Hệ thống sân khấu, nhà hát TP Hồ Chí Minh: Lối đi nào cho tương lai?
- Khởi động dự án "Bay lên những ước mơ" của Nhà hát Tuổi trẻ
- Hoàn thành tầng B1 của ga Nhà hát TP Hồ Chí Minh
- Công nghệ "làm mới" sân khấu Việt và giấc mơ nhà hát đạt chuẩn
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển, TP Hồ Chí Minh hiện có 8 đơn vị nghệ thuật công lập và khoảng 700 đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Trong khi đó, cả địa bàn TP chỉ có 11 sân khấu kịch và khoảng 20 địa điểm có thể phục vụ tốt cho biểu diễn nghệ thuật. Ở số này, chỉ 4 nhà hát đáp ứng được yêu cầu biểu diễn là: Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát thành phố, Nhà hát Quân đội. Có thể thấy, số lượng và quy mô nhà hát chưa xứng tầm với sự phát triển của một thành phố đầu tàu cả nước về văn hóa - nghệ thuật.
Cho đến nay, TP vẫn chưa xây dựng được một nhà hát, rạp hát nào đủ chuẩn, có thể đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật. Các đoàn nghệ thuật hay nghệ sĩ muốn có nơi biểu diễn phải rất chật vật mới chọn được chỗ ưng ý.
Theo đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc, hệ thống nhà hát trên địa bàn TP chủ yếu sử dụng tòa nhà xây dựng từ trước năm 1975 với cơ sở vật chất lạc hậu, có tuổi đời hàng chục năm. Các bục bệ, đạo cụ, cảnh trí... không chỉ cũ kỹ mà còn sử dụng chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ cải lương, kịch nói, hát bội... Các thao tác kỹ thuật như tắt đèn, chuyển cảnh vẫn phải thực hiện thủ công.
Dù được xây mới, Rạp Trần Hưng Đạo của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vẫn không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. |
Ngay như 4 nhà hát tạm gọi là đạt chuẩn, cơ sở hạ tầng cũng dần lạc hậu, không đáp ứng được chương trình lớn, hiện đại. Nhà hát Hòa Bình tuy có khán phòng rộng, sân khấu sâu, là một trong những nhà hát hiếm hoi sở hữu sân khấu xoay nhưng theo nhận xét của nhiều nhạc sĩ, nơi đây vẫn chưa đảm bảo kỹ thuật, công nghệ cho các show đẳng cấp quốc tế. Hệ thống âm thanh, ánh sáng xuống cấp, ghế ngồi hư hỏng. Thiết kế khán phòng không thỏa mãn các tiêu chí cơ bản cho buổi hòa nhạc giao hưởng.
Dù nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm TP nhưng Nhà hát thành phố có khán phòng quá nhỏ, chỉ chứa tầm 500 người. Lịch diễn tại đây lại luôn kín mít quanh năm. Ai muốn đặt lịch phải đặt trước cả mấy tháng, may ra mới được xếp chỗ. Chưa kể nơi đây hay tổ chức các sự kiện ngoại giao đột xuất nên dù đã đặt lịch trước, nhiều đoàn nghệ thuật hay nghệ sĩ vẫn phải hủy show để nhường.
Liveshow "This is me" của ca sĩ Võ Hạ Trâm gặp phải tình huống bất đắc dĩ này. Để chữa cháy, cô phải thuê Trung tâm sự kiện và triển lãm White Palace dựng sân khấu. Số nghệ sĩ đi thuê khách sạn, trung tâm hội nghị để làm show như Võ Hạ Trâm không hề nhỏ khi lượng sân khấu đáp ứng nhu cầu khan hiếm.
Ngay cả đơn vị nghệ thuật trực thuộc TP, số phận cũng không khá khẩm hơn. Trong số 8 đơn vị, chỉ có Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là có Rạp Trần Hưng Đạo, Nhà hát kịch TP có rạp Công Nhân để biểu diễn. Còn 6 đơn vị nghệ thuật còn lại như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, Nhà hát Kịch, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh... đều chịu kiếp "ăn nhờ, ở đậu".
Bao năm nay, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) không có "nhà riêng" nên phải thuê Nhà hát thành phố làm nơi làm việc, biểu diễn, còn việc tập luyện lại thuê ở một nơi khác. Cảnh tạm bợ này khiến nhiều nghệ sĩ chán chường xin nghỉ việc dù nhiều năm nay, các chương trình của HBSO luôn được đánh giá cao về chuyên môn, là điểm nhấn văn hóa nổi bật của TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tân, đại diện truyền thông của HBSO cho biết vì thuê Nhà hát thành phố làm nơi biểu diễn nên những khi có sự kiện ngoại giao, chính trị, HBSO phải hủy lịch, do đó nghệ sĩ rất bị động.
Liveshow của ca sĩ Võ Hạ Trâm phải thuê trung tâm hội nghị làm nơi biểu diễn. |
Với các sân khấu xã hội hóa, vấn đề nhà hát, điểm diễn luôn trở thành đề tài nhức nhối, thậm chí mang tính chất sống còn. Một vị đạo diễn vì quá bức xúc đã nói trong buổi họp mặt Hội Sân khấu TP rằng: "Chúng tôi cần nhà, có an cư thì mới lạc nghiệp được!".
Bà bầu Hồng Vân, Ái Như... thuê sân khấu ở các nhà văn hóa quận. Song cơ sở vật chất nơi đây luôn là điều đau đầu vì không đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn. Số đoàn nghệ thuật phải đi thuê rạp diễn khá nhiều. Tuy nhiên giá thuê không hề rẻ. NSƯT Kim Tử Long cho hay anh từng đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở "Rạng ngọc Côn Sơn" nhưng chỉ diễn được vỏn vẹn hai đêm tại một nhà hát thì đành cất kho vì giá thuê rạp quá cao. Nếu muốn hòa vốn, giá vé phải tròm trèm một triệu đồng/ vé - đây là con số không tưởng với sân khấu cải lương.
Riêng lĩnh vực sân khấu ca nhạc, người ta vẫn hay nhắc đến sân khấu Lan Anh như một địa điểm biểu diễn lý tưởng nhất với sức chứa khoảng 2.500 chỗ cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng tương đối tốt. Ngoài ra, Sân khấu ca nhạc Trống Đồng, Sân khấu ca nhạc Cầu Vồng 126, Nhà hát Đại Đồng, CLB Phan Đình Phùng, Nhà thi đấu Nguyễn Du và sân vận động Quân khu 7 cũng là địa điểm biểu diễn thường xuyên của hầu hết các nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc. Song không ít địa điểm này đang dần thoái trào, lạc hậu so với chuẩn hiện nay.
Vài năm qua, chính quyền thành phố chủ động xây mới, nâng cấp một số nhà hát. Song, những công trình xây mới, nâng cấp này cũng không làm hài lòng người làm nghề. Đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mang tiếng là có "nhà cao cửa rộng" nhưng mỗi lần biểu diễn, cả ekip phải kéo quân sang rạp hát khác.
Rạp Trần Hưng Đạo cũ được xây dựng lại rất khang trang với kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Nhiều người từng ví đó là "thánh đường cải lương" dành cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Thế nhưng ngay khi đang thi công, nhiều nghệ sĩ đã phát hiện ra vô số hạng mục, thiết kế không đảm bảo yêu cầu để tổ chức các vở cải lương chuyên nghiệp, quy mô. Sau nhiều lần sửa chữa, đến nay tuy đã đưa vào hoạt động nhiều năm nhưng Rạp Trần Hưng Đạo vẫn bị "chủ nhà" thờ ơ.
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho hay chiều dài sân khấu chỉ 10 mét, trừ cánh gà thì còn 6 mét là quá hẹp so với sàn diễn cũ. Chưa kể kho chứa đạo cụ, cảnh trí cũng quá chật chội. Dàn âm thanh che khuất tầm nhìn người xem. Rạp Trần Hưng Đạo giờ chỉ dành cho các đơn vị doanh nghiệp, trường học thuê diễn văn nghệ. Còn "chủ nhà" thì nay diễn ở Nhà hát Bến Thành, mai ở Rạp Thủ đô...
Một phần vì tiền lệ này nên khi dự án Nhà hát Giao hưởng dành cho HBSO với kinh phí dự kiến 1.500 tỉ đồng được TP thông qua, dư luận đã lên án gay gắt. Thật ra, dự án này đã được vạch ra từ hơn 20 năm trước nhưng vì nhiều lý do nên chưa được thi công. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO cho biết các nghệ sĩ của nhà hát rất cần một nơi đạt chuẩn để biểu diễn, làm việc và tập luyện chứ không thể sống mãi trong cảnh tạm bợ. Để công trình đúng chuẩn, nhà hát mong muốn được giám sát, đóng góp trong khâu thiết kế.
Nói về hệ thống nhà hát TP Hồ Chí Minh, NSND Trần Minh Ngọc chua xót: "Trong khi người ta đang bàn đến việc xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, mà nhà hát của một trung tâm văn hóa lớn nhất nước lại thô sơ, lạc hậu đến thế".
Trong thời đại hội nhập, việc sở hữu hệ thống nhà hát, sân khấu đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, âm thanh, ánh sáng hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế, thỏa mãn nhu cầu của mỗi đơn vị nghệ thuật là vấn đề cấp thiết, đặc biệt là trong thời điểm TP Hồ Chí Minh chọn 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa.
Đó không chỉ là bộ mặt của thành phố mà còn thể hiện sự trân trọng người làm nghệ thuật, thúc đẩy nền văn hóa nghệ thuật phát triển, nâng cao thói quen thưởng thức cho người dân, đồng thời thu hút du khách quốc tế.
Bởi nhạc sĩ Quốc Trung từng cho rằng việc thiếu nhà hát, không gian biểu diễn tiêu chuẩn ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp văn hóa nước ta, cũng như mời những ngôi sao quốc tế đến biểu diễn.