“Người lạ” khuynh đảo thị trường âm nhạc

Chủ Nhật, 11/03/2018, 07:08
Các giải thưởng và bảng xếp hạng âm nhạc năm nay bắt đầu phủ sóng dày đặc tên tuổi xa lạ. Họ là những gương mặt của giới underground (hoạt động ngầm) và indie (hoạt động độc lập). Không gò bó bởi một khuôn phép nào, họ tha hồ tung tẩy, mang đến làn gió tươi mới cho thị trường âm nhạc.


Đầu 2018, MV “Người lạ ơi” gây nên cơn sốt cho giới trẻ. Người ta săn lùng “Người lạ ơi” để rồi tìm thấy vô số câu từ hay ho nói hộ lòng mình. “Người lạ ơi! Xin giúp tôi mượn bờ vai/ Tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá/ Người lạ ơi! Xin giúp tôi mượn nụ hôn/  Mượn rồi tôi trả, đừng vội vàng quá...”. Hầu hết phần lời trong ca khúc này trở thành câu nói cửa miệng của cộng đồng mạng. Tạo nên địa chấn lại là những cái tên lạ hoắc như Orange, Karik. Giọng hát ma mị, phiêu linh của Orange khiến bài hát trở nên khắc khoải, mê hoặc trên nền rap đầy cô đơn, tâm trạng của Karik.

Nếu Karik thi thoảng xuất hiện trong vài MV ca nhạc trước đó thì Orange là gương mặt lần đầu “bước ra ánh sáng”. Hồi còn dùng tên thật Khương Hoàn Mỹ, cô không có gì nổi bật khi tham gia cuộc thi "Nhân tố bí ẩn 2014". Cô gái rụt rè, chỉ giỏi hát tiếng Anh còn hát tiếng Việt không mấy cuốn hút sớm dừng chân ở top 12.

Nhà sản xuất Masew đoạt giải “Nghệ sĩ Indie/ Underground được yêu thích” của Zing Music Awards 2017.

Là thành viên của nhóm “Quýt và Nho” – một nhóm nhạc indie, hoạt động âm nhạc của Hoàn Mỹ cũng không để lại dấu ấn gì. Phải đến khi nhạc sĩ Châu Đăng Khoa mời vào sáng tác mới “Người lạ ơi”, chất giọng và hình ảnh của cô mới thật sự bùng nổ, đầy cá tính, thời thượng với nghệ danh mới Orange. Từ bước đệm tuyệt vời này, sắp tới, Orange dự định dấn thân vào nhiều dự án solo khác để khai thác chất giọng cá tính đầy nội lực.

Lần đầu chào sân, Xesi (tên thật là Trần Hải Yến) và nhà sản xuất Masew, Nhật Nguyễn cũng tạo nên bản hit (ca khúc ăn khách). Chỉ sau một thời gian ngắn trình làng, bản thu “Túy âm” đã chạm mốc 100 triệu view trên YouTube và hơn 120 triệu lượt nghe trên Zing MP3.

Nhắc tới “Túy âm” người ta không thể quên giọng ca như say như mê, như ảo như thực rất lạ tai của Xesi. Là một học sinh lớp 12 thế nhưng Xesi đã là cái tên nổi bần bật trong giới underground bởi khả năng sáng tác và ca hát. Nỗi buồn của một người say được kể bằng ngôn ngữ, giai điệu phóng khoáng hòa quyện giọng ca “bất quy tắc” của Xesi làm nên một “Túy âm” cực bắt tai. 

Ngoài “Người lạ ơi”, “Túy âm”, trong năm 2017 và đầu 2018, hàng loạt ca khúc của giới underground và indie làm mưa làm gió. Có thể kể đến "Một nhà" của DaLab;, "Đưa nhau đi trốn" của Đen và Linh Cáo; “Phút ban đầu”, "Lời yêu em", "Còn anh”  của Thái Vũ; “Buồn của anh” của K-ICM, Đạt G, Masew; “Kém duyên” của Rum, NIT, Masew; "Chiều hôm ấy" và "Vài tháng sau" của Jaykii ... Ngọt Band có khá nhiều bài hát cuốn hút như "Cá hồi", "Cho tôi đi theo", "Em dạo này"; PKL Band có "Bài ca tuổi trẻ"...

Thành công của ca sĩ, nhạc sĩ underground, indie vượt mặt cả ca sĩ đình đám dòng mainstream (dòng chính thống) như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Minh Hằng, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Thủy Tiên, Tóc Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hương Tràm… Hầu hết các ca khúc kể trên nhanh chóng đạt 100 triệu xem sau một thời gian ngắn. Chỉ trong 2 tuần ra mắt, ca khúc “Người lạ ơi” đạt 100 triệu lượt nghe, nhanh nhất trong lịch sử trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 trong khi “Em gái mưa” của Hương Tràm phải mất 30 ngày để đạt được lượt xem tương tự.

Những “người lạ” không biết từ đâu đến soán ngôi các “sao” một cách ngoạn mục trên vô số bảng xếp hạng và giải thưởng âm nhạc. Các ca khúc của Masew xuất hiện đến 5 lần trong số 30 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng zingchart.

“Người lạ ơi” nằm lỳ ở vị trí đầu tiên bảng xếp hạng Zing MP3 nhiều tuần liền. “Buồn của anh” cũng nhiều lần dẫn đầu bảng xếp hạng Zing MP3. “Đã lỡ yêu em nhiều” của JustaTee ra mắt từ tháng 11- 2017 nhưng vẫn trụ rất lâu trong các bảng xếp hạng. Vé mini liveshow của Vũ, Ngọt Band, Linh Cáo, Đen ra chừng nào là hết chừng ấy.

Chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của giới indie, underground, giải thưởng Zing Music Awards 2017 quyết định bổ sung hạng mục “Nghệ sĩ Indie/ Underground được yêu thích” nhằm theo kịp xu thế và phản ánh chân thực bức tranh âm nhạc đương đại.  Ở các hạng mục khác, những “người lạ” tiếp tục đe dọa “ngôi sao”. Bằng chứng là Rhymastic với ca khúc “Yêu 5” được đề cử ở cả 3 hạng mục: “Ca khúc của năm”, “Nhạc sĩ của năm” và “Ca khúc dance/ electronic được yêu thích”. Tên tuổi họ còn đổ bộ ở giải Pops Awards, Làn sóng xanh, Keeng Young Awards, Vpop 20 Awards...

Điều gì khiến những cái tên xa lạ này bỗng chốc được chú ý đến vậy? Dù là hai khuynh hướng hoạt động âm nhạc khác nhau (underground thường hướng đến giải tỏa cái tôi cá nhân, không cần kiếm tiền bằng âm nhạc trong khi nghệ sĩ indie cần khán giả, cần đi hát kiếm tiền), underground và indie vẫn có một điểm chung, đó là sự tự do.

Khác với các ngôi sao nổi tiếng dòng mainstream luôn bị công chúng thần tượng hóa hoặc soi mói, phải đóng khung hình ảnh cũng như chịu sự định hướng bởi chiến lược quảng bá của công ty quản lý, nghệ sĩ underground và indie hoạt động tự do nên tha hồ vùng vẫy thử nghiệm mà không phải kiêng dè gì. Họ tự do sáng tạo không giới hạn, tự do “chơi” với âm nhạc bằng niềm đam mê thuần khiết và lắm lúc điên rồ.

Cũng vì sự tự do này, một thời gian dài, công chúng ngán ngẩm với vô số bài hát phản cảm. Vài năm trước, Mr T và Yanbi cho ra đời loạt ca khúc mà người khác nghe qua đã đỏ mặt như “Áo mưa”, “Phiếu bé ngoan”... Chuyện phòng the bị đưa ra đùa giỡn thô vụng. Hay đơn cử như ca khúc “Quăng tao cái boong” mà giới trẻ vô cùng yêu thích. Thực chất ca khúc này cổ súy việc hút shisha. “Nơi tao sống” trở thành hit dù nó chứa đựng ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa... Giờ đây, sự sàng lọc của thời gian đã đẩy nhạc rác sang một bên, nhường chỗ cho tác phẩm “vàng ròng” lên ngôi.

Âm nhạc của họ không ám màu thương mại, không chạy theo thị hiếu, không ồn ào truyền thông, không nhãn hàng quảng cáo, không chiêu trò câu khách. Nó thu hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ của âm nhạc. Đó là cảm xúc chân thành truyền tải trong lời ca đẹp, là tính triết lý, thông điệp cuộc sống ý nghĩa mà giản dị, chân thực chứ không phô trương, sáo rỗng. Nó chất chứa nhựa sống thanh xuân, quan niệm với đời và sự nổi loạn của những người trẻ tuổi. Tất cả những điều trên khiến nhạc của nghệ sĩ underground và indie mang màu sắc riêng biệt không trộn lẫn.

Mới xuất hiện nhưng Orange đã tạo sóng với “Người lạ ơi”.

Khi thị trường mainstream đang có dấu hiệu bão hòa với cách xử lý bài hát na ná nhau, quẩn quanh pop, ballad... dù MV tiền tỉ hào nhoáng, thì những sản phẩm của dòng underground và indie trở thành món ăn lạ miệng. “Người lạ ơi” chỉ là những cảnh quay đơn giản ở Đà Lạt. Thậm chí, “Túy âm”, “Kém duyên” chỉ là bản audio chứ không phải là MV gì đình đám.

Trước đây, các sản phẩm âm nhạc của họ không được phát hành công khai, rộng rãi. Vài năm trở lại đây, nhờ mạng xã hội cũng như các trang nghe nhạc trực tuyến phát triển, âm nhạc của họ đã bước ra ánh sáng. “Phong trào nghệ sĩ độc lập xuất hiện nhiều nhân vật lạ lùng, tài năng với các sản phẩm âm nhạc độc - lạ - hay, gây choáng cho cả giới chuyên môn” – nhạc sĩ Nguyễn Cường đánh giá.

Nhận thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ này, không ít ca sĩ, nhạc sĩ đại chúng nhanh chóng bắt tay với nghệ sĩ underground và indie. Uyên Linh hợp tác với nhạc sĩ Trang cho ra đời "Bài hát của em". Tương tự, “Hôn anh” của Trang là ca khúc mà ca sĩ Min đặt hàng. Lê Hiếu hát "Phố không em" của Thái Đinh; Đinh Hương hát "Không cần" của Hải Sâm… Đây là cách ca sĩ mainstream “thay máu” để âm nhạc của mình trở về nguyên bản, khoe giọng hát lôi cuốn công chúng mà không cần bất cứ chiêu trò gì.

Phan Thi Uyên
.
.