Người dẫn dụ tôi vào con đường văn chương

Thứ Hai, 16/05/2016, 08:00
Trong một bức thư mới đây, Châu La Việt viết: "Mày là người hiểu tao nhất". Tôi không dám cho mình là người có vinh dự đó. Chỉ nghĩ rằng, mình đã may mắn được gặp và chơi thân với Việt, ngay từ những ngày đầu bén duyên với thi ca...


Châu La Việt, tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, sinh tại miền Trung. Nhưng cả tuổi thơ của Việt đã gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Mẹ là nghệ sỹ Tân Nhân nổi tiếng với việc thể hiện bài hát "Xa khơi" của Nguyễn tài Tuệ. Bà xinh đẹp và có giọng hát quyến rũ người nghe một thời…

Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, chàng trai Lê Khánh Hoài mới 17 tuổi, vừa thi tốt nghiệp lớp 10 xong, đã xung phong nhập ngũ, lên đường đánh giặc. Cách nay trên 40 năm, khi đó chúng tôi đang là lính, huấn luyện ở hai đơn vị  khác nhau. Tôi và Việt cùng được cấp trên gọi về học lớp  điện ảnh  do Tổng cục Chính trị mở.

Ở lớp học này, Châu La Việt chỉ chơi và hay kể với tôi về những người bạn văn thân thiết. Họ là những thần tượng thi ca của mình. Đó là nhà thơ Lưu  Quang Vũ  và nhà thơ Bằng Việt. Tôi cũng chỉ biết đến thế, vì chưa có điều kiện đọc họ. Bạn không ngần ngại nói xuất xứ bút danh Châu La Việt (tôi đồ ngoài ý nghĩa quê hương, Châu La Việt còn  là ba chữ đầu của nhà thơ Chế  Lan Viên... - người có ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn thi sĩ trong người Việt)

Nhà thơ Châu La Việt và nhà thơ Y Phương.

Việt đưa tôi đọc tập bản thảo "Dưới tầng cây săng lẻ" mà anh mới viết. Những con chữ màu mực tím của tuổi học trò. Chữ nào cũng phúng phính no tròn, hôi hổi nhiệt tình như tâm tính của tác giả. Trở về đơn vị chiến đấu và công tác, mấy chục năm chúng tôi biền biệt xa nhau, bỗng một chiều mùa thu se se, vào năm hai ngàn lẻ tư, bạn bất ngờ xuất hiện tại Hà Nội. Vẫn như ngày nào, nhưng nay Châu La Việt có vẻ mập hơn, ra dáng đại gia hơn thi sĩ. Việt nhìn tôi: "Tao đi tìm mày suốt mà không biết ở đâu". Thế rồi, biết bao kỉ niệm một thời trai trẻ cùng dồn dập ào đến. Tôi hỏi bạn, bấy lâu nay mày ở đâu, làm gì. Chứ tôi đâu dám nói bạn có còn viết văn làm thơ. Vì lâu quá, tôi không thấy tên Châu La Việt xuất hiện trên báo chí văn chương.

Mùa thu năm 2012, lại bất ngờ lần nữa, Việt gửi tặng tôi mấy tập sách vừa mới in. Tôi vồ lấy nó với tâm trạng sung sướng, hồi hộp tột độ. Hồn vía những trang viết của bạn đã quá quen thuộc với tôi. Trung thực đến thật thà. Nhiệt tình đến bỏng rộp. Tin yêu đến ngột thở. Không ngờ. Thật không ngờ. Món quà của bạn như báu vật từ trên trời rơi xuống. Nó giống như trái cam còn sót lại sau vụ. Trái cam mồ côi ngọt lừ. Tôi từ từ nhâm nhi "uống" nó. Sợ những dòng văn đẹp của Châu La Việt chóng hết.

Văn chương Châu La Việt thuộc dòng thi thư, con nhà nòi. Cả cha lẫn mẹ đều xuất thân Hoàng tộc. Vì thế văn của bạn sang trọng, lịch lãm, nhưng gần gũi thân thiết với công chúng bạn đọc. Mỗi từ mỗi câu của Việt đều chan chứa cái tình, sự chân thành. Dù bạn viết về người lính, hay chân dung nghệ sỹ, về người dân Nam bộ hay bất cứ đề tài nào, cũng đậm đặc một chất giọng riêng biệt Châu La Việt; lấp lánh thơ trong từng câu văn xuôi.

Châu La Việt là một trong những người dẫn dụ tôi theo con đường viết văn, làm thơ. Nhớ ơn Việt, tôi cố công đi tìm như tìm kim đáy bể. Hơn 40 năm mày mò, vẫn bặt vô âm tín. Còn nhớ dạo ấy đang là mùa hè, Việt nhễ nhại đèo tôi bằng chiếc xe đạp Thống Nhất đi từ Thanh Trì lên nội thành Hà Nội. Việt dẫn tôi đến ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được bước chân vào ngôi nhà Văn nghệ Quân đội. Cảm xúc lâng lâng khó tả.

Ngạc nhiên có. Sờ sợ có. Choáng ngợp có. Thinh thích có. Và người đầu tiên, Việt giới thiệu với tôi là nhà thơ Xuân Sách. Còn đây là nhà thơ Văn Thảo Nguyên. Họ là nhà thơ ư? Sao họ ăn ở sạch sẽ, chỉnh chu, bình thường như mọi người. Thậm chí hai nhà thơ này chỉ nhúm nhím cười thân mật. Họ ít nói về mình, càng không nói gì về thơ văn cả. Trời ơi! Tôi đã đọc họ rồi. Thậm chí còn thuộc khá nhiều bài của họ. Nhưng sao nhà thơ lại giản dị thế thôi sao... Lẽ ra họ... không biết nói thế nào về những người này.

Trong mắt tôi, họ là những người âm u bí hiểm. Đại loại như mấy ông thày mo thày tào trên quê tôi. Đại loại họ bẩn bẩn một chút. Hôi hôi một chút. Tóc dài, râu dài, móng tay quăn tít như hoa móng rồng. Họ nói như ma nói. Âm thanh giọng người phát ra như chuông rè, đầy màu sắc mộng mị...

Kỉ niệm ấy không bao giờ quên. Nó nhắc đi nhắc lại trong tôi. Nhà thơ là thế đó. Bình thường như mọi người. Dễ mắc sai lầm hơn mọi người. Ảo tưởng mơ mộng thì nhiều hơn mọi người. Khóc vì nỗi đau nhân thế nhiều hơn mọi người. Buồn vì tay mình luôn ngắn hơn ống tay áo. Làm thơ có gì sướng, thi nhau lăn lưng vào là sao nhỉ?...

Châu La Việt là người đưa tôi đến ngôi nhà văn chương một cách ngẫu nhiên thôi. Việt bảo tao đưa mày đi chơi cho biết Hà Nội. Dạo ấy tôi đâu đã thiết tha với cái nghiệp thi ca văn chương, chỉ muốn đi cho biết Hà Nội nó to như thế nào. Lúc đầu chỉ là thỏa mãn trí tò mò. Tò mò mãi đâm ra thành quen. Ngày đầu mới chỉ làm quen văn chương thôi. Sau này và kể cả bây giờ, tôi "chết" như rệp. "Chết" là bởi cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.

Lẽ ra, Châu La Việt nói thế này mới đúng: "Tao là người hiểu mày nhất. Cái thằng Sước (tên thật của nhà thơ Y Phương là Hứa Vĩnh Sước - PV) nặng mùi mồ hôi ngựa hoang ạ".

Y Phương
.
.