NSND Nguyễn Hữu Tuấn: Làm nghề phim phải có tính nhẫn nại

Thứ Năm, 26/11/2009, 13:30
NSND Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1949 trong một gia đình có nhiều người làm nghệ thuật. Ông được đánh giá là một trong những nhà quay phim hàng đầu ở Việt Nam.

Đến nay, ông đã quay nhiều bộ phim nổi tiếng như: "Thị xã trong tầm tay", "Chuyện tình trong ngõ hẹp" "Đêm miền yên tĩnh", "Thương nhớ đồng quê", "Ngã ba Đồng Lộc", "Bến không chồng", "Của rơi", "Người đàn bà mộng du", "Trái tim bé bỏng"... Nhiều phim đã đoạt các giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước. Bản thân ông đã hai lần nhận giải quay phim xuất sắc nhất.

-Thưa NSND Nguyễn Hữu Tuấn, sau một thời gian "im hơi lặng tiếng", ông đã trở lại phim trường với tư cách là quay phim chính cho bộ phim truyền hình dài 30 tập "Lều chõng" (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố) do NSƯT Nguyễn Thanh Vân làm đạo diễn. Bộ phim dự kiến sẽ công chiếu trong thời gian tới. Liệu với thể loại phim truyền hình, ông có thấy "khó khăn" hơn so với phong cách phim nhựa mà ông vẫn được coi là sở trường không?

+ Điều này khó lý giải cụ thể. Thường thì khi quay bất kỳ một bộ phim nào tôi cũng cố gắng làm theo đúng không khí của nội dung bộ phim ấy. Tôi phải làm theo những gì mình cho là đúng nhất để bộ phim đạt hiệu quả cao. Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi làm một bộ phim truyền hình dài tập, trước nay toàn làm phim nhựa nên cũng có nhiều cái khác. Chủ yếu là về tốc độ làm phim phải nhanh, một ngày phải quay hàng trăm cảnh để kịp tiến độ, kinh phí cũng không như phim nhựa. Đấy là thể loại nó như vậy. Mình chăm chút như kiểu làm phim nhựa là "dở hơi".

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc quay phim truyền hình là quay ẩu. Nó cũng có những căng thẳng riêng của nó. "Lều chõng" là một bộ phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố, bản thân nội dung tác phẩm đã có tầm, giờ đây lại được thể hiện dưới bàn tay chuyên nghiệp của đạo diễn Thanh Vân, có lẽ khán giả sẽ được xem những thước phim truyền hình hay.

-  Mỗi khi nhắc đến nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, trong giới làm phim vẫn coi ông là một tay máy đẳng cấp cao và thường thì phim nào Nguyễn Hữu Tuấn quay cũng để lại dấu ấn không thể nào quên. Ông có thể cho biết, con đường đến với chiếc máy quay của ông có điều gì thú vị không?

+ Thực ra đó là một... đường đi lòng vòng. Thuở bé tôi rất mê vẽ và khi rời ghế trường phổ thông, tôi đã thi vào Trường Mỹ thuật để theo đuổi đam mê của mình. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật, tôi về làm thiết kế ở Xưởng Phim truyện Việt Nam. Mỗi khi cùng đoàn làm phim đến các vùng miền, tôi thấy mình thực sự được tự do. Có lẽ số của tôi phù hợp với cuộc sống lang bạt, nắng mưa. Nhưng chế độ tuyển dụng của Xưởng Phim truyện hồi đó rất eo hẹp, chẳng biết bao giờ mình được biên chế. Nhìn sang bạn bè đồng trang lứa, đều thấy chúng nó là bác sĩ, kỹ sư cả rồi, còn mình không rõ được danh phận gì, tôi bèn xin đi học để được "như người ta".

Tôi học hóa hữu cơ, chủ yếu là về chất dẻo. Học ở Trung Quốc 4 năm xong, tôi về làm việc tại Nhà máy Nhựa Hà Nội, sáng đi, chiều về, cuộc sống công chức cứ đều đều, mệt mỏi như thế. Một năm trôi qua thì tôi hết chịu nổi. Vừa lúc đó, Trường Điện ảnh tuyển sinh khóa quay phim, tôi len lén đi thi và… đỗ. Thế là tôi quyết định làm đơn xin thôi việc vì biết, xin đi học thì người ta không cho. Làm như một chàng học sinh lớp 10 mới vào trường. Nhưng cơ quan cũ không cho tôi giấy thôi việc, sự phiền hà bắt đầu xảy ra, nhà trường đình chỉ không cho học. Tôi vẫn lẵng nhẵng đến trường, nghe giảng hóng, chụp ảnh, làm bài và trả bài đầy đủ. Lằng nhằng mất một năm, nhà trường cho tôi được học trở lại. Tôi cho rằng, số phận đã đặt chiếc máy quay vào tôi và nó ở bên tôi tới tận bây giờ.

- Và niềm đam mê ấy đã mang lại cho ông giải quay phim ở ngay bộ phim đầu tay "Thị xã trong tầm tay" (Đạo diễn Đặng Nhật Minh). Hồi đó, ông có bất ngờ với giải thưởng này không?

+ Hoàn toàn bất ngờ. Năm đó tôi mới 30 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ cho một quay phim chính, nói gì đến việc đoạt giải quay phim xuất sắc. Chuyện quay phim này, tôi có một kỷ niệm hay. Khi đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa cho tôi kịch bản phim "Thị xã trong tầm tay", kịch bản được chuyển thể từ bài bút ký cùng tên được giải báo Văn nghệ của ông, tôi đã nghĩ rằng tôi không quay được phim này. Kịch bản thuộc thể ký, rất ít yếu tố phim truyện. Tôi lúng túng hỏi: "Quay theo kiểu gì ạ?". Anh Minh lẳng lặng đút kịch bản vào túi. Tôi cũng chẳng ân hận gì. Tuần sau anh Minh quay lại hỏi tôi: "Muốn quay theo kiểu gì?". Và sau nhiều lần trò chuyện, chúng tôi có được một bộ phim quay "chẳng giống kiểu gì" mà tôi  được học trong Trường Điện ảnh. Cuối cùng thì phim cũng đã thành công

- Liên tục sau đó, ông đã được các đạo diễn nổi tiếng mời quay cho phim của mình như "Thương nhớ đồng quê", "Ngã ba Đồng Lộc", "Bến không chồng", "Của rơi", "Người đàn bà mộng du", "Trái tim bé bỏng", "Hoa ban đỏ"… Trong số những phim này, ông ấn tượng nhất với phim nào?

+ Tôi nhớ nhất bộ phim "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Trong đó, Đặng Nhật Minh gắn thêm truyện ngắn "Những bài học nông thôn" vào và nó đã trở nên hoàn hảo. Tuy nhiên, cho đến khi anh em đã bàn bạc xong và chuẩn bị bấm máy thì vấn đề đi tìm bối cảnh quay vô cùng khó. Hơn 2 tháng trời chúng tôi đi tìm địa điểm phù hợp với phim nhưng đều vô vọng. Thế rồi, trong một lần tình cờ tôi và họa sĩ phim đi chơi ở gần sân bay Nội Bài, theo thói quen, tôi chụp vài kiểu ảnh về nông thôn và thật kỳ lạ, khi làm ảnh tôi ngỡ ngàng vì đây chính là bối cảnh mình đang cần cho "Thương nhớ đồng quê". Ngay sau đó, cả đoàn làm phim đã thực hiện những cảnh ở làng đó.

Bộ phim này được thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhật Bản, và khi xem phim, họ thấy thú vị vì tại sao lại có vùng đất hợp với bối cảnh bộ phim đến thế. Điều tuyệt vời nhất là sau khi "Thương nhớ đồng quê" phát sóng, đã có tới 15 đoàn làm phim khác về tại làng đó, thậm chí căn nhà đó để mượn bối cảnh quay. Nó tựa hồ như một trường quay vậy. Tất nhiên, chủ nhân của ngôi nhà đó, bên cạnh nghề trồng lúa thì có thêm một nghề mới: nghề cho thuê nhà để quay phim. Họ cũng đã "chuyên nghiệp" đến nỗi, khi một đoàn làm phim đến, họ đã thuộc hết các ngôn ngữ điện ảnh như: các anh cần đạo cụ kiểu gì, bối cảnh ra sao, thậm chí, họ tổ chức luôn một nhóm chuyên vào vai quần chúng khá… chuyên nghiệp.

- Có kỷ niệm nào trong quá trình quay các bộ phim mà ông thấy tâm đắc?

+ Cả đời tôi cầm chiếc máy quay hàng nghìn cảnh phim thì vô cùng nhiều chuyện để mà nhớ. Tuy nhiên, hồi đầu cầm máy quay, vì là một người nóng tính, có lẽ phải nheo mắt với chiếc máy quay cả ngày đã khiến tôi không thể bình tĩnh được với việc phải quay đi quay lại nhiều lần một cảnh nào đó. Nhưng sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tôi đã học được cách bình tĩnh và thường thì nó cho hiệu quả tốt hơn. Một lần, quay phim "Bến không chồng" có cảnh diễn viên Minh Châu phải khóc. Phải quay tới 3 lần cô mới diễn đạt theo ý của đạo diễn, giữa mỗi lần, thay vì tức điên thì tôi đến bên cô thầm thì động viên. Thế mà cô làm tốt hơn thật.

Hay như trong phim "Thương nhớ đồng quê" có cảnh Nhâm ôm chị dâu để an ủi chị, sự va chạm cơ thể của hai người, một người xa chồng, một người ở tuổi trưởng thành đã khiến cho Nhâm đạt được những khoái cảm tột đỉnh của việc được làm đàn ông... Để quay được cảnh này, chúng tôi phải làm đi làm lại tới 5 lần, chỉ cần một cái chớp mắt không đúng theo yêu cầu là hỏng cả một cảnh quay, mà quay phim nhựa, phải sang tận Thái Lan để tráng phim thì mới biết được cảnh quay có đạt hiệu quả hay không.

Hay như trong phim "Người đàn bà mộng du" có chi tiết rất khó diễn tả trong điện ảnh như việc Quỳ xa lánh Hòa, người yêu của chị, là do chứng bệnh luôn đổ mồ hôi tay của anh. Chi tiết này viết văn thì tả dễ nhưng quay phim lại khó vô cùng. Quỳ cảm nhận bằng xúc giác, nhưng khán giả chỉ thấy bằng thị giác. Không có thuyết minh, không có đối thoại thì đòi hỏi phải quay rất tinh tế và kỳ công, nhưng chưa chắc đã truyền được cảm giác đó tới người xem. Làm nghề quay phim, có cái sung sướng riêng nhưng cũng đòi hỏi người cầm máy phải có tính nhẫn nại vô cùng lớn.

- Trên thực tế, để góp vào sự thành công của mỗi bộ phim thì người quay phim giữ một vai trò khá quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người ta cũng nhớ đến người quay phim. Ông có bao giờ cảm thấy buồn vì điều đó?

+ Nếu muốn trở thành người "quan trọng" tôi có thể làm nghề khác chứ không phải làm nhà quay phim. Trước hết, tôi là con người của hình ảnh, tôi thích thú với văn hóa thị giác như điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh và tình yêu đó sẽ còn mãi đến khi tôi không còn sức lực nữa. Tôi cũng ít khi đặt ra câu hỏi về sự thành công hay thất bại của đời mình và ít khi chịu áp lực về nó, vì tôi ít khi gánh vác một trách nhiệm lớn lao nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, quay phim là nghề của mình và mình hãy cố gắng hết sức để đạt hiệu quả tốt nhất, hài lòng nhất có thể. Tôi nghĩ, nếu đạo diễn là kiến trúc sư cho ngôi nhà thì quay phim chỉ là anh thợ xây giỏi. Người quay phim giỏi phải làm cho khán giả tưởng rằng thế giới của người quay phim nghĩ ra là thực.

-Vâng, xin cảm ơn NSND Nguyễn Hữu Tuấn!

Trần Hoàng Thiên Kim ( thực hiện)
.
.