Kịch bản hay- chuyện cũ nói mãi

Thứ Năm, 11/03/2021, 15:40
Trong bài viết này, chúng tôi thử lý giải một khía cạnh của nguyên nhân làm phim Việt kém hấp dẫn nhìn từ góc độ chất lượng kịch bản và sâu xa hơn là từ sự đãi ngộ với nghề biên kịch phim truyện ở ta.


Từ nội dung phim nhạt nhòa, kém hấp dẫn

Hầu hết các bộ phim chiếu rạp (loại trừ các bộ phim mang tính lịch sử, chính trị) là phim hài, phim giải trí. Các  bộ phim tâm lý xã hội có nội dung sâu sắc, mang tư tưởng, tính giáo dục cao... hầu như hiếm hoi.

Cách đây khoảng 5 năm, nhờ tên tuổi của các sao, danh hài như Hoài Linh, Trường Giang, Chí Tài, Thái Hòa, Dustin Nguyễn… nên các phim hài “Khi đàn ông có bầu”, “Để mai tính”, “Nhà có năm nàng tiên”… trở nên sốt vé, giúp các nhà làm phim hốt bạc.  Tiếp nối dòng phim hài hành động đó, các nhà làm phim đổ xô vào khai thác thể loại phim hài để mong khán giả tiếp tục ủng hộ. Và hàng loạt phim hài hành động ra đời như “Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử”, “Người quên phải nhớ”, “Lật mặt”…  

Trong mùa phim chiếu rạp của năm nay, có một bộ phim khá lạ lẫm, gây xôn xao cho công chúng là phim “Võ sinh đại chiến”. Bộ phim khai thác về yếu tố võ thuật cổ truyền Việt Nam, và theo các nhà làm phim, đạo diễn Bá Cường cho biết là phim được sản xuất với ý đồ nhằm tôn vinh môn võ cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà sản xuất lẫn khán giả, công chúng, bộ phim này phải rút khỏi rạp vì lỗ nặng.
Một cảnh trong phim "Khi đàn ông có bầu".

Dù quy tụ nhiều gương mặt diễn viên mới trẻ đẹp và có một “chiến dịch” truyền thông rầm rộ từ khi khai máy cho đến lúc công chiếu, nhưng đạo diễn Bá Cường tuyên bố rút khỏi rạp chiếu vì bị nhà rạp chèn ép.

Thế nhưng, điều đáng bàn ở đây là nội dung bộ phim này không được như mong đợi của công chúng. Bộ phim này kể về chuyện Khoa, một thanh niên ở quê lên thành phố học đại học, gặp gỡ những người cùng đam mê võ thuật của nhiều phái võ như MMA, võ ta… Sau đó, Khoa bị cuốn vào các cuộc đấu võ thuật cùng họ và mối quan hệ tình cảm của Khoa. Tuy nhiên, ngoài các màn biểu diễn quyền thuật, màn đấu võ đài mãn nhãn, thì  bộ phim không có gì đặc sắc, không gay cấn hấp dẫn, thiếu tư tưởng chủ đạo khiến phim nhạt nhẽo, nhàm chán, gây thất vọng cho khán giả.

Đây có thể là một nguyên nhân khác khiến phim bị lỗ vì ít người xem.

Tương tự thế, “Người quên phải nhớ” của danh hài đạo diễn Đức Thịnh cũng lỗ và rút khỏi rạp vì nội dung phim chưa thuyết phục khán giả.

Nhìn lại nội dung của đa số các phim chiếu rạp chừng 10 năm trở lại đây, đa số đều là phim giải trí kiểu gây cười hoặc nhàn nhạt, na ná nhau. Như là một thói quen, hay “quán tính nghề nghiệp” cộng hưởng với tâm lý an toàn, không dám mạo hiểm, thử sức với cái mới của các nhà làm phim, nên có “hiện tượng” đua nhau làm phim hài, “hiện tượng” ăn theo sự thành công về doanh thu của một bộ phim trước đó để nhà làm phim làm tiếp phần sau với một serie của nó. Nhưng rồi nhiều bộ phim ăn theo như thế cũng thất thu, vì rơi vào lối mòn, câu chuyện phim không còn mới, hấp dẫn khán giả nữa.

Đến việc chất lượng kịch bản và sự đãi ngộ nhà biên kịch

Bàn đến sự thành công về giá trị nghệ thuật lẫn doanh thu của một bộ phim thì sẽ cần lưu ý đến nhiều yếu tố tạo nên. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết, quan trọng tạo nên sự thành công đó phải đề cập đến là chất lượng kịch bản. Bởi nó là nền tảng, hồn cốt đầu tiên để tạo dựng ra một bộ phim hay, có giá trị. Không có kịch bản hay sẽ không có bộ phim hay, đó là điều tất yếu.

Thế nhưng, nghịch lý thay, dù thị trường phim Việt dần trở nên sôi động, chuyên nghiệp cao hơn, tính thương mại cũng đi vào nền nếp và chuyên biệt hóa hơn, nhưng chất lượng kịch bản thì chưa tương xứng với đòi hỏi thực tế; việc đào tạo nghề biên kịch vẫn còn chưa được chú ý và chăm chút nhiều; sự đãi ngộ của nhà làm phim dành cho đội ngũ biên kịch vẫn chưa được chú trọng, đề cao.

Cảnh trong phim “Võ sinh đại chiến”.

Hiện nay, thị trường và nhu cầu của nhiều hãng phim đang rất cần các biên kịch giỏi, có tay nghề. Nhưng đội ngũ sáng tác kịch bản phim truyện ở ta đang rất thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Dù có hẳn trường đào tạo biên kịch chính quy là Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội (riêng Đại học Sân khấu- Điện ảnh TP Hồ Chí Minh chưa đào tạo biên kịch), nhưng số biên kịch tốt nghiệp từ đây không có mấy người thành công, trụ được với nghề.

Các biên kịch kiểu tay ngang cũng tham gia vào làng phim nhưng không có nhiều người có tác phẩm được dàn dựng. Để khắc phục tình trạng khan hiếm này, nhiều hãng phim, nghệ sĩ tên tuổi cũng tổ chức một số khóa học dạy về kỹ năng biên kịch nhưng thành tựu không như mong đợi.

Bên cạnh đó, sự đãi ngộ kém cũng là nguyên nhân khiến nghề biên kịch ít có chất lượng.

Nếu như các đạo diễn, diễn viên được vinh danh, nhiều người biết đến, thì những nhà biên kịch lại ít khi được biết đến. Chất xám của họ còn ít được chú trọng nếu như họ là biên kịch trẻ, chưa có tên tuổi. Có nhiều bạn trẻ làm việc tại các công ty sản xuất phim với mức lương cơ bản 5 - 7 triệu đồng/  tháng, còn những biên kịch dày dạn kinh nghiệm thì 7 - 10 triệu đồng/  tháng. 

Nếu như mức thu nhập này với một công việc đòi hỏi luôn sáng tạo, kỹ năng viết, nhiệt huyết  đam mê, tính kỷ luật và có khả năng chịu áp lực trong công việc như nghề biên kịch thì mức thu nhập đó là quá rẻ. Cụ thể mà nói 1 - 2 tháng để ra gần 30 tập kịch bản cho phim truyền hình là quá áp lực.

Theo một số nhà biên kịch thì kịch bản phim điện ảnh có giá hơn, được trả thù lao cho tác phẩm cao hơn so với phim truyền hình. Tuy nhiên, nó đòi hỏi cao hơn về chất lượng tác phẩm cũng như trình độ của biên kịch, vì phim điện ảnh rất cô đọng, giàu hình tượng triết lý, khó viết hơn phim truyền hình. Đây cũng là cơ hội cho các biên kịch, nhất là các biên kịch trẻ, nhưng cũng chính là thử thách và dễ bị “bóc lột chất xám” nữa.

Biên kịch trẻ Vân Anh, tác giả của những bộ phim như: “Mình cưới thật em nhé”; “Người nhà quê”; “Ra giêng anh cưới em”; “Đi qua mùa mưa”; “Vitamin tình yêu”; “Bình minh muộn”, cho biết: “Thường thì một kịch bản điện ảnh sẽ được trả từ 200 - 300 triệu. Nhưng tôi ngẫm thấy so với lợi nhuận của một bộ phim điện ảnh thì thù lao cho biên kịch như thế là quá thấp, không tương xứng với công sức, tâm huyết của biên kịch. Khi họ không được đãi ngộ xứng đáng thì sẽ rất khó trụ lại với nghề, khó giúp họ sáng tạo ra tác phẩm hay”.

Một nguyên nhân khác làm cho chất lượng kịch bản không cao là từ quy trình sản xuất, tâm lý của nhà làm phim. Theo biên kịch Quý Dũng, hiện nay nhiều nhà làm phim chạy theo lợi nhuận không phải từ nội dung kịch bản phim, mà dựa trên tên tuổi diễn viên và những scandal để câu khán giả. 

Họ lấy doanh số để khẳng định tài năng của những người viết kịch bản. Kịch bản ai viết mà có doanh số cao thì cho là tài năng và đặt hàng người đó viết, quen mua tác phẩm của biên kịch quen biết. Từ đó mà biên kịch trẻ, ít tên tuổi khó có cơ hội bán tác phẩm, sẽ làm thui chột tài năng, thụt lùi sự phát triển của nghệ thuật. Nó cũng là nguyên nhân khiến nhiều phim ra rạp rơi vào sự nhạt, nhàm cũ, không hay, nên “chết yểu”.

Mới đây, trên báo chí, diễn viên Trấn Thành cho rằng, đội ngũ biên kịch và dựng phim cần được coi trọng hơn nữa. Anh cho rằng cần tăng lương, thiết lập lại hệ thống lương cho đội ngũ dựng phim và biên kịch. Theo anh, hai nghề này quá quan trọng cho một bộ phim. Do đó, nếu họ không được tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ, thì họ sẽ không thể sống hạnh phúc và tập trung trí não cho công việc này.

Còn biên kịch Bình Bồng Bột mong thu nhập biên kịch trong năm 2021 "tăng gấp đôi", nhưng với điều kiện trình độ biên kịch phải "tăng gấp ba".

Tâm sự về nghề, biên kịch Lương Kim Liên cho rằng, ở Hàn Quốc, thù lao biên kịch còn cao hơn cả đạo diễn, thậm chí cao hơn diễn viên ngôi sao. Biên kịch của nước họ rất được coi trọng trong các dự án điện ảnh và truyền hình.

Để có một bộ phim hay, điều đầu tiên là phải có một kịch bản hay, và dĩ nhiên muốn thế cần có những biên kịch giỏi, giàu nhiệt huyết. Các nước có nền công nghiệp phim ảnh lớn, phát triển, đều chú trọng vào khâu đào tạo biên kịch, đạo diễn và diễn viên. Nhìn qua Mỹ, Hàn Quốc, xem các bộ phim của họ thì sẽ thấy minh chứng cho điều đó rất rõ. 

Đào tạo ra những biên kịch giỏi không hề đơn giản và nhanh chóng, nhưng để duy trì phát huy tài năng của họ thì còn cần cả sự đãi ngộ tương xứng với tài năng và công sức lao động của họ nữa. Có như vậy họ mới có thể sống được với nghề hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ đó mới kích thích họ sáng tạo, giúp cho nền điện ảnh, phim truyền hình của ta phát triển. Và sự “chết yểu” của phim điện ảnh Việt mới có thể được khắc phục.

“Cần có sự đồng cảm, tôn trọng chất xám của những người làm nghề biên kịch. Phim ảnh kích thích thêm sự sáng tạo, mà sự sáng tạo ấy vừa sinh ra lợi nhuận, vừa thu hút du lịch, phát triển kinh tế đất nước”- biên kịch Vân Anh nói.

Nguyễn Thịnh
.
.