Lá thư mùa xuân: Trong thăm thẳm ký ức người Hà Nội

Thứ Bảy, 26/01/2019, 13:00
Bạn của tôi ơi, nếu thả bộ trong những ngày cận Tết bên Hồ Gươm, trong cái tiết trời khe khẽ lạnh, gió nhẹ thổi qua hồn, bạn sẽ lập tức nghĩ tới điều gì? Còn nếu bạn đang ở xa Hà Nội, nhắm mắt tưởng tượng mình đang đi qua trái tim Hà Nội trong tiết trời ấy - gió ấy - khung cảnh ấy, bạn sẽ nghĩ tới điều gì trước tiên?


Đêm qua, từ facebook của mình, tôi gửi hai câu hỏi đó cho những người bạn đang ở Hà Nội lẫn những người đang xa Hà Nội. Lạ chưa, sáng nay tỉnh dậy, mở facebook ra coi, thấy có tới gần chục người cùng trả lời theo một cách. Trả lời mà như không trả lời, nhưng lại là câu trả lời mà theo cá nhân tôi là trúng nhất. Họ trả lời như thế nào? Thì đây: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng..." - câu mở đầu trong bài hát "Gửi người em gái miền Nam" của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Có thể những người này cùng yêu nhạc Đoàn Chuẩn, giống tôi. Có thể những người này cùng là những người ưa hoài niệm - "căn bệnh" mang tính bản thể luận của loài người, chứ chẳng phải là "căn bệnh" độc quyền của riêng ai, riêng thế hệ nào. Khi đọc những trang viết về Hà Nội của Thạch Lam, Vũ Bằng, Đinh Hùng..., tôi nhận thấy dù mỗi người mỗi tạng, nhưng tất cả có cùng một điểm chung: luôn tiếc nhớ về Hà Nội của một thời đã qua, chứ không phải Hà Nội của cái thời mà các ông đang sống.

Còn đến thế hệ chúng tôi thì "Hà Nội của Thạch Lam", "Hà Nội của Vũ Bằng", "Hà Nội của Đinh Hùng" lại luôn được nhắc đến cứ như thể đấy mới là một Hà Nội của khuôn vàng thước ngọc. Cứ theo đà này, biết đâu nhỉ, đến thời con cái chúng tôi thì chính Hà Nội bây giờ - Hà Nội của cái thời tôi đang sống đây, lại lung linh phát sáng? Con người là thế, tất cả những gì đi qua hoài niệm luôn đẹp hơn những gì đang hiện hữu.

Bạn này, có một sự thực là Hà Nội của mỗi thời - mỗi giai đoạn sẽ có một gương mặt khác nhau. Gương mặt nào cũng sẽ có cái hay và cả cái chưa hay của nó phải không? Nhưng nếu lướt qua tất cả các gương mặt, nếu phải chọn ra một gương mặt Hà Nội nhất - điển hình nhất thì sao nhỉ?

Hồ Hoàn Kiếm một ngày xuân lãng đãng sương.

Từ hồi 16 tuổi, khi bắt đầu mon men bước vào thế giới Thạch Lam, Vũ Bằng..., tôi đã nghĩ đến câu hỏi này. Và bây giờ, hơn 20 năm đã qua, 20 năm sống ở Hà Nội, thuộc đến từng góc nhỏ xíu của Hồ Gươm, tôi mạnh dạn đưa ra câu trả lời - và cũng chỉ là câu trả lời của riêng tôi thôi, tuyệt đối không dám "ép" người khác phải trả lời như thế. Rằng, gương mặt điển hình của Hà Nội là thế đấy: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng...".

Xạo! Xạo quá! Hẳn bạn đang nghĩ thế. Vì khi ông nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chộp lại một khoảnh khắc xuân Hà Nội trong câu hát này thì thế hệ chúng tôi thậm chí còn chưa được sinh ra. Mà đừng nói đến thế hệ chúng tôi - những người 8x, ngay cả thế hệ bố/mẹ chúng tôi có thể cũng chưa sinh ra. Mà chưa sinh ra thì chưa chứng kiến, chưa bước những bước thong dong bên Hồ Gươm trong cái đêm "tân xuân hoa tím" và "đường phố vắng bóng đèn..." thì sao có thể phán ẩu, phán bừa như vậy được!

Bạn sẽ nghi vấn tiếp, ngay cả tác giả của câu hát này, ông Đoàn Chuẩn cũng đâu phải người Hà Nội. Ông Đoàn Chuẩn người Hải Phòng, con của một bà chủ hãng nước mắm nổi tiếng, thế mà bảo ông ấy viết ra một câu hát như tạc nên một gương mặt Hà Nội điển hình nhất thì kỳ lạ quá! Rồi bạn sẽ có cả một tá nghi vấn như vậy nữa.

Nếu tôi là bạn, mà không phải tôi, không phải một người Hà Nội, tôi cũng sẽ nghi vấn y như thế. Nhưng tôi lại dám đánh cược với bạn rằng, thế hệ con tôi, cháu tôi sau này cũng sẽ nghĩ như tôi, rằng "Hà Nội của Đoàn Chuẩn" chính là Hà Nội trong lòng chúng, chính là Hà Nội thầm thì run run trong một góc nhỏ vô thức nào đó của tâm hồn chúng, cho dù thời của chúng và thời của Đoàn Chuẩn cách nhau cả một thế kỷ dài.

Tại sao tôi dám đánh cược như thế, bạn biết không?

Tại vì ký ức của một thành phố thường được lưu giữ bởi 2 con đường: ý thức và vô thức. Với con đường ý thức, tôi tin rằng rất nhiều thế hệ người Hà Nội thấu cảm một Hà Nội se sẽ tài hoa trong âm nhạc Đoàn Chuẩn, và sẽ biết cách gìn giữ một Hà Nội như thế. Như cái cách chàng trai Nguyễn Trương Quý 16 tuổi tìm đến nhà Đoàn Chuẩn trên phố Cao Bá Quát với một đoá hoa trắng trên tay chẳng hạn.

Tại sao lại là hoa trắng? À, tại vì Đoàn Chuẩn viết: "Em tôi hay hờn lắm/ Hay tô thâm quầng mắt/ Hay mua hoa màu trắng..." - bài hát mà nghe đâu là để tặng nữ danh ca mang tên một loài hoa, nữ danh ca nức tiếng Hà Nội một thời: Mộc Lan! Nguyễn Trương Quý kể cái hôm run run cầm bó hoa trắng trước cửa nhà Đoàn Chuẩn là cái hôm mà anh cứ tưởng là ngày sinh nhật Đoàn Chuẩn. Ai dè, lúc gặp Đoàn Chuẩn, tặng hoa mới biết không phải thế. Nhưng không phải thế thì có sao đâu.

Hoa trắng là có thật, tình yêu một Hà Nội hào hoa buồn se sẽ trong thế giới âm nhạc Đoàn Chuẩn là có thật. Và chính từ những bông hoa trắng tuổi 16 ấy, hơn 20 năm sau Nguyễn Trương Quý (lúc này đã là một nhà văn) đã giúp rất nhiều người Hà Nội nhận ra "một Hà Nội của mình" trong cuốn sách "Một thời Hà Nội hát".

Đoàn Chuẩn là trung tâm của cuốn sách này. Nhưng nó lại không phải một cuốn sách đơn thuần viết về Đoàn Chuẩn - con người và sự nghiệp sáng tác của ông. Ở đây, Đoàn Chuẩn hiện lên với tư cách của người đã tạo nên ký ức Hà Nội, để rồi tựa vào ký ức đó những lớp người sau ông có thể hình dung đến một thời Hà Nội lãng mạn nhường nào.

Cuốn sách này dẫn lời nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, nói rằng bài hát "Gửi người em gái miền Nam" từng được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1956, trong chương trình "Tiếng hát gửi vào Nam" để những người đang "ở phía bên kia", những người từng bỏ Hà Nội ra đi động lòng nhớ về Hà Nội, và biết đâu vì vậy sẽ tìm cách "quay về". Ồ, có sự thật ấy chăng?

Có thể, vì nghe bài hát ấy, đặc biệt trong những ngày tân xuân, bất cứ người con Hà Nội nào cũng không thể không động lòng. Và nghe kĩ, ta thấy bài hát ấy cũng có những câu hưởng ứng rất rõ không khí đấu tranh thống nhất nước nhà: "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh khôn ai ngừng/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em, giữa cầu Hiền Lương...".

Thế nên đột nhiên ta phân vân: Khi viết những câu này Đoàn Chuẩn đang ở vị thế của con người chính trị hay con người nghệ sĩ? Nhưng rồi ta lại trả lời ngay: chắc chắn là con người nghệ sĩ, vì ngay cả những ca từ tưởng là rất "cứng" thực ra vẫn được gói trong một giai điệu dìu dặt, đúng chất Hà Nội không lẫn đi đâu được. Và bây giờ, thời gian trôi qua, lắng lòng nghe lại bài hát trong mỗi dịp xuân về, ta vẫn tự thảng thốt với ta: sao nó có thể Hà Nội, có thể tân xuân một cách kỳ diệu như vậy nhỉ!

Trở lại với chuyện chàng trai 16 tuổi mang bó hoa trắng đến nhà ông nhạc sĩ tài danh, chợt nghĩ 16 tuổi mình cũng thích "Gửi người em gái", "Tà áo xanh", "Lá đổ muôn chiều...", nhưng 16 tuổi nếu mình cầm trên tay một bó hoa thì đấy chắc chắn sẽ là bó hoa... tặng bạn gái.

Tuổi 16, mình chưa đủ chín, chưa đủ lớn, chưa đủ dũng cảm (và chưa đủ yêu Hà Nội) để mang bất cứ một bó hoa nào, dẫu là bó hoa trong tâm tưởng để diện kiến một trong những người góp phần gọi ra cái ký ức Hà Nội mà bây giờ ai cũng thấy là thiêng liêng!

Chính những hành động có ý thức của nhà văn Nguyễn Trương Quý, kể cả ở thời 16 tuổi với bó hoa trắng ngày xưa đến cái thời đã trở thành một nhà văn với những cuốn sách đẹp về Hà Nội hôm nay sẽ giúp cho những ký ức của một thành phố tiếp tục được bảo truyền.

Hôm rồi gặp nhạc sĩ Dương Thụ - một người Hà Nội đang sống trong Nam, nghe ông bảo: Một thành phố không có ký ức là một thành phố chết. Ông Dương Thụ kể thế hệ nghệ sĩ Hà Nội nổi tiếng trước 1945 từng hội họp nhau ở "cà phê Lâm", để rồi bây giờ "cà phê Lâm" trở thành một phần ký ức của người Hà Nội. Cũng như thế, từ nhiều năm nay ông Dương Thụ thực hiện dự án "Cà phê thứ Bảy" để cuối tuần trí thức Hà Nội có thể cùng đến uống cà phê, và cùng nhau chia sẻ, luận bàn.

Mỗi một thế hệ người Hà Nội luôn cần một ký ức riêng của thế hệ mình. Và giữa các thế hệ người Hà Nội lại sẽ có một ký ức chung - cái thứ được gìn giữ bởi cả ý thức cá nhân và vô thức tập thể, để rồi nhờ một tập hợp những ký ức riêng - chung như thế, người Hà Nội rồi sẽ trở về đúng chất... người Hà Nội.

Bạn đọc của tôi, khi những dòng này được viết ra cũng là khi Tết sắp đến và tân xuân sắp về. Tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè khi được ngồi ở đây, trong ngôi nhà bé xíu nhưng rất gần trái tim Hà Nội của mình. Và bây giờ thì tôi sẽ đóng máy tính, bật nhạc lên và cùng cậu con trai 3 tuổi chìm vào giai điệu ấy:

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ mà chi...

Kỷ niệm Xuân Kỷ Hợi 2019

Phan Đăng
.
.