh xinh, thuộc Tủ sách tác giả - tác phẩm Áo Trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền tổ chức, là nơi in tác phẩm đầu tay cho khá nhiều cây viết 7x một thời, như Nguyễn Thị Việt Nga, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Nguyễn Thị Thanh Bình v.v... Chỉ nhớ, tôi đọc "Dốc mưa" một mạch. Trôi theo những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị, mấp mênh buồn, man mác rối, của tuổi trẻ. Mỗi truyện ngắn là một cách tác giả tiệm cận người trẻ ở những giác độ, không - thời gian khác nhau.

Sau khi vượt qua "Dốc mưa", Phan Hồn Nhiên tiếp tục "lấy lòng" độc giả trẻ tuổi bằng các tập truyện có tựa gắn liền với… thời tiết và… địa hình như "Nằm ở lưng đồi", "Giao mùa", "Cú nhảy ban mai", "Băng ghế mùa thu", "Người mưa",...

Bên cạnh đó, chị cần mẫn hướng tới đối tượng độc giả khó tính hơn qua các tập truyện "Một nắm mưa trên ngôi nhà Mondrian" (in chung với nhà văn Vũ Đình Giang), "Đồi mùa hè", "Cánh trái"... Nhưng thời kì này xem ra Phan Hồn Nhiên còn khá kín tiếng. Phải đến khi truyện dài "Công ty" và "Mắt bão" lần lượt ra mắt vào năm 2008, độc giả và truyền thông mới xoáy vào chị nhiều hơn. Không lâu sau, "Công ty" và "Mắt bão" được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập, điều này ít nhiều nói lên rằng, Phan Hồn Nhiên đã điểm đúng huyệt - tâm - lí của giới trẻ.

Nhà văn Phan Hồn Nhiên.

Sinh ra tại Hà Nội, nhưng 5 tuổi Phan Hồn Nhiên đã sống ở Sài Gòn. Chị là kết quả của cuộc "lai xa" giữa ba - người miền Nam tập kết ra Bắc và mẹ - người Hà Nội. Khi đất nước thống nhất, cả gia đình theo ba về Nam. Có lẽ giọng nói là thứ duy nhất của Hà - Nội - tuổi - lên - 5 chị còn giữ được đến giờ.

Lớn lên trong gia đình ít có màu sắc nghệ thuật, ba là kĩ sư nông nghiệp, mẹ là bác sĩ thú y, bởi vậy, ngay từ đầu Phan Hồn Nhiên đã được định hướng đến với con đường học thuật, nghiên cứu. Tốt nghiệp phổ thông, chị thi vào khoa Ngoại ngữ của Đại học Tổng hợp. Nhưng cuộc "lai xa" của ba mẹ làm xuất hiện "ưu thế lai", điều mà ở ba mẹ chắc mới có ở dạng tiềm tàng, chưa bộc lộ.

Phan Hồn Nhiên cảm giác thế giới thực sự của mình phải gần nghệ thuật và lao động sáng tạo nhiều hơn. Với tình yêu hội họa từ nhỏ, chị quyết định rẽ ngang, thi vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, học ngành Thiết kế mĩ thuật.

Và rồi, với tấm bằng Cử nhân nghệ thuật, Phan Hồn Nhiên bước vào công sở làm một việc chẳng liên quan gì đến bằng cấp, là… nhà báo. Từ đấy, chị vừa làm báo vừa viết văn, sung sức và nghiêm ngắn hơn bất kể bạn viết nào cùng thế hệ.

Liên tục trong nhiều năm, truyện dài kì của Phan Hồn Nhiên là "đặc sản" trên báo Sinh viên Việt Nam. Nhưng chị gây chú ý mạnh nhất đối với văn đàn, đồng thời xác lập vị trí đặc biệt, không lẫn với bất kì người viết nào phải là từ giai đoạn thứ hai trong hành trình sáng tác, với bộ ba tác phẩm fantasy - văn học kì ảo: "Xuyên thấm", "Những đôi mắt lạnh", "Chuỗi hạt Azoth" và bộ ba tác phẩm science fiction - khoa học viễn tưởng: "Máu hiếm", "Luật chơi", "Hiện thân".

Cả hai bộ ba này, nhìn ở góc độ kĩ thuật, dày đặc lối viết hiện đại, cách chơi cấu trúc phải ở người cao tay, thạo sắp đặt tính toán một cách lí trí. Tuy nhiên, độ truyền cảm mà người viết gửi gắm vào tác phẩm cũng không ít. Có thể nói, Phan Hồn Nhiên thành thục trong việc cho tư duy logic đánh cặp với xúc cảm.

Nói về fantasy, Phan Hồn Nhiên từng chia sẻ: "Đây là thể loại có thể rèn kĩ năng viết, mở ra thế giới bay bổng, thỏa sức tưởng tượng và rèn được tính kỉ luật cao. Nhưng cũng rất khó để xây dựng một cốt truyện. Người viết phải hình dung mình sẽ sử dụng hệ thống tín hiệu như thế nào, cài cắm ra sao để người đọc có thể đi theo một cách lôi cuốn. Luôn cần xây dựng một cấu trúc và phải viết có kĩ thuật chứ không đơn giản muốn viết là viết".

Không tưởng tượng được là trong con người chị, nhẹ nhàng và thanh thoát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lại có những ý tưởng và thi triển biến ảo đến không cùng như trong các sáng tác. Thật, đúng là kì ảo và viễn tưởng!

Nếu như học Thiết kế mĩ thuật giúp cho các trang văn của Phan Hồn Nhiên trở nên ăp ắp màu sắc, nhiều sức gợi, bố cục chặt chẽ, thì ngoại ngữ thời học Đại học Tổng hợp là điều kiện cần thiết đưa chị đến với 4 tháng tham gia khóa học viết văn của Chương trình Viết văn quốc tế tại Mỹ năm 2011.

Chương trình Viết văn quốc tế là hoạt động thường niên của trường Đại học Iowa, quy tụ các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà làm phim, nhà phê bình khắp các châu lục về thành phố Văn chương thế giới (Iowa) cùng trao đổi, thảo luận về nghề viết và chia sẻ tác phẩm để kích hoạt sáng tác. Trước Phan Hồn Nhiên, Việt Nam từng có một số nhà văn tham gia chương trình này, như: Lý Lan, Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang...

Bìa tiểu thuyết “Ngựa thép”.

Nhà văn Phan Triều Hải, đồng môn cùng khóa học ở Iowa với nhà văn Hàn Quốc Han Kang - tác giả mới nhận giải thưởng Man Booker 2016 cho tiểu thuyết "Người ăn chay", từng nói nửa đùa nửa thật rằng: "Chương trình Viết văn quốc tế là khóa học mà các nhà văn Việt Nam sau khi tham dự về thì không viết văn nữa".

Nghiệm lại thì thấy, nhà văn Lý Lan nổi tiếng hơn ở vai trò dịch giả, với bộ "Harry Potter", chứ không phải từ sáng tác; nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang trở về với cuốn du kí "Bay qua thời gian", sau đó không "bay" cùng chữ nữa mà cầm cọ chuyên tâm hội họa; nhà văn Phan Triều Hải thì dồn tâm huyết cho kịch bản và sản xuất phim; nhà văn Phan Thị Vàng Anh lặn một hơi khá dài, gần đây mới quay lại bằng tập tạp văn "Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa", nhưng không còn "sắc" như Thảo Hảo (một bút danh khác của Phan Thị Vàng Anh) ở "Nhân trường hợp chị Thỏ Bông" hay thuở "Khi người ta trẻ". Riêng Phan Hồn Nhiên, sau khóa học đã có cú bật với tiểu thuyết "Ngựa thép" và tập truyện "Hồi phục". Có thể nói hai đầu sách này mở ra giai đoạn sáng tác thứ ba của chị.

Hiện "Ngựa thép" đã được nhà phê bình, dịch giả Đoàn Cầm Thi chuyển ngữ sang tiếng Pháp, trong dự án Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại, là tủ sách từng giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Phong Điệp… trong vài năm vừa qua.

Mới đây, nhà văn Phan Hồn Nhiên chuyển công tác về Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP. Hồ Chí Minh, sau 16 năm gắn bó với báo Sinh viên Việt Nam. Viết văn cho tuổi trẻ, làm báo cho tuổi trẻ, giờ chị lại làm sách cho tuổi trẻ, cho thiếu nhi.

Chị từng thổ lộ: "Nếu xem sáng tác là một nghệ thuật mang tính khoa học, người viết phải liên tục đặt ra các yêu cầu cao hơn cho chính mình. Chỉ cần nhìn ra thế giới, với các chuyển động đa dạng đa chiều của văn chương hiện đại, bất kì ai đang theo đuổi công việc sáng tác cũng tự biết mình phải nỗ lực nhiều đến mức nào. Thôi thúc trong tôi không phải là hoàn thiện tác phẩm mà chính là hoàn thành những mục tiêu mình đã đề ra".

Và như thế, với Phan Hồn Nhiên, chắc chắn còn rất  nhiều những mục tiêu và đích đến chị tự vạch ra để chinh phục, vượt qua. Hơn ai hết, các độc giả của chị đều mong chờ điều ấy!

Văn Thành Lê
.
.