NSƯT Chí Trung: Tôi đang nghiên cứu lịch World Cup

Thứ Ba, 08/06/2010, 14:46
Nhà hát Tuổi trẻ xưa nay vốn là điểm đến yêu thích của các diễn viên trẻ. Họ đến không phải vì tiền, mà vì họ được sống trong một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, là nơi họ gửi gắm ước mơ và khát vọng nghệ thuật của mình. Với tư cách là người làm quản lý, tôi rất tôn trọng khát vọng của họ. Tôi thấy mình cần phải giữ cho các em ngọn lửa của tình yêu nghề, dù ngọn lửa ấy có lúc rất nhỏ, rất đìu hiu...

Chí Trung cười ha ha chỉ vào cái đầu vừa bị cạo nhẵn một nửa, trông rất ngộ, bảo: "Mình vừa đóng vai ông chủ quán rượu trong phim "Lý Công Uẩn" về đấy". Thế rồi anh cứ vừa tiếp chuyện phóng viên vừa không ngừng nghe điện thoại, sau đó sột soạt đánh dấu các show diễn. Chốc chốc lại có anh em nghệ sĩ vào hỏi về các chương trình của nhà hát. Rồi lại có người vào hỏi mua vé xem đêm diễn ngày mai. Chí Trung hoan hỉ tính tiền... Tất bật những công việc của ông trưởng đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ, tưởng như con người nghệ sĩ của Chí Trung đang đi vắng....

- Anh Chí Trung này, tưởng anh đang lo lắng tính toán xem Nhà hát Tuổi trẻ sẽ diễn gì cho các cháu thiếu nhi xem vào dịp nghỉ hè, hóa ra anh lại đang nghiên cứu lịch đá bóng World Cup là thế nào?

+ Không phải tôi nghiện bóng đá đến nỗi quên sân khấu đâu nhé. Mặc dù thừa nhận rằng bóng đá cũng là một sở thích tưng bừng của Chí Trung đấy. Thực ra tôi đang nghiên cứu kỹ cái lịch World Cup là để xếp lịch biểu diễn của Nhà hát cho hợp lý. Những giờ có các trận đấu quan trọng mình phải tránh. Vì thiên hạ ở nhà xem bóng đá rồi thì nhà hát đỏ đèn với ai. Tôi đang nghĩ, vào những giờ bóng lăn gay cấn như vậy, có thể nhà hát sẽ diễn những chương trình dành cho phụ nữ và trẻ em. Rất hay đấy. Vì khi các ông bố say sưa với cái tivi, mình sẽ lôi kéo bà vợ và các con của họ tới Nhà hát.

- Là người đi tiên phong trong việc làm sân khấu xã hội hóa ở Hà Nội, anh thấy khó khăn lớn nhất mình gặp phải là gì?

+ Thực ra tôi không phải người đầu tiên làm xã hội hóa sân khấu ở Hà Nội. Trước tôi đã có các nghệ sĩ Tuấn Hải, Xuân Hinh làm rồi. Nhưng mà khó khăn vô cùng. Vì đặc điểm sân khấu miền Bắc rất khác với sân khấu miền Nam. Sân khấu miền Bắc đang rất thiếu người tài, bị chảy máu chất xám, và chủ yếu vẫn sống trong tình trạng bao cấp là chính. Tôi làm xã hội hóa theo kiểu miền Bắc, nghĩa là vẫn được nhà nước đầu tư làm vở và trả lương cho các diễn viên. Lợi thế ở chỗ vẫn có tiền nhà nước bao cấp. Chỉ khác là mình phải cố gắng vận động làm sao cho càng nhiều khán giả đến với mình càng tốt, chứ không phải dựng vở xong rồi mang... xếp vào kho.

Hiện nay ở miền Bắc còn rất nhiều đoàn nghệ thuật công lập sống theo kiểu vật vờ, "lả lướt trước gió". Họ cứ đợi mỗi năm nhà nước cấp cho tí tiền rồi dựng vở, diễn mươi buổi. Các đoàn nghệ thuật này giống như các cơ thể, có phần hơi "xanh xao vàng vọt", có khi là "đồng tính" nữa, chả rõ màu sắc gì. Thậm chí họ còn có phần ảo tưởng nữa. Đang lả lướt như vậy nhưng hễ cứ có tiền nhà nước là họ đứng phắt dậy và đinh ninh rằng sân khấu vẫn còn đang sống khỏe, sống tốt.

Nhìn vào thực trạng như vậy để nói rằng, một khi vẫn còn những sân khấu tồn tại mà không cần khán giả thì công cuộc làm xã hội hóa sẽ còn rất gian nan.

- Có lần anh kêu trời rằng khán giả miền Bắc giống như "hoàng thượng thích đủ thứ" khiến anh bối rối, hoang mang không hiểu họ. Anh có thể nói rõ về điều này?

+ Tôi cảm thấy khán giả miền Bắc không định hình được nhu cầu của mình với sân khấu. Ví dụ khi chúng tôi làm hài kịch, đông đảo khán giả mua vé đi xem thì thích, nhưng những khán giả đi xem bằng giấy mời thì tỏ ra không thích lắm, cho là chúng tôi đang làm tầm thường hóa nghệ thuật. Họ yêu cầu phải có những vở diễn lớn, tầm cỡ. Thế nhưng khi chúng tôi làm chính kịch, những vở diễn kinh điển hẳn hoi thì họ cũng không đến rạp. Và nếu đến thì họ lại chỉ đi bằng... giấy mời. Thực tế này rất đáng buồn.

Tôi từng chứng kiến, có những chương trình "hổ lốn", với ca sĩ hạng hai và những tiểu phẩm rất ba lăng nhăng thì lại đông khán giả tới xem. Trong khi những chương trình của Nhà hát chúng tôi dàn dựng rất công phu, nghiêm túc thì lại phải đợi khán giả đến... mờ mắt. Cả sân khấu Tuổi trẻ và sân khấu Thanh niên (37B Trần Bình Trọng) của chúng tôi đều trong tình trạng ấy. Khán giả, anh là ai? Câu hỏi này đối với tôi thật khó giải đáp.

- Tiếp sau thành công của "Đời cười", Nhà hát Tuổi trẻ vừa trình diện khán giả chùm hài kịch mới nhất "Phố cười". Có thể nói, hài kịch là món "đặc sản" của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh có lo ngại rằng khán giả không mặn mà với hài kịch nhiều nữa vì nó nhàm. Bởi đạo diễn, diễn viên dựng nhiều, diễn nhiều ắt sẽ có lúc lặp lại chính mình?

+ "Phố cười" lấy ý tưởng từ kịch bản Trung Quốc. Những chuyện cười ra nước mắt gắn liền với đời sống thành thị là chủ đề chính mà "Phố cười" xoay quanh. Thực ra thì hài kịch đã gắn liền với thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ từ rất lâu, nên chúng tôi không ngại khán giả sẽ quay lưng. Chúng tôi cũng không lo vì làm nhiều mà sẽ lặp lại, vì thực tế mỗi chương trình có những cách làm khác nhau. Mặc dù đang rất khó hiểu khán giả, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng "yêu chiều" khán giả nhiều hơn, bằng chính các chương trình nghệ thuật của mình, để được khán giả yêu lại.

- Làm quản lý như anh,công việc ngập đầu, lại toàn phải lo những việc bếp núc, anh lấy thời gian đâu để làm nghệ thuật?

+ Thực tế thì tôi vẫn nhận vai diễn, vẫn hỉ, nộ, ái, ố hàng đêm với khán giả của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng tôi mất rất nhiều thời gian cho công việc quản lý. Trong tình hình sân khấu hiện nay, làm chủ một đơn vị nghệ thuật biểu diễn thật không dễ dàng gì. Đầu óc tôi lúc nào cũng ngổn ngang trăm thứ bà rằn, nào là diễn cái gì, diễn ở đâu, tiền bán vé, cátsê của diễn viên... Nhà hát Tuổi trẻ xưa nay vốn là điểm đến yêu thích của các diễn viên trẻ. Họ đến không phải vì tiền, mà vì họ được sống trong một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, là nơi họ gửi gắm ước mơ và khát vọng nghệ thuật của mình. Với tư cách là người làm quản lý, tôi rất tôn trọng khát vọng của họ. Tôi thấy mình cần phải giữ cho các em ngọn lửa của tình yêu nghề, dù ngọn lửa ấy có lúc rất nhỏ, rất đìu hiu. Hãy thử nhìn vào đời sống của các nghệ sĩ mà xem, họ làm nghề khó khăn đến mức nào. Lương nghệ sĩ cao nhất nhà hát chúng tôi hiện nay là 4,3 triệu/tháng. Rất nhiều diễn viên trẻ hiện đang nhận mức lương 920.000/tháng. Mỗi show diễn, tiền bồi dưỡng cho diễn viên cũng chỉ vỏn vẹn ở mức từ 80-160 ngàn đồng, chỉ đủ chi phí cho bữa sáng và bát phở đêm đi diễn về khuya. Bên sân khấu Thanh Niên có đêm diễn xong, thanh toán mọi chi phí, chúng tôi chỉ còn 2 triệu đồng. 2 triệu đồng mà chia cho tất thảy 27 anh em nghệ sĩ tham gia đêm diễn, ngậm ngùi vô cùng. Khó khăn như vậy mà họ vẫn gắn bó với Nhà hát, vì lòng yêu nghệ thuật và khát vọng được làm nghề.

Nhiệm vụ của người làm quản lý như tôi là phải gắn kết anh em nghệ sĩ với nhau, dưới một ngôi nhà chung của nghệ thuật, yêu thương và đoàn kết. Mình phải tạo ra được một môi trường tốt để họ gắn bó lâu dài với nhà hát. Vì không có các nghệ sĩ thì không thể tồn tại một đơn vị nghệ thuật được.

- Anh cho rằng làm hài kịch thực ra là một giải pháp tình thế đối với Nhà hát Tuổi trẻ, khi mà sân khấu đang trong thời kỳ khủng hoảng. Vậy anh đang làm nghệ thuật bằng cái đầu của một nhà quản lý kinh tế hay bằng trái tim của một nghệ sĩ nhiều khát vọng?

+ Dựng hài kịch để thu hút khán giả đúng là giải pháp tình thế của nhà hát chúng tôi hiện nay. Nói đúng hơn công việc này sẽ giúp cho sự tồn tại của một đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi phải làm sao nuôi sống được diễn viên, giữ chân được diễn viên, trong lúc chờ đợi được làm những vở diễn thực sự. Trên thực tế thì hiện nay có muốn dựng kịch dài hơi chúng tôi cũng không có kịch bản hay, vả lại khán giả lại không mặn mà. Vậy thì chúng tôi phải làm những cái ngắn, giải trí. Tôi đang làm tất cả những việc như vậy cũng chỉ để nuôi một khát vọng lớn là đến một ngày được làm nghệ thuật đúng nghĩa.

- Anh vừa nói đến việc thiếu kịch bản hay cho sân khấu. Theo anh, nguyên nhân vì sao?

+ Quan sát đời sống sân khấu thì tôi thấy, thỉnh thoảng cũng có "chòi" ra được vài gương mặt viết kịch bản hay, có day dứt, có khát vọng. Nhưng họ thường không giữ được "phong độ" ấy lâu. Đời sống "nuốt chửng" họ và đến một ngày họ chỉ viết để giải quyết cái dạ dày, cái túi tiền của mình. Nên tác phẩm của họ không có sức sống dài lâu. Chúng ta không trách họ được, vì ngay cả các đoàn nghệ thuật hiện nay, để tồn tại, mưu sinh cũng thường xuyên phải làm những chương trình câu khách, "ăn xổi", chứ không toàn tâm toàn ý với nghệ thuật như mình muốn được.

- Chật vật với nghề như vậy, có khi nào vợ anh, NSƯT Ngọc Huyền khuyên anh rằng, nếu ngồi chờ một ngày nào đó khán giả quay lại với sân khấu thì anh đã già rồi, hết thời rồi, hay là anh quay về mở cửa hàng kinh doanh như ngày xưa thì sẽ kiếm tiền tốt hơn?

+ Huyền không bao giờ xui tôi như vậy. Vì cô ấy cũng làm nghệ thuật nên cô ấy hiểu cái giá của tình yêu nghệ thuật. Ở tuổi tôi, đã quá muộn để thay đổi mọi thứ. Mình không có nhiều mối quan hệ tốt có thể sinh ra tiền. Mình không thạo ngoại ngữ, tin học. Mình chỉ có một tấm lòng với sân khấu thôi. Đúng là nếu cần tiền tôi có thể quay về mở cửa hàng kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ sân khấu chính là tiếng gọi lớn nhất trong trái tim mình và mình phải sống với nó. Và sống với nó nghĩa là gì? Nghĩa là vừa diễn trên sân khấu vừa quan sát xem hôm nay khán giả có đông không, tiền bán vé có thu được nhiều không, làm thế nào để anh em nghệ sĩ có thêm thu nhập. Và khi cần thì không ngại mang tờ rơi đi phát, quảng cáo cho vở diễn của nhà hát. Nghĩa là vui vẻ với tất cả mọi công việc bếp núc khác.

- Xin cảm ơn NSƯT Chí Trung

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.