Người Hòn và chuyện cái gùi

Thứ Tư, 07/09/2016, 07:00
Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, người dân trong đất liền tỉnh Thuận Hải cũ, nay là Bình Thuận gọi những người dân ở đảo Phú Quý là người Hòn. Hòn là Cù Lao Thu với nhiều hòn đảo lớn nhỏ xung quanh. 


Chuyện là, hàng năm đến tháng 11, 12 mùa gặt lúa vụ chính (giống lúa địa phương trồng 6 tháng), hàng ngàn người dân từ đảo mang gùi giống như gùi của dân tộc thiểu số miền núi vào đất liền để mót lúa. Thợ gặt đi trước, người Hòn lẽo đẽo theo sau lượm từng bông lúa sót. Người Hòn rất ít lời vì phát âm rất khó nghe, lại sử dụng quá nhiều phương ngữ nên cũng ít giao tiếp. Sau một ngày mót lúa trên đồng, cả nhóm người Hòn tìm một nhà dân để xin nước về tắm giặt và nấu ăn, nghỉ ngơi để sáng hôm sau lại tiếp tục ra đồng mót lúa.

Cặm cụi và lặng lẽ còng lưng trên cánh đồng suốt một tháng trời như vậy, họ cũng có mấy bao lúa mang đi xay, giã thành gạo chuyển về đảo sống đến mùa giáp hạt năm sau. Trong suốt hành trình mót lúa, người Hòn còn tranh thủ bắt luôn cá, cua, ốc đồng để cải thiện bữa ăn hàng ngày cùng với cá khô mang từ đảo vào. Người dân trong bờ nể phục người Hòn vì đức tính siêng năng, chăm chỉ và dè xẻn tiết kiệm.

Những cái gùi - vật dụng quen thuộc của người dân trên đảo.

Người Hòn sống trên đảo giữa Biển Đông sao lại mang gùi như người dân miền núi? Đó là câu chuyện dài về nguồn gốc các nhóm cư dân đầu tiên đến đảo thuở xa xưa. Trong đó có câu chuyện tình sử lưu lại ngày nay về công chúa Chiêm Thành tên Chế Bàn Tranh.

Ngày nay, tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý còn có di tích giếng cổ, miếu thờ Công chúa Bàn Tranh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Do cãi ý  vua cha, yêu một chàng trai ngoại đạo (đạo Bà Ni, Hồi giáo Isalam) không phải quốc đạo Bà Chăm (đạo Bàlamôn, Ấn Độ giáo) nên công chúa bị gia tộc quyết liệt phản đối. Vua cha đã cho thuyền buồm đưa Công chúa Bàn Tranh đày ra hoang đảo sinh sống cùng với một số tỳ nữ, gia nô và nhiều hạt giống, công cụ trồng trọt, đánh bắt cá.

Có lẽ vì thế mà nhiều đời trôi qua khoảng 4-5 thế kỷ, người dân Hòn luôn lên rẫy trồng trọt với cái gùi mang trên vai. Mỗi sáng, trên các triền núi trên đảo Phú Quý, người dân làm rẫy mang gùi trên vai du khách rất dễ nhầm lẫn là mình đang ở trên Tây Nguyên chứ không phải đảo.

Cô gái trẻ Phạm Thị Ngọc từ trên rẫy gần núi Cao Cát gùi trên lưng khá nhiều thứ nặng, nên dáng cô cong đổ về phía trước tình cờ tôi gặp đã dừng chân đặt gùi xuống đất trò chuyện. Theo cô, mọi thứ mang từ nhà ra rẫy và từ rẫy mang về nhà đều từ cái gùi. Bây giờ có nhiều xe Honda, xe đạp nhưng vẫn không thể đi vào những đường nhỏ quanh co được. Cái gùi vẫn là công cụ tốt nhất để di chuyển mọi đồ vật cùng với đôi chân con người. Cảm giác giống như mọi người dân ở đảo có đất rẫy đều phải mang gùi từ nhỏ đến già.

…Cái gùi đeo trên lưng người giống như trẻ con miền núi đeo lủng lẳng trước bụng hoặc trên lưng mẹ đi rẫy, đi làm và đến hết ngày theo về nhà ngơi nghỉ. Từ trên những vùng heo hút của đại ngàn hùng vĩ, cái gùi lại theo con người xuống thuyền ra biển và ở lại trên đảo. Đây là nét đẹp văn hóa, truyền thống Việt rất tuyệt vời với những ai đặt chân lên đảo Phú Quý một lần.

Cụ Hồ Ngọc Hồng, ở thôn Đông Hải, xã Long Hải là một trong những nghệ nhân hiếm hoi trên đảo có gần 40 năm làm nghề đan gùi cho biết: Không nhớ cái gùi có mặt trên đảo từ bao giờ. Đây là vật lưu truyền lại từ đời xa xưa cùng với con dao, cán cuốc… Nó thân thuộc và luôn có trong mỗi gia đình.

Có lẽ do vậy mà cái gùi còn có cả linh hồn của nó, tồn tại và gắn bó với mỗi con người. Người thợ đan gùi như Cụ Hồng phải dồn hết tình cảm để vót từng nan tre, mây rất mỏng và chuốt bóng đều nhau để đan ra cái gùi mất thời gian từ 3-5 ngày. Cái gùi ở đảo Phú Quý cấu tạo gồm ba phần: đáy (đế, chân), miệng gùi và thân gùi. Đáy gùi hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 30cm, đây là phần quan trọng nhất của cái gùi và mất nhiều thời gian, sự tỉ mỉ để làm ra đáy.

Muốn tạo đáy gùi, người thợ phải dùng các cây ghim xéo hình chữ thập làm mốc khuôn, sau đó dùng gỗ loại mềm vạt mỏng tạo đáy. Đây là bộ phận chịu lực nặng của vật chứa trong gùi, khi đặt xuống nền đất, gạch đá phải có sức chịu lực không ngả nghiêng hay gãy đổ. Nguyên liệu làm đáy gùi là các loại gỗ cây duối (dẻo, chắc) hoặc sắn ổi (cứng, thường làm ván đóng ghe tàu)…

Chọn tre không non, không già để vót nan và chốt dây mây rừng để buộc chặt các bộ phận vào nhau chắc chắn và cứng cáp. Ngoài ra, để tăng độ dẻo dai, bền bỉ cho nguyên liệu đan gùi, người thợ đan còn phải ngâm nan, mây vào nước nhiều ngày. Chiều cao đứng, rộng của thân gùi và đường kính miệng gùi khoảng 40cm. Phần quai gùi để mang vào vai, đế gùi và kết miệng gùi hình tròn, nhỏ hơn phần thân được kết chặt liền lạt từ những sợi mây chuốt nhỏ.

Một cái gùi của dân Phú Quý có thể mô tả là đáy vuông, thân rộng, miệng tròn. Quai gùi làm bằng dây bô (dây nhựa) dài khoảng 1m, bọc bên ngoài là dây mây tết như thắt bím tóc, trên miệng gùi bản to, dưới nhỏ vừa chắc chắn vừa đẹp mắt.

Cái gùi ngày nay vẫn tồn tại trong mỗi gia đình người dân đảo dù đã có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống. Nhịp chân con người bước đi, làm cho cái gùi trên lưng cũng đung đưa theo như toát lên cả tâm hồn, nghị lực, đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của người Hòn. Chiều xuống, anh bạn trẻ tên Hạnh, Công an huyện đảo Phú Quý đọc hai câu thơ con cóc rằng: "Người dân trên đảo rất vui/ Đi đâu cũng có cái gùi trên lưng…".

Một góc đảo Phú Quý.

Huyện đảo Phú Quý chỉ nằm cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về phía Đông Nam, diện tích tự nhiên khoảng 1.639,4km2 được bao bọc bởi chiều dài bờ biển hơn 22km và một số hòn đảo lớn nhỏ xung quanh. Dân số khoảng 25 ngàn người, nên đất rất rộng, người thưa sống tập trung từng cụm chủ yếu ở ba xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng. Kinh tế, xã hội trên đảo đang từng ngày phát triển, trong đó có ngành du lịch đang trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Trên đảo Phú Quý vẫn lưu giữ, chất chứa những truyền thống "đặc biệt" mà không phải ai cũng biết như giọng nói lạ, từ ngữ thường dùng lạ, từ cổ, tập tục lạ…

Người Hòn nói như hát trên sóng biển, ngoài yếu tố địa lý ra còn liên quan đến nguồn gốc cư dân từ người Chăm, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), người Hoa, người Bình Thuận… Âm vực khi nói chỉ hai thanh vút lên cao khi nhấn mạnh và hạ thấp đều, nhanh rất khó nghe. Những năm 1980 về trước, không thể nào một người trong bờ ra đảo nghe được người Hòn nói chuyện với nhau. Tỷ lệ vần "e" phát âm trong ngôn ngữ sử dụng chiếm tuyệt đại đa số, cùng ngữ điệu, âm vực thay đổi luyến láy nên khách chỉ còn biết ngẩn tò te ra mà cười trừ.

Cùng với thời tiết, khí hậu hai mùa mưa nắng rất rõ rệt, bầu trời mùa khô luôn vàng ươm, người Hòn dùng rất nhiều phương ngữ. Vài từ địa phương người Hòn nói, nghe giựt mình như: mặt cô giáo "nịnh" tức nói cô giáo hiền lành. Bọn trẻ kể chuyện ăn đám giỗ là "ăn chực" tức ăn ké nên lỡ miệng mời cô giáo. Gọi tên ông Trời bằng "ông Blời", ông Trăng "ông Klăng" là những từ cổ đến ngày nay vẫn có người cao tuổi sử dụng.

Những năm gần đây, do công tác tăng cường cán bộ ra đảo và nhiều người dân từ nhiều nơi đến đảo lập nghiệp nên đã có một vài đám cưới tổ chức như trong bờ. Ngày trước ở đây không bao giờ có tục cưới. Hai bên gia đình trai gái chỉ xúc tiến một việc "nói chừng" nghĩa là dạm hỏi, rồi sau đó cặp trai gái được coi như thành vợ chồng. Cộng đồng cư dân trên đảo với cuộc sống luôn chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và biển cả mênh mông, sự cần thiết về sức lao động trên biển, sự chia sẻ, tình cảm, đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh trong cuộc sống con người, nên những thủ tục, tập quán rườm rà, lễ nghi được tinh giản đến tối thiểu.

Hòn, huyện Phú Quý - hòn đảo tiền tiêu của tỉnh Bình Thuận, không chỉ là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế về thủy sản, du lịch mà còn là miền đất văn hóa lịch sử có dấu ấn Việt từ thuở xa xưa. Con người và đất đảo luôn vẫy gọi những ai yêu mến biển đảo quê hương…

Hoàng Châu
.
.