Làm phim: Nghệ thuật hay hàng hóa?

Thứ Năm, 04/06/2020, 17:28
Với 10 giải thưởng về văn học, báo chí, điện ảnh đã cho thấy tầm hoạt động và hiệu quả chuyên môn của nhà văn, nhà báo, Đại tá Trần Tử Văn, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Ông còn được tặng thưởng nhiều huy chương, danh hiệu cao quý trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, từ thiện...


Trong giới mỹ thuật, ông nổi tiếng là một “tiểu gia” sưu tập tranh, các tác phẩm nghệ thuật, từng là thành viên của Tổ chức UNESCO Việt Nam về nghiên cứu và bảo tồn cổ vật. Hầu như trên lĩnh vực nào, ông cũng đều để lại những ảnh hưởng nhất định.

- Sau hai bộ phim “Xóm nước đen” và “Đô la trắng” gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả xem truyền hình, lâu lắm rồi không thấy có thêm tác phẩm điện ảnh nào mang tên Trần Tử Văn. Anh không thích viết nữa hay đang đầu tư vào một việc gì khác?

+ Hơn một chục năm qua tôi đã viết thêm mấy đầu sách, hầu hết đều xoay quanh đề tài về xã hội, có cả hình sự, nhưng thú thật, chưa có câu chuyện nào mình thấy có thể làm một bộ phim nhiều tập. Trước đây, anh Nguyễn Chánh Tín, Hồ Ngọc Xum đề nghị tôi đưa kịch bản, sau này có một số đạo diễn trẻ đặt vấn đề nhưng chưa hợp tác được.

Đầu năm 2020, diễn viên kiêm đạo diễn Nguyễn Dương, bạn học với tôi năm lớp 10, người thủ vai chính “Xóm nước đen” năm 1996 đến nhà chơi, tôi có đưa câu chuyện “Vô bờ” đề nghị anh dựng chỉ vài tập, anh nói sẽ lưu tâm. Mình không thích phim nhiều tập, nhưng hiện nay gần như là trào lưu, nhiều nhà sản xuất và đạo diễn cứ đòi kịch bản vài chục, thậm chí hàng trăm tập. Nói thẳng, phim dài khó làm hay lắm, nhất là trong điều kiện và cách làm như hiện thời.

Đại tá- nhà báo Trần Tử Văn.

- Anh cũng đã có gần chục bộ phim, trong đó đa phần là đề tài xã hội, hình sự, anh cảm nhận gì về những bộ phim thuộc thể loại này được chiếu trên truyền hình?

+ Trong rất nhiều phim, các cảnh huống được dàn dựng hết sức sơ sài, thậm chí bê nguyên xi kiểu cách của phim Mỹ, Hồng Kông, ví như cảnh hai băng đảng hẹn nhau giao vali tiền để lấy vali ma túy. Hai bên dàn ngang, súng ống tận răng, điệu bộ nghênh ngang, coi trời bằng vung. Rồi cứ đưa nhau vào khu chứa thùng Conex ở quận 2, quận Thủ Đức để đánh nhau. Cảnh này phim “Đô la trắng” đã quay gần 20 năm trước, nay có nhiều phim “nhai lại”, xem rất khó chịu.

Rồi ngoại cảnh lại cứ Đà Lạt. Nước ta quá nhiều nơi gợi cảm, gợi tình, ngay cả đạo diễn Mỹ còn nhìn ra (quay phim “Kong”) kia mà. Phân cảnh ăn chơi cứ diễn ra ở các quán bar, vũ trường như thể những nơi này mới làm cho câu chuyện thêm ướt át, sống động?

Chú cháu muốn gặp nhau cũng hẹn đến quán bar, cốt truyện chẳng ăn nhập gì cũng phải gán cho được hình ảnh nhảy nhót, ăn mặc hớ hênh ở vũ trường… Đành rằng là giải trí, nhưng phải hợp lý, những hình ảnh cứ tái đi tái lại đến mức ai cũng có thể nhận ra, thì chẳng khác nào bảo người ta đừng xem tiếp nữa.

- Như vậy, điều quan trọng là gì đối với ê-kíp làm một bộ phim?

+ Tôi không vơ hết, nhưng hầu như các nhà làm phim chỉ muốn tung ra thị trường một sản phẩm hàng hóa chứ không muốn có một tác phẩm nghệ thuật. Bản chất của điện ảnh là nghệ thuật, là trí tuệ, là bộ môn mang tính chất đại chúng, nhưng từ lâu, chúng ta hiếm bắt gặp một bộ phim đúng nghĩa của nó. Làm gì có chất lượng khi một tập 45 hoặc 60 phút chỉ quay trong hai, ba ngày? Làm gì có nghệ thuật khi câu chuyện được rê dắt tập này chẳng ăn nhập gì tập kia. Làm sao không lãng phí khi một bộ phim chiếu qua một lần rồi vất vào xó xỉnh nào đó.

Điều dễ nhận thấy là đạo diễn kể cả biên tập thiếu vốn sống. Tầm hiểu biết hạn chế nên dễ sinh ra làm bừa, làm chệch hướng. Vốn sống là quan trọng đối với người cầm bút, nhất là biên kịch. Phải học, phải đi, phải lặn lội tìm hiểu. Làm phim hình sự phải hiểu tâm lý tội phạm, phải biết ít nhiều nghiệp vụ điều tra thì mới tạo ra được nút thắt và tháo gỡ hợp lý cái nút thắt đó.

Hình sự không chỉ là đánh nhau, mà có cả hàng loạt vấn đề xã hội phía sau hành vi phạm tội ấy. Khâu kịch bản là quan trọng và đạo diễn nên tuân thủ nội dung của câu chuyện. Có những nội dung được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã bị đạo diễn thêm thắt đến mức không còn nhận ra bản gốc nữa. Tác phẩm của tôi đã từng bị bóp méo như thế.

- Trong điều kiện hiện nay, nếu làm chặt chẽ như anh nói, thì rất khó mà giải quyết nhu cầu của thị trường.

+ Thị trường là ai? Nếu cứ mãi làm phim “tầm thấp” như thế thì điện ảnh nước nhà không bao giờ có thêm “Chị Dậu”, “Mùa gió chướng”, “Xóm nước đen”… Không bao giờ có những vai để đời tôn vinh những Trà Giang, Thế Anh, Lý Huỳnh, Nguyễn Chánh Tín… Không bao giờ có những đạo diễn đi vào lòng công chúng như Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng Hoa, Hồng Sến… Một bộ phim loàng xoàng sẽ kéo theo một êkíp thực hiện loàng xoàng. Không ai có thể nổi bật khi mà vở tuồng chẳng mang lại điều gì thích thú, mới mẻ.

Tôi còn nhớ, cách đây 3 năm, một hãng phim ở thành phố công bố sẽ thực hiện một “thiên” phim hình sự với độ dài 1.100 tập. Một sự đột phá táo bạo khiến những ông Hollywood, Bollywood, Chinawood đều… hoảng hốt! Một đạo diễn kỳ cựu nói với tôi: “Quả bom cảm tử” nầy mình nghi nó sẽ bị…xì…”.

Rồi ông tính nhẩm, nếu làm cho nghiêm túc và có trách nhiệm, thì số chữ cho ra kịch bản sẽ tương đương với hơn 100 quyển sách, quay theo kiểu “mì ăn liền” 3 ngày cho một tập thì sẽ mất 3.300 ngày, tức hơn 10 năm. Ai sẽ đọc khối lượng kịch bản ấy, ai sẽ duy trì nối mạch câu chuyện trong quãng thời gian khá dài ấy, ai sẽ đầu tư cho việc sản xuất hao tốn khá nhiều tiền của ấy?

Phim “Xóm nước đen”, kịch bản Trần Tử Văn.

Suy nghĩ của tôi còn “tệ” hơn vị đạo diễn kia, đoán chắc “thiên hình sự” nầy “đạn sẽ nghẹt nòng”. Ê kíp đa số đều là tay ngang, có người còn không hiểu nghệ thuật thứ 7 là gì. Trình chiếu hơn 100 tập, bộ phim này lăn đùng ra chết. Tệ hơn, nhiều diễn viên còn làm đơn đòi nhà sản xuất trả nợ đóng vai. Tôi có cảm nghĩ, nếu bộ phim này “còn sống” sẽ là một thảm họa lớn cho ngành điện ảnh nước nhà, hạ thấp thị hiếu vốn đã “dễ dãi” của số đông khán giả. Câu chuyện có bố cục rời rạc, những mảnh ghép vụn vặt, những đoản khúc về ăn chơi của giới giang hồ, về nghiệp vụ xoàng xĩnh của Công an mà ta đã thấy ở nhiều bộ phim trước đó. Những cảnh đấm đá rất… không thật, những màn kịch qua mặt Công an quá… ngây ngô, đến khi “té ngã” vẫn chưa hiểu tư tưởng bộ phim muốn nói điều gì. ...

Đó là một sự lãng phí quá vô bổ

Năng lực đã yếu, tài chính lại không nhiều, mà tại sao nhiều hãng phim, nhiều đạo diễn cứ muốn làm phim nhiều tập? Tại sao cứ rê dắt câu chuyện trong khi mình không đủ chữ, đủ từ, đủ vốn sống để diễn đạt? Chỉ một tập thôi mà đã đưa “Chuyện của Pi”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Công dân Kane”… lên bục vinh quang, nhận liền mấy giải Oscar rồi.

Tập trung cao độ, đem hết tâm huyết làm phim nào ra phim nấy mà những Lý An, Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Hitchcock, Spielberg, James Cameron… đã trở thành “thương hiệu” toàn cầu. Một muỗng đường không thể làm ngọt cả thau nước lã, sự liều lĩnh, cẩu thả không thể xây dựng nền móng vững chắc cho bất cứ công việc gì!

- Gần đây có hiện tượng Việt hóa tác phẩm ăn khách của nước ngoài và nhiều phim cũng làm nổi đình nổi đám. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

+ Tôi nghĩ, hàng hóa mà giao thương thì có lợi cho nền kinh tế, còn văn hóa mà “vay mượn” thì không tốt lắm rồi. Một vài phim hay để giao lưu còn chấp nhận được, nếu trở thành trào lưu thì tệ hại lắm. Nền văn học nước ta có cả một kho tàng không thể nào khai thác hết, cuộc chiến đấu Vệ quốc của cha ông chỉ mới được nói đến một phần nhỏ. Xã hội có biết bao chuyện thế thái nhân tình mà ta cứ quanh quẩn mãi những điệp khúc đấm đá, vũ trường, quán bar, nhà xe sang trọng.

Đất nước ta có 54 dân tộc, sự đa dạng trong ngôn ngữ, đời sống, tập tục, chống chọi với thiên nhiên, đấu tranh mưu cầu hạnh phúc… là một kho tư liệu sống động, hiện thực, đa sắc màu mà ta mới chỉ… ngắm nghía chứ chưa thật tâm khai thác. Xem phim “Cha cõng con” thú vị chứ! Những khung cảnh xung quanh làm ta xao động về tình cảm đối với đất nước, với con người. Những bộ phim của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dễ thương chứ! Những câu chuyện làm ta nhớ lại cái tuổi mới lớn, khoảng thời gian vàng ngọc mà đối với những người như tôi nó đã trở thành… một thời xa đến thế.

Điện ảnh cũng là một bộ phận của nền văn hóa, nói như ngành giáo dục: bây giờ mà không củng cố thì đợi đến bao giờ?! Ông Mạnh Tử nói: “Không bằng người mà không biết xấu hổ thì làm sao bằng người?”.

- Cảm ơn anh đã có cuộc trao đổi thú vị.

Vinh Quang
.
.