Nghệ sĩ Lộc Huyền: Không thỏa hiệp với chính mình!

Thứ Ba, 09/05/2017, 08:49
Cuối tháng 4 vừa qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hoàn thiện và có buổi diễn tổng duyệt cho vở Tuồng "Dưới bóng đa huyền thoại". Đây là một vở Tuồng đặc biệt bởi có sự tham gia của một đạo diễn nổi tiếng người Singapore - Tiến sĩ Chua Soo Pong. 


Trong vở diễn này, nghệ sĩ Lộc Huyền là người được chọn vào vai nữ chính Nàng Hương. Quá trình tập luyện "Dưới bóng đa huyền thoại" diễn ra khá gấp rút, cường độ luyện tập cao với nhiều trường đoạn khó, song một lần nữa Lộc Huyền lại tỏa sáng trên sân khấu và khiến một đạo diễn ngoại quốc khó tính như Chua Soo Pong hài lòng.

Vở Tuồng "Dưới bóng đa huyền thoại" được lấy ý tưởng từ kịch bản văn học "Ngôi đền ma ám" của Đạo diễn, Tiến sĩ Chua Soo Pong - một nghệ sĩ tên tuổi trong giới đạo diễn sân khấu ở Đông Nam Á và châu Á mà nghệ sĩ Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có dịp gặp gỡ, trao đổi. Nhưng để kịch bản này có thể được hiện thực trên sân khấu, đã phải có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi bậc nhất của nghệ thuật Tuồng đương đại Việt Nam như Lê Thế Song (chuyển thể kịch bản Tuồng), NSND Gia Khoản (xử lý làn điệu Tuồng), NSƯT Lê Trần Vinh (Âm nhạc), NSƯT Nguyễn Khánh Toàn (Biên đạo múa) và không thể không nhắc tới vai trò chỉ đạo nghệ thuật của Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn.

Với sự chung tay, chung sức của ê-kíp, vở diễn đã hoàn thành đúng tiến độ nhờ cường độ luyện tập và quyết tâm cao của cả tập thể.

 Ai cũng biết, việc mời một người nước ngoài làm đạo diễn, ngoài rào cản ngôn ngữ có rất nhiều vấn đề mà đạo diễn và diễn viên phải làm quen với nhau. Điều này cũng khiến diễn viên vào vai nữ chính Nàng Hương là Lộc Huyền lúc đầu cảm thấy có những khó khăn nhất định. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ chưa quen, dần dà Lộc Huyền đã lĩnh hội được tinh thần làm việc hăng hái, tràn đầy năng lượng cũng như sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng động tác kịch của đạo diễn Chua Soo Pong.

Lộc Huyền cho biết: "Có dịp làm việc với đạo diễn nước ngoài mới thấy họ luôn đòi hỏi ở diễn viên sự nỗ lực hết mức về thể chất cũng như nghệ thuật. Từng động tác ước lệ dù nhỏ đều đòi hỏi phải có độ chính xác và khái quát cao đến mức vượt lên trên ngôn ngữ và hướng tới việc phá bỏ rào cản về mặt ngôn ngữ.

Vì thế, sau đêm tổng duyệt, "Dưới bóng đa huyền thoại" đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên từ những người yêu mến và quan tâm đến sân khấu nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng. Đặc biệt, với sự tham gia và là vai trò cầu nối văn hóa của Đạo diễn - Tiến sĩ Chua Soo Pong, vở Tuồng  "Dưới bóng đa huyền thoại" sẽ có cơ hội đến với khán giả Singapore, Hàn Quốc trong năm nay và hi vọng sẽ có cơ hội tiếp cận với khán giả của một số nước khác như Trung Quốc, Pháp, Canada...".

 Nghệ sĩ Lộc Huyền là gương mặt sáng giá của Nhà hát Tuồng Việt Nam và là một nữ nghệ sĩ sớm được giao những vai diễn lớn, làm chủ sân khấu ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Hơn chục năm trước (năm 2003), khi đoạt Huy chương Vàng với "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" trong Liên hoan tài năng sân khấu trẻ, Lộc Huyền được xem là sự phát hiện, là gương mặt trẻ đầy triển vọng của nghệ thuật Tuồng.

Trong cuộc đời người diễn viên, nhiều người từng có may mắn được lên sân khấu nhận giải thưởng nghề nghiệp, song với Lộc Huyền, cảm giác lần đầu tiên được vinh danh ở vị trí số 1 vẫn luôn là dấu ấn xúc động khó phai mờ. Và niềm hạnh phúc "từ thuở ban đầu lưu luyến ấy" đã luôn như một ngọn lửa sưởi ấm, soi đường cho Lộc Huyền bước qua những chặng đường đời - đường nghề đầy chông gai, vất vả mà chị đã đi qua.

Những phần thưởng lớn mà Lộc Huyền từng gặt hái được như: Huy chương Bạc trong Liên hoan Sân khấu Tuồng toàn quốc năm 2011 tổ chức tại Bình Định với vai diễn Phàn Phượng Cơ (trong vở tuồng cổ "Sơn Hậu"); Huy chương Vàng cho vai diễn thị Hến (trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến") tại Liên hoan sân khấu Hài toàn quốc lần thứ I tổ chức tại Quảng Ninh; Huy chương Vàng tại Hội diễn Tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc 2013 tổ chức tại Bình Định cho vai diễn công chúa Đồng Xuân (trong vở "Nguyễn Tri Phương") hay Huy chương Vàng cho vai diễn Bùi Thị Xuân (trong vở "Đô đốc Bùi Thị Xuân") tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2014, đều là ghi nhận đáng kể và đáng để tự hào với bất kỳ một nghệ sĩ biểu diễn nào.

Song với Lộc Huyền, dường như chưa lúc nào thấy chị thôi nỗ lực, bớt rèn giũa nghề nghiệp hay giảm sự trau chuốt, kỹ lưỡng trong từng vai diễn. Tuy không nói ra, nhưng có lẽ Lộc Huyền luôn mong muốn được làm hết khả năng, được "cháy" hết mình trong từng vai diễn chứ không bao giờ chọn cách thỏa hiệp hay thương lượng với chính mình. Chính vì thế, xem Lộc Huyền diễn Tuồng lại càng hiểu thêm về khái niệm "hóa thân" của diễn viên với vai diễn của mình: Có nghĩa là trong khoảnh khắc nào đó, ranh giới giữa diễn viên và nhân vật ấy như đã hoàn toàn mất đi...

Nếu nhìn vào "bảng vàng thành tích" của Lộc Huyền, sẽ thấy Huyền đã "thừa" huy chương để được phong danh hiệu NSƯT từ lâu. Tuy vậy, do "rào cản" về năm công tác chưa đủ 15 năm, nên Lộc Huyền đã bị "trượt" danh hiệu NSƯT từ đợt xét duyệt lần trước (năm 2015) khiến nhiều bạn nghề bày tỏ sự tiếc nuối. Lộc Huyền tâm sự rằng, bản thân chị chọn cách gắn bó với nghề vốn chẳng phải vì "cái danh", cho nên chị cũng chẳng suy tính nhiều về chuyện thiệt - hơn. Bởi chị có một niềm tin vững chắc rằng: "Người yêu nghề thì nghề cũng chẳng phụ người đâu!".

Cho dù là nghệ sĩ có được nhiều thành tích cao từ khi còn ít tuổi, song Lộc Huyền luôn dành thời gian đầu tư cho môn nghệ thuật mình yêu thích. Trong công việc, Lộc Huyền luôn là người nghiêm túc, là một nghệ sĩ dám dấn thân và cũng thích được bày tỏ chính kiến với bạn diễn hoặc có sự tương tác hai chiều với đạo diễn để vai diễn của mình đạt được những thành công.

Một cảnh trong vở “Dưới bóng đa huyền thoại” của nhà hát Tuồng Việt Nam.

Nghệ sĩ Lộc Huyền cũng không giấu được niềm vui khi cho rằng mình luôn được "tổ đãi" với nhiều vai nữ chính thành công rực rỡ. Nhiều bạn diễn hay các thế hệ đi trước thường tỏ ra ngạc nhiên và mừng cho Lộc Huyền bởi cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn ở ngoài đời, nhưng khi hóa trang lên sân khấu lại có sự tỏa sáng đến ngạc nhiên.

Đó cũng chính là cái "duyên" sân khấu trời cho, không phải diễn viên nào cũng may mắn có được. Nhắc tới sự bừng sáng trên sân khấu, người ta hay nói tới NSND Lê Khanh, NSND Vương Hà, NSƯT Thu Huyền và bây giờ là Lộc Huyền.

Không những thế, Lộc Huyền cũng là một trong số không nhiều diễn viên có thể "nhập" vào đa dạng các vai: "đào lẳng" như Điêu Thuyền trong "Lã Bố hí Điêu Thuyền", Đát Kỷ trong "Đát Kỷ đổi hồn"; vai "đào văn" như công chúa Huyền Trân trong "Huyền Trân công chúa", công chúa An Tư trong "An Tư công chúa"; vai "đào võ" như Liễu Nguyệt Tiêm trong "Đào Phi Phụng", Hồ Nguyệt Cô trong "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" hay "đào thương" như Xuân Đào trong "Xuân Đào cắt thịt", Mai Hương trong "Triệu Đình Long cứu chúa"...

Với sự "đa năng" của Lộc Huyền, nhiều nghệ sĩ thế hệ đi trước không ngần ngại dành cho Lộc Huyền những lời khen ngợi "ngất trời mây". Tuy nhiên, không vì thế mà Lộc Huyền sinh kiêu mà lại khiến chị thêm nỗ lực, rèn luyện âm thầm để không phụ lòng những người đi trước đã tin tưởng, gửi gắm.

Đến với nghệ thuật sân khấu Tuồng một cách hết sức tình cờ như là "cái duyên cái số", cô gái tài sắc Lộc Huyền đã tự nguyện gắn bó với vai trò làm người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng trong bối cảnh sân khấu nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Còn nhớ, sau khi trúng tuyển vào Nhà hát Tuồng Việt Nam, Lộc Huyền được theo học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và miệt mài theo học các vai diễn mẫu của nghệ thuật tuồng như Đát Kỷ trong "Đát Kỷ đổi hồn", Hàn Tố Mai trong "Nữ tướng Đào Tam Xuân", Xuân Đào trong "Xuân Đào cắt thịt", Mai Hương trong "Triệu Đình Long cứu chúa"…

Tình cảm và niềm đam mê với nghệ thuật tuồng dần sâu đậm thêm từ những buổi tập với các thầy các cô cũng là các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu tuồng như NSND Đàm Liên, NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái... Mới ngày nào còn chập chững non nớt, thế mà giờ đây sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, Lộc Huyền đã canh cánh thêm nỗi lo sân khấu Tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu hụt đội ngũ kế cận: Thiếu cả diễn viên, biên kịch và đạo diễn. Chị rất mong bằng những trải nghiệm của bản thân, sẽ góp phần nhỏ bé vào việc "giữ lửa", "truyền lửa" cho những người yêu bộ môn nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống - một trong những di sản quý của cha ông để lại cho đời sau...

Hà Anh
.
.