Miền cổ tích bên dòng sông Đa Nhim

Thứ Sáu, 24/04/2020, 08:22
Vùng đất huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) từ xa xưa luôn là trung tâm giao thông và kinh tế của đồng bào Thượng phía Nam Tây Nguyên. Dân tộc K'ho ở đây tạo nên một nền văn hóa lâu đời với bao cổ tích bên dòng sông Đa Nhim chảy qua...


Đức Trọng trở thành vùng đệm cho thành phố Đà Lạt làm nên xứ sở ngàn hoa. Ngọn núi Voi là nơi ghi dấu câu chuyện tình yêu đầu tiên trên cao nguyên Langbiang hùng vĩ.

Làng Gà Darahoa 

Cuộc du hành đầu tiên của chúng tôi là tới làng K'Long thuộc xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) dưới chân núi Voi. K'Long nằm sâu trong thung lũng bên cánh rừng Darahoa. Dân làng K'Long có tới hơn hai ngàn người, hầu hết thuộc dòng tộc K'Ho và Chill.

Mới đến đầu làng chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì thấy một bức tượng con gà trống có chín cựa bằng xi măng cao chừng 3 mét. Phải chăng đây chính là làng Gà Darahoa. Mấy đứa trẻ đang chơi đùa dưới chân tượng gà vội nhao ra chào hỏi rồi dẫn chúng tôi đến gặp chị Ka Dong ở chợ bán vải thổ cẩm. Có bé gái nói chị Ka Dong là hướng dẫn viên kể chuyện hay nhất làng đó.

Quả nhiên chị Ka Dong đón chào mọi người bằng nụ cười rất tươi và bắt đầu câu chuyện về tục con gái "bắt chồng" ở đây. Tục mẫu hệ là vậy, con gái muốn lấy được người yêu phải chuẩn bị đồ lễ thách cưới của nhà trai mới được đưa chồng về nhà. Khi trả lời chúng tôi vì sao K'Long lại có tên Làng Gà, chị Ka Dong chậm rãi kể lại rành rẽ câu chuyện tình yêu đầy bi thảm đã xảy ra bởi tục "bắt chồng". 

Thiền sư trên đỉnh thác.

Câu chuyện bắt đầu từ câu thơ dẫn rằng: "Xưa đôi bạn trẻ rừng hoa. Hơ Bia là gái, trai là K'Tiên…". Nhưng vì nhà Hơ Bia nghèo cha K'Tiên không ưng gả nên đòi thách cưới khá nhiều tiền của. Ông ta bắt nhà gái phải lo đủ 100 chiếc xà rông cùng với trâu, bò và bộ chiêng quý để làm của hồi môn.

Tưởng như khó vượt qua nhưng vì tình yêu say đắm của con gái, gia đình Hơ Bia cố vay mượn sắm đủ lễ vật. Không ngờ khi nhà gái mang mọi thứ đến thì bố K'Tiên trở mặt đòi phải thêm lễ nữa mới đồng ý. Rồi ông ta cho biết phải có voi chín ngà và gà chín cựa mới xong. Gia đình Hơ Bia thất vọng cay đắng trở về. 

Nhưng tình yêu đã thắp sáng nghị lực và sức mạnh của đôi trai gái. K'Tiên nguyện thay gia đình Hơ Bia lên núi tìm săn cho được voi chín ngà và gà chín cựa. Ở nhà, Hơ Bia ngày đêm mong ngóng người yêu trở về. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, mòn mỏi ngóng trông mà người yêu vẫn biền biệt tăm hơi. Hơ Bia quyết lên núi tìm chàng. Xuyên rừng vượt suối ngày đêm. Qua bao thác dữ vực sâu và đèo cao. Nàng đi mãi mới tìm được K'tiên đang đói rét nằm gục bên đường. Hơ Bia cũng kiệt sức quỵ xuống bên người yêu.

Hai người ôm nhau khóc trong sự tuyệt vọng khốn cùng. Thân xác họ suy kiệt và tàn tạ cho đến khi chết trong những áng mây trôi. Chứng kiến cảnh thương tâm ấy, đàn voi rừng đều quỳ phục bên đôi tình nhân cho đến khi chết. Chúng đã hóa đá thành núi bên rừng Darahoa. Từ đó dân làng K'Long đã sinh sống bám quanh chân núi Voi. Họ luôn luôn cầu mong linh hồn của hai người trở về phù hộ cho dân làng sống yên vui hạnh phúc.

Ka Dong cho biết, bức tượng con gà đá chín cựa mới có từ năm 1978. Đây là tác phẩm do kiến trúc sư Lữ Trúc Phương tạc nhân chuyến đi xây công trình cấp nước cho K'Long. Tượng gà nặng tới 8 tấn và trở thành biểu tượng cho câu chuyện cổ tích của đồng bào K'Ho. Do vậy cái tên Làng Gà đã ra đời. Hàng trăm năm qua, dân làng đã khai khẩn được hàng ngàn mẫu đất trồng cà phê quanh núi Voi. Ka Dong nói, các kiến trúc sư còn có dự án xây công trình Voi chín cựa hay ngựa chín hồng mao tại xã Đa Nhim bên dòng sông thơ mộng.

Pongour - thác dữ bảy tầng

Chia tay K'Long, chị Ka Dong chỉ đường cho chúng tôi đi ngược bờ sông Đa Nhim về thác Pongour thuộc xã Ninh Gia (Đức Trọng). Đa Nhim là con sông lớn chảy từ núi Gia Rich cao gần 2.000 mét ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Con sông chảy qua các huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Do địa hình đặc biệt, dòng nước Đa Nhim đã tạo nên ba thác nước lớn ở Đức Trọng. Trong đó thác Pongour được người Pháp xếp vào loại lớn và đẹp nhất Đông Dương. Nhà vua Bảo Đại đã cho xây một đài quan sát trên cao để ngắm nhìn bảy tầng tháp Pongour.

Từ xa xưa tháp còn được xếp hạng "Nam Thiên Đệ Nhất Thác". Với chiều dài hơn 100 mét, tháp Pongour còn được thiên nhiên ban tặng bảy tầng đá, từ trên độ cao 40 mét cùng đổ nước trắng xóa một vùng trời. Sắc cầu vồng luôn bừng lên trong màn mưa bụi khi hòa vào ánh nắng sớm. Hướng dẫn viên cho biết đây là con thác duy nhất ở nước ta có tổ chức lễ hội hàng năm vào rằm tháng Giêng. Lễ hội hình thành từ một huyền thoại đặc sắc của dân tộc K'ho được lưu truyền bao đời nay.

Đầu cổng vào khu du lịch thác Pongour người ta cho đúc tượng nàng Kanai cưỡi trên lưng con tê giác khổng lồ. Đó là hình ảnh nữ tù trưởng K'ho cao cả. Kanai được coi là nữ tướng biết thuần dưỡng những con tê giác để khai phá đất đai cho người K'ho làm ăn, xây dựng buôn làng. Có những lần giặc Prenn (người Chăm) xâm lấn cướp của, giết người. Chúng còn bắt thanh niên trai tráng K'ho đi làm nô lệ.

Nữ tù trưởng Kanai nổi giận đã đứng lên các bộ tộc Tây Nguyên nổi dậy đánh thẳng vào vương quốc Chăm (thời vua Panduranga). Những chiến binh cùng bốn con tê giác của nữ tù trưởng đã phá thành cứu hàng trăm tù nhân người K'ho. Từ đó nàng Kanai tiếp tục cùng bộ tộc mình khai phá đất đai mở rộng biên cương xây dựng một "Vương quốc thủy chung" của người K'ho.

Cuộc sống của "Vương quốc thủy chung" đang đến độ cường thịnh rạng rỡ thì nữ tù trưởng xinh đẹp Kanai đã trút hơi thở cuối cùng bên dòng sông Đa Nhim. Bốn con tê giác hùng mạnh trở nên già nua gục bên thân xác chủ cho đến khi cùng chết.

Dòng thác Pongour chính là làn tóc của nàng Kanai xinh đẹp chảy từ con sông Đa Nhim xuống vực sâu. Còn bốn con tê giác hóa đá trở thành bẩy tầng thác đỡ tóc cho nữ chủ tướng. Từ đó người K'ho lấy ngày 15 tháng Giêng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến nữ tù trưởng của mình. Vì thế người dân quanh vùng còn gọi Pongour là thác Thiên Thai. Hàng ngàn người các bộ tộc từ bốn phương đã đổ về trẩy hội cầu duyên và may mắn. Những nam thanh nữ tú thường tới làm lễ cầu mong bạn tình. Trong cuộc giao duyên, các bạn trẻ có dịp tìm hiểu và hẹn hò. Tục truyền nếu những đôi bạn tình bắt đầu từ ngọn thác Pongour thì không bao giờ bội phản. Họ sẽ một đời chung thủy bên nhau.

Giai điệu K'ho bên suối thác

Hát giao duyên là nòng cốt cho lễ hội bên dòng thác. Những vũ điệu dân gian của nhiều dân tộc quanh vùng đã hòa điệu sôi động tạo nên bản hòa ca với âm thanh của dòng thác ầm ầm đổ xuống. Theo tập tục chế độ mẫu hệ nên khi hát bao giờ người nữ cũng bày tỏ trước khi muốn "bắt chồng".

Ka Dong bên khung dệt.

Cô gái hát: "Đường ngay thẳng ta mới đi. Đường cong queo ta phải tránh. Theo tục lệ tổ tiên để lại. Lúa gạo phải vào cối. Khớp trên khớp dưới phải hợp. Chỉ trắng vào chóe phải đen sánh…". Còn bài ca của người con trai lại rõ ràng tỏ rõ chứ không thăm dò như bên nhà gái.

Chàng bộc trực rằng: "Sợ không xứng đôi. Sợ người hai tim. Cây sậy dưới sinh lá xanh đọt dài. Bông hoa tươi tốt người hái lấy. Hãy xô hạt cườm cùng nhau…".

Sau khi hát kết bạn, mọi người thi nhau hát đố và hát ru. Ai thua sẽ phải bị phạt uống rượu và nhảy múa theo những nhịp điệu chiêng quay cuồng bên đống lửa trại. Càng uống càng say lại càng quay cuồng trong nhịp trống rộn ràng. Đó cũng là dịp để trổ tài năng nghệ thuật và sự dũng mãnh của những chàng trai Tây nguyên.

 Có dịp gặp nhạc sĩ Krajan Dick người K'ho, anh cũng cất lời hát cho chúng tôi nghe những câu rất bay bổng trong lễ hội Thiên Thai: "Các bạn ơi ngày hội vui lắm. Hãy về đây vui chơi cùng nhau. Đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau. Hãy về đây các bạn nhé". Trước mắt chúng tôi, dòng thác vẫn cuồn cuộn xối ào. Bụi nước bay trắng xóa trong làn gió đại ngàn. Cầu vồng hiện lên lung linh những sắc mầu huyền diệu trên dòng sông Đa Nhim.

Vương Tâm
.
.