NSƯT Chí Trung: Đỉnh cao của tiếng cười là nước mắt

Thứ Sáu, 16/02/2018, 13:56
Trở thành một trong số các gương mặt không thể thiếu trong nhiều chương trình hài được yêu thích, đặc biệt hài kịch truyền hình Gặp nhau cuối năm (Táo quân), NSƯT Chí Trung với lối diễn duyên dáng, hóm hỉnh và sâu cay luôn mang đến tiếng cười cho khán giả mỗi dịp đón Tết cổ truyền. Vắng anh, khán giả như thấy bữa tiệc cuối năm thiếu đi món ăn mà không có nó khó ra tiệc Tết...


- Anh định tạm biệt chương trình “Gặp nhau cuối năm” sau mùa Tết 2018. Lý do thật sự khiến anh rời bỏ chương trình truyền hình đang rất được yêu thích này là gì?

+ Tôi nghĩ, một chương trình truyền hình, được khán giả yêu mến suốt 15 năm như thế là quá đủ. “Táo quân” cũng không phải là chương trình của mình mà chỉ là một chương trình mà mình tham gia biểu diễn trong đó thôi. Bây giờ mình làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nên tập trung cho chương trình của Nhà hát thôi.

- “Táo quân” vẫn đang là chương trình truyền hình rất “hot”, ở đó, Chí Trung là gương mặt luôn được khán giả chờ đợi mỗi đêm giao thừa, bên cạnh nhiều diễn viên khác nữa như Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Vân Dung… Nếu thiếu Chí Trung, khán giả yêu mến chương trình như thấy thiếu thiếu điều gì...

+ Bạn nói thế nhưng mình có thể đọc ra tên những báo trong nhiều năm hay có những bài viết rằng, tại sao chương trình không thay đổi, cứ giữ mãi những gương mặt cũ như thế… Nhiều khi mình thấy, có khi người ta bảo Đông thì các bạn nói muốn Tây, có khi bảo Tây thì đòi Đông.

- Làm hài Tết nhiều năm, anh làm thế nào để cân bằng các luồng ý kiến trái chiều như thế?

+ Tết đến thì mọi người đều mong muốn vinh hoa, phú quý, trường thọ… Còn mình hay tập trung về mùa xuân, tình yêu, ví dụ như các câu chuyện hiểu nhầm trong hôn nhân để tạo ra tiếng cười. Năm nay mình làm chương trình “Hương xuân Hà Nội” diễn vào ngày thứ sáu, mùng 8 Tết Âm lịch tại rạp Tuổi trẻ. Gối vào ngày 8/3 là chương trình hài kịch “Tơ trời mong manh”.

- Anh là danh hài được yêu thích nhiều năm. Trong các chương trình này, Chí Trung có phải là cái tên để thu hút khán giả mua vé?

+ Người ta nói “thầy già con hát trẻ”. Bây giờ mình ít tham gia diễn xuất mà lui về phía sau, làm công việc của người chỉ đạo sản xuất, đạo diễn chương trình. Mình hạn chế diễn trực tiếp.

- Giữa bạt ngàn những chương trình giải trí mùa Tết, anh làm thế nào để khán giả tìm đến với chương trình của mình?

+ Mình cũng không biết tính toán gì hơn, nhưng may mắn là Nhà hát Tuổi trẻ có một lợi thế là có rạp, có thương hiệu đủ để mỗi mùa xuân về, những người muốn đi xem biểu diễn, muốn vui đùa, muốn có tiếng cười vui vẻ với giá rẻ, bình dân thì đến mua vé. Và thường trước Tết chúng tôi đã bán được hết vé các buổi diễn. Tất nhiên chương trình phải hay, hấp dẫn, luôn luôn mới. Ví dụ năm nay là trong hài có hát, trong hát có ngâm nga, đọc thơ.

- Anh làm thế nào để hình ảnh Chí Trung luôn tươi mới, hấp dẫn, khác biệt trong mỗi chương trình, mỗi mùa diễn Tết, cụ thể là diễn hài Tết?

+ Mình không làm đĩa hài. Nhiều năm nay chỉ đứng sau các bạn như Vân Dung, Đức Khuê, Chí Huy, Thanh Tú, Hương Tươi…, dàn dựng cho các bạn ấy diễn. Thi thoảng mình mới diễn. Với tụi mình, chương trình Tết chỉ hơn là khán giả đông đúc hơn, mua vé sớm hơn, bán vé nhanh hơn thôi. Nghĩ cho cùng, văn hóa cũng là một sản phẩm. Mình luôn cố gắng mang đến cho khán giả những tiếng cười trong lành, sạch sẽ, có như thế nào thì quảng cáo đúng như thế, không bán nghiệp mua danh.

- Hài Tết thì muôn hình muôn vẻ. Anh có quan sát các chương trình của đồng nghiệp, có so sánh, nhận định như thế nào để rút kinh nghiệm, tìm sự khác biệt cho mình?

+ Mình  không bao giờ nhận xét đánh giá chương trình của đồng nghiệp khác. Diễn viên sân khấu đã khổ lắm rồi nên không có phân biệt hài Bắc, hài Nam, so sánh ai diễn hay hơn ai, ai làm hài nhảm… Các nhà báo thấy ai làm hài nhảm thì cứ phê phán. Mình thì nghĩ là khán giả xem diễn hài cũng có sự phân hóa rõ ràng theo từng giai tầng nên không thể có 1 món ăn chung.

Trước đây, trong một chương trình, có khán giả hỏi rằng anh thấy hài Bắc hay hài Nam hay hơn. Tôi nói ngay rằng, Bắc có phở, Nam có hủ tiếu Nam Vang. Bao giờ bạn trả lời cho tôi được phở Bắc ngon hay hủ tiếu Nam Vang ngon hơn thì tôi sẽ trả lời hài Bắc hay hài Nam hay hơn. Vì mỗi vùng miền có một quan điểm. Tôi sợ nhất là loại ẩm thực trộn cả phở Bắc và hủ tiếu Nam Vang vào một món để ăn. Món ăn đấy mới là chán.

NSƯT Chí Trung và các bạn diễn quen thuộc Xuân Bắc, Quốc Khánh, Công Lý trong chương trình truyền hình hài Tết “Táo quân” nhiều năm nay.

- Anh từng chia sẻ, hài của Chí Trung là hài mà khán giả xem xong, có khi về đi ngủ mới bật cười. Lối diễn hài như thế thì không dễ…

+ Nếu nói về diễn viên hài được số đông yêu thích thì mình là người kém duyên nhất. Mình nghĩ mỗi diễn viên được yêu thích có những duyên hài riêng, phù hợp với khán giả của mình. Diễn hội chợ, diễn sân vận động, diễn cho bà con làng xóm thì người ta thích Quang Tèo, Giang Còi, Vân Dung, Quang Thắng. Số đông thì thích cặp đôi Xuân Bắc, Tự Long. Chỉ có rất ít mong muốn tiếng cười thâm trầm. Xem hài cũng giống như thưởng thức ẩm thực, mỗi người có cái gu riêng.

Tôi có khách của tôi và không hẳn họ là số đông, nhưng là người mong muốn xem hài có chiều sâu, ẩn giấu nỗi niềm của người đang kể, nỗi niềm nhân sinh, không loại trừ cả những giọt nước mắt mà người tinh ý, người cảm thông sẽ thấy trong tiếng cười ấy có nỗi đau. Có lẽ vì thế nên trong “Táo quân” tôi là nét duyên rất khác của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Những vai diễn cần hài có chút chọc ngoáy thì Đỗ Thanh Hải giao cho tôi. Tất nhiên, để diễn xuất được như thế thì mình phải nắm bắt được kiến thức về xã hội, pháp luật, thời cuộc, theo dõi kinh tế, chính trị, xã hội và ứng biến vào từng nhân vật. Diễn viên phải hiểu thì nói ra mới thuyết phục được khán giả.

Ví dụ như câu “Giầu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh nó tìm cách tiêu diệt” có thể ai cũng biết, nhưng nói ra và chuyển tải được chiều sâu của vấn đề thì nhiều người cho rằng mình nói thành công. Hay câu “Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi, muốn tốt thì phải từ từ kẻo chơi một mình” thì từ cách nhả chữ đến diễn xuất mình đều cố gắng tìm kiếm bóng chữ trong từng con chữ, chứ không chỉ là nhả ra xác chữ, cố gắng chuyển tải ra được cái bóng chữ trên sân khấu.

- Anh nói mình ít diễn dần và lui về hậu trường, chỉ đạo diễn xuất. Anh làm sao để đưa ý tưởng của bản thân lên sân khấu qua diễn viên?

+ Mình phải chịu khó phân tích cho diễn viên. Câu này ẩn chứa những vấn đề này hay vấn đề khác của xã hội trong nó và người diễn viên phải làm sao chuyển tải những vấn đề ấy, kể cả biến nỗi đau ấy thành tiếng cười. Vì đỉnh cao của hài kịch là bi kịch, đỉnh cao của tiếng cười là nước mắt. Có khi bạn chán quá, bạn lại cười sằng sặc, có khi diễn, cười nhiều nhưng ứa nước mắt thương thân mình vì tiếng cười không ai hưởng ứng. Có những khi bạn tuyệt vọng lại buông, thôi kệ đời.

- Ngày Tết người ta thường tìm tiếng cười vui vẻ, nhẹ nhàng thôi.

+ Điều đó là đương nhiên, nhưng mình vẫn mong muốn có những kịch bản, câu chữ sâu sắc. Hài của Nhà hát Tuổi trẻ cũng vẫn là hài tình huống chứ không hẳn chỉ là hài câu chữ. Cấu tứ, nhân vật, tình huống rất hay. Vấn đề là làm sao diễn viên đưa được những cái hay ấy lên sân khấu. Trong cách thể hiện thì chúng tôi làm mới như đưa hát, múa vào trong kịch. Nhưng dù làm mới như thế nào thì mình vẫn xác định diễn hài nhưng phải là hài sạch, tinh tế, không trần tục hay chỉ chửi đời cho sướng miệng.

- Xin cảm ơn anh.

Ngọc Nguyễn (thực hiện) - Xuân 2018
.
.