Phim hình sự Việt Nam đang chiếm lĩnh "giờ vàng"

Thứ Hai, 26/07/2010, 09:01
Đề tài hình sự luôn được xác định là đề tài hấp dẫn với các nhà làm phim và nếu biết cách, nó có khả năng thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng, để làm phim hình sự hay không hề đơn giản.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là từ tháng 6 tới tháng 8 này, là thời điểm có những ngày kỷ niệm như ngày thành lập Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7), ngày thành lập Lực lượng Công an nhân dân (19/8), Đài Truyền hình Việt Nam liên tục phát sóng vào khung "giờ vàng" những bộ phim có đề tài hình sự như "Mặt nạ hoàn hảo", "Ám ảnh xanh", "Cuồng phong" và sắp tới là "Đầm lầy bạc". Điều này cho thấy sự trở lại của phim hình sự Việt Nam sau một thời gian dài nhường chỗ cho những bộ phim tâm lý và phim cho lứa tuổi teen. Không thể phủ nhận, những bộ phim này mang tới một "làn gió mới" cho khán giả truyền hình.

1. Bốn bộ phim về đề tài hình sự liên tục được phát sóng trên VTV1 và VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) khá đa dạng về đề tài phản ánh. Mở đầu seri phim này là "Mặt nạ hoàn hảo" của đạo diễn trẻ Nguyễn Tiến Dũng. Bộ phim bắt đầu từ việc một nữ sinh trung học tên Hương bị bắt cóc và bị sát hại trong đêm. Hung thủ đã xóa bỏ mọi dấu vết. Trung úy Dương được giao nhiệm vụ phá án này. Trong quá trình điều tra, anh được biết trước đó, nạn nhân đã gặp một cơn ác mộng có nhiều tình tiết giống hệt vụ việc. Kẻ sát nhân trong mơ có khuôn mặt chàm đỏ… Liên tiếp sau đó, nhiều án mạng tương tự cũng đã diễn ra khiến các chiến sĩ ăn không ngon, ngủ không yên. Nghi vấn được đặt vào Vấn Sầm - gã giang hồ có khuôn mặt chàm đỏ. Sau nhiều khó khăn, có lúc tưởng như bó tay, các chiến sĩ công an đã tìm ra tên thủ phạm giấu mình sau chiếc mặt nạ hoàn hảo. Đó chính là thầy giáo của Hương.

"Ám ảnh xanh" là bộ phim dài 36 tập (đạo diễn: Châu Huế, kịch bản: Chu Lai) được sản xuất bởi Hãng Phim truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh lại đề cập tới vấn nạn tham nhũng. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của một số nhân vật từng tham gia chiến tranh như Năm Thành, Sáu Nguyện, Út Thêm, Tư Chao. Đến nay, những người bạn cùng chiến tuyến năm xưa lại đang đối nghịch nhau trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong số đó, Năm Thành nổi lên là một doanh nhân thành đạt, dám nghĩ dám làm. Nhưng đó cũng là một ông trùm trong thế giới tội phạm, sẵn sàng tiêu diệt những ai dám cản đường mình.

Diễn viên trẻ Hồng Đăng (thứ 2 từ trái sang) vào vai Trung uý Dương trong phim "Mặt nạ hoàn hảo".
Khác với "Mặt nạ hoàn hảo" và "Ám ảnh xanh", "Cuồng phong" và "Đầm lầy bạc" lại nói về cuộc chiến đấu với tội phạm ma túy. Khác với những bộ phim hình sự trước đây thường do các hãng phim nhà nước sản xuất, "Cuồng phong" tuy nằm trong seri "Cảnh sát hình sự" nhưng lần đầu tiên có sự tham gia của Hãng phim tư nhân Lasta tại TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Bộ phim phản ánh đường dây buôn ma túy lớn do anh em Thái cầm đầu với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Phim quy tụ được một dàn diễn viên tên tuổi như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Hòa, NSƯT Trung Hiếu…

Cùng chung chủ đề với "Cuồng phong", "Đầm lầy bạc" xoay quanh cuộc chiến giữa hai "băng đảng" Liên Minh Bạc và Sông Hồng dẫn đến cuộc thảm sát của một gia đình. Không chỉ khắc họa chân dung của trùm ma túy, "Đầm lầy bạc" còn là những câu chuyện chân thực về tình cảm gia đình, về quan hệ giữa con người với con người. "Đầm lầy bạc" được coi như một bước đột phá của Hãng Phim truyền hình Việt Nam với những đạo diễn, diễn viên, biên kịch trẻ tuổi.

2.Có thể nói, seri "Cảnh sát hình sự" lần này là kết quả quá trình tìm tòi của  những người làm phim trẻ với hy vọng có thể mang tới một làn gió mới cho thể loại phim này. Nhiều khán giả xem phim đã nhận thấy nét mới trong những cách thể hiện. Các đạo diễn cũng mạnh dạn đưa những gương mặt diễn viên mới vào các vai cảnh sát hình sự, điều tra viên… Seri phim hình sự lần này cũng không quá thiên về những câu chuyện tình yêu hay đời sống riêng của những chuyên gia phá án mà tập trung vào cách phá án dựa trên kỹ thuật, kinh nghiệm của các chiến sĩ công an.

Một điều đáng ghi nhận ở những bộ phim hình sự này là quá trình phá án được các đạo diễn xử lý không theo lối cũ: sự việc xảy ra, cảnh sát hình sự tới gặp nhân chứng, địa điểm điều tra để lấy tin tức… Giờ đây, cách phá án của các trinh sát có nhiều tình tiết bất ngờ và hợp lý hơn. Có thể phá án theo sự ám ảnh hay một trạng thái cảm xúc bất ngờ đưa đến những hướng điều tra rất mới nhưng hiệu quả như trong "Mặt nạ hoàn hảo". Đó là những sự hư cấu mang đến sự ngạc nhiên, thú vị cho người xem và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát hình sự cũng được xây dựng trẻ trung, cá tính và "đời" hơn. Các đạo diễn cũng mạnh dạn tạo ra những tình huống cạnh tranh, mâu thuẫn giữa những cá nhân và các chiến sĩ công an trong cuộc chạy đua xem ai phá án nhanh hơn.

Những nhân vật phản diện như tên trùm ma túy hay kẻ đứng đầu các băng đảng giang hồ được đầu tư kỹ hơn về tính cách. Một Năm Thành trong "Ám ảnh xanh" vừa là một doanh nhân thành đạt, vừa là tên giang hồ hiểm ác.  Nhưng Năm Thành không lấy tình - tiền và lối sống hưởng thụ làm mục đích, hắn có đời sống riêng khá "mẫu mực": không rượu chè, cờ bạc, không buông thả, bê bối. Thẳng tay trừng trị những người cản trở công việc làm ăn của mình nhưng không bao giờ gây án chết người. Sau mỗi lần hành động hắn lại trở về ngôi nhà nghèo ven đô nằm võng nghe một ca sĩ mù vốn là chiến sĩ quân giải phóng hát những khúc ca thời chiến. Hay như Xuyên - một tên buôn lậu ma túy xảo quyệt nhưng cũng rất chân thành, tình cảm với cô gái nghèo tên Phượng…

Được ưu ái phát sóng vào "giờ vàng", tuy nhiên, thực tế là so với nhiều phim hình sự của Mỹ, Trung Quốc… đang chiếu nhan nhản trên các kênh truyền hình cáp hiện nay thì phim hình sự Việt Nam vẫn còn thua xa về độ hấp dẫn. Việc sắp xếp chi tiết và cách dựng phim của nước ngoài hấp dẫn hơn dù câu chuyện không quá phức tạp và thủ phạm có thể đã hé lộ ngay từ đầu. Một điều đơn giản nhưng chúng ta không học tập được là phim của họ thường ít thoại. Nếu có, lời thoại thường ngắn, hành động là chủ yếu bởi bản chất phim hình sự (action) là hành động. Trong đó, phim hình sự của Việt Nam không bỏ được căn bệnh nan y là thoại quá dài. Hàm lượng thông tin và cảm xúc trong lời thoại ít. Đặc biệt, trong các phim hình sự Việt Nam có quá nhiều cảnh họp… ban chuyên án. Mỗi lần họp lại thuyết giảng khá nhiều trong khi quá trình phá án thường chóng vánh.

Một hạn sạn nữa trong các phim hình sự của Việt Nam là thường xây dựng hình ảnh các chiến sĩ công an hiền lành và có phần... ngây ngô. Nhiều tình tiết vô lý, khó chấp nhận. Ví dụ như trong phim "Mặt nạ hoàn hảo", chi tiết Trung úy Dương khi tìm hiểu đối tượng Vấn Sầm đã đóng giả một người bạn của y từ nơi khác đến hỏi thăm thông tin về y qua những người xe ôm. Nhưng chỉ ngày hôm sau, lại chính là Dương đóng giả anh xe ôm ngồi đợi khách bên cạnh những xe ôm chuyên nghiệp mới hỏi thăm hôm qua. Trong thực tế chắc chẳng có ai "tác nghiệp" như thế.

Để phim hình sự thêm phần mềm mại, các nhà làm phim đã chú trọng xây dựng đời sống tình cảm, nội tâm của các chiến sĩ công an. Tuy nhiên, họ lại sa vào kể lể mà vẫn không bộc lộ rõ tính cách. Mô típ quen thuộc vẫn là chuyện gia đình, vợ hay người yêu không thông cảm với nghề nghiệp đặc thù này. Chưa kể tới một phần quan trọng trong các bộ phim hình sự là các màn rượt đuổi, truy bắt, "đánh đấm" còn đơn giản, qua loa, thiếu thuyết phục...

Đề tài hình sự luôn được xác định là đề tài hấp dẫn với các nhà làm phim và nếu biết cách, nó có khả năng thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng, để làm phim hình sự hay không hề đơn giản. Ngay từ kịch bản, cốt truyện phải ly kỳ, bất ngờ, chưa kể tới việc tiến độ của phim. Các màn võ thuật phải bắt mắt. Nhiều đạo diễn than rằng, làm phim hình sự mệt hơn nhiều so với phim về đề tài khác nên tâm lý ngại ngần là có. Bên cạnh đó, cơ chế làm phim không có kế hoạch từ trước mà cứ có kịch bản rồi mới tính như ở Việt Nam khiến các bộ phim luôn rơi vào tình trạng tới đâu biết tới đó thì khó có thể thu hút công chúng

Khánh Thảo
.
.