Danh hiệu và giải thưởng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 02/09/2017, 08:02
Với khát khao được nhận giải thưởng cao nhất và mặc dù tác giả cũng hết mình cho những sáng tác mới nhưng thực tế là thời kỳ sung sức nhất của sáng tạo đã qua. Chính vì vậy, Giải thưởng Hồ Chí Minh tuy cao hơn, uy tín hơn nhưng soi vào tác phẩm thì lại chưa chắc có giá trị, có sức lan tỏa bằng Giải thưởng Nhà nước...


Những vướng mắc cần được tháo gỡ

Mỗi một mùa xét tặng danh hiệu, giải thưởng đi qua luôn kèm với đó là những ồn ào của dư luận xung quanh chuyện xứng đáng hay không xứng đáng với những trao tặng cao quý đó. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quy trình xét tặng, ngày 22 - 8 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH - TT & DL) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Nghị định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về VHNT với sự tham gia của các thành viên Hội đồng cấp nhà nước, Hội đồng chuyên ngành cùng đông đảo các văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực trên cả nước.

Diễn ra trong một ngày với tinh thần làm việc nghiêm túc, theo chủ trương "sẵn sàng nghe tất cả mọi ý kiến đóng góp" và "không giới hạn thời gian", Hội thảo diễn ra sôi nổi. Nhiều văn nghệ sĩ xung phong phát biểu nhiều lần. Điều đó cho thấy, việc xét tặng danh hiệu, giải thưởng trong lĩnh vực VHNT đã luôn nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ với những người làm nghề mà toàn xã hội.

Dù ở nhiều cương vị khác nhau, góc nhìn khác nhau nhưng những góp ý của các văn nghệ sĩ không ngoài mục đích nâng cao chất lượng chuyên môn của giải thưởng, giảm bớt những lùm xùm không đáng có ở mỗi mùa giải thưởng. Đặc biệt, quy trình xét tặng danh hiệu, giải thưởng phải thực sự là một hành động cao quý, vinh danh những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền VHNT nước nhà.

Nhạc sĩ Thuận Yến, nhà thơ Thu Bồn và nhà thơ Xuân Quỳnh là 3 trong số những văn nghệ sĩ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 (2017).

Theo báo cáo sơ kết của Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VH - TT & DL), việc triển khai thực hiện Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng được đánh giá là đã tạo nên động lực quan trọng với đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà. Nghị định với một số quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xét tặng danh hiệu.

Cụ thể, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của lĩnh vực múa đã giảm 5 năm so với trước; quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT đã tính đến Huy chương bạc, chính thức xem xét, quy đổi giải thưởng tác phẩm cho một số thành phần tham gia vở diễn tác phẩm. Ngoài ra, Nghị định cũng không quy định sau khi được tặng danh hiệu NSƯT phải có thời gian tối thiểu 5 năm mới được xét danh hiệu NSND...

Tuy nhiên, những bất cập trên thực tế triển khai các quy định cũng được các nghệ sĩ chỉ ra: Xác nhận giải thưởng của tập thể để tính quy đổi thành tích cho cá nhân tại một số hồ sơ được thực hiện chưa đúng quy định, tình trạng một số Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp tỉnh được thành lập không đúng quy định, thiếu đại diện uy tín về chuyên ngành nghệ thuật.

Một điểm "nới" là không quy định thời gian sau khi có danh hiệu NSƯT phải có thời gian tối thiểu 5 năm mới được xét danh hiệu NSND lại được NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chỉ ra rằng chưa hợp lý bởi có nghệ sĩ chỉ vừa đạt danh hiệu NSƯT 1- 2 năm thì lại tiếp tục đoạt Huy chương vàng, giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn và tiếp tục được xét danh hiệu NSND. Ông cho rằng, quy định này vô hình trung làm nhòe đi giá trị của danh hiệu NSND. Cần xem xét cả trên cơ sở thời gian và những cống hiến chứ không phải dựa vào số huy chương, giải thưởng.

Để tăng cường sự thực chất của mỗi danh hiệu, giải thưởng, nhiều ý kiến cho rằng, khâu xét tặng của Hội đồng cấp Nhà nước được đề nghị xem xét lại bởi tình trạng đại diện ngành nào biết ngành đó, không có ai hiểu biết cặn kẽ mọi loại hình. Không thận trọng sẽ dễ rơi vào tình trạng xét danh hiệu thông qua thông tin đại chúng chứ không hẳn về thực chất. Thực tế có nhiều nghệ sĩ hài rất nổi tiếng trên truyền thông. Tuy nhiên, ở lĩnh vực công tác chính, nơi nghệ sĩ đó làm hồ sơ xét tặng danh hiệu lại không có nhiều thành tích.

Trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, một trong những sửa đổi lớn được đưa ra Hội thảo lần này là các điều quy định về giải thưởng, tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của Hội đồng các cấp, về số lượng thành viên Hội đồng cấp Nhà nước...

Cụ thể, về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng, nên xem xét cho các tác phẩm thiếu giải thưởng nhưng được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; tác phẩm trước 1993 nếu không có giải thưởng thì xem xét về giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm; đối với những nghệ sĩ tiền bối, việc xem xét giải thưởng cần xem xét cẩn trọng, có tình, có lý, phải căn cứ vào tiêu chuẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đóng góp trong thời kỳ kháng chiến, tác phẩm có sức lan tỏa, không nhất thiết phải có giải vàng, giải A cho tác phẩm.

Về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng nên để mức 75% số phiếu đồng ý của thành viên Hội đồng có mặt. Đồng thời nên quy định phải có 90% thành viên dự họp mới được tổ chức họp và không xin ý kiến bằng văn bản các trường hợp thành viên vắng mặt.

Có một sự bất cập tại Nghị định 90 cũng được các đại biểu quan tâm, đó là các tác phẩm, cụm tác phẩm nếu đã làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được tiếp tục mang đi xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Có ý kiến cho rằng, có trường hợp tác phẩm xét Giải thưởng Hồ Chí Minh không xuất sắc bằng Giải thưởng Nhà nước vì tác giả đã chọn hết tác phẩm hay, xuất sắc cho lần xét tặng đầu tiên.

Với khát khao được nhận giải thưởng cao nhất và mặc dù tác giả cũng hết mình cho những sáng tác mới nhưng thực tế là thời kỳ sung sức nhất của sáng tạo đã qua. Chính vì vậy, Giải thưởng Hồ Chí Minh tuy cao hơn, uy tín hơn nhưng soi vào tác phẩm thì lại chưa chắc có giá trị, có sức lan tỏa bằng Giải thưởng Nhà nước.

Một trong những vấn đề mà nhiều nghệ sĩ thẳng thắn đưa ra tại hội nghị đó là cách hiểu "xin - cho" tồn tại lâu nay khi các nghệ sĩ làm đơn xét tặng danh hiệu, giải thưởng. Vì quan niệm này, đã từng có những nghệ sĩ từ chối làm hồ sơ xét danh hiệu, giải thưởng bởi cho rằng "việc gì phải xin".

Thực tế cũng cho thấy, có những hồ sơ có thể được nhận giải thưởng cao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng tác giả chỉ đề nghị ở Giải thưởng Nhà nước cho "chắc ăn". Ngược lại, có những giải thưởng nếu để hồ sơ ở Giải thưởng Nhà nước thì đủ tiêu chuẩn, nhưng tác giả lại đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nên bị trượt. Báo cáo Dự thảo sửa đổi nghị định cũng chỉ rõ "Không còn yêu cầu tác giả làm đơn xin xét tặng để tránh tình trạng phải xin - cho giải thưởng.

Theo quy định của Nghị định xét tặng, tác giả chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ đến Hội đồng cấp cơ sở, là điều kiện xem xét trong quá trình xét tặng tại 3 cấp Hội đồng. Quy trình này giảm phiền hà và tiết kiệm cho các tác giả khi làm hồ sơ, đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính". Đại diện Bộ VH  - TT & DL, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, Bộ sẽ tổng hợp, rà soát và chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp để mỗi danh hiệu, giải thưởng khi được trao cho các nghệ sĩ sẽ thật sự chính xác, ý nghĩa.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (Nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam): Cần điều chỉnh linh hoạt với các nghệ sĩ lớp trước

Lâu nay, có ý kiến cho rằng, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước ngày càng dễ? Tôi cho rằng ý kiến đó chưa hoàn toàn đúng. Tiêu chuẩn xét tặng vẫn như cũ, chỉ có điều tác phẩm của chúng ta có đạt được hay không? Chúng ta quy định rằng, tác phẩm phải đạt 90% số phiếu của thành viên hội đồng mới đạt yêu cầu. Tôi cho rằng, con số này phi thực tế.

Rất ít có tác phẩm VHNT nào đưa ra mà 9 người ủng hộ, chỉ có 1 người không. Chuyện có 2 - 3 người không ủng hộ cũng là chuyện bình thường với những tác phẩm VHNT. Tôi cho rằng, với mỗi lá phiếu của từng thành viên hội đồng chỉ có nghĩa đồng ý hay không đồng ý là chưa công bằng với tác phẩm. Nên chăng, chúng ta đánh giá tác phẩm theo khung điểm: ví dụ 5 điểm là trung bình, 8 điểm là trên trung bình, trên 8 điểm là xuất sắc. Như hiện nay, chỉ có lá phiếu đồng tình và không đồng tình (không đồng tình tức là phủ nhận giá trị của tác phẩm đó).

Ở mùa xét tặng giải thưởng vừa qua, việc điều chỉnh của Chính phủ ở Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là hợp với thực tế, nhất là với giới nhiếp ảnh. Chúng ta quy định tác phẩm phải đoạt giải A hay giải xuất sắc... nhưng điều đó là không thể với các tác giả trong chiến tranh. Ví dụ như nghệ sĩ Lương Nghĩa Dũng với cụm tác phẩm vô giá "Những khoảnh khắc để lại". Nhưng anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh chiến trường, hi sinh năm 1972 thì lấy đâu ra giải thưởng?

Tôi cho rằng, với Hội đồng cấp Nhà nước, phải tăng cường thành viên chuyên ngành mới chính xác. Để như hiện nay, chỉ có 2/28 thành viên là thành viên chuyên ngành sẽ dẫn đến tình trạng có những thành viên Hội đồng chưa đọc hết tác phẩm văn học, hay những tác phẩm nghiên cứu sân khấu dân gian như chèo, tuồng mà vẫn bỏ phiếu thì không chính xác. Bởi, không bỏ thì băn khoăn, bỏ thì không biết thế nào. Thực tế ấy cho thấy có thành viên Hội đồng có "quyền" mà không có "lực". Như vậy, chỉ cần sự thiếu cân nhắc thôi cũng có thể tạo những bất công không đáng có.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Còn thiệt thòi cho các nghệ sĩ của dòng nhạc hàn lâm

Ở lĩnh vực âm nhạc, nếu cứ áp dụng tiêu chí cũ sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Vì có nhiều tác giả có tác phẩm tốt nhưng ở trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt không có điều kiện để có giải thưởng. Đánh giá sự nghiệp của một con người đôi khi chỉ cần một vài tác phẩm đỉnh cao, tỏa sáng. Ví dụ như tác phẩm ở lĩnh vực nhiếp ảnh có nghệ sĩ chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hoặc ở lĩnh vực âm nhạc thì tác phẩm "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Văn Ký là một tác phẩm lớn...

Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cần cân nhắc chứ không chỉ căn cứ vào ý định chủ quan của tác giả. Vì khi đã đem những tác phẩm tốt nhất xét giải thưởng ban đầu rồi thì khi xét giải thưởng tiếp theo sẽ xem xét tác phẩm nào. Có người vẫn sáng tác tốt, nhưng có những người không sáng tác nữa hoặc tác phẩm sau không xuất sắc bằng. Nhưng xét cả sự nghiệp thì họ xứng đáng.

Những bất cập cần phải bàn bạc và điều chỉnh cho chính xác, nhất là với các nghệ sĩ lão thành, đặc biệt với những người không còn sống. Cần tăng cường tính chuyên sâu cho Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước. Tuy nhiên không phải hội đồng hỗn hợp, đa ngành là không cần thiết, vì tác phẩm có giá trị là phải có sức lan tỏa. Và hội đồng này là để xem xét tính lan tỏa của tác phẩm. Không có chuyện tác phẩm trong giới đánh giá rất cao mà những ngành khác lại không biết tí gì về tác phẩm đó.

Cũng tại lĩnh vực âm nhạc, một bất cập luôn tồn tại, đó là với những nghệ sĩ công tác ở mảng hàn lâm. Ví dụ như với đặc thù của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thì hơn 15 năm nay không có cuộc thi nào được tổ chức. Các nghệ sĩ của dàn nhạc dù có rất nhiều cống hiến cũng không có giải thưởng, huy chương nào để được xét danh hiệu. Thực tế này khiến các nghệ sĩ nhạc giao hưởng khá thiệt thòi. Vì vậy cần có thêm những quy định đối với các lĩnh vực nghệ thuật đặc thù.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường: Thêm những tiêu chí chuyên ngành cho lĩnh vực đặc thù

Tôi cho rằng, những quy định lâu nay về việc xét tặng danh hiệu, giải thưởng chưa phù hợp với lĩnh vực mỹ thuật, tạo sự không hợp lý giữa các ngành nghệ thuật. Đơn cử như nếu ta cho rằng trung bình một đời người sáng tác được khoảng 20 năm, vậy thì sẽ tham dự được 4 kỳ triển lãm mỹ thuật (5 năm một lần). Mà không phải triển lãm nào cũng có Huy chương vàng. Vậy thì lấy đâu ra Huy chương vàng để mang ra xét tặng?

Trong khi có hàng nghìn nghệ sĩ tham gia, số giải thưởng chỉ trên dưới 24 Huy chương vàng cho cả quãng thời gian 20 năm đó. Chưa kể có những ngành không bao giờ chấm giải như tượng đài thì làm sao đưa vào tiêu chí (trong khi sân khấu 2 - 3 năm có một hội diễn, chưa kể các hội diễn chuyên ngành). Rõ ràng ở lĩnh vực sân khấu có những thuận lợi hơn so với ngành mỹ thuật. Vì thế, theo tôi cần phải thêm những tiêu chí chuyên ngành, không thể cho tất cả các ngành VHNT vào chung một "rọ" như thế. Cũng như cần tăng số lượng người có chuyên môn trong Hội đồng cấp Nhà nước. Người được ngồi trong hội đồng nên có uy tín chuyên môn. Ngồi trong hội đồng nghệ thuật mà không biết gì về tác phẩm thì bất cập quá. Nếu cần xét về các vấn đề ngoài nghệ thuật, nên để một hội đồng nào đó xét riêng từng tác giả, tránh ảnh hưởng đến thành viên hội đồng chuyên môn.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ VH - TT & DL): Còn một số nội dung chưa phù hợp

Khoản 3 điều 9 Nghị định số 90/2014/NĐ - CP quy định tác phẩm đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về VHNT phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: "Đã được tặng giải vàng, giải A hoặc giải nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH - TT&DL tổ chức. Hoặc đã được giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế".

Tương tự như vậy,  quy định tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cũng có những yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, qua đợt xét tặng Giải thưởng năm 2016, các ý kiến báo cáo của các Hội đồng cơ sở có hồ sơ gửi Bộ VH - TT & DL, ý kiến của các hội VHNT chuyên ngành Trung ương thì việc quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm làm tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc cho các tác phẩm là chưa phù hợp với thực tiễn.

Có nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm được Hội đồng các cấp đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn, phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, có tác dụng giáo dục và định hướng thẩm mĩ cao cho thanh, thiếu niên góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân... nhưng còn thiếu giải thưởng theo quy định.

Những lùm xùm gây xôn xao dư luận quanh chuyện xét giải thưởng ở một số trường hợp như nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ Thu Bồn, nhạc sĩ Thuận Yến, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, nhạc sĩ Đinh Trọng Liên... cũng vì lý do này. Việc thiếu giải thưởng ở một số tác giả, tác phẩm có nhiều nguyên nhân. Trong đó, tác phẩm được hình thành qua các giai đoạn, bối cảnh lịch sử khác nhau của đất nước.

Sẽ thiệt thòi cho các tác giả có tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức. Hoặc, do điều kiện khách quan nên Bộ VH - TT & DL, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương không tổ chức các cuộc thi sáng tác về VHNT hằng năm hoặc định kỳ.

Cũng có thể cho tác giả vì lý do cá nhân không gửi tác phẩm tham dự các cuộc thi. Tuy nhiên, nếu vì không có giải thưởng theo quy định mà không xét thì sẽ bỏ sót việc tôn vinh nhiều tác giả tên tuổi, nhiều tác phẩm có giá trị trong đời sống. Chính vì vậy, căn cứ vào thực tiễn và các ý kiến đề nghị, Dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung thêm tiêu chí mở đối với những trường hợp đặc biệt. Trường hợp tác phẩm, công trình thiếu giải thưởng thì phải được Hội đồng các cấp xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để tránh bỏ sót việc vinh danh những tên tuổi có nhiều đóng góp.

Ngoài ra, qua thực tiễn chúng tôi còn thấy quy định hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng phải được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có tên trong quyết định bỏ phiếu đồng ý là chưa phù hợp. Qua thực tế đợt xét tặng năm 2016, nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá đều nhất trí khẳng định là có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật... nhưng để đạt được tỉ lệ đồng thuận từ 90% của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong quyết định là khá khó khăn.

Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước. Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3/28 thành viên không đồng ý là cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ, xét trình Chủ tịch nước xét tặng giải thưởng.
Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.