"Phim Việt" chết yểu lỗi tại ai?

Thứ Sáu, 22/01/2021, 11:04
Thời gian gần đây, số phim Việt thất thu ở phòng vé tăng lên đột biến khiến giới làm nghề lo lắng. Người đổ lỗi do dịch Covid, kẻ tố nhà phát hành chèn ép. Số khác bảo tất cả do chất lượng hay dở của bộ phim. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi nhiều như sung rụng này?


Mới đây, nhà sản xuất "Võ sinh đại chiến" chính thức rút phim khỏi rạp vì cho rằng nhà phát hành - rạp Galaxy, đã xử ép đứa con tinh thần của mình. Mặc dù ra mắt ngay dịp Tết dương lịch nhưng sau sáu ngày công chiếu, doanh thu của "Võ sinh đại chiến" chỉ vỏn vẹn 1,3 tỉ đồng trong khi vốn làm phim ngót nghét hơn 25 tỉ đồng. Lỗ nặng khiến đạo diễn Bá Cường bị sang chấn tâm lý, khủng hoảng tinh thần. 

Theo anh, "Võ sinh đại chiến" đều được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá tốt nên việc phim "ngã ngựa" là lỗi của nhà phát hành. Nhà sản xuất cho biết, "Võ sinh đại chiến" không những có quá ít suất chiếu mà còn bị xếp những khung giờ thấp điểm. Chiến lược tiếp thị, truyền thông của Galaxy cũng bị chê là hời hợt, qua loa. Ngoài ra, Galaxy còn bị tố sắp xếp phim do Galaxy đầu tư sản xuất cùng thời điểm với "Võ sinh đại chiến" nên mới xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với con ruột - con ghẻ.

Phim "Võ sinh đại chiến" bị rút khỏi rạp sau 6 ngày công chiếu.

Chuyện phim Việt tố nhà phát hành chèn ép ở phòng vé không còn là chuyện mới ở xứ ta. Cách đây chưa lâu, "Thưa mẹ con đi", "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", "Ngốc ơi tuổi 17"… đều đăng đàn kêu gọi mọi người giải cứu không khác gì giải cứu … dưa hấu ế! 

Theo nhà truyền thông phim Châu Quang Phước, phim bị chèn ép suất chiếu ở rạp có hai dạng. Một dạng là chất lượng tệ, dạng hai là phim thực sự có chất lượng tốt. Phim có dấu ấn riêng như "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" dễ dàng được hồi sinh sau khi đạo diễn kêu gọi khán giả trẻ giải cứu. Tuy vậy số phim thuộc dạng hai không nhiều. 

Phần lớn phim bị bố trí suất chiếu xấu đều thuộc dạng "cùi bắp" nên chuyện tự sinh tự diệt là lẽ thường tình. Bắt chước kêu gọi cộng đồng mạng giải cứu như cách của "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" nhưng "Ngốc ơi tuổi 17" bị ngó lơ vì phim quá dở. 

Với trường hợp của "Võ sinh đại chiến", ông Phước nêu quan điểm: "Chuyện bị ép suất cực mỏng ngay từ khi vừa chính thức khởi chiếu mà không cho cơ hội được đứng cùng vạch xuất phát trên đường đua, có thể thấy câu chuyện nhà sản xuất của phim "Võ sinh đại chiến" kêu than là rất đáng thông cảm. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn các nhà làm phim xứ ta cứ mãi kêu đòi công bằng theo thế thụ động trong các trường hợp như thế này".

Trả lời báo chí về những cáo buộc của nhà sản xuất "Võ sinh đại chiến", đại diện Galaxy phản bác rằng việc quy kết trách nhiệm cho hệ thống rạp, nhà phát hành, cách quảng bá khi bộ phim không đạt doanh thu như mong muốn là không đúng, không công bằng. Bởi kế hoạch phát hành đều có sự thống nhất của các bên, trong đó có nhà sản xuất. Còn phim bị đẩy vào giờ chiếu xấu là do phim không thu hút khán giả.

Lời phản bác này của Galaxy cũng được không ít người ủng hộ. Nhìn lại sẽ thấy thời gian qua, không chỉ mình "Võ sinh đại chiến" ngã đau.  Nằm trong danh sách yểu mệnh còn có loạt phim khác như "Cậu Vàng" (thu được gần 3 tỷ đồng sau 5 ngày công chiếu), "Em là của em" (doanh thu 8 tỷ đồng), "Người cần quên phải nhớ" (gần 2 tỷ đồng), "Sài Gòn trong cơn mưa" (3 tỷ đồng), "Hoa Phong Nguyệt Vũ" (gần 1 tỷ đồng),  "Thang máy" (1,5 tỷ đồng), "Bí mật của gió" (1,9 tỷ đồng)… Các phim này đều có vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng nên doanh thu bèo bọt trên khiến các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất. 

Trong danh sách trên có không ít phim tốt, sở hữu dàn diễn viên ngôi sao, đạo diễn nổi tiếng và được ưu ái giờ vàng vì là "con cưng" của nhà phát hành như "Bí mật của gió", "Người cần quên phải nhớ"… nhưng nó vẫn không thể níu chân khán giả. Do vậy, các suất chiếu đẹp đành nhường cho phim hot hơn.

Trong khi đó, "Võ sinh đại chiến" khai thác đề tài võ thuật vốn kén khán giả, chất lượng chỉ dừng lại ở mức khá chứ chưa xuất sắc. Do đó khi đứng cạnh bộ phim hội tụ nhiều yếu tố hút khách như "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử" thì "Võ sinh đại chiến" bị nhiều khán giả bỏ qua. 

Bộ phim "Người cần quên phải nhớ" của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn có một mùa thất bát tại phòng vé.

Chứng kiến cú "ngã ngựa" của nhiều phim Việt thời gian gần đây, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thói quen xem phim của khán giả. Thu nhập giảm, người dân phải cắt xén chi tiêu, nhất là những khoản không cần thiết. 

Ngoài ra, nỗi lo lây lan dịch bệnh khiến họ ngại đến nơi tụ tập đông người. Do vậy, nếu có nhu cầu xem phim, người ta chỉ chọn những phim thực sự hay, tạo được hiệu ứng truyền thông và được số đông ủng hộ. Còn những phim có chất lượng tàm tạm, hoặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng đề tài còn lạ lẫm thì họ sẽ dễ dàng bỏ qua. 

Rõ ràng, từ khi bùng phát dịch Covid đến nay, phim Việt thắng lớn chỉ có "Tiệc trăng máu", "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử". Trước đây, tỷ lệ phim lọt vào "câu lạc bộ phim trăm tỉ" và hòa vốn khá cao. Phim dở cũng thu được ít nhất 10 tỷ đồng chứ không trắng tay như bây giờ.

Trong buổi giao lưu mới đây với người yêu điện ảnh, đạo diễn Charlie Nguyễn kêu gọi các nhà làm phim hãy ngưng đổ lỗi khi "đứa con cưng" của mình thất bại. Chính bản thân anh, dù là nhà sản xuất nổi tiếng mát tay, từng sở hữu nhiều phim thuộc "câu lạc bộ phim trăm tỷ" nhưng số lần nếm trái đắng cũng không ít. Sau "Fan cuồng" năm 2016, "Người cần quên phải nhớ" là cú thảm bại trong năm 2020 của Charlie Nguyễn. Phim lỗ gần 24 tỷ đồng. 

Anh khuyên: "Khi một bộ phim thất bại, người ta đổ lỗi cho diễn viên, nhà phát hành, khâu tiếp thị, thời điểm ra mắt… Riêng tôi thì nghĩ đơn giản phim của mình thất bại vì không đáp ứng được nhu cầu của khán giả, chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả. Đừng kêu gọi khán giả giải cứu với tiêu chí phải ủng hộ phim Việt mà hãy để họ đi xem vì thấy hay, thấy đáng đồng tiền. Phim thất bại không khiến tôi ngừng làm phim. Làm phim là cuộc chơi, mình đã vào cuộc chơi thì phải gánh chịu mọi rủi ro có thể xảy ra. Việc đổ lỗi chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của nhà làm phim".

Đồng quan điểm, tại buổi ra mắt "Lật mặt 5" vừa qua, đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải cho rằng đã làm phim thì phải biết chấp nhận thất bại, thua lỗ. "Trước khi đồng hành với nhà đầu tư nào, tôi cũng nói trước với họ là làm phim khó ăn lắm. Nhìn vô cứ tưởng nhiều phim đạt 100, 200 tỷ nhưng thật ra con số này rất ít. Sự thành công vang dội của những phim 100 tỷ che mờ số phim chết la liệt mà ít người để ý. Do vậy, tôi không bao giờ sân si so sánh với người khác, chỉ biết làm sao để tác phẩm sau tốt hơn so với tác phẩm trước" - anh nói.

Cũng theo nhiều đạo diễn có kinh nghiệm phòng vé, họ không bao giờ đoán trước 100% phim mình làm sẽ thắng hay không thắng. Bởi phim hay không có nghĩa là sẽ thành công mà còn cộng hưởng nhiều yếu tố, từ khâu diễn viên, đề tài đến cách quảng bá, thời điểm ra rạp… Dù vậy, nhiều phim Việt đã làm tốt tất cả các khâu nhưng sự thành bại vẫn là cuộc chơi may rủi. 

Một chuyên gia nghiên cứu điện ảnh cho rằng, có lẽ nguyên do xuất phát từ việc chọn kịch bản theo cảm tính và kinh nghiệm cá nhân của nhà sản xuất Việt Nam nên khi ra thành phẩm, nếu may mắn thì khán giả thích, nếu không thì đành cất kho. 

Trong khi đó, ở các nước có nền điện ảnh phát triển, họ thường sản xuất bộ phim dựa trên kết quả khảo sát thị hiếu công chúng và thị trường mà mình sắp phát hành. Vì vậy số phim bị thất thu của họ khá khiêm tốn.

Phan Thi Uyên
.
.