Nhà văn Lê Văn Thảo:Người kể chuyện bẩm sinh

Thứ Năm, 02/06/2016, 15:15
Tôi gặp nhà văn Lê Văn Thảo từ khoảng năm 1996, lúc đó tôi vừa ra trường, thường hay lui tới tòa soạn Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ở đường Nguyễn Phi Khanh, Quận 1. Tòa soạn khá nhỏ hẹp.


Những năm tháng ấy, tôi còn khá lơ ngơ ở đất Sài Gòn, dường như chỉ có Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh là địa chỉ thân thiện và dường như cũng chỉ có nơi đây ưu ái cho đăng những trang văn cũng như những bài báo còn vụng về, non yếu của tôi. Ở Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, tôi gặp gỡ và dần thân quen với các nhà văn, nhà thơ: Chim Trắng, Hoài Anh, Trần Nhật Thu, Võ Phi Hùng, Trần Hữu Dũng, Phan Ngọc Thường Đoan. Và, đương nhiên có cả nhà văn Lê Văn Thảo.

Hồi đó mọi người thường tụ tập ở khoảnh sân trước tòa soạn vào mỗi buổi sớm để cà phê và chuyện trò văn nghệ. Nhà văn Lê Văn Thảo ít ngồi "chém gió" cùng mọi người, ông thường ngồi một mình trong phòng khách, dường như sáng nào cũng ngồi ngay góc cái ghế sa lông dài, cạnh cái đôn đặt điện thoại bàn để tiếp bạn đọc. Nhưng suốt mấy năm ở báo, tôi hiếm khi nào thấy cái điện thoại ấy reo. Có reo chăng là điện thoại ở phòng phát nhuận bút.

Lê Văn Thảo lúc ấy là Phó tổng biên tập, nhưng dường như ông không có phòng riêng, hay có phòng riêng mà không ngồi, tôi cũng không biết.

Nhà văn Lê Văn Thảo.

Tôi tập tành viết truyện ngắn, nên gặp một nhà văn tên tuổi, lại phụ trách mảng văn xuôi của tờ báo, nên thú thật là cũng hơi "khớp". Tuy nhiên, nhà văn Lê Văn Thảo đối với tôi rất gần gũi, chân tình. Thế rồi những truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng ở đây, cùng với việc thỉnh thoảng tôi được chú Thảo kêu qua nhà uống rượu. Những bữa rượu như thế đều do chú tự đi chợ rồi vào bếp trổ tài, hầu hết là món rất dân dã, đặc thù Nam Bộ.

Lê Văn Thảo dường như chẳng bao giờ bày vẽ hay lên lớp cho tôi về "nghệ thuật viết truyện" hay đại loại. Lê Văn Thảo cũng chưa bao giờ thị phạm cho tôi xem cách làm mấy món nhậu "thần sầu". Nhưng cứ đi theo ông, ngồi nghe ông kể chuyện, tôi cũng học được rất nhiều. Học cách sống, cách viết, học làm một người đàn ông thực thụ.

Nói ra buồn cười, bây giờ dường như chẳng ai dạy chúng ta học làm người đàn ông. Trong khi theo tôi, một người đàn ông thì phải đủ phẩm cách của một người đàn ông thực sự: mạnh mẽ, nhẫn nại, yêu thương, trách nhiệm và độ lượng. Làm một người đàn ông thực sự, có lẽ còn khó hơn cả làm một nhà văn thành công.

Năm 2001, nhà văn Lê Văn Thảo về làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh (sau này gọi là Chủ tịch), tôi cũng theo chú về đó, coi như là có một chỗ làm. Lúc đó Hội còn ở trụ sở 62 Nguyễn Văn Đậu (Quận Bình Thạnh), trong sân Hội có một tiệm cà phê nho nhỏ.

Tôi làm chân văn phòng, phụ việc cho Lê Văn Thảo nhưng thú thật tôi đi "viết báo dạo" là chính. Tôi cộng tác với hầu hết các báo Sài Gòn, trong túi xách lúc nào cũng có mấy cái đĩa A, tức đĩa mềm, và ngoài bìa đĩa tôi thường ghi nhãn phân loại như: Kiếm cơm (tức viết báo) Mơ mộng (tức viết văn làm thơ)

Thế nhưng, tôi làm chỗ chú Thảo chỉ chừng một năm thì nghỉ. Nghỉ làm ở Hội nhưng tình cảm với chú Thảo vẫn như ngày nào. Có một điều chắc ít người biết là tuy từng là nhân viên Hội, rất thân với Chủ tịch Hội, cũng từng vận động cho không ít nhà văn vào Hội, nhưng tôi chưa từng là hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh (mãi cho đến năm 2012 tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam thì được đặc cách vào Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh). Chẳng qua là tôi rất lười việc viết đơn. Thế nhưng, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn luôn tin tưởng, nhờ tôi làm công việc tìm đọc và mua sách về cho Hội để tham khảo việc xét giải hằng năm. Suốt nhiều năm liền tôi âm thầm làm việc này...

Nghệ thuật, nói cho cùng là sự hư cấu, tưởng tượng.

Về nghệ thuật truyện ngắn của Lê Văn Thảo, tôi rất tâm đắc với bài viết của GS Huỳnh Như Phương: "Truyện ngắn Lê Văn Thảo: cái lạ, cái nhạt và cái thật". Những ai muốn tìm hiểu về truyện ngắn Lê Văn Thảo hoặc muốn tham khảo, tham chiếu một góc nhìn thì rất nên đọc tiểu luận này.

Về phần mình, trong cả kho truyện ngắn của Lê Văn Thảo, tôi chỉ xin lấy ngẫu hứng hai truyện ngắn: "Lên núi thả mây" và "Bốn con đường đi xuống biển".

"Lên núi thả mây" là câu chuyện có bối cảnh một ngôi làng nằm dưới chân một ngọn núi cao nhất, gọi là Đỉnh Mây Mù. Người đàn ông tên Năm Tính chưa bao giờ lên đỉnh núi ấy, suốt ngày ngồi đan lát trước sân nhà. Một bữa, ông đang ngồi một mình thì có hai đứa nhỏ bước vào. Tụi nhỏ báo là ba của chúng sẽ tới để rủ ông cùng lên núi thả mây.

Chẳng biết tụi nhỏ mượn chuyện để vào xin nước uống hay là bịa chuyện chọc ông. Nhưng chúng đi rồi thì ông ngồi nghĩ. Lên núi thả mây là sao? Là lên núi lùa mây nhốt vào một cái nhà, rồi chờ những ngày trời trong mở cửa thả mây ra. Chuyện lạ kỳ này đã từng xảy ra với ông chưa? Trí nhớ là không, nhưng cảm thức chập chờn hư thực. Lên núi thả mây là chuyện tầm ruồng hay chuyện quan trọng đời người?

Tụi nhỏ kia cứ nói là ông đã từng đi thả mây với ba tụi nó rồi. Ông cũng chẳng biết là có hay không nữa. Ở đời có nhiều chuyện mình không thể biết là đã có hay không. Thôi đời ông không bàn tới nữa, nhưng ông dặn con: "Hai đứa còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó, nhưng lớn lên thì phải làm công chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi".

"Bốn con đường đi xuống biển" là chuyện kể về một nhóm bạn gồm bốn chàng trai trẻ, hay cùng nhau rong ruổi trên những cung đường. Có một con đường chính từ Đà Lạt xuống biển Phan Thiết, nhưng bốn lần đi họ ngẫu hứng rẽ trái theo những con đường nhỏ khác nhau.

Trong bốn lần rẽ, họ gặp bốn câu chuyện khác nhau. Ở lần rẽ thứ hai, họ muốn ghé qua chỗ dừng lần một, nhưng rồi bỏ qua. Trong lần rẽ thứ ba, họ muốn ghé chỗ dừng lần hai, nhưng rồi bỏ qua. Lần rẽ thứ bốn, họ muốn ghé ngang chỗ đã dừng lần ba, nhưng rồi cũng bỏ qua.

Thế rồi, cho đến khi tuổi già, có cháu nội cháu ngoại, họ chợt muốn quay trở lại chỗ đã dừng lần thứ bốn để gặp một người. Đó là một nữ tu trẻ tuổi, mà lần đó đã rời chùa đi nhờ xe họ trở về nhà. Cũng là một người gặp tình cờ, nhưng họ thấy cần gặp lại, vì không thể cứ "cho qua" mọi thứ như vậy. Nhưng rốt cuộc thì cuộc gặp đó diễn ra như thế nào?

Tiểu thuyết “Cơn giông” của Nhà văn Lê Văn Thảo.

Theo tôi đó là hai truyện ngắn rất hiện đại, rất đặc sắc của Lê Văn Thảo mà cũng của văn chương Việt Nam hôm nay.

Là một người trẻ, nhưng tôi thấy dường như mình không trẻ trung bằng, không tình tứ bằng, không dí dỏm bằng nhà văn Lê Văn Thảo.

Có lần tôi viết: "Dường như truyện ngắn nào của Lê Văn Thảo cũng có thể kể lại được" thì một nhà văn đàn anh có bắt bẻ tôi rằng: "Truyện kể lại được thì cũng đâu có hay?". Tôi cho rằng hay hay dở còn tùy vào gu đọc và tâm trạng đọc của mỗi người. Nhưng với truyện ngắn Lê Văn Thảo thì tôi muốn nói thêm rằng: "Đồng ý là ai cũng có thể kể lại được. Nhưng không ai kể hay bằng chính tác giả".

Quả vậy, Lê Văn Thảo là một người kể chuyện bẩm sinh. Truyện của Lê Văn Thảo dù có cốt truyện và dễ kể lại, nhưng cái hay trong truyện ngắn Lê Văn Thảo không phải để kể mà để cảm. Cái ngạc nhiên không phải ở những chuyện lạ lùng mà ở những điều bình dị, điều thích thú không nằm ở thông điệp mà ở chi tiết. Có rất nhiều chi tiết mà chỉ có một người rong ruổi nhiều, trải nghiệm nhiều mới thu lượm được. Tính hư cấu và phi hư cấu được trộn lẫn một cách nhuần nhuyễn trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo.

Tóm lại Lê Văn Thảo là người vừa có chuyện vừa có giọng. Có những nhà văn mà đời văn may mắn "tóm" được mấy câu chuyện hay thì thành danh, nhưng văn không giọng riêng. Mà, viết văn muốn có giọng riêng, thiển nghĩ phải cần cù lao động chữ miệt mài, phải say sưa tâm cảm nghệ sĩ, phải đi, phải đọc, phải học, phải chắt lọc không ngừng.

Cuối cùng còn lại là con người và trang văn. Đôi khi chúng ta bỏ qua những trang văn để ngồi với nhau. Đôi khi chúng ta xa nhau để rồi lật giở những trang văn.

Con người Lê Văn Thảo khiến cho tôi cảm thấy nể trọng, ấm áp.

Trang văn của Lê Văn Thảo khiến cho tôi cảm thấy rung cảm, hiểu biết.

Bỏ qua hết những chức tước hay danh hiệu, tôi nghĩ Lê Văn Thảo xứng đáng với hai chữ nhà văn.

Một nhà văn thật sự. Người đã thiết kế những văn bản văn chương lớn lao từ những điều nhỏ bé.

Trần Nhã Thụy
.
.