NSND Nguyễn Hữu Tuấn: Tôi chỉ là người ghi chép cuộc sống

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:03
Có một gia tài ảnh phong phú trong hơn 25 năm lang thang qua các vùng miền, nhưng NSND Nguyễn Hữu Tuấn không nhận mình là nhiếp ảnh gia. Ông ví việc chụp ảnh cũng như đi câu cá, câu xong lại thả cá xuống hồ.


Với ông, đó là một thú chơi. Lần đầu tiên, ông hé lộ gia tài của mình trong triển lãm "Thư Đồng Văn" tại Hà Nội. Nhưng câu chuyện với ông trong buổi chiều muộn tại hiên nhà ở 48 Hàng Đào không chỉ là chuyện nhiếp ảnh.

- Ông sở hữu một kho tàng ảnh với hơn 25 năm trong nghề nhưng "Thư Đồng Văn" là triển lãm đầu tiên. Vì sao ông rất ít triển lãm?

+ Tôi vốn không thích triển lãm, tôi sợ cảm giác sau khi kết thúc triển lãm rồi chẳng ai vào xem. Buồn lắm. Tôi thích làm sách hơn. Kho tàng ảnh của tôi rất nhiều, tôi xếp vào các thư mục thành sách Đồng Văn, sách Cao Bằng, sách nông thôn, sách đò, sách xe đạp, sách về những người hàng xóm. Tôi là người đi qua làng, coi những người nông dân là hàng xóm. Điều đó cũng thể hiện nhân sinh quan của tôi về đời sống. Có yêu thương những người nông dân không, có đồng cảm với họ không. Tôi nghe họ kể hàng trăm câu chuyện về làng, về cuộc sống thôn quê. Tôi thích chụp họ. Nhiếp ảnh giải tỏa được cho tôi nhiều điều. Và may thay, nó nhận được sự đồng cảm của mọi người, cũng vui. 

- Tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam như "Thị xã trong tầm tay", "Thương nhớ đồng quê", "Người đàn bà mộng du"… Vậy ông chụp ảnh vào lúc nào?

+ Tôi mê nhiếp ảnh từ bé. Những năm 1990 đến 2016 là khoảng thời gian tôi chụp nhiều nhất. Tôi vừa làm phim vừa tranh thủ những lúc không đi quay thì lang thang chụp ảnh. Tôi sợ nhất là khi về già, xong công việc ở cơ quan, rời khỏi nó không có gì để làm. Cơ quan là "nguồn sống" của mình, cái đời sống sinh động ấy mà phải rời bỏ thì buồn lắm. Nên vẫn phải làm việc ngay cả khi nghỉ hưu. Nhiếp ảnh giúp tôi điều đó. Mỗi người có một năng lực, tôi có năng lực hình ảnh, tôi nhìn đâu cũng thấy hình ảnh. Tôi quay phim, quay gì người ta cũng bảo hay quá, và người ta vỗ tay.

- Ảnh của ông rất tĩnh lặng và bình yên, nó tự nhiên như cuộc sống đang diễn ra vậy? Hay thời đó, cuộc sống bình yên thế?

+ Do tâm thế của mình, tôi chỉ chụp sự bình yên thôi. Tôi quen nhiều phóng viên nước ngoài, chỗ nào có chuyện, có sự việc thì họ lao đến. Việt Nam có chuyện không? Có chứ, rất nhiều chuyện. Nhưng tôi đi theo con đường của mình. Tôi không thích sắp đặt.

Đến miền núi, tôi không soi mói cuộc sống của người dân, tôi thích chụp những con người tự tin nhất khi họ là chính mình, đang làm công việc của mình. Những gương mặt xấu, ác tôi không lưu giữ. Tại sao tôi thích yên tĩnh, cuộc sống có nhiều mặt, có đấu tranh, oan ức, có nỗi buồn, có niềm vui. Ảnh tôi không vui nhưng không buồn, không bi lụy. Tôi thích những người nông dân ngồi yên lặng chờ đò. Những lúc chen chúc tôi không chụp. Tôi thích bình thường. Bình thường cũng đẹp chứ.

- Đen trắng và chụp bằng máy phim cũng là cách ông lựa chọn để biểu đạt sự chân thật của cuộc sống. Đó cũng là lý do ông chung thủy với máy phim và ảnh đen trắng dù bây giờ đã có bao nhiêu phương tiện nhiếp ảnh hiện đại khác?

+ Ảnh đen trắng sẽ bền hơn ảnh màu. Đen trắng giữ nguyên chất cuộc sống. Với tôi, chụp ảnh là một thú vui, như người đi câu cá, câu xong lại thả cá xuống. Nếu muốn hiệu quả họ sẽ dùng điện, còn nếu coi đó là cái thú, họ sẽ thích cảm giác ngồi chờ, săn cá cắn câu. Máy số sẽ hiệu quả hơn, nhắm mắt chụp vẫn ra ảnh nhưng cuộc sống nhìn qua máy số sẽ bị đơn giản. Máy số chụp đẹp, lung linh. Còn máy phim rất thật, mà thật đôi khi không đẹp.

Máy số là thẩm mỹ viện cuộc sống, trời xanh, mây trắng đều được thẩm mỹ viện. Còn máy phim chụp thật. Ai thích đẹp thì mua máy số, ai thích thật thì dùng máy phim. Thực tế, bây giờ, 95% mọi người thích đẹp. Tôi thì không thích mỹ viện. Nó sẽ đánh mất sứ mạng của nhiếp ảnh là ghi chép, lưu giữ tư liệu. Tôi kiêu ngạo mà nói, không ai chụp ảnh nhiều bằng tôi.

 Chụp ảnh để thỏa cái chí của mình, không cần hiệu quả. Ai cần hiệu quả là thường, đi câu lấy cá là thường. Viết văn, viết báo chỉ mục đích lấy nhuận bút là thường, hãy viết vì cần phải viết. Mọi người luôn hỏi tôi chụp ảnh để làm gì? Tôi chụp chỉ để thỏa mãn khả năng hình ảnh của tôi vì tôi nhìn cuộc sống ở đâu cũng ra hình ảnh.

- Vậy theo ông, bây giờ phần lớn nhiếp ảnh đang đi ra ngoài sứ mạng của nó?

+ Tôi nghĩ, thực tế không nhiều người hiểu nhiếp ảnh. Họ ngộ nhận là yêu. Yêu nhiếp ảnh là lầm lũi một mình, sắm sửa cần câu từ sáng đạp xe đi câu một mình, mưa cũng đi, nắng cũng đi. Bây giờ mọi người đi theo đám đông, không phải vì yêu mà là đi chơi thôi. Họ tổ chức đi Sa Pa, Y Tý, Đồng Văn, người ta đi, mình cũng đi. Còn yêu thì đi một mình, thế mới giải tỏa được điều gì đó trong lòng. Ví như, có người nói rằng, tôi thích buổi sáng Hà Nội trở lạnh, đi ăn phở, uống cafe Bờ Hồ, nhưng không đi không sao. Đó chưa phải là thích, là yêu. Mọi thứ bây giờ cứ bị hời hợt như thế.

Tác phẩm “về Đồng Văn” của NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

- Với một kho tàng ảnh đồ sộ nhưng ông không bao giờ coi mình là một nhiếp ảnh gia. Vì sao vậy?

+ Tôi không gọi những bức ảnh mình chụp là tác phẩm mà đó là tư liệu. Tôi chỉ là người ghi chép cuộc sống. Nhiếp ảnh là niềm đam mê, nó nằm trong máu tôi rồi. Tôi không thích đặt tên cho mình là ai. Tôi vinh dự, may mắn được làm nghề chụp ảnh, tôi làm đúng sứ mạng của nó là lưu giữ chứ không phong danh gì cả.

Bến đò Sông Gianh ở Quảng Bình tôi từng chụp giờ không còn vì người ta đã xây cầu. Nhưng bến đò đó vẫn còn trong ký ức của nhiều người, nó là một nhân chứng của lịch sử. Nó là bằng chứng. Hãy nhìn nhiếp ảnh ở sứ mạng đó. Thực ra, sứ mạng của nhiếp ảnh vô cùng vĩ đại, nó giúp chúng ta biết về thế giới mình đang sống, mở mang, nâng cấp con người. Thử tưởng tượng trên đời này không có nhiếp ảnh và quay phim thì con người u mê như thế nào.

- Vì sao ông không chia sẻ với công chúng?

+ Tôi vốn không thích đám đông và sự ồn ào. Hơn nữa, những bức ảnh tôi chụp toàn chuyện nhà quê, chuyện nông thôn, mấy ai quan tâm. Tôi cũng thử mang ra rồi nhưng ít người xem.

- Vậy ông sẽ làm gì với kho tàng của mình?

+ Tôi đang xếp nó thành từng đề tài, nếu có thể thì làm sách, làm sách sẽ lưu giữ được lâu hơn, nó đến với những ai cần. Còn không thì cứ để trong kho thôi.

- Hơn 25 năm chụp ảnh, chơi với nhiếp ảnh và có hẳn một gia tài ảnh đang cất kho. Vậy nhiếp ảnh mang lại cho ông điều gì?

+ Tôi đi nhiều, thấy dân mình nghèo quá. Những trải nghiệm đó dạy cho tôi đừng ham hố, giúp tôi sống bình tĩnh, chậm rãi hơn. Tôi sống vị tha hơn vì tôi đi nhiều, biết nhiều, bớt đi những tham, sân, si. Tôi yêu chụp ảnh. Quay phim cũng hay nhưng phải theo kịch bản, theo ê kíp, còn chụp ảnh là theo kịch bản của chính mình. Vừa rồi tôi tự làm bộ phim tài liệu "Thư Đồng Văn", làm chơi, thế mà được mọi người công nhận. Việt Nam Airlines mua bản quyền chiếu 2 tháng trên máy bay. Cũng vui.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn gắn liền với những bộ phim nổi tiếng "Thị xã trong tầm tay", "Trở về", "Thương nhớ đồng quê" (đạo diễn Đặng Nhật Minh); "Duyên nợ" "Yên tĩnh" (đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện), "Chuyện tình trong ngõ hẹp", "Người đàn bà mộng du" (Đạo diễn Thanh Vân), "Bến không chồng" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)… Ông còn được mời tham gia nhiều bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam. Ông tham gia chọn cảnh cho phim "Đông Dương", ông là quay phim thứ hai của phim "Người Mỹ trầm lặng".

Lần đầu tiên, NSND Nguyễn Hữu Tuấn có triển lãm "Người đi qua làng' tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Ông cũng từng qua Pháp, Đan Mạch triển lãm theo lời mời của các sứ quán.
Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.