Họa sĩ Lê Đình Nguyên: Trên cánh đồng nghệ thuật bất tận

Thứ Năm, 05/01/2017, 08:25
Sau thành công đầy ấn tượng ở triển lãm nghệ thuật đầu tiên"Trâu Nguyên" của họa sĩ Lê Đình Nguyên 6 năm trước. Anh lại tiếp tục chọn tháng đầu tiên trong những ngày đầu tiên của năm mới, năm 2017 để làm bùng nổ giới yêu nghệ thuật bằng một triển lãm khủng "Nguyên Trâu" lần thứ II tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Lê Đình Nguyên là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đến với  bộ môn nghệ thuật điêu khắc động. Sự xuất hiện khá muộn, nhưng đủ để lại những dư chấn đầy ấn tượng trong giới yêu nghệ thuật điêu khắc về những phát kiến độc lạ trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Cụm tác phẩm của họa sĩ Lê Đình Nguyên tại triển lãm: Nguyên Trâu 2.
Tác phẩm Trâu đồng hồ.

Anh là người nghệ sĩ đầu tiên, và hiện nay vẫn giữ nguyên vị trí độc tôn khi đưa điêu khắc chuyển động vào Việt Nam. Tác phẩm của anh lấy ý tưởng từ các con giống, mà đặc biệt nhất là con trâu, người bạn gần gũi và quý giá của người Việt. Anh đã kết hợp sự sáng tạo thông minh độc đáo, và chất lãng mạn trữ tình của người nghệ sĩ để biến những con trâu trong điêu khắc trở thành những nhân vật sống động, hồn cốt. Những con trâu có thể chuyển động ở muôn vàn tư thế, phát ra âm thanh và chở những thông điệp về sự sáng tạo vô giới hạn của người nghệ sĩ.

Một lần xuất hiện, nhưng đủ cho Lê Đình Nguyên điêu khắc cái tên mình trong trái tim mọi người. Một cái tên không lẫn vào bất cứ ai, một phong cách nghệ thuật riêng biệt - Cái tên Nguyên "Trâu" bắt đầu từ lần xuất hiện đầu tiên ấy và có lẽ, anh sẽ mang cái tên ấy, gắn bó cùng nó trong dặm dài chặng đường nghệ thuật phía trước của đời mình.

Hoạ sĩ Lê Đình Nguyên đang chỉ đạo hoàn thành tác phẩm kịp triển lãm.

Nhiều người không biết cứ tưởng anh chậm rãi và thong thả. Nhưng bạn bè anh, ngay cả bản thân tôi, một người bạn gần gũi với anh, từng được anh chia sẻ tác phẩm vừa hoàn thành vào những giờ khuy khoắt trên FB, mới thấy đằng sau người đàn ông nhỏ bé này ẩn chứa một sức mạnh đáng khâm phục.

Đầy ắp những ý tưởng, đam mê hết mình, nhất là việc anh bỏ tiền bạc, thời gian đi bạt nắng bạt gió để sưu tầm những chất liệu độc, lạ làm nên những tác phẩm trâu trong triển lãm lần hai. Người nghệ sĩ thực thụ đã đi với niềm đam mê bất tận.

Để sáng tạo dẫn dắt và chinh phục tới tận cùng mê đắm. Nguyên chậm mà chắc, xuất hiện là bùng nổ. Anh hệt như một ngọn núi lửa ngàn năm giấu mình sau những vỉa đá xù xì thô mộc, nhưng bên trong lòng núi là cả một khối nham thạch khổng lồ sẵn sàng bung trào bất cứ lúc nào. Nghệ thuật của Nguyên là vậy. Kỹ lưỡng, không vội vã, biết kiệm mình trước truyền thông, biết ẩn nấp trong im vắng… để sục sôi sáng tác.

Hoạ sĩ Lê Đình Nguyên bên một tác phẩm "Trâu Nguyên".

Tròn 6 năm để có một triển lãm điêu khắc nối dài những thành công từ triển lãm trước, và chắc chắn thêm một lần nữa mọi người sẽ lại kinh ngạc trước Nguyên. Nếu như “Trâu Nguyên I” của 6 năm trước với 36 tác phẩm điêu khắc chuyển động lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, thì 6 năm sau Nguyên lại là người nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm một triển lãm tiếng động.

Vẫn là nhân vật trâu xuyên suốt. Từ Trâu cổng làng, Trâu cơm, Trâu xe thồ, Trâu giậm, Trâu áo tơi, Trâu tời…là đến Trâu diều sáo, Trâu kẻng bom, Trâu đồng hồ quả lắc phát ra tiếng tích tắc vui tai, Trâu xe máy vespa, Trâu pháo, Trâu dàn, Trâu xay.v.v.v.

Trâu của Nguyên biết xay lúa ra gạo hẳn hoi, biết phát ra tiếng ù ù của cối xay thóc, biết di chuyển, phát ra tiếng động đặc trưng, âm thanh vui nhộn, trong trẻo hay chậm rãi kiên nhẫn của một đời sống thực. Nghệ thuật điêu khắc của Lê Đình Nguyên độc đáo ở chỗ mang nghệ thuật vào với cuộc sống, đưa đời sống vào với nghệ thuật.

Tác phẩm: Trâu bom kẻng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người bạn thân, người đã giúp Lê Đình Nguyên tổ chức thành công triển lãm “Trâu Nguyên” lần đầu tiên vào tháng 1 - 2010 ở tại gallery 39 Lý Quốc Sư đã có những chia sẻ về triển lãm lần 2 của anh: "Với một người nghệ sĩ thì cái khó nhất là vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những thành công ban đầu. Điêu khắc lần đầu của Nguyên là điêu khắc chuyển động, điêu khắc lần 2 tới đây của Nguyên là điêu khắc tiếng động.

Rõ ràng Nguyên đã có một sự bứt phá để làm mới mình trong nghệ thuật. Thành công hay không ta chưa nói đến, nhưng ghi nhận Nguyên là người họa sĩ đầu tiên khai phá con đường khó này, và có lẽ nên phát bằng khen cho Nguyên vì đây cũng lại là lần đầu tiên ở Việt nam có một triển lãm điêu khắc tiếng động...

Bản chất của nghệ thuật điêu khắc tức là nghệ thuật của không gian. Thế nhưng như bạn biết rằng thời gian cũng là một chiều của nghệ thuật không  gian. Bởi khi đã có âm thanh thì tức là có thời gian ở trong đó, ngắn, dài, to nhỏ, nặng nhẹ….

Tôi cảm ơn Nguyên vì anh đã cho phép tôi được góp ý trong các tác phẩm nghệ thuật lần này của anh. Không phải người nghệ sĩ nào cũng sẵn lòng nghe sự góp ý, phải chơi với nhau, và bắt nguồn từ một tình bạn thấu hiểu nhau thì mới có thể lắng nghe lời góp ý của nhau một cách chân thành nhất".

Những ý tưởng cho triển lãm bắt đầu từ gợi ý của họa sĩ Thành Chương và sự đóng góp ý kiến của họa sĩ Lê Thiết Cương. Lê Đình Nguyên tâm sự: Mọi thứ đến với anh cực kỳ đơn giản và nhẹ nhàng. Tác phẩm đến với anh trong những cuộc đi chơi lang thang về một phiên chợ quê, hay những lần đi phượt về mảnh đất thành cổ Quảng Trị.

Những Trâu kẻng bom, Trâu pháo ra đời từ đấy. Những ám ảnh về chiến tranh, bom đạn, và những cảm thức về nỗi đau thời hậu chiến đã thúc giục anh trở đi trở lại với mảnh đất miền Trung khắc nghiệt. Anh lùng sục tìm mua cho kỳ được những quả bom thời hậu chiến. Những quả bom chứng tích của đau thương của một thời tàn khốc và mất mát, nhưng trở về với bàn tay nghệ thuật của Nguyên, anh biến nó thành những khúc tráng ca bất tử trong tác phẩm Trâu pháo, khi trồng đầy hoa nở bung rực rỡ trong lòng quả bom như gieo lên đó một sức sống kỳ diệu, một niềm vui, niềm hy vọng vào ngày mai bình yên tươi sáng.

Hoa và bom kết hợp với nhau để làm nên một hiện thực lãng mạn, xoa dịu vết thương thời chiến. Hàng trăm tác phẩm Trâu với Trâu đèn, Trâu giàn, Trâu Pháo, Trâu xay, Trâu kẻng bom, Trâu đồng hồ, Trâu Vespa đã làm nên một thương hiệu Nguyên Trâu mới.

Họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ, một người bạn của Nguyên đã chia sẻ: "Tôi đã từng được chiêm ngưỡng Lê Đình Nguyên ở trong các tác phẩm ở “Trâu Nguyên I”, nhưng lần này, tôi đã sững sờ về tác phẩm mới của Nguyên.

Tác phẩm của Nguyên khác hẳn nghệ thuật của đám đông. Tôi thích Nguyên vì nghệ thuật điêu khắc của anh có dân gian đương đại, thấm đẫm hồn Việt. Tôi đặc biệt ấn tượng với những tác phẩm về chiến tranh. Hình như Nguyên đã điêu khắc lại thời hậu chiến, nói lên tiếng nói thời đại của mình. Không chỉ đơn thuần là các tác phẩm về trâu mà tôi đọc thấy trong đó ý thức công dân của Nguyên rất mạnh mẽ. Đấy là thành công lớn nhất của anh".

Lê Đình Nguyên nói rằng, anh không ấp ủ những ý tưởng… Ý tưởng bất chợt đến, nảy nở rất nhanh và anh hầu như không kịp để chép lại. "Ý tưởng, đam mê sáng tạo như một gã khổng lồ cứ thế thôi miên, dắt tôi đi, mang tôi đến với những miền sáng tạo mà mình không thể dứt ra được. Tôi làm hối hả, làm đêm làm ngày cho kịp  những ý tưởng cứ liên tục nảy sinh trong đầu".

Họa sĩ Lê Đình Nguyên đang sáng tác tại xưởng điêu khắc của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau khi xem các tác phẩm Trâu của Nguyên đã viết: "Có một điều mà sự sáng tạo những con trâu của Lê Đình Nguyên đã làm cho tôi vừa thú vị, vừa cảm động và vừa suy ngẫm. Lê Đình Nguyên đã chọn những cái có hình thức tưởng như bất biến như cái cày, ngôi nhà, cánh diều, áo tơi lá... để sáng tạo ra những con trâu của anh.

Với những ai đã trải qua đời sống thôn quê hay hiểu biết về văn hóa làng truyền thống thì khi xem những con trâu nghệ thuật của Lê Đình Nguyên bỗng ngập tràn tâm hồn và ký ức họ về xứ sở của họ. Thế nhưng, Lê Đình Nguyên đi một bước "liều" hơn khi anh sáng tạo ra những con trâu đàn, trâu xe máy, trâu thời gian (lấy đồng hồ là biểu tượng), bởi những cặp đôi này hầu như không có một đời sống tự nhiên hay đời sống lịch sử: xe máy - trâu, đồng hồ - trâu, đàn (nhạc cụ) - trâu và chúng là những cặp đôi tương phản.

Nhưng nghệ sỹ Lê Đình Nguyên đã quyện cặp đôi tương phản thành một. Đấy chính là sáng tạo của anh và là thành công của anh. Nếu không anh chỉ là một kẻ gán ghép liều lĩnh và phi nghệ thuật. Với tư duy và sáng tạo như vậy, nghệ sỹ Lê Đình Nguyên đã vượt qua được thách thức không nhỏ và anh cùng với những con trâu của mình đã làm nên một vụ mùa trên cánh đồng nghệ thuật bất tận".

Cuối cùng xin được khép lại bài viết này bằng những lời tâm huyết gan ruột của họa sĩ Thành Chương - người với tư cách là giám tuyển của triển lãm “Nguyên Trâu II” khi nói về những đóng góp nghệ thuật của bạn mình: "Nghệ sĩ yêu trâu nặn tượng vẽ trâu cũng nhiều. Nhưng yêu trâu đến mê man, bất tỉnh, đến như bị trâu nhập hồn, nhìn cái gì cũng thành trâu, nghĩ gì cũng ra trâu, rồi chẳng biết mình là Nguyên hay là trâu nữa thì chỉ có ở Lê Đình Nguyên…

Bước vào thế giới điêu khắc động của Nguyên là sa vào một thế giới dị thú, diệu kỳ. Ta như tỉnh như mơ đi từ sự ngỡ ngàng này đến bàng hoàng khác. Sức tưởng tượng vô bờ và sự lao động sáng tạo khôn lường của Nguyên thật đáng nể trọng. Tôi thực sự xúc động và thích thú khi ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc động về trâu của Nguyên. Ý tưởng thật thâm trầm, sâu sắc. Nghề nghiệp thật điêu luyện vững vàng, mảng miếng, hình khối thật tinh tế và độc đáo…. Những dị thú trâu của kỳ nhân Nguyên là một đóng góp đáng trân trọng cho nền nghệ thuật điêu khắc nước nhà".

Như Bình
.
.