Nhà văn Cao Tiến Lê: Xin đừng quên tôi...

Thứ Hai, 20/06/2016, 08:00
Đối với nhiều người, sự ra đi của nhà văn Cao Tiến Lê đầy bất ngờ, dù ông đã thọ đến 80 tuổi. Ông là người xứ Nghệ đặc trưng với giọng nói, tính cách và lối sống giản dị, dễ gần. Ông được nhiều người tri ân vì những gì ông đã làm, đã đem cho đi mà không màng nhận lại. Những ngày tháng cuối đời, ông bệnh nặng, nằm viện triền miên và hôn mê cả tháng trời rồi nhẹ nhàng nhắm mắt buông tay vào một ngày đầu tháng 6 đầy nắng gió. Thời tiết khắc nghiệt của mùa hè hệt như đang đưa ông trở về trong ký ức mảnh đất miền Trung nhiều thương khó quê hương ông...


Nhà văn Cao Tiến Lê sinh vào một ngày cuối năm 1937 tại Bạch Ngọc, Đô Lương, Nghệ An. Nếu nói rằng, sự sống và cái chết là định mệnh, thì sự có mặt trên đời này của nhà văn Cao Tiến Lê quả thật là được ông trời định đoạt. Ông từng kể với tôi rằng, đáng lẽ ra ông đã "mồ yên mả đẹp" từ ngày mới lọt lòng. Nhưng số phận đã không đồng ý để ông lìa đời khi vừa chào đời mà cho ông sống đến 80 tuổi, trở thành một nhà văn và được đi khắp mọi miền Tổ quốc là một điều kỳ diệu.

Ngày đó, mẹ ông đẻ con rất dày, "ba năm đôi" là chuyện thường tình, mà những người nông dân hồi ấy, họ đẻ rơi con trên bờ ruộng là chuyện cũng chẳng hề xa lạ. Ngày nhà văn Cao Tiến Lê chào đời, ông đã không có dấu hiệu của sự sống. Hồi đó, mẹ ông sinh ông tại nhà cho nên ngay khi vừa đẻ con xong, thấy con không khóc, không ngọ ngoạy, bà đoán con đã chết, vì thế, bà quấn con trong một cái mấn (váy) để ở góc nhà rồi gọi hai ông chú sang để mang ra đồng chôn.

Nhà văn Cao Tiến Lê.

Hai ông chú của nhà văn Cao Tiến Lê sang ngay sau đó nhưng trước khi mang đứa cháu đi chôn, hai ông ngồi lại hút điếu thuốc lào và một ông đã… bị say, đành phải nằm lại nghỉ ngơi chốc lát. Trong lúc đó, ông chú còn lại đã vô tình nhìn và thấy cái váy quấn đứa cháu đã chết của mình bị… ướt, ông tự hỏi, hay là nó còn sống và đái dầm? Rồi ông chú đến để kiểm tra thì thấy cơ thể đứa bé vẫn còn ấm, lấy một sợi dây bấc để trước mũi thì thấy nó bay phập phù, điều ấy có nghĩa đứa bé vẫn còn sống.

Nhà văn Cao Tiến Lê đã được hồi sinh như một sự may mắn của số phận. Chính vì thế, dù sau này không bao giờ hút thuốc và rất ghét mùi thuốc, song ông lại rất yêu quý những người hút thuốc, vì ông cho rằng, chẳng có điều gì tồn tại trong đất trời mà không có… cái lý của nó. Cũng như chính nhờ cái thói quen hút thuốc lào của những người dân quê mà ông đã được quay trở lại cuộc đời để được sống và trở thành một nhà văn.

Lớn lên, rời ghế nhà trường phổ thông, ông xung phong đi bộ đội. Nhà văn Cao Tiến Lê chia sẻ rằng, từ cuộc sống, chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ đã hun đúc trong ông niềm khát vọng làm một chứng nhân lịch sử của hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đã thôi thúc ông tập viết văn, kiên trì và miệt mài ghi chép, viết trên mọi nẻo đường hành quân.

Ông nhớ lại tác phẩm đầu tay ông viết năm 1957, đó là truyện ngắn "Bức thư bị nát". Chuyện kể về một anh lính có niềm khát khao được học tập. Trong chiến trường nhiều gian khổ hy sinh, anh có một khát vọng muốn được đi học, đi học không phải để trốn tránh nhiệm vụ, mà anh muốn đi học để bổ trợ kiến thức và bằng cách đó, anh có thể ghi lại được những hình ảnh đau thương và anh dũng của những người lính yêu nước trong chiến tranh một cách sâu sắc hơn.

Anh lính đã viết một bức thư gửi lên cấp trên, nhưng đắn đo hết ngày này ngày khác, anh vẫn không thể nào có can đảm để gửi bức thư ấy. Rồi dần dần, khát vọng được đi học cũng dần phai đi trong thực tế chiến tranh khốc liệt. Đến một ngày, anh giặt quần áo và phát hiện ra một vật gì đó trong túi quần của mình, mở ra thì đó chính là… bức thư đã bị nát trong quá trình giặt quần áo.

Nhà văn Cao Tiến Lê vẫn còn nhớ, sau khi viết xong truyện ngắn đó, ông đã chạy ra đường vẫy xe và gửi theo hòm thư ra Báo Quân đội nhân dân và được in ngay sau một thời gian ngắn. Nỗi vui mừng hạnh phúc đã khiến cho niềm say mê văn chương trong ông trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Cộng với cảm hứng về người lính, về đồng đội cũng như sự hy sinh mất mát trong chiến tranh đã thôi thúc ông viết một loạt tác phẩm gửi in trên các báo.

Cùng thời gian đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tập hợp và cho in tập truyện ngắn đầu tay của Cao Tiến Lê với tựa đề "Phía trong" (năm 1972). Thời ấy, được in một cuốn sách riêng là một việc cực kỳ hi hữu, nhất là đối với những nhà văn mới xuất hiện như Cao Tiến Lê.

Sau này, nhiều người hỏi ông về cảm hứng sáng tác những tác phẩm trong tập "Phía trong", ông nói rằng, khi đó, ông viết vì sự thôi thúc từ bên trong, từ chính sự nhức nhối bởi những vết thương chưa lành của bản thân ông cũng như đồng đội, từ sự rình rập của sợi dây mong manh, vô hình giữa cái sống và cái chết. Từ một chiến sĩ, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phải chăng nó là sự dẫn dắt tình cờ của số phận? Ông từng khẳng định, số phận đã cho ông sống trên cuộc đời này, nhưng với văn chương, chỉ có nghị lực bền vững phi thường mới có thể giúp ông đi được trên lối rẽ bất ngờ ấy.

Đối với ông, con đường văn nghiệp là một con đường khổ ải chẳng kém gì chặng đường trong bom đạn mà ông đã phải nếm trải. Vì thế, trong các tác phẩm của mình, nhà văn Cao Tiến Lê có một cách nhìn đời rất nhân bản. Mỗi câu chuyện của ông là một câu chuyện về một tấm lòng tốt, một việc làm đẹp mà ông đã gặp, đã chứng kiến. Khi viết về chiến tranh, ông đi sâu vào các tình huống, các sự việc cụ thể, dù rất nhỏ để phản ánh cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của những người lính trẻ, những con người ông đã gặp, đã được che chở nơi những vùng quê ông đã đi qua. Truyện ngắn của ông không sôi động, gay cấn, mà mộc mạc, bình dị.

Một tác phẩm của nhà văn Cao Tiến Lê.

Năm 1972, ông đã đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với truyện ngắn "Mùi thơm dây cháy chậm". Ông vẫn còn nhớ, hồi đó ông biết được tin mình đoạt giải là qua cái đài Orionton mà ông vừa đạp xe vừa đeo bên hông vừa nghe điểm báo qua sóng phát thanh. Cảm giác của ông lúc đó thật khó tả. Ông vừa đạp xe, vừa thấy con đường phía trước của mình rộng thênh thang và trải đầy màu xanh của hòa bình. Ông biết chắc chắn định mệnh đã gắn ông với cây bút và chắc chắn rằng tình yêu văn chương trong ông sẽ chẳng thể nào vơi cạn.

Sau khi rời đơn vị chiến đấu trực tiếp về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân rồi chuyển qua làm biên tập viên, rồi Phó Tổng biên tập NXB Thanh Niên cũng chính là thời kỳ nhà văn Cao Tiến Lê viết được nhiều nhất, trong tầng hầm của trụ sở NXB Thanh Niên ở phố Bà Triệu (căn phòng mười mấy mét vuông mà ông vẫn gọi vui là Thung lũng Bà Triệu).

Nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đã nhận được phản hồi tốt từ dư luận bạn đọc như: "Ngược rừng Cha Chẽ", "Bến quê", "Mùa ca dao", "Cây sau sau lá đỏ", "Bây giờ nên xử sự thế nào", "Ở trần", "Nếm trải Điện Biên", "Đến với bình minh", "Trung tướng giữa đời thường", "Một đời vô duyên".

Truyện của ông mang đậm chất lính và sự nhạy bén khi tái hiện được hiện thực cuộc sống, đôi khi có cả chút ngang tàng và chút "gàn" của ông đồ Nghệ. Đọc tập truyện ngắn "Một đời vô duyên" của Cao Tiến Lê, có nhà phê bình đã nhận xét rằng, đó là chiếc cầu nối giữa chiến tranh và hòa bình, là minh chứng cho sự bền gan, bền chí, chờ đợi của những con người đối mặt với cả phía sau chiến tranh.

Nhà văn Cao Tiến Lê từng cho rằng, đối với ông, văn chương không chỉ là một phương tiện để phản ánh đời sống, mà nó chính là đời sống. Kể từ tác phẩm đầu tay cho đến nay, khi đã có trong tay hàng nghìn trang sách, làm giám khảo cho hàng chục cuộc thi thơ văn, đọc của bạn bè không biết bao nhiêu cuốn, ông coi văn chương là nơi chuyển tải nỗi lòng và tâm sự của mỗi nhà văn trước thời cuộc. Những trang viết đối với ông còn hơn thế, nó là những thước phim cuộc đời bằng chữ để ông neo giữ cuộc đời mình. Ông đã rưng rưng nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm đã làm nên một phần đời ông khi tôi gợi lại những quãng thời gian đã qua của một thời binh lửa.

Sau này, ngoài những đóng góp của mình trên văn đàn bằng tác phẩm, ông còn tham gia giữ các cương vị chủ chốt trong Hội Nhà văn Việt Nam như Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VI, Trưởng ban Quản lý xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam… Nhà văn Cao Tiến Lê không phải là một người thích PR mình. Ông cho rằng, tác phẩm, tự nó sẽ có một đời sống để đánh giá đời viết của một nhà văn. Với ông, bản thân được sống và viết sau khi trải qua vài lần… chết hụt, đã là có "lãi".

Nhà văn Cao Tiến Lê có một tập truyện ngắn mang tên "Xin đừng quên tôi". Trong đó, truyện ngắn lấy tựa đề tập sách kể về nhân vật Phương, một người lính và câu chuyện về loài hoa "Xin đừng quên tôi". Cầm trên tay tập sách của ông, biết rằng có thể năm tháng đời người rồi sẽ như mây trôi, nước chảy, rồi sẽ như gió bay, nhưng chắc chắn với những người ở lại, người bạn, những người quen, những người tri âm, tri kỷ vẫn sẽ  nhớ về ông, yêu quý ông và cầu mong ông yên nghỉ thanh thản nơi chín suối...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.