Lối đi mới cho phim hình sự Việt

Thứ Năm, 19/11/2020, 12:59
Tối 13/11, bộ phim truyền hình "Hồ sơ Cá Sấu" bắt đầu lên sóng truyền hình. Bộ phim với đề tài hình sự điều tra, đấu tranh với thế lực ngầm và các nhóm lợi ích đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Không giống với các bộ phim hình sự khác, yếu tố điều tra phá án được đan cài với những câu chuyện về hôn nhân gia đình, những khúc mắc trong cuộc sống hiện đại...

Có lẽ sau khá nhiều những bộ phim về đề tài hôn nhân gia đình lên sóng thì sự ra mắt của "Hồ sơ cá sấu", một bộ phim mang phong cách hình sự - điều tra đã mang đến một sự háo hức không nhỏ đối với khán giả yêu phim truyền hình Việt. Nhất là phim được thực hiện bởi đạo diễn, NSƯT Nguyễn Mai Hiền, người từng góp phần tạo nên những bộ phim có "tiếng vang" như "Người phán xử", "Chạy án", "Sinh tử"... 

Phim "Hồ sơ cá sấu" được bắt đầu từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Hải (một kỹ sư xây dựng) - Nguyệt (làm việc cho một công ty truyền thông). Biến cố xảy ra khi Nguyệt đột nhiên biến mất kéo theo một chuỗi câu chuyện bí ẩn, liên tiếp. Hành trình Hải đi tìm vợ với sự trợ giúp của Cương "chột" - cựu cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã khiến Hải bước vào những mối quan hệ rắc rối, bí ẩn. 

Không chỉ có một câu chuyện lôi cuốn, phim còn quy tụ dàn diễn viên đáng mơ ước nhất hiện nay như Mạnh Trường, Việt Anh, Minh Huyền, Lan Phương, Doãn Quốc Đam, Ngọc Quỳnh, Hải Anh... Đặc biệt, sự trở lại của diễn viên Kiều Anh sau 3 năm vắng bóng màn ảnh nhỏ.

Một cảnh trong phim “Hồ sơ cá sấu”.

Mặc dù "Hồ sơ cá sấu" mới bắt đầu những tập đầu tiên nhưng từ kịch bản đã thấy, bộ phim hình sự này đã đi theo cách khác thông thường. Là bộ phim nói về hành trình phá án nhưng không có quá nhiều hình ảnh trang phục Công an như vẫn thường thấy ở các bộ phim khác - điều dễ khiến các phim bị gắn mác ngành nghề. 

Ở “Hồ sơ Cá Sấu” đề cập đến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm với các thế lực ngầm, nhưng nổi bật trong đó là câu chuyện tình yêu, gia đình, hạnh phúc và những giá trị nhân văn của cuộc sống.

Để có một bộ phim hình sự nhưng không cứng nhắc mà đậm chất đời sống, việc xây dựng tính cách nhân vật đã được chú trọng ngay từ khâu kịch bản. Nhân vật Hải do Mạnh Trường thủ vai là một người khá "đa màu" khi vừa là một người chồng ghen tuông mù quáng, rất đáng thương khi để tâm lý tình cảm bị dồn nén tới mức khủng hoảng. Nhưng Hải cũng là một người đa mưu dũng cảm, sẵn sàng vượt mọi hiểm nguy để vén màn sự thật. 

Quá trình đi tìm sự thật của nhân vật Hải cùng với lực lượng chức năng khiến phim có thể bật ra được nhiều góc khuất trong cuộc đời, tính cách nhân vật. Nhân vật Nguyệt cũng không phải là một người vợ đơn thuần. Cô vừa quyến rũ, vừa bí ẩn, nắm giữ trong mình một bí mật chết người. Ngoài ra, những nhân vật như Cương "chột" (Doãn Quốc Đam thủ vai) hay Thu (Minh Huyền) cũng đều có những nét riêng trong tính cách... 

Cương "chột" là một thám tử tư với tính cách lập dị, khó đoán. Thu là một cô gái có bề ngoài gợi cảm nhưng chứa nhiều bất ngờ trong tính cách. Sự bất hòa giữa 2 chị em Nguyệt - Thu bắt nguồn từ những hiểu lầm tình - tiền. Vì nghĩ rằng chị gái đã lừa dối mình để chiếm tài sản mẹ để lại, Thu dần chìm sâu vào thù hận... Chính hệ thống nhân vật đa sắc màu ấy đã góp phần khiến "Hồ sơ cá sấu" thêm thú vị, dẫn dắt khán giả lạc vào hành trình bí ẩn

"Hồ sơ cá sấu" là minh chứng rõ nét cho việc các nhà làm phim đang tiếp tục xây dựng một lối đi mới cho phim hình sự Việt. Không đơn thuần là những yếu tố điều tra mà nổi bật trong đó là các yếu tố tâm lý, tình cảm. 

Ngay tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền cho biết "Hồ sơ cá sấu" từ khóa để liên kết mạch truyện và các tuyến nhân vật trong phim. Thay vì tập trung vào việc điều tra, truy tìm tội phạm, những vấn đề quan chức, tham nhũng hay lợi ích nhóm trong bộ phim này đều được phản ánh ở góc độ khác và mang tính giải trí nhiều hơn cho khán giả. Ngoài ra, những câu chuyện về tình yêu, hành trình đi tìm hạnh phúc được các nhà làm phim nhấn mạnh để bộ phim gần gũi, chân thực hơn.

Phim “Mê cung” thu hút khán giả bởi nhiều yếu tố bất ngờ.

Có thể nói, mảng phim hình sự vẫn là một dòng phim được Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam cũng như nhiều công ty sản xuất phim khai thác từ sớm và luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Hàng trăm tập phim đã được phát sóng nằm trong seri phim này vẫn được công chúng nhớ đến như "Cảnh sát đặc nhiệm", "Chạy án", "Cổ cồn trắng", "Bí mật tam giác vàng", "Mạch ngầm vùng biên ải"... 

Những bộ phim này đã khai thác cuộc đối đầu giữa lực lượng công an và các nhóm tội phạm. Đồng thời phản ánh khá trực diện về những vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện đại: nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, nạn buôn ma túy, buôn người qua biên giới... 

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, kịch bản phim hình sự vẫn còn mang âm hưởng "một màu" với những kết phim dễ đoán như chính phải thắng tà. Trong phim, các nhân vật phản diện - chính diện luôn ở 2 phía rõ ràng và không khó đoán. Chính vì thế các bộ phim vẫn còn thiếu yếu tố kịch tính và khó đoán. 

Đặc biệt, hình ảnh người Công an trong các bộ phim đó thường được khai thác nhiều ở yếu tố công việc phá án, nghiệp vụ hơn là đời tư. Điều đó khiến nhân vật Công an ở một số bộ phim còn khuôn mẫu, cứng nhắc.

Tuy nhiên, các nhà làm phim đã luôn biết cách làm mới những tác phẩm của mình với mong muốn mang đến cho khán giả những bộ phim gần gũi, chân thực nhất. Từ đó, những bộ phim hình sự mới có cái nhìn đương đại ra đời. 

Tiêu biểu cho phong cách làm phim này phải kể tới "Người phán xử" (đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng). Không phản ánh giới xã hội đen từ góc nhìn của lực lượng điều tra, phá án, "Người phán xử" chọn góc nhìn của chính Phan Quân - một ông trùm xã hội đen khét tiếng. Và ở trong xã hội ấy, ngoài tội ác, ngoài sự chiến đấu khốc liệt thì người ta vẫn nhìn thấy sự ấm áp của tình thân. 

Chọn cách phản ánh ấy không phải để những nhà làm phim "thông cảm" cho những tội lỗi mà ông trùm Phan Quân cùng đàn em của mình gây ra, mà để đưa đến cho khán giả một bức tranh tâm lý nhân vật chân thực nhất. Cách làm phim mới lạ ấy đã khiến "Người phán xử" trở thành hiện tượng trên màn ảnh nhỏ cũng như trong lòng công chúng thời gian qua. 

Phim không đi sâu vào chuyên môn phá án của lực lượng Công an, mà chọn mang đến cho khán giả những bài học thông qua góc nhìn của "ông trùm" Phan Quân. Tiếp theo, "Mê cung" cũng là một bộ phim có kịch bản lạ, có kịch tính, hành trình phá án nghẹt thở với hệ thống nhân vật với mới mẻ, đa sắc màu.

Có thể nói, sự quay trở lại của dòng phim hình sự với "Hồ sơ cá sấu" đang được khán giả kỳ vọng sẽ giúp phim truyền hình Việt khỏi nguy cơ "nhạt dần đều" trong thời gian gần đây. Khai thác quá nhiều yếu tố hôn nhân gia đình nhưng không có gì mới lạ khiến phim truyền hình Việt lại đang đứng trước nguy cơ giảm sức hút với khán giả. 

Bản thân đạo diễn Nguyễn Mai Hiền cũng chia sẻ quan điểm: Theo anh, sự bất ngờ trong cách kể chuyện, những tình huống gay cấn, những cảnh hành động và đặc biệt là sự khó đoán trong tính cách nhân vật là những yếu tố quan trọng thu hút khán giả của thể loại phim này. 

Với kinh nghiệm của một người từng kinh qua công việc quay phim nên đạo diễn Mai Hiền luôn chú tâm để có được những cảnh quay đẹp, tạo ấn tượng với người xem. Trong bộ phim "Sinh tử" anh từng thực hiện trước đó có khá nhiều cảnh ấn tượng như đuổi bắt giữa Công an và tội phạm, cảnh nổ mìn sập mỏ đá... 

Với đạo diễn Mai Hiền, cách kể chuyện trong những bộ phim hình sự là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nhiệm vụ của biên kịch là dẫn dắt câu chuyện sao cho chân thật và gần gũi với đời sống. Những chi tiết trong phim phải đời nhất. Ngoài ra, không thể thiếu những yếu tố bất ngờ khiến khán giả khó đoán trong tính cách, số phận nhân vật. 

Rõ ràng, những bộ phim hình sự mang màu sắc đương đại mà đại diện là "Người phán xử", "Mê cung"... đã mang lại hiệu ứng tích cực từ phía khán giả. Cách làm phim này khiến yếu tố hình sự được mềm hóa, giúp cho hình ảnh người Công an chân thực, gần gũi hơn với công chúng.

Khánh Thảo
.
.