Nghệ sĩ Lộc Huyền: Nguyện làm "người giữ lửa"

Thứ Ba, 17/12/2013, 08:00
Nghệ sĩ trẻ Lộc Huyền là gương mặt sáng giá của Nhà hát tuồng Việt Nam. Đến với nghệ thuật sân khấu Tuồng một cách hết sức tình cờ, như là "duyên số", cô gái tài sắc này đã nguyện ở lại làm người giữ lửa cho nghệ thuật tuồng trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn chồng chất...

Năm 2013 đang dần khép lại, với Lộc Huyền, có thể nói đây là một năm thành công bởi chị có thêm một Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Bình Định cho vai diễn công chúa Đồng Xuân trong vở "Nguyễn Tri Phương". Trong câu chuyện với Lộc Huyền, nhiều lần chị khẳng định rằng, "Chưa bao giờ có ý định rời xa sân khấu tuồng...".

Những ngày này, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang rốt ráo tập luyện để chuẩn bị ra mắt vở diễn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo". Trích đoạn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" đã trở thành trích đoạn mẫu trong nghệ thuật tuồng từ hàng trăm năm nay và từng được các nghệ sĩ gạo cội như NSND Đàm Liên, NSND Minh Gái thể hiện rất thành công. Nhưng đây là lần đầu tiên Nhà hát Tuồng Việt Nam dựng hoàn chỉnh với 8 cảnh và thời lượng 2 tiếng 15 phút.

Được giao vai diễn này, Lộc Huyền mừng ít, lo nhiều dù biết rằng, đây là cơ hội quý để một diễn viên trẻ như chị thử sức trong một vở diễn lớn. Dù đã vào vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" tới hàng trăm lần và chính vai diễn này cũng đã đem lại cho chị Huy chương Vàng trong Liên hoan tài năng sân khấu trẻ năm 2003, nhưng để đảm nhiệm vai diễn này xuyên suốt vở diễn, với Lộc Huyền vẫn là một thử thách:

"Thực sự, đây là một vai diễn rất "nặng ký" bởi vở có 8 cảnh thì Huyền phải xuất hiện trên sân khấu 7 cảnh rồi. Hơn nữa, đây lại là vai "đào võ", diễn viên vừa phải diễn trạng thái nội tâm vừa phải hát và múa võ với tần xuất lớn, vũ đạo mạnh nên rất mệt và có thể coi là vai diễn vất vả nhất của nghệ thuật tuồng. Lúc bắt đầu tập, các anh chị trong nhà hát cũng nghĩ rằng mình khó mà đảm nhiệm được hết vai diễn này vì trước đây chỉ diễn một trích đoạn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" thôi cũng đã thấy mệt rồi. Chính mình cũng ngạc nhiên, không ngờ là mình lại đủ sức để làm việc này đâu. Nhưng vì quá yêu vai diễn Hồ Nguyệt Cô, mình đã trăn trở rất nhiều. Nhiều đêm mình dành thời gian đầu tư suy nghĩ để tìm ra lối diễn, trau chuốt lời thoại sao cho đẹp, phù hợp. Đến nay, diễn xuất của mình đã khiến NSND Gia Khoản hài lòng và vở diễn sẽ được tiến hành tổng duyệt vào đầu tháng 12 tới…".

Nghệ sĩ Lộc Huyền (trái) trong trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

Vốn là cô gái xinh xẻo, lại được trời phú cho một giọng hát tốt nên từ nhỏ Lộc Huyền đã rất năng nổ tham gia vào các phong trào văn nghệ và nhiều lần được giải trong các cuộc thi Giọng hát hay của tỉnh Hà Tây (cũ). Cơ duyên đến khi một lần nghệ sĩ Văn Thọ - diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam về Huyện đội Đan Phượng biểu diễn.

Bằng cảm quan nghề nghiệp, khi nghe giọng hát của Lộc Huyền, nghệ sĩ Văn Thọ thấy chất giọng của Huyền có thể phát triển thành diễn viên tuồng chuyên nghiệp nên đã hẹn: "Khi nào Nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển diễn viên, chú sẽ báo cho cháu đi thi!". Đến khi nghệ sĩ Văn Thọ báo tin về, gọi Huyền đi thi tuyển thì Huyền đã theo bạn bè lên Hà Nội để ôn thi vào trường Sư phạm. Mong mỏi cháy bỏng cho con gái theo nghệ thuật nên bố Lộc Huyền đã lên tận nơi trọ để báo tin cho con gái đi thi.

Trúng tuyển vào Nhà hát, Lộc Huyền được theo học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và miệt mài theo học các vai diễn mẫu của nghệ thuật tuồng như Đát Kỷ trong "Đát Kỷ đổi hồn", Hàn Tố Mai trong "Nữ tướng Đào Tam Xuân", Xuân Đào trong "Xuân Đào cắt thịt", Mai Hương trong "Triệu Đình Long cứu chúa"… Tình cảm và niềm đam mê của Lộc Huyền với nghệ thuật tuồng dần sâu đậm thêm từ những buổi tập với các thầy các cô cũng là các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu tuồng như NSND Đàm Liên, NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái...

Mười năm trước, khi đoạt Huy chương Vàng với "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" trong Liên hoan tài năng sân khấu trẻ, Lộc Huyền được xem là sự phát hiện, là gương mặt trẻ đầy triển vọng của nghệ thuật tuồng. Với Lộc Huyền, cảm giác xúc động của lần đầu tiên được vinh danh ở vị trí số 1 vẫn còn như mới hôm qua.

Chị tâm sự: "Ngay chính trong khoảnh khắc tràn ngập niềm sung sướng ấy, Huyền đã biết rằng, trong cuộc đời mình, dù vinh hoa hay khó nghèo thì niềm hạnh phúc ấy sẽ luôn là nguồn động viên lớn để Huyền đứng vững với nghề nghiệp. Nhiều người cũng nói với mình rằng, sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng khó khăn quá, rằng cuộc sống hiện đại ngày nay dường như chẳng mấy ai quan tâm đến nghệ thuật tuồng ra sao, cũng chẳng còn nhiều khán giả xem tuồng, nhất là ở miền Bắc, nơi vốn không phải là "đất dụng võ" của tuồng, nhưng mình vẫn luôn tự nhủ rằng, người ta làm cái gì cũng là do có "cái duyên".

Vả lại, nếu ai cũng chê vì nghèo, vì khó mà không làm việc, không gắn bó với tuồng thì ai sẽ là người giữ gìn một nét văn hóa của dân tộc Việt? Vì thế mình vẫn cứ bền bỉ làm việc, học hỏi và mong những đóng góp của mình có giá trị trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương và tiền bồi dưỡng từ các buổi tập luyện, biểu diễn thì đúng là khá eo hẹp. Nhưng Huyền có tuổi trẻ, có sức khỏe, có đam mê, có sự năng động nên cũng chủ động tìm kiếm những cơ hội để có thể tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống mà lại vẫn giữ được "lửa nghề". Vả lại, nếu thu nhập của mình khiêm tốn, thì mình cũng duy trì một mức sống khiêm tốn, vừa đủ với mình thôi...".

Vốn là một cô gái xinh đẹp, lại thông minh, nhanh nhẹn, hoạt ngôn nhưng cũng rất giản dị, khiêm tốn, Lộc Huyền luôn được bạn bè, thầy cô và những người cũng nghề yêu mến. Trong những năm gần đây, Lộc Huyền liên tục gây được sự chú ý với bạn nghề với nhiều giải thưởng lớn: Huy chương Bạc trong Liên hoan sân khấu tuồng toàn quốc năm 2011 tổ chức tại Bình Định với vai diễn Phàn Phượng Cơ trong vở tuồng cổ "Sơn Hậu"; Huy chương Vàng cho vai diễn thị Hến trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" tại Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ I tổ chức tại Quảng Ninh; Huy chương Vàng tại Hội diễn tuồng và dân ca chuyên nghiệp toàn quốc 2013 tổ chức tại Bình Định cho vai diễn công chúa Đồng Xuân trong vở "Nguyễn Tri Phương".

Lộc Huyền không giấu được niềm vui khi cho rằng, mình luôn được "tổ đãi" với nhiều vai nữ chính thành công. Nhiều bạn diễn hay các thế hệ đi trước thường tỏ ra ngạc nhiên và mừng cho Lộc Huyền bởi cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn ở ngoài đời, nhưng khi hóa trang lên sân khấu lại có sự tỏa sáng đặc biệt. Đó cũng chính là cái "duyên" sân khấu trời cho, không phải diễn viên nào cũng có được.

Không những thế, Lộc Huyền cũng là một trong số không nhiều diễn viên có thể "nhập" vào đa dạng các vai: "đào lẳng" như Điêu Thuyền trong "Lã Bố hí Điêu Thuyền", Đát Kỷ trong "Đát Kỷ đổi hồn"; vai "đào văn" như công chúa Huyền Trân trong "Huyền Trân công chúa", công chúa An Tư trong "An Tư công chúa"; vai "đào võ" như Liễu Nguyệt Tiêm trong "Đào Phi Phụng", Hồ Nguyệt Cô trong "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" hay "đào thương" như Xuân Đào trong "Xuân Đào cắt thịt", Mai Hương trong "Triệu Đình Long cứu chúa"...

Với sự đa năng, vừa có thanh lại vừa có sắc của Lộc Huyền, nhiều nghệ sĩ thế hệ đi trước không ngần ngại dành cho Lộc Huyền những lời khen ngợi, ví von: "Con bé này cứ như sinh ra là để dành cho nghệ thuật tuồng vậy!". Biết thế, nhưng Lộc Huyền không vì thế mà chểnh mảng với nghề. Chị luôn dành thời gian đầu tư cho môn nghệ thuật mình yêu thích, học hỏi từ các thế hệ đi trước cũng như bạn nghề trong các kỳ liên hoan nghệ thuật tuồng.

Dù được giới sân khấu và những người am hiểu về tuồng đánh giá cao, nhưng năm 2011, Lộc Huyền vẫn bị "trượt" danh hiệu NSƯT. Nói là không buồn thì không đúng, song đến giờ chị vẫn tâm nguyện rằng: "Mình sẽ còn cống hiến lâu dài cho nghệ thuật tuồng và chắc chắn sự cống hiến ấy của mình sẽ được ghi nhận thôi... Mình tin là như thế!".

Không chỉ bằng lòng với những vai diễn, Lộc Huyền còn dự định sẽ trở thành nhà biên kịch cho bộ môn nghệ thuật sân khấu vừa nghèo, vừa khó này trong bối cảnh các nhà biên kịch tuồng chỉ còn lại thưa thớt vài ba người. Vẫn một nỗi niềm trăn trở đau đáu, Lộc Huyền chia sẻ chân thành: "Nếu lớp trẻ như mình không bắt tay vào làm, thì ai sẽ là người duy trì, gìn giữ bộ môn nghệ thuật đặc biệt này của dân tộc cho thế hệ mai sau đây? Lẽ nào cứ ngồi nhìn nó mai một mà lại không làm gì, thì thấy thật là... có lỗi!"

Hà Anh
.
.