Nhà văn Trần Gia Thái: Đời tôi trải nghiệm đủ rồi

Thứ Bảy, 20/08/2016, 08:03
Đọc “Thành phố đáy hồ”, tôi càng tin một điều làm nên thành công ngay từ trong quan niệm của mỗi nhà văn: Vấn đề là viết như thế nào, chứ không phải là viết về cái gì; điểm xuất phát từ đâu và đâu là đích đến. Tôi cũng tin: Viết cho thiếu nhi, ở bất cứ thời nào, luôn là một thách thức lớn đối với người lớn...


1. Trong mấy chục năm gắn bó với báo chí và văn chương, ít nhất nhà báo, nhà văn Trần Gia Thái còn để lại hai dấu ấn, trong đó, một dấu ấn được coi là “hiện tượng” và một dấu ấn được coi là “sự kiện” đáng nhớ.

Năm 1982, tập truyện thiếu nhi mang tên “Thành phố đáy hồ” được ấn hành qua Nhà xuất bản Hà Nội và lập tức gây được tiếng vang, thời điểm chị Minh Tâm còn là biên tập viên, nhà văn Hà Ân còn là Trưởng ban biên tập, nhà văn Xuân Sách còn là Phó Giám đốc, nhà thơ Vũ Cao còn là Giám đốc. Trần Gia Thái nhớ lại: “Sách được in với tira lớn. Nhuận bút rất đáng kể.

Được nhà văn Tô Hoài khen là “đọc thấy thích vì viết lạ”. Sau đó Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội chuyển thể toàn bộ thành câu chuyện truyền thanh phát đều đặn trong các chương trình văn nghệ thiếu nhi. Đó là nguồn động viên lớn lao trong bước đi ban đầu của tôi trong văn chương. Thành công cơ bản của tác phẩm này là tôi đã đưa được những cái xấu, những cái không bình thường với mục đích răn dạy trẻ thơ theo từng cấp độ và cũng để cảnh tỉnh các em nên biết mà tránh xa ra. Tất nhiên là bằng văn học và thuyết phục bằng văn học.

Khi viết cuốn sách này, tôi đã phát hiện ra cái thế giới dưới nước (cua cá) là một thế giới riêng, có khi còn có nhiều điều hay và hấp dẫn hơn cái thế giới trên bờ”.

Đọc “Thành phố đáy hồ”, tôi càng tin một điều làm nên thành công ngay từ trong quan niệm của mỗi nhà văn: Vấn đề là viết như thế nào, chứ không phải là viết về cái gì; điểm xuất phát từ đâu và đâu là đích đến. Tôi cũng tin: Viết cho thiếu nhi, ở bất cứ thời nào, luôn là một thách thức lớn đối với người lớn.

Năm 1996, phim tài liệu “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” của Nguyễn Việt Tùng , Trần Gia Thái và Đào Trọng Khánh trình chiếu trên màn ảnh nhỏ được đánh giá rất cao, gây xôn xao dư luận, được coi là “những thước phim máu lửa, đi đến tận cùng sự thật”.

Rồi “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm. Đến năm 2012, bằng phim tài liệu này và phim tài liệu “Hà Nội - Điện Biên Phủ”, đạo diễn Nguyễn Việt Tùng đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nguyễn Việt Tùng được coi là “người không ngại gian khó, tạo nên những bộ phim chân thực”.

Trần Gia Thái nhớ lại: “Hồi ấy, tôi và các đồng nghiệp của tôi ở Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đã phối hợp cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Tây, Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương và đạo diễn Nguyễn Việt Tùng sát cánh cùng nhau trên từng cây số. Chúng tôi phải tính toán rất kỹ từng đường đi nước bước đến mức “năm ăn năm thua” để sẵn sàng đối mặt với tất cả và cuối cùng, sự thật đã được công nhận, lịch sử đã được đính chính, tựa như những gì của Xêda phải trả lại Xêda vậy.

Nhiều năm sau đó, cứ vào dịp 30-4 Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều đài địa phương lại “phát” lại bộ phim trên, đến nỗi một tập thể cựu sĩ quan quân đội tập trung đến thành phố và đài phản ứng. Họ bảo: Chiếc xe tăng 390 đã được công nhận là “bảo vật quốc gia”, những người lính xe tăng trên chiếc xe tăng ấy đã được công nhận là những người đầu tiên vào Dinh Độc lập trưa 30-4 năm 1975… Sự việc đã rõ ràng. Chân lý khách quan đã chiến thắng. Vậy mà các anh còn cứ nói mãi là có ý gì đây?”.

2. Trần Gia Thái gắn bó với Phát thanh – Truyền hình Hà Nội từ thuở đài này mới mới mang tên “Phát thanh Hà Nội”. Ngay từ năm 1976, khi 21 tuổi, anh đã là cộng tác viên thường xuyên ở hai chuyên mục: Truyện thiếu nhi và giới thiệu, phê bình điện ảnh. Sau mấy năm, do có nhiều đóng góp, đến năm 1978, anh được “mời về” và đến năm 1979, anh chính thức vào biên chế. Anh là một trong bốn người có công đầu thành lập Truyền hình Hà Nội.

Chính ở nơi đây, anh là người duy nhất trưởng thành từ phóng viên, biên tập viên, phó trưởng ban, trưởng ban, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc và là người cả đời chỉ toàn tâm, toàn ý cho một cơ quan. Anh là phóng viên chuyên trách nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau: Nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, văn xã, thời sự - chính trị… Giống như một con dao pha, anh làm được nhiều việc: Viết tin, bài; biên tập tin, bài; viết kịch bản; quay phim; đạo diễn ở các thể loại báo chí, ca nhạc, văn hóa, văn nghệ...

Hồi chưa nghỉ hưu, có dạo Trần Gia Thái kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền hình cáp Hà Nội; Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam; thành viên của Liên đoàn Môtô – xe máy Hà Nội, Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội… Vào thời điểm ấy, anh thường xuyên bù đầu trong công việc và đi đây đi đó như con thoi.

Có cảm giác, lúc nào anh cũng muốn “tròn vai” trong phận sự của mình. Anh bảo: “Hiện tôi vẫn đương kim Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Chỉ riêng sự có mặt cần thiết của mình ở dăm giải đấu quan trọng trong tổng số 15 giải đấu hàng năm, cũng đã đủ mệt. Đó là các giải Bóng bàn Báo Nhân dân, giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc, giải Bóng bàn “Cây vợt vàng”… Chưa kể có lần, còn dẫn đoàn đi thi đấu ở nước ngoài”.

Anh là người có bản lĩnh, hào sảng trước bạn bè, nhất là những bạn bè văn chương. Có một thời gian dài, một số tờ báo, tạp chí văn luôn được anh quan tâm, chia sẻ về mặt vật chất. Chính “sợi dây cảm thông” đã kết nối anh với những người cùng giới.

Cho dù phải “phân thân” và “căng thân” về thời gian như thế, nhưng hễ hở ra, là Trần Gia Thái lao vào bàn viết một cách say mê và hết mình. Anh bảo đấy là những khoảnh khắc trải lòng mình trên trang viết. Anh bảo đấy là lúc mình đối diện chính mình, sống thật với mình nhất.

Tính đến nay, anh đã viết trên 10 kịch bản phim, đạo diễn trên 20 phim tài liệu, biên kịch và biên tập 5 phim truyện, xuất bản 2 tập văn xuôi (“Thành phố đáy hồ ”, “Hắn là tôi”), tham gia sưu tầm biên soạn “Giai thoại Nguyễn Khuyến”, “Văn hóa Liễu Đôi Hà Nam”; 3 tập thơ (“Lời nguyện cầu trước lửa”, “Mưa không mùa”, “Ký ức khát”)…Trong đó có những thước phim tài liệu “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” gây xôn xao dư luận như đã nêu ở trên và tập thơ “Ký ức khác” được trao giải thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015.

Quá khứ vẫn luôn đau đáu và nặng lòng trong anh. Có lần anh kể với tôi, giọng ngậm ngùi: “Năm 1973, khi 18 tuổi, cho dù đã sẵn sàng, nhưng tôi vẫn không được nhập ngũ bởi lý do: Có anh trai là liệt sĩ, đã hy sinh ở mặt trận Hải Lăng (Quảng Trị) trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn buồn. Và cho dù chưa bao giờ được là người lính, nhưng tôi vẫn muốn đọc lại hai câu thơ sâu sắc và nhân bản của nhà thơ lớn người Nga Vư-xốt-xki: Sau chiến tranh/ Tất cả những người trở về đều có tội”.

3. Trần Gia Thái đến với thơ từ rất sớm. Ngay từ khi mới học lớp 9 phổ thông, anh đã có bài thơ đầu tiên đăng trên Văn nghệ Nam Hà. Trước khi công bố hai tập văn xuôi, anh đã có trong tay cả trăm bài thơ.

Sau khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam qua con đường văn xuôi, đến năm 2000, Trần Gia Thái trở lại với thơ mãnh liệt hơn bao giờ hết. Anh cho biết: “Trong một khoảng thời gian không dài, tôi đã in 3 tập thơ rồi. Hiện tôi đã hoàn thành hai bản thảo của hai tập thơ nữa mang tên “Trăng ướt” và “Tóc chín”, sẽ xuất bản trong năm nay và năm sau.

Hiện tôi cũng đang âm thầm trở lại với văn xuôi, vì theo tôi, chỉ văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, mới có khả năng chuyển tải hết được hiện thực một cách nhanh chóng và trực tiếp. Vả lại, tôi cũng là người dồi dào vốn sống và kinh nghiệm sống nhờ những tháng năm làm báo. Nhiều năm nay, tôi rất tâm đắc với lời dạy của Ê-ren-bua: Cần phải biết lấy báo mà nuôi văn”.

Chùm thơ gồm 5 bài mới đây của anh gồm: “Có gì to tát”, “Cùng ở rừng sinh ra”, “Kể lại ngụ ngôn La Phông-ten”, “Phật dạy”, “Phố Kỳ Đồng” đậm chất thế sự và chất triết lý. Trong “Có gì to tát”, anh nhận ra: Đất có thể cất thành Bụt nhưng cũng có thể trôi thành bùn. Cho nên con người hãy cứ bình tâm mà sống qua lời khuyên rất có màu sắc nhân sinh: “Có gì to tát/ Mà ca với cười/ Có gì ghê gớm/ Mà than nẫu trời!”.

Trong “Cùng ở rừng sinh ra”, anh chỉ ra sự muôn mặt của gỗ, đẳng cấp của gỗ, phân hóa của gỗ, cũng như sự muôn mặt của người, đẳng cấp của người, phân hóa của người, cho dù chung một xuất phát ban đầu: “Cùng ở rừng sinh ra/ Có gỗ làm bàn phấn/ Cho đẹp người đẹp hoa/ Cùng ở rừng sinh ra/ Có gỗ làm bàn thờ/ Cho muôn người vái lạy/ Cùng ở rừng sinh ra/ Có gỗ làm mặt ghế/ Cho người ta ngồi vào/ Cùng ở rừng sinh ra/ Có gỗ làm mặt thớt/ Cho người ta băm dao!”.

Trần Gia Thái tâm sự: “Đời tôi cay đắng đủ rồi, trải nghiệm đủ rồi. Vì vậy, tôi nghĩ: Ngay cả khi bức bối nhất, cũng cần bình tâm suy nghĩ tìm ra căn nguyên để yêu thêm điều thiện và mong muốn điều tử tế cho con người”. 

Đặng Huy Giang
.
.