Tình sử Công chúa Bàn Tranh trên đảo Phú Quý

Thứ Tư, 10/02/2016, 08:00
Tại xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý có một ngôi miếu cổ thờ Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina), người dân địa phương gọi là miếu Bà Chúa. Ngày 28-1-2015, ngôi miếu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. 


Có một nàng công chúa đem lòng yêu một chàng trai cùng dân tộc nhưng khác tôn giáo, lại không thuộc dòng dõi Hoàng tộc nên bị cả triều đình phản đối kịch liệt. Vì tội bất kính với vua cha, công chúa bị ghép vào tội phản nghịch và chịu hình phạt lưu đày ra hoang đảo vĩnh viễn không bao giờ được trở về. Chính mối bi tình sử ấy đã đưa nàng trở thành tiền hiền khai khẩn, mở đất lập làng tạo dựng một xã hội trên hòn đảo hoang vu... Hòn đảo ngọc lung linh đó là đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Và nàng Công chúa Bàn Tranh được người dân tôn kính, lập miếu thờ lưu lại cho đời sau, tạo nên một di tích lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, tập tục ở nơi đây...

Tại xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý có một ngôi miếu cổ thờ Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina), người dân địa phương gọi là miếu Bà Chúa. Ngày 28-1-2015, ngôi miếu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm, cứ đến ngày Mùng 3 tháng Giêng (Âm lịch), người dân trên đảo Phú Quý lại tổ chức long trọng lễ hội rước sắc Bà Chúa từ nơi lưu giữ về Miếu thờ tại chân núi Cao Cát, thôn Đông Hải, xã Long Hải và thực hiện các nghi lễ cúng bái rất trang nghiêm. Sau lễ nghi, sắc phong lại được rước đi giao cho một làng khác trên đảo cất giữ, để đến ngày Mùng 3 tháng Giêng năm sau lại tổ chức lễ hội.

Miếu thờ Công chúa Bàn Tranh trước đây  
... và ngày nay. 

Theo sử Chăm, Công chúa Bàn Tranh là con gái út của vua Po Kathit, còn có tên Po Dam, hiệu Bàn La Trà Nguyệt (Maha Banla Tranguyet) làm vua từ năm 1458 đến 1460. Giai đoạn này nội chiến xảy ra liên miên, do tranh giành ngôi vương, Vương quốc Champa chia thành hai Tiểu vương quốc Bắc - Nam.

Công chúa Bàn Tranh của Tiểu vương quốc Champa Panduranga (Chiêm Thành Nam - Phan Rang, gồm các vùng đất Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) đem lòng yêu say đắm chàng trai Po Sanimpan cùng dân tộc nhưng theo đạo Hồi (Isalam cũ), phạm điều cấm kỵ tôn giáo đối với người Chăm theo đạo Bà La Môn (Ấn Độ giáo) truyền thống. Cuộc tình của Công chúa Bàn Tranh đã gây ra sóng gió dữ dội trong Hoàng tộc, gây bất bình trong thần dân Chiêm Thành lúc bấy giờ.

Dù rất yêu thương công chúa, nhưng Tiểu vương Po Kathit không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân khác tôn giáo và sự phản đối gay gắt của thần dân với Hoàng tộc. Vua đành để cho quần thần khép nàng vào tội phản nghịch, buộc ly khai khỏi Hoàng tộc, phạt lưu đày đến đảo hoang, vĩnh viễn không bao giờ được trở về. Tiểu Vương cấp cho Bàn Tranh hai tỳ nữ theo hầu cùng một số dụng cụ sản xuất, đánh bắt hải sản, lều bạt và nhiều hạt giống lương thực để bắt đầu một cuộc sống nơi hoang đảo như một ân huệ sau cùng đẫm tấm lòng nhân ái của vua cha.

Sau nhiều ngày giong buồm, chèo ngược sóng lênh đênh trên biển xuôi về hướng Đông Nam, nơi có Thánh Ala ngự trị vĩnh hằng trong tôn giáo Bà La Môn, đoàn thuyền áp giải Công chúa Bàn Tranh đã cập vào bờ của một hòn đảo có hình dáng như một con cá Thu, chính là xã Ngũ Phụng, Cù Lao Thu - huyện đảo Phú Quý ngày nay.

Hơn 100 binh sĩ và cung hầu rước công chúa xuống thuyền lạy từ biệt lần cuối cùng để giong thuyền về bờ, bỏ lại công chúa và một số tùy tùng, người hầu tâm phúc nơi hoang đảo, bắt đầu một sự sống mới. Công chúa Bàn Tranh cùng những người hầu dựng lều ngay dưới chân núi Cao Cát, thuộc thôn Đông Hải, xã Long Hải ngày nay, tiến hành phát quang cỏ dại, chặt cây rừng, dọn đất, tìm nguồn nước ngọt và giữ lửa để bắt đầu tạo dựng cuộc sống tự lập, tự cung, tự cấp như thuở hồng hoang của lịch sử. Công chúa Bàn Tranh và những người hầu tâm phúc chính là những ngư dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang đảo.

Với dụng cụ đánh bắt cá mang theo, với cuốc xẻng, rựa dao, những cư dân đầu tiên bằng kinh nghiệm, truyền thống cần mẫn, chăm chỉ, rất giỏi nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản được truyền lại từ bà mẹ Chăm vĩ đại của làng Mỹ Nghiệp (Play Chakleng), mẹ vua Po Klong Garai thế kỷ XIII, nên chẳng bao lâu trên hoang đảo, sự sống đã được gieo hạt, nẩy mầm và sinh sôi từng ngày, từng ngày…

Năm 1460, Vua Po Kathit nhường ngôi cho em trai là Trà Toàn, vương triều diễn ra nhiều xung đột. Biến cố lịch sử với cuộc “Bình Chiêm” của Vua Lê Thánh Tôn nước Đại Việt). Các triều vua Chiêm Thành về sau do nhiều cuộc nội chiến, tranh giành nhau dần dần suy yếu. Khi Tiểu Vương Po Kathit qua đời, vua kế vị từng có chỉ dụ cho Công chúa Bàn Tranh được phép trở về đất liền, nhưng với tình yêu và nỗi đau trong quá khứ, công chúa đã khước từ, chấp nhận cuộc sống vất vả nhưng tươi vui trên vùng đất đảo đã dày công tạo dựng.

Khi công chúa qua đời, người dân trên đảo lập mộ bia chôn cất và xây miếu thờ Bà Chúa. Bà được vinh danh là người đầu tiên lập ra hòn đảo ngọc Phú Quý lung linh giữa biển Đông ngày nay. Đất quanh miếu thờ được dân gọi là ruộng Vua, di tích giếng nước cổ người Chăm tại Ngũ Phụng, Đông Hải, Tam Thanh ngày nay vẫn còn với thành xây đá khối, lớp sát đáy có chèn gỗ.  Ghi nhận những công lao to lớn của Công chúa Bàn Tranh, các vua Triều Nguyễn đã phong bà là Hiển dũng Chương uy Hùng nghị Đoan túc chi Thần. Từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) cho tới vua Khải Định (1916-1925) đã ban tặng cho bà 8 sắc phong, giao cho ngư dân đảo Phú Quý thay nhau hương khói, phụng thờ và trao truyền cho hậu thế.

Trong miếu thờ Bà Chúa, hiện còn một số di vật linh thiêng như bài vị, bệ thờ, liên đối, hoành phi viết bằng chữ Hán, ca ngợi tài năng, công đức Công chúa Bàn Tranh như:

Hiển hách miếu thần ngàn năm còn đó
Linh thiêng cung thánh vạn thuở chẳng dời

Câu đối khắc bằng chữ Hán gắn ở cột đền thờ có nội dung:
Linh thần hiển hách phù trong đảo
Giúp nước thay trời cứu vạn dân.

Trải qua những thăng trầm bể dâu của lịch sử, miếu thờ Bà Chúa vẫn tồn tại trên hòn đảo Phú Quý như một khẳng định vị thế chủ quyền của những cư dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đầu tiên, đã khai khẩn vùng đất đảo xinh đẹp ngọc ngà giữa biển Đông. 

Phú Quý ngày nay còn là một điểm du lịch độc đáo với những đặc sản hải sản trên đảo và những di tích, thắng cảnh đẹp ngẩn ngơ say đắm du khách. Có dịp đến thăm Phú Quý, du khách còn nghe kể nhiều chuyện thú vị về tập quán, tín ngưỡng của người dân bản xứ. Trong đó có chuyện về trai gái trên đảo không bao giờ tổ chức đám cưới hỏi rình rang như người trong đất liền.

Có thể, từ ngàn xưa, do ảnh hưởng tập tục mẫu hệ của Công chúa Bàn Tranh và mối tình sử bi thương, nghiệt ngã của công chúa nên sau này có sự hội tụ của nhiều cư dân miền Trung đến đây lập nghiệp nhưng trên đảo vẫn duy trì đời sống văn hóa, tinh thần riêng biệt. Trai gái lớn lên tự do tìm hiểu nhau và khi nhà gái chấp thuận thì chàng trai về nhà vợ ở rể. Lao động biển rất cần ngư dân ra khơi mỗi ngày. Khi gia đình có việc cần chàng trai xin phép về gia đình giúp đỡ cha mẹ trong thời gian nhất định. Cho đến khi nào cô gái sinh được con trai, chàng trai mới dắt dâu con về gia đình chồng trình báo ra mắt.

Gia đình nhà trai tổ chức một tiệc mừng, báo cáo với họ hàng thân tộc về con dâu và cháu nội. Không lễ dạm hỏi, vu quy, không đám cưới, không xe hoa… nhưng hầu như các cặp vợ chồng trẻ trên đảo đều sống thủy chung, hạnh phúc với nhau cho đến ngày răng long, đầu bạc. Tuy cộng đồng cư dân trên đảo rất nhỏ, nhưng sống khu biệt ba xã cách biệt khác nhau. Điều kiện thiên nhiên, thời tiết, khí hậu khác lạ so với đất liền. Tín ngưỡng, tập tục của cư dân sống trên đảo cũng có nhiều nét khác.

Vài năm gần đây, do sự phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ thông tin đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống cư dân đảo đặc biệt là giới trẻ. Nhưng người dân trên đảo Phú Quý vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần và lịch sử trên đảo theo cách riêng của họ, tạo nên một nét chấm phá văn hóa đặc sắc, độc đáo giữa đất trời mây nước phương Nam.          

Hoàng Châu-Xuân 2016
.
.