Nhà thơ Y Phương: “Tự biết mình như chén nước”

Thứ Sáu, 25/04/2008, 08:30
Một ngày tháng ba, tôi gọi điện đề nghị cuộc hẹn với nhà thơ Y Phương để thực hiện bài phỏng vấn. Nhà thơ vui vẻ: "Cứ gửi trước câu hỏi cho mình. Địa chỉ e-mail là thanhcui@gmail.com". Tôi thoáng băn khoăn: "thanhcui là gì nhỉ?". Chưa kịp hỏi, nhà thơ đã giải thích: "thanhcui là thanh củi viết không dấu ấy mà".

Chọn nickname là thanhcui quả là khá độc đáo. Sực nhớ những bài thơ rất ngắn của ông. Cũng độc đáo và hàm súc. Bài thơ nhan đề "Chén nước" có hai câu: "Anh tự biết mình như chén nước/ Chớ rót đầy"... Tôi mạnh dạn: "Gửi câu hỏi trước e không được tình cảm lắm. Xin bác vui lòng cho em đến nhà thưa chuyện vài giờ". Nhà thơ vui vẻ: "Rất sẵn sàng!".

Và tôi đã tìm đến căn hộ gác hai của khu tập thể Thanh Xuân Bắc xây từ thời bao cấp. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Trò chuyện trong tiếng khoan, tiếng búa từ phòng trong vọng ra. Nhà thơ khoe: "Mình sắp "khánh thành" phòng viết". "Rộng không bác?" - Tôi hỏi. "Chừng ba mét vuông!" - Ông đáp. Tôi hỏi lại: "Ba hay ba mươi mét vuông ạ?". "Căn hộ mình sinh sống cùng vợ  con bao năm nay chỉ có 36 mét vuông. Thu xếp được một khoảng riêng ba mét vuông yên tĩnh để tiếp tục sáng tác đã là hạnh phúc lắm rồi".

Tôi lặng nhìn ông. Nhà thơ mà tôi hằng  yêu mến, đã đoạt Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983 - 1984, được trao Giải thưởng Nhà nước với ba tập thơ nổi tiếng: "Tiếng hát tháng giêng", "Chín tháng" và "Lời chúc"; từng đảm nhiệm chức Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông  tin, rồi Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 6… có quan niệm hạnh phúc thật giản dị. Giản dị như "chén nước" mà ông tâm niệm "chớ rót đầy"...

Hết ngắm nhà thơ lại nhìn bức tranh miền núi khá đẹp treo trên bức tường ngăn phòng giữa nhà. Được biết nhà thơ là người dân tộc Tày miền núi Trùng Khánh, Cao Bằng. Có lẽ nên bắt đầu câu chuyện từ bức tranh kia chăng? Tôi tự nhủ như vậy và hỏi:

- Nhìn bức tranh treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, em nhớ đến những câu thơ rất ấn tượng trong bài "Tên làng" của bác: "Ôi cái làng của mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/ Có tình yêu tan thành tiếng thác/ Vang lên trời vọng xuống đất/ Cái tên làng Hiếu Lễ của con"... Phải chăng bức tranh là góc nhìn của họa sĩ nào đó về làng Hiếu Lễ nơi bác sinh ra?

Nhà thơ trầm ngâm:

- Họa sĩ gì đâu. Bức tranh do con trai mình vẽ. Đúng là có một góc làng Hiếu Lễ trong tranh. Đó là những dãy núi và ngôi làng xây bằng đá hộc hậu cảnh. Còn tiền cảnh là vùng non nước Cao Bằng thu nhỏ. Cháu đã chọn những phong cảnh đặc trưng nhất của cả miền quê rộng lớn đưa vào tác phẩm của mình. Một cây cầu treo khấp khểnh như câu thơ của ông bà, một con sông thượng nguồn như suối nhạc...

- Nếu như con trai của bác vẽ tranh về quê hương bằng cọ, bằng màu thì bác cũng có những bức vẽ quê hương bằng ngôn ngữ và nhạc điệu là thơ phải không ạ? Em nhớ trong bài "Nói với con" bác viết những câu thơ rất gợi: "Người đồng  mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm nên phong tục/ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được nghe con"... Đọc thơ bác có thể hiểu được nỗi lòng của người con với quê hương. Trong số những tập thơ mà bác đã xuất bản, thành công nhất vẫn là mảng thơ viết về đất đai và con người một miền non nước phên dậu của Tổ quốc. Nhưng hình như những bài thơ đầu tay của bác lại viết về người lính?

Nhà thơ hồi tưởng:

- Đúng như vậy. Chính trong môi trường quân ngũ mình mới bắt đầu sáng tác và nhận ra năng khiếu thơ của mình. Còn nhớ năm 1968, tròn 20 tuổi, mình nhập ngũ và là một anh lính đặc công thực thụ. Trải qua những tháng ngày luyện tập vất vả, hết ở vùng núi Miếu Môn, Hà Tây đến miền sông biển Hải Phòng, hình ảnh đồng đội - những người lính đặc công đã trở thành thân thiết. Trong một đợt thi báo tường của đơn vị, mình gửi luôn ba bài thơ, trong đó hai bài viết về bộ đội đặc công và một bài viết về những người lính dân tộc thiểu số tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc.

Cũng tháng đó mình được chọn làm “lính thuyết minh phim” trong đội chiếu bóng của Tổng cục Chính trị. Đội chiếu bóng được lệnh vào phục vụ cho phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên ở trại Đavít, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếp đó đội chiếu bóng được lệnh phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo mặt trận đóng ở khu căn cứ Lộc Ninh. Mãi đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng mình mới trở ra miền Bắc.

Nghe các bạn trong đơn vị cũ kể: Những bài thơ của mình đăng trên báo tường đã lọt vào "mắt xanh" một nhà thơ nào đó. Hai bài thơ nhan đề "Phía mặt trời mọc" và "Dáng một dòng sông" được chọn in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Được tin ấy, mình sướng đến phát cuồng và những trang in đầu đời ấy vẫn còn lung linh đến tận bây giờ. Đến tạp chí nhận báo biếu và nhuận bút mà mát từ gan bàn chân, mát lên đến tận đỉnh đầu…

Vâng, trong bài thơ "Dáng một dòng sông" nhà thơ Y Phương viết từ năm 1972 đã có những câu chữ khá tinh tế về người lính ở một binh chủng đặc biệt: Rét/Run/Văng người/Sông lẳng lặng/Càng về đêm càng sáng...

Nhưng bạn đọc biết đến Y Phương, nhớ Y Phương nhiều hơn là thơ tình yêu. Một bạn thơ đã nhận xét: Chừng như Y Phương là một nhà "yêu học", một người sinh ra để yêu và để làm thơ ngợi ca vẻ đẹp của người đàn bà. Trong một bài thơ tình ngắn, ông viết: "Khi lửa tắt/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trời lặn/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trăng lặn/ Nó thoát vào da thịt em (Da thịt em).

Một bài thơ tình khác, bài "Mùa hoa" cũng rất ngắn, đọc xong, một bạn văn đã phải thốt lên: "Sẽ buồn biết mấy nếu ở cái xứ mà trà vừa rót đã nguội, rượu chưa kịp nhắm đã nhạt không có những vần thơ làm liêu xiêu hồn người như: Mùa hoa/ Mùa đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi./ Mùa hoa/ Mùa đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.

Khi tôi hỏi về hoàn cảnh và thời gian ra đời bài thơ này, Y Phương tâm sự:

- Hồi đang học ở Trường viết văn Nguyễn Du, tình cờ một lần mình nghe được một câu chuyện đùa liên quan đến sự phồn thực của người Tày. Câu chuyện ấy trở thành nỗi bức xúc nội tại thôi thúc mình sáng tác… Mình đã viết những câu thơ theo cách tư duy và xây dựng hình tượng của người Tày… Có lẽ vì thế mà bài thơ đã tìm được lối riêng đến với bạn đọc.

- Và bác còn viết cả bằng tiếng Tày, phải không ạ?

Thay cho câu trả lời, nhà thơ bước vào phòng viết lấy ra tập thơ song ngữ mang nhan đề "Ngược gió - Thất tàng lồm" do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành. Tập thơ khá dày dặn, 44 bài, một bên tiếng Việt, một bên tiếng Tày. Sau khi viết lời đề tặng cho tôi, nhà thơ bộc bạch:

- Sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc là rất cần thiết. Đó cũng là một cách tốt nhất để góp phần bảo tồn văn hóa và chữ viết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thiếu một cơ chế giúp cho các nhà văn người dân tộc hào hứng với việc sáng tác văn chương bằng tiếng dân tộc. Thứ nhất là đầu ra của tác phẩm. Với cơ chế thị trường hiện nay, sách in bằng tiếng dân tộc rất khó bán, không có lợi nhuận nên các nhà xuất bản không mặn mà đón nhận nó.

Hiện chúng ta đã có Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc nhưng kinh phí tài trợ cho việc xuất bản các tác phẩm bằng tiếng dân tộc rất hạn hẹp và nhuận bút trả cho tác giả cũng rất thấp. Khi sáng tác bằng tiếng dân tộc, nhà văn phải tư duy bằng hình tượng của dân tộc mình rồi thể hiện bằng hai thứ tiếng nên lẽ ra nhuận bút phải cao hơn so với sáng tác bằng một thứ tiếng, chứ không thể bằng hay thấp hơn như cách trả hiện nay.

Có lẽ vì thế mà lâu nay hầu hết các nhà văn dân tộc thiểu số sáng tác chủ yếu bằng tiếng phổ thông. Riêng tôi, tự thấy phải có trách nhiệm với việc bảo tồn văn hóa và chữ viết của dân tộc mình nên dẫu nhuận bút có thấp, thậm chí không có thù lao, tôi vẫn tiếp tục sáng tác bằng cả hai thứ tiếng. Trong dòng thơ song ngữ ấy, "Ngược gió - Thất tàng lồm" là tập đầu...

Tôi mở tập sách do nhà thơ vừa tặng, lật trang 8, trang 9 có bài "Ngược gió - Thất tàng lồm" và đọc được những dòng như sau: "Ngót sáu mươi năm đi bộ/ Bây giờ anh mới gặp/ Một hồ nước lân tinh/ Một miền người tươi xanh/ Ngược đồi gió mang theo hơi ấm"Anh đang có một trời sao chín/ Một bếp lửa hồng sắp sửa trăm năm/ Dẫu một ngày chỉ một bữa ăn/ Làm vui cả rừng buồn, biển sầu, núi khóc/ Anh đang lớn như người ta vẫn ước/ Ước một đời trẻ lại khó gì đâu/ ấy là khi anh cười rung rung chòm râu"...

Quả là những câu thơ đậm phong cách Y Phương và tựa như tuyên ngôn thơ của ông trong giai đoạn mới. Phải chăng trong cái hồ nước lân tinh kia có cả một chén nước xúc cảm tâm hồn của nhà thơ từ nhiều năm trước. Phải chăng trong cái bếp lửa hồng trăm năm kia có cả một thanh củi mà nhà thơ đã chọn làm địa chỉ e-mail của mình. Y Phương còn có "Mẹ đất" (tên bài thơ đầu trong tập "Ngược gió - Thất tàng lồm").

Nhà thơ đã hội tụ đất, nước và lửa trong dòng chảy cảm hứng văn chương và đã thành công trong rất nhiều sáng tác. Từ nhiều năm trước, nhà thơ Tế Hanh đã nhận xét về ông như sau: Y Phương là một nhà thơ, một nhà thơ miền núi rất mới mẻ, thơ anh vừa dân tộc, nhưng vừa có cái gì hiện đại, hôm nay và mai sau... Còn nói như một bạn thơ thì "Chén nước xúc cảm tâm hồn ông đã rót đầy tràn qua mí mắt người đọc thơ ông nữa". Và tôi cũng nghĩ như vậy...

.
.