Không thể dự báo những cách thức thay đổi cuộc sống của văn học

Thứ Hai, 30/10/2017, 15:43
Hạnh phúc chỉ là cảm giác. Chúng ta không thể hạnh phúc thường xuyên. Và ngay cả khi bạn bất hạnh, thế nào trong cuộc sống cũng có những thời điểm may mắn. Và văn học là cái mà nhân loại sáng tạo ra để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để con người tìm hiểu kinh nghiệm, cảm xúc mà họ không thể tiếp cận...


Vargas Llosa, nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo, chính khách Peru nổi tiếng, giải thưởng Nobel văn học năm 2010 sinh năm 1936, ông bắt đầu nổi tiếng vào những năm 1960 với các tiểu thuyết như "Thành phố và những con chó", "Các trò tinh nghịch của cô bé hư", "Dì Julia và nhà văn quèn" (đã dịch ra tiếng Việt), "Ngợi ca người mẹ kế", "Những cuốn vở của don Rigoberto"... Mới đây, Vargas Llosa đã đến Moskva để nhận giải thưởng văn học Yasnaya Polyana do Bảo tàng-điền trang văn hào L. Tolstoy và Hãng Samsung Electronics thành lập.

Nhân dịp này phóng viên báo Lenta.ru có cuộc trò chuyện với nhà văn, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông nói rằng ông viết tiểu thuyết vì bất hạnh. Còn viết văn đối với ông là cuộc chiến đấu vì hạnh phúc. Ông vẫn bất hạnh như xưa?

+ (Cười) Hạnh phúc chỉ là cảm giác. Chúng ta không thể hạnh phúc thường xuyên. Và ngay cả khi bạn bất hạnh, thế nào trong cuộc sống cũng có những thời điểm may mắn. Và văn học là cái mà nhân loại sáng tạo ra để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, để con người tìm hiểu kinh nghiệm, cảm xúc mà họ không thể tiếp cận. Những cuộc phiêu lưu, những xúc cảm, những cuộc du hành vào quá khứ, tương lai, những chuyến bay vào vũ trụ. Bạn không thể hoàn toàn hạnh phúc bất cứ lúc nào, nhưng bạn có thể cố gắng trở nên hạnh phúc hơn. Trong đó có sự giúp đỡ của văn học.

- Ông đã viết sách nhiều năm. Cùng với năm tháng, thái độ của ông đối với văn học có thay đổi không? Có thể, khi còn trẻ, với tư cách một nhà văn, ông đặt ra cho mình những nhiệm vụ khác so với bây giờ?

+ Tất nhiên là thay đổi. Bởi vì văn học là sự phản ánh cuộc sống và trí tưởng tượng của tác giả. Nếu cuộc sống của bạn không thay đổi, hoặc, như trong trường hợp cuộc sống của tôi đầy ắp những chuyến đi, ấn tượng về những thành phố khác nhau mình đã đến, thì điều đó thay đổi quan điểm của bạn về thế giới và được phản ánh trong văn học. Ví dụ, khi còn trẻ, tôi chờ đợi ở văn học một hiệu quả ngay tức thì: rằng nó sẽ thay đổi cuộc sống, lịch sử, tìm được sự đồng thuận về các vấn đề dân tộc, chính trị. Tôi tin điều đó có thể được thực hiện. Còn bây giờ tôi cảm thấy rằng đó là một quá trình dài hơi hơn.

Bây giờ tôi cảm thấy rằng không thể dự báo những cách thức thay đổi cuộc sống của văn học. Bạn có thể dùng văn chương của mình để trực tiếp ảnh hưởng tới xã hội hay chính trị. Trong nhiều trường hợp, những thay đổi này hoàn toàn khác với những gì bạn có thể hình dung ban đầu.

- Ông viết tiểu thuyết "Người anh hùng khiêm tốn" (mới được xuất bản bằng tiếng Nga) trong trạng thái hạnh phúc hay bất hạnh?

+ Chỉ có những kẻ điên mới luôn luôn hạnh phúc. Những người bình thường hạnh phúc một vài giờ, một vài ngày, nhưng phần lớn thời gian họ không cảm thấy hạnh phúc lẫn bất hạnh.

Trong "Người anh hùng khiêm tốn", tôi muốn mô tả một nhân vật không tên tuổi, nhưng sự tồn tại của anh ta rất quan trọng đối với tiến bộ xã hội. Anh ta không phải nhà quân sự, không phải chính khách, mà là một con người ẩn danh khiêm tốn, ngày nào cũng tử tế, không cần sự thừa nhận và tôn vinh. Đó là người anh hùng đích thực, vì chính những con người như vậy tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, tôn trọng luật pháp, họ đại diện cho các giá trị đạo đức. Đó là cái tôi muốn khắc họa qua nhân vật chính của mình.

Câu chuyện diễn ra ở một thành phố nhỏ, nơi tôi đã sống hồi thanh niên, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ. Thông thường, khi thai nghén một cuốn tiểu thuyết, ý tưởng đầu tiên của tôi thay đổi khá nhiều trong quá trình sáng tác. Nhưng trong trường hợp này không phải như vậy. Với nhân vật cũng thế. Nhân vật chính là một con người khiêm tốn, trung thực, không nổi tiếng nhưng rất tử tế. Chính những con người đó dẫn cuộc sống theo hướng đúng đắn, nhưng không nhận được danh tiếng và sự tôn vinh.

- Nhiều nhà văn Nga nói rằng họ không thích giao du với giới nhà văn. Ông không giống họ: Ông kính trọng Jorge Luis Borges, rất thích thú tiếp xúc với Brodsky. Sự giao tiếp với các đồng nghiệp viết văn đem lại cho ông niềm vui như thế nào?

+ Nhà văn là những con người rất khác nhau, với những thị hiếu khác nhau. Khó nói về họ như về một điều gì đấy thống nhất. Người thích cái này, kẻ thích cái kia. Tôi không phải đặc biệt thích gặp gỡ các nhà văn - tôi thích đọc những cuốn sách hay. Nhưng tôi có một số bạn bè là nhà văn. Tôi cảm thấy thật sai lầm nếu tuyên truyền rằng nhà văn không thích nhà văn. Điều đó phụ thuộc vào tính cách những con người cụ thể. Đôi khi tôi rất thích những cuốn sách của ai đó, nhưng hoàn toàn không thích tác giả. Còn đôi khi có những cuốn sách không hay, nhưng tác giả của chúng lại là bạn tôi.

- Borges giận ông vì ông nhận xét rằng căn nhà của ông ấy đơn sơ, mặc dù ông hoàn toàn không muốn làm Borges phật lòng.

+ Tôi ngưỡng mộ Borges, rất ngưỡng mộ! Ông ấy, có thể là nhà văn viết bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất thời gian gần đây. Lần đầu tiên, chúng tôi gặp nhau khi tôi viết một bài báo rất nồng nhiệt về ông. Nhưng tôi nhận thấy rằng ông sống trong một căn nhà đơn sơ. Và ông ấy không thích điều đó (cười). Tôi rất tiếc về điều đó, tôi là một người hết sức hâm mộ sách, truyện ngắn, tiểu luận, nhân cách của Borges. Ông ấy là một thiên tài, nhưng đồng thời là một con người rất dễ bị tổn thương. Nói chung, thật khó hình dung ông sống thế nào với sự ngây thơ như vậy. Nhưng bộ não của ông, cái đầu của ông làm việc hết sức đáng kinh ngạc. Và nhận xét của tôi chạm lòng tự ái của ông. Còn tôi thì hoàn toàn không muốn xúc phạm ông. Xin nhắc lại: Tôi khâm phục Borges.

Khi được tặng giải Nobel văn học, tôi cùng gia đình đến Stockholm, và trong khán phòng, nơi trao giải Nobel, tôi đã nhắc tới Borges. Tôi xin ông ấy tha lỗi cho tôi về giải thưởng mà lẽ ra ông phải được nhận từ lâu.

- Bây giờ xin hãy nói về Joseph Brodsky. Theo xác nhận của những người đương thời, Brodsky là một con người phức tạp và thậm chí khó tính: Đố kỵ với các nhà văn lưu vong Nga, ngăn cản họ in sách. Ông cảm thấy Brodsky là người như thế nào trong các cuộc gặp gỡ?

+ Chúng tôi đã gặp nhau nhiều năm trước, khi ông ấy sang Mỹ. Tôi đã đọc một số bản dịch tiểu luận của ông ấy. Và có ấn tượng sâu sắc về nhân cách của ông. Người ta nói về ông như một con người phức tạp. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn ngược lại. Ông ấy là một con người thân thiện, tinh tế, thoải mái, am hiểu thơ ca Mỹ và các nhà văn Mỹ. Chúng tôi gặp nhau mấy lần, chúng tôi có chung một nhà xuất bản Mỹ.

Còn ở Hà Lan, chúng tôi cùng tham gia một dự án truyền hình rất thú vị. Đó là năm 1987, khi Brodsky nhận giải Nobel một vài tuần trước đó. Nhân tiện cũng xin nói, Brodsky rất ngạc nhiên với giải thưởng, hoàn toàn không chờ đợi nó.

Trong suốt thời gian này chúng tôi sống với nhau. Có ba hay bốn nhà văn tham gia, tôi nhớ mặt, nhưng không nhớ tên họ. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Và chúng tôi có điều kiện biết nhau nhiều hơn. Brodsky là người nhân hậu, mảnh khảnh, còn nhớ dạo ấy tôi vừa mới bỏ thuốc lá, còn Brodsky hút liên tục, hết điếu này sang điếu khác (cười). Ông ấy có một trí nhớ siêu phàm. Chúng tôi nói chuyện về một nhà thơ Anh nào đấy, hình như  Stephen Spender, và Brodsky đã đọc thuộc lòng một bài thơ dài của Stephen Spender.

- Ông đã đi nhiều: đã sống ở Paris, London, Madrid. Ở đâu ông cảm thấy như ở nhà mình?

+ Ở bất cứ đâu tôi cũng có thể viết. Chẳng hạn, ở Madrid, nơi tôi đang sống hiện tại. Nhưng tôi cũng cảm thấy như vậy cả ở London, Paris. Tôi đã sống ở Berlin. Nếu có thể viết - tôi ở nhà.

- Là người gần gũi với chính trị và báo chí, ông có nhận thấy rằng thời gian gần đây càng ngày càng có nhiều dân tộc và quốc gia không muốn thống nhất mà là chia rẽ, và thể hiện lòng tự tôn dân tộc: Nước Anh và Brexit, chiến thắng của Trump tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và hậu quả của nó, trưng cầu dân ý ở Catalonia là những sự kiện cùng loại. Theo ông, vì sao lại xảy ra điều đó?

+ Điều quan trọng nhất đang xảy ra hiện nay trên thế giới là toàn cầu hóa, sự phá hoại các biên giới, sự liên kết cộng đồng lớn. Toàn cầu hóa là hiện tượng chính trị và xã hội quan trọng nhất của thời gian gần đây. Tôi cảm thấy rằng điều đó giải thích sự hồi sinh chủ nghĩa dân tộc hiện nay. Chủ nghĩa dân tộc dẫn tới những thảm họa trên thế giới mà nhân loại đã chứng kiến cách đây không lâu: ví dụ, hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX. Nguyên nhân là chủ nghĩa dân tộc.

Điều đó giải thích hiện tượng Brexit trên thực tế. Tôi rất buồn. Tôi tưởng tôi hiểu người Anh. Vì sao họ có thể bỏ phiếu cho một quyết định mang tính dân tộc chủ nghĩa như vậy? Lúc đó tôi ở London. Tôi thực sự ngạc nhiên không hiểu vì sao người Anh là dân tộc văn minh mà lại ứng xử như vậy.

Nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo, chính khách Peru nổi tiếng - Vargas Llosa.

Trần Hậu
.
.