Người đẹp và sự ngã lòng với một "tù binh"

Thứ Năm, 30/07/2020, 15:42
Nói đến nền điện ảnh cách mạng, nhất là nói đến các nữ nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam, không thể không nhắc đến Đức Hoàn. Cùng với những nữ nghệ sỹ tài danh gạo cội như Trà Giang, Tuệ Minh, Phi Nga, Thụy Vân, Ngọc Lan, Minh Đức..., Đức Hoàn nổi lên như một đóa hoa lộng lẫy, ngạt ngào hương sắc.


Đến bây giờ - sau gần 60 năm – và có lẽ mãi mãi, tôi vẫn không thể quên cái buổi chiều hôm đó – buổi chiều một ngày mùa đông năm 1962. Khi ấy, tôi đang học lớp 8 trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội). 

Thời đó, lũ học sinh chúng tôi chỉ học một buổi, chứ không cả ngày như bây giờ, lại còn được nghỉ thêm ngày thứ 5. Thường thì ngày này, chúng tôi đến trường đá bóng. Trường tôi khi ấy ở liền sát với Xưởng phim truyện Hà Nội (sau này gọi là Hãng Phim truyện Việt Nam) tại đầu phố Thụy Khuê, gần công viên Lý Tự Trọng.

Cố NSƯT Đức Hoàn.

Thời điểm đó, Việt Nam ta đã sản xuất được một số phim truyện như “Chung một dòng sông”, “Con chim vành khuyên”, “Hai người lính”, “Một ngày đầu thu”, “Vật kỷ niệm của người đã mất”... Mặc dù khi ấy ở các rạp đang chiếu rất nhiều phim hay, đặc biệt là của Liên Xô (cũ) và các nước trong phe XHCN, nhưng khán giả vẫn rất háo hức xem các phim của Việt Nam. Tuy mức độ thành công có thể khác nhau nhưng phim nào họ cũng hào hứng đón nhận. 

Điều rất thú vị của bọn nhóc chúng tôi ngày ấy là hôm nào đến trường cũng phải đi qua cổng xưởng phim và thường gặp những diễn viên mình từng nhìn thấy trên màn bạc. Rồi chúng tôi chỉ trỏ và kháo nhau rằng họ đã đóng các vai này, kia trong những phim mình vừa xem. Có khi còn tranh cãi ỏm tỏi vì có đứa phát hiện nhầm. 

Một phim mới vừa được chiếu chưa lâu tại các rạp nhanh chóng trở nên nổi tiếng lúc ấy có tên “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, xây dựng từ kịch bản của nhà văn Tô Hoài chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ông. 

Một lần, tôi chỉ vào một chị hơn bọn tôi khoảng chục tuổi, khẳng định đó là người đóng vai Mỵ - nhân vật chính của phim. Nhưng có đứa bảo tôi nói sai: “-Mày nhầm rồi. Cô Mỵ trong phim là cô gái người Mèo do Đức Hoàn đóng. Chị kia trông quá thành phố làm sao có thể vào vai đó được. Chắc chắn Đức Hoàn phải khác”. 

Nhưng tôi khẳng định với thằng bạn mình sẽ thắng cuộc nếu chơi trò “cá”. Sở dĩ vậy vì tôi không thể quên cái đôi mắt sắc lẹm của Đức Hoàn vào vai Mỵ. Đôi mắt không chê được vào đâu. Vừa sắc như dao, lại long lanh, sức biểu cảm rất phong phú: Lúc mơ mộng, lúc trĩu nặng đau khổ... Nhìn vào đôi mắt ấy thấy như một đại dương mênh mông mọi tâm trạng của con người. 

Chúng tôi đang tranh cãi nhau thì chị tiến lại, nở nụ cười thân thiện: “-Các em cứ cá với nhau đi. Đứa nào sai, chị sẽ chịu phạt thay”. Và chị đúng là Đức Hoàn. Tôi đã thắng. Tuy nhiên, sợ làm phiền chị mà tôi không bắt “vạ” thằng bạn hiếu thắng. Trước khi rời chị đến lớp, chị nói với chúng tôi: “-Các em học bên trường, lúc nào rảnh cứ sang đây chơi với các anh, chị. Ai cũng vui vẻ, sẵn sàng nói chuyện với các em”.

Tôi vô cùng thích thú vì được quen Đức Hoàn sau lần ấy. Thế là từ đó, cứ hôm nào tan học sớm, lúc về, qua xưởng phim, nhìn thấy chị ở cổng, ở sân mà có vẻ không bận là tôi lại rẽ vào chơi với chị. Trừ những lần chị sắp mắc họp, còn thì đều dẫn tôi ra “quán cóc” ngoài cổng nói chuyện. 

Tôi thấy chị rất cởi mở, có vẻ quý tôi nên cũng không dè dặt hỏi chị về việc đóng phim như thế nào. Chị còn nói ngày nghỉ có thể đến chơi với chị tại nhà riêng. Nhưng tôi đã e ngại mà chỉ gặp chị ở Xưởng phim.

Nghệ sĩ Đức Hoàn và chồng cũ – Đạo diễn nổi tiềng Trần Vũ – cùng con gái.

Nói đến nền điện ảnh cách mạng, nhất là nói đến các nữ nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam, không thể không nhắc đến Đức Hoàn. Cùng với những nữ nghệ sỹ tài danh gạo cội như Trà Giang, Tuệ Minh, Phi Nga, Thụy Vân, Ngọc Lan, Minh Đức..., Đức Hoàn nổi lên như một đóa hoa lộng lẫy, ngạt ngào hương sắc. 

Chị in dấu ấn trong lịch sử điện ảnh nước nhà ở cả hai cương vị diễn viên và đạo diễn. Ở lĩnh vực nào, chị cũng gặt hái được những thành tựu rất đáng trân trọng. 

Năm 1961, ở tuổi ngoài  20, khi chưa được trang bị gì về nghề diễn viên điện ảnh, chị đã vào vai Mỵ (phim “Vợ chồng A Phủ”) rất thành công. Cố nhà văn Tô Hoài khi xem phim này cũng phải ngạc nhiên khi thấy một cô gái trẻ người Hà thành chính gốc vào vai một cô gái Mèo có cuộc sống tủi cực, suốt ngày lầm lũi, chịu đựng sự ngược đãi, đầy ải của gia đình tên Thống lý Pá Tra thành công ngoài sự tưởng tượng của ngay cả đạo diễn Mai Lộc. 

Có lần tôi hỏi chị: Làm thế nào để có thể hóa thân được vào một nhân vật có tất cả mọi mặt đều khác xa, đối ngược hoàn toàn với cuộc sống thường ngày của chị ở Thủ đô thì chị kể rằng hồi đó, để đóng phim, diễn viên phải đi thâm nhập thực tế dài ngày chứ không như bây giờ hầu như không còn việc đó nữa. 

Chị cùng Trần Phương (vai A Phủ) và các diễn viên khác đã lên Tây Bắc cùng ăn, ở, sinh hoạt với bà con Mông 6 tháng liền. Chị tập leo núi, gùi nước từ dưới ruộng rồi leo cả cây số mới lên được nhà (người Mông ở trên núi cao). Rồi chị tập đổ nước từ những ống bương ra vại. Tập nhiều đến mức chân phồng rộp, vai sưng vù. 

NSND Trần Phương kể rằng Đức Hoàn là một tấm gương về ý thức thâm nhập thực tế, lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ. Đến Tết, cũng vừa lúc hết thời hạn đi thực tế, mọi người về cả, riêng Đức Hoàn xin phép được ở lại ăn Tết cùng bà con để tìm hiểu thêm về tập tục của họ trong ngày Tết. Lúc này, đứa con gái của chị mới 2 tuổi. Chị động viên chồng (là đạo diễn Trần Vũ) ủng hộ, thay chị chăm sóc con. Ông trân trọng quyết định của vợ.

Khi nhân vật Mỵ của Đức Hoàn vẫn còn đang “hót” trong dư luận – nói theo cách nói hôm nay – thì 2 năm sau – 1963, chị lại đóng thêm một nhát búa vững chắc vào chiếc đinh tài năng khi sắm vai chính có tên Hoan – một người mẹ trẻ góa bụa bị gia đình bên chồng ngăn cản việc tái giá của cô khi đã mãn tang chồng trong phim “Đi bước nữa” của đạo diễn Mai Lộc, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thế Phương. 

Cũng là sự bất hạnh, nhẫn nhịn, đau khổ nhưng Hoan khác hẳn Mỵ. Người xem không nhận ra một chút dấu vết nào của nhân vật trong phim trước (Điều này nhiều diễn viên vẫn mắc). Ngoài hai phim trên, Đức Hoàn còn xuất hiện trong hai phim khác nữa là “Bình minh trên rẻo cao” và “Sao tháng 8”. Cũng không vai nào có “dấu vết” của những vai trước.

Tuy không sắm nhiều vai như các nữ diễn viên khác nhưng Đức Hoàn đã thực sự gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng khó tính bởi tài năng thiên bẩm và một ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc, hết mình. Phim nào, dù xuất hiện nhiều hay ít, Đức Hoàn cũng chú trọng việc thâm nhập thực tế để diễn xuất được sinh động khiến người xem chấp nhận. 

Để đóng phim “Đi bước nữa”, chị về nông thôn, sống cùng nông dân, tập cày, bừa, cấy... Chị đã lao động cật lực như một nam đạo điễn có sức khỏe. Khi đạo diễn phim “Ám ảnh”, chị cầm loa bằng sắt tây hô hét, chỉ đạo hàng nghìn diễn viên quần chúng lội qua sông. (Lúc đó chưa có loa chạy bằng pin như sau này). Có lần đang làm phim, phát bệnh buộc phải mổ nhưng chị đã trì hoãn, làm xong phim mới vào bệnh viện.

Khi đang trên đà phát triển năng lực diễn xuất, chị đi tu nghiệp ở Liên Xô về đạo diễn. Về nước, với vốn liếng học được ở một trường điện ảnh chính quy hàng đầu thế giới, lại từng là diễn viên xuất sắc nên Đức Hoàn có nhiều thuận lợi trong nghề đạo diễn. 

Chị đã để lại nhiều phim có tiếng vang một thời: “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Khách ở quê ra”, “Từ một cánh rừng”, “Ám ảnh”, “Tình yêu và khoảng cách”... Các đồng nghiệp đều nhận định các phim của chị luôn chứa đựng những giá trị nhân văn lớn, đưa đến cho người xem những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, con người.

Khi đạo diễn gạo cội Phạm Văn Khoa thực hiện phim “Chị Dậu”, Đức Hoàn làm phó đạo diễn cho ông. Lúc này chị ở tuổi 38, đã chia tay đạo diễn Trần Vũ, đang lẻ bóng. Đang rất tất bật với công việc thì chị nhận được một mảnh giấy với mấy dòng chữ ngắn gọn của người trợ lý đạo diễn mới ngoài 20 tuổi, kém chị tới trên 15 tuổi có tên Lương Anh (trợ lý đạo diễn và phó đạo diễn khác nhau, như trợ lý GĐ và Phó GĐ vậy): “Chị Đức Hoàn! Em muốn được làm tù binh của chị”. 

Thấy chàng trai trẻ nhiệt tình, chân thành, rất yêu nghề, nữ nghệ sỹ chấp nhận. Và thế là anh chính thức trở thành “tù binh” của Đức Hoàn cho đến ngày chị qua đời (2003), hưởng thọ 66 tuổi. Chẳng những “ông xã” trẻ của chị ngẩn ngơ, bàng hoàng mà bất cứ một công chúng yêu điện ảnh nào cũng thấy tiếc nuối trước sự ra đi chưa đến lúc của một tài năng quý hiếm.

Nguyễn Đình San
.
.