Một thiếu hụt của phim truyền hình Việt Nam

Thứ Sáu, 08/01/2021, 20:35
Không thể phủ nhận vai trò rất đáng kể của phim truyền hình (PTH) trong việc đem lại sự phong phú về đời sống tinh thần của số đông công chúng. Có thể chất lượng nghệ thuật của loại phim này chưa thỏa mãn được đòi hỏi của khán giả nhưng người ta vẫn cứ tìm đến. PTH Việt Nam ngày càng chiếm được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Người ta có đòi hỏi, góp ý, vạch ra những hạn chế cũng chính là biểu hiện của sự quan tâm vậy.


Nếu tính số lượng PTH được ra đời kể từ bộ phim đầu tiên, con số cho đến nay phải tới nhiều nghìn. Nhiều đề tài đã được các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, ta sẽ thấy có sự mất cân đối trầm trọng. Bài viết này chỉ xin khoanh ở địa hạt PTH mà không bàn rộng sang phim điện ảnh. 

Trong mảng đề tài đương đại, số lượng nhiều nhất đã dành cho cuộc sống nơi thị thành với các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc tại các công ty tư nhân. Một tỷ lệ rất đáng kể là những mối quan hệ tình ái, những xung đột, mâu thuẫn trong các mối tình tay ba, giữa các thế hệ trong một gia đình, giữa các thế lực kình địch nhau về làm ăn… 

Tất nhiên, đó là cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể đối mặt, có thể là nạn nhân của những bi kịch. Và việc phản ánh nó cũng là cần thiết, là một nhiệm vụ không thể lãng quên của văn nghệ nói chung, PTH nói riêng. Nhưng lạm dụng đến mức hầu như đã lấn chiếm hết toàn bộ thời lượng phát sóng trên các màn hình, nhất là vào các “giờ vàng” mà bỏ qua các đề tài khác là chuyện bất bình thường, cần phải được điều chỉnh. 

Một cảnh trong phim “Ma làng”. 

Một trong những đề tài lớn mà PTH hiện nay đã gần như lãng quên là nông thôn, nông nghiệp, nông dân (từ đây, xin nói là “nông thôn” vì trong đó đương nhiên đã hàm chứa nông dân và nông nghiệp). 

Mở bất cứ kênh nào của bất cứ Đài TH nào, từ TW đến các địa phương vào bất cứ giờ nào cũng đều thấy quá nhiều cảnh ô-tô, nhà lầu, cuộc sống đô thị, rồi cảnh tắm biển, đưa nhau vào khách sạn, cảnh các lứa đôi tình tự, ghen tuông… 

Và không ít cảnh bạo lực, khi thì của các băng nhóm xã hội đen tranh giành lãnh địa làm ăn, khi thì của các “đại ca” xử các đàn em không y lệnh, lúc lại của các tình địch ghen tuông, cảnh đòi nợ thuê, dằn mặt nhau… Nếu không nhận ra các diễn viên quen thuộc, người ta dễ nghĩ trong phim là cuộc sống của những xứ Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Thái Lan... 

Hai mảng đề tài được nhiều người làm PTH đang lạm dụng hiện nay là gia đình và chuyện làm ăn tại các công ty. Không ít phim kết hợp cả hai đề tài này trong một phim nhiều tập. Và “mô-típ” quen thuộc là sự mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ trong một gia đình, giữa hai vợ chồng trẻ với nhau, trong đó nổi lên nhân vật trung tâm là bà mẹ chồng thường là khắc nghiệt với con dâu, nuông chiều, bảo vệ vô lối đối với con trai khiến mối quan hệ giữa hai vợ chồng đứa con càng thêm trầm trọng. 

Có lẽ do một số thành công ban đầu của một vài phim về đề tài này được khán giả tán thưởng đã khiến nhiều tác giả PTH “quen mui thấy mùi ăn mãi” mà lao vào tiếp tục khai thác, nhưng lại thiếu vốn sống hoặc thiếu sự lao tâm khổ tứ để có thể khoét sang những ngõ ngách khác của vấn đề, dẫn tới sự trùng lặp về “mô-típ”, sự hời hợt về miêu tả tâm lý, sự đơn giản, dễ dãi trong sắp đặt các tình huống để phát triển đường dây nhân vật… 

Khán giả không có lý luận về văn nghệ, hoàn toàn “ngoại đạo” về phim ảnh nhưng họ rất nhạy cảm với thực tế cuộc sống và dễ dàng nhận ra, phân biệt đâu là tác phẩm văn nghệ sâu sắc, đâu là sự chắp vá rông dài của những tư duy nông cạn, sáng tác chạy theo số lượng.

Hiện nay, nông thôn đã đô thị hóa nhiều, tỷ lệ nông dân đã ngày càng được rút bớt so với dân số cả nước. Nhưng con số vẫn là 70%, tức vẫn hơn 2/3 dân số là nông dân. Nhưng nếu kiểm lại số PTH dành cho họ, nói về họ thì có lẽ chỉ là vài %. 

Trong số nhiều ngàn PTH đã có như đã nói, ta có thể kể ra được một số lượng ít ỏi phim về nông thôn: “Đất và người”, “Ma làng”, “Làng Ma 10 năm sau”, “Gió làng Kình” (đều cùng của đạo diễn Nguyền Hữu Phần), “Thương nhớ ở ai” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), “Hương đất”, “Gia phả của đất”, “Bí thư tỉnh ủy” (đạo diễn Quốc Trọng), “Cô gái nhà người ta” (đạo diễn Trịnh Lê Phong)… 

Một cảnh trong phim “Gió làng Kình”.

Điều đáng nói là trong số hiếm hoi như trên thì nhiều đạo diễn như Lưu Trọng Ninh, Quốc Trọng, Nguyễn Hữu Phần đã làm phim bằng việc chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Vân Thảo... Như vậy, PTH về nông thôn có kịch bản không chuyển thể từ tiểu thuyết lại gần như quá ít ỏi.

Ở thành phố, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, sinh hoạt tinh thần của người dân có điều kiện phong phú hơn ở nông thôn. Họ có nhiều thứ để giải trí, thư giãn, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần. Còn ở nông thôn, hầu như chỉ nhờ cậy ở chiếc máy thu hình. Vậy nên nhu cầu xem PTH lại càng lớn. 

Nông dân đang là một lực lượng xã hội đông đảo nhất, là động lực đáng kể thúc đẩy xã hội phát triển. Bởi vậy mà Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích lớn lao cho họ ví như chương trình xây dựng Nông thôn mới phát động từ cả chục năm nay là một minh chứng rõ cho điều này. Một chủ trương lớn đem lại sự thay đổi toàn diện cho nông thôn, thu được nhiều thành tựu lớn như vậy nhưng vẫn chưa được phản ánh ở một bộ  PTH nào. Rõ ràng đó là một thiếu hụt rất đáng nói. 

Những phim về nông thôn vừa nhắc tới ở trên đều có khuynh hướng nói đến những làng quê Việt Nam trong thời đổi mới và hội nhập. Ở đó, mọi mâu thuẫn, cái xấu cũng như cái tốt đẹp của làng quê, của những người nông dân đã được miêu tả khá thành công trong những phim của các nhà làm phim. 

Hai đạo diễn Trần Quốc Trọng và Nguyễn Hữu Phần đã có công lớn trong việc tái hiện nông thôn Việt Nam thời đương đại bằng những “sê-ri” phim rất có chất lượng, được người xem ghi nhận. Tiếc là hai nghệ sỹ này sau những thành công rất đáng trân trọng đã chững lại, không tiếp tục sở trường của mình. 

Có thể hiểu các ông đã tự lượng sức và giống như nghệ sỹ biết rời sân khấu, ngôi sao bóng đá biết rời sân cỏ đúng lúc, khi mà những hào quang mình đã có vẫn còn tỏa sáng. 

Trong một lần đàm đạo với Nguyễn Hữu Phần, tôi nói với ông: “Nông thôn, nông dân luôn là đề tài khó chẳng những đối với phim ảnh mà với mọi chủng loại nghệ thuật. Làm được những 4 phim đều hay về mảng này như anh quả là không dễ. Nhưng xem đến phim sau cùng của anh, tôi thấy anh còn rất sung sức và tỏ ra còn dư dật vốn liếng, sự hiểu biết về đề tài nông thôn. Tôi nghĩ anh hoàn toàn có thể gặt hái được thêm nhiều thành tựu”. 

Nguyễn Hữu Phần không giấu nỗi niềm: “Cảm ơn sự nhìn nhận, đánh giá của anh. Nhưng bây giờ, người ta có khuynh hướng làm phim thiên về giải trí. Họ cần có lượng người xem đông đảo để quảng cáo nên mới bỏ tiền tài trợ cho việc làm phim. Dĩ nhiên là sẽ không mặn mà đầu tư cho việc sản xuất phim về nông thôn, nông dân”. 

“Nhưng tôi thấy các phim của anh và một vài đạo diễn khác về đề tài chúng ta đang nói cũng có nhiều người xem đấy chứ”. “Nhiều nhưng chỉ ở một đối tượng nhất định. Còn phần đông dân thành thị, cánh trẻ không để tâm. Các nhà tài trợ họ nắm vững “gu” của công chúng lắm”.

Phải chăng đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt ta đang bàn trong lĩnh vực PTH hiện nay? Đúng là nếu không có sự tài trợ cần thiết của Nhà nước dành cho việc đầu tư để ra đời những tác phẩm về nông thôn thì tình trạng thiếu hụt này sẽ không bao giờ được khắc phục. Dù giải thích bằng bất cứ lý do nào nhưng quá thiếu vắng hình ảnh nông thôn, nông dân trên màn ảnh nhỏ là một khiếm khuyết khó chấp nhận, đã đem lại sự mất cân đối đáng tiếc và là sự méo mó trong việc phát triển PTH Việt Nam.

Nguyễn Đình San
.
.