Giao lưu văn hóa Đông – Tây qua nhịp cầu văn chương
- Giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam – Liên bang Nga
- Lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật 2019
- Sôi nổi Lễ hội Giao lưu văn hóa Việt - Nhật năm 2019
- Giao lưu văn hóa Việt – Lào
Hội thảo khoa học này là một hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du - người được UNESCO vinh danh năm 2015. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 26 tham luận của các nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động và quản lý văn hóa về những giá trị bất tử trong di sản văn hóa - văn chương của hai Đại thi hào Nguyễn Du và Pushkin.
Trong số 26 tham luận dễ dàng nhận ra các “nhóm” vấn đề chính:
- Mỗi Đại thi hào là một nhà tiên tri: Tham luận của nhà đạo diễn Điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn viết trực tiếp vấn đề căn cốt: “Pushkin và Nguyễn Du – hai nhà tiên tri của hai dân tộc”. Lịch sử văn chương nhân loại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã minh chứng điều này. Những đỉnh cao tài năng như Shakespeare, Goethe, Cervantes, Hugo, Balzac, L.Tolstoy, Lỗ Tấn,... đều là những nhà văn có cái phẩm tính đón đợi, đi trước, tiên cảm, dự báo những đường đi nước bước và các tình huống, các trạng thái nhân sinh của đời sống nhân loại.
Lý luận văn học ngày nay gọi đó là năng lực miêu tả “cái khả nhiên” (cái sẽ xảy ra). Nguyễn Du và Pushkin sống cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng những kiệt tác mà họ sáng tạo ra có cảm giác như vừa được viết ra, còn nóng hổi ý nghĩa thời sự nhân sinh, như Tố Hữu đã viết: “Hỡi người xưa, của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng người” (Kính gửi Cụ Nguyễn Du). "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Evgenhi Oneghin" của Pushkin có thể coi là những “tập đại thành” về xã hội Việt Nam, xã hội Nga trong một thời đại đáng ghi nhớ, nhiều biến động quan trọng vắt ngang hai thế kỷ XVIII - XIX.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nguyễn Du & Pushkin, tương đồng và khác biệt” tại Hà Tĩnh. |
- Mỗi Đại thi hào là một nhà văn hóa, nhà nhân đạo chủ nghĩa: Một nền văn chương lớn, một nhà văn lớn đều có căn cốt /căn đế/ nền tảng văn hóa lớn tương xứng. Xét cho cùng, văn chương là hạt nhân, trọng lực của văn hóa ở bất kỳ dân tộc nào, thời kỳ nào. Phẩm tính văn hóa của hai Đại thi hào Nguyễn Du và Pushkin thể hiện trong các tham luận của dịch giả Hoàng Thúy Toàn - “Hai đại thi hào dân tộc, hai Đại thi hào nhân loại”; PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa - “Nhân tố văn hóa trong quá trình dịch nghệ thuật – trên ngữ liệu "Truyện Kiều" và "Evgeni Oneghin”; nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ấn - “Sự tương đồng giữa Nguyễn Du và Pushkin”; PGS. TS Lê Thị Bích Hồng - “Nguyễn Du và Pushkin: sự gặp gỡ...”,... Văn hóa của văn chương suy cho cùng là “nhân đạo hóa con người”. Là năng lực nâng cao, làm giàu, hoàn thiện, làm rạng rỡ tiếng mẹ đẻ. Trong trường hợp này Nguyễn Du qua "Truyện Kiều", Pushkin qua thơ và văn xuôi đã tôn vinh tiếng Nga. Tổng thống Nga Medvedev lúc đương chức đã ký sắc lệnh lấy ngày sinh của Đại thi hào Pushkin (6-6-1799) làm “Ngày Tiếng Nga”. Nhà thơ được tôn vinh là “mặt trời của thi ca Nga”. Nếu nói văn chương là nghệ thuật ngôn từ thì Nguyễn Du và Pushkin đều là những bậc thầy/nghệ nhân/thợ cả ngôn từ văn chương (tiếng Việt, tiếng Nga).
Trong tham luận của mình, PGS. TS Lê Thị Bích Hồng đã dẫn ý kiến của GS.TS Trần Đình Sử trong công trình “Thi pháp Truyện Kiều”, đã xác tín đặc trưng ngôn ngữ của kiệt tác này là “ngôn từ ý tưởng” (nghĩa là hình ảnh chỉ nảy sinh trong tâm tưởng, không sao chép thực tại). Còn Pushkin? Chính “mặt trời của thi ca Nga” là một “nhà cải cách vĩ đại của ngôn ngữ văn học Nga”, là “cha đẻ thực sự của nền văn học Nga mới”, “Pushkin đã vượt qua sự hạn chế trong ngôn từ của tầng lớp quý phái làm cho ngôn ngữ văn học gắn bó với văn phong sinh hoạt dân tộc”.
Những đánh giá này được tác giả tham luận dẫn xuất từ các công trình nghiên cứu của nghững người đi trước với một tinh thần khoa học cao (công khai, minh bạch). Gần đây có nhà văn than phiền về “sự cô đơn của tiếng Việt”. Cũng không có gì đáng bi quan khi mà nhất thời không ít người đang có trào lưu chuộng ngoại khẳng định chỉ có thể là tiếng Anh mới hợp thời, đắc dụng. Nên cũng không là thái quá khi đầu thế kỷ XX một học giả đã viết “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Có người nói cực đoan rằng, sở dĩ "Truyện Kiều" được nhiều người thích đọc và nhớ vì nó đại chúng, nôm na mách qué.
- Phương pháp “Địa - Văn hóa” (Géo- Culture) trong nghiên cứu văn học được vận dụng để tiếp cận di sản văn văn hóa - văn chương của hai Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam và Pushkin của Nga. Hướng/ phương pháp nghiên cứu này hiện đang tỏ rõ tính khả thủ, hữu hiệu. Việt Nam và Nga thuộc phương Đông và phương Tây, tưởng như có sự cách biệt văn hóa.
Nhưng qua khảo cứu công phu của các tác giả tham luận, chúng ta thấy nổi bật lên nhiều nét tương đồng giữa hai Đại thi hào xét từ phương diện họ là “thành quả văn hóa” của dân tộc mình, nhưng không biệt lập với thế giới. Các tham đã nhấn mạnh vào sự tương đồng xét từ quan điểm/ phương pháp “Địa - Văn hóa”.
Những yếu tố “địa linh nhân kiệt” rất rõ trong tiểu sử hai đại thi hào: cùng sinh ở thủ đô là nơi hội tụ, kết tinh, phát tỏa văn hóa, đều sinh trong những danh gia vọng tộc, đều có chỉ số “thiên di”, đều có ý thức, khát vọng giao hòa với tự nhiên,... Có thể nói “thiên nhiên tràn ngập” trong hai kiệt tác của hai Đại thi hào.
- Nghiên cứu so sánh tương đồng và khác biệt giữa "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Evgeni Oneghin của Pushkin", nhiều tham luận đã đi sâu vào so sánh, đối chiếu hình thức thể loại “tiểu thuyết bằng thơ” được hai Đại thi hào sáng tạo. Câu hỏi đặt ra là: vì sao hai Đại thi hào lại sử dụng hình thức này để truyền bá tác phẩm của mình. Không thể nói vì trình độ công chúng đương thời có hạn nên cần chuyển tải nội dung tác phẩm bằng thể văn vần.
Cũng không thể nói thể văn vần này đứng giữa tinh hoa và đại chúng. Tham luận của PGS. TS Đào Tuấn Ảnh “Truyện Kiều từ góc nhìn thể loại so sánh Evgeni Oneghin của Pushkin” khai mở cho chúng ta nhiều điều về vấn đề hình thức thể loại của hai kiệt tác. Nhà nghiên cứu nêu nhận định có sức thuyết phục: “Tuy nhiên, xét về phương diện thể loại, thì tiểu thuyết văn vần "Đoạn trường tân thanh" đối với Nguyễn Du, một nhà nho tài tử viết văn thơ theo chuẩn mực của khuynh hướng “chủ tình” trong mỹ học Trung đại, quả là một thách thức không hề nhỏ. Đây cũng chính là thách thức với Pushkin. Ông từng than thở với bá tước Viazemski, bạn mình, rằng sự khác nhau giữa tiểu thuyết và tiểu thuyết bằng thơ thật là quái quỷ”.
Vấn đề tiếp nhận di sản văn hóa quá khứ: "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Evgeni Oneghin" của Pushkin là những kiệt tác cách chúng ta hàng trăm năm. Nhưng khi chúng trở thành giá trị văn hóa thì việc tiếp nhận chúng cần thiết theo tinh thần “tiếp biến”. Nghĩa là tiếp nhận sáng tạo, có ý thức bảo tồn giá trị truyền thống nhưng phải phát triển, không để nó đóng băng, làm cho nó sống lại trong hiện tại, phục vụ nhu cầu văn hóa - tinh thần của con người đương đại.
Không thể không suy ngẫm về chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam qua Hội thảo khoa học “Nguyễn Du & Pushkin, tương đồng và khác biệt”. Dường như chúng ta đang nghiêng về bảo tồn mà ít chú trọng đến phát huy. Dường như chúng ta mới chỉ lo phục hồi di sản văn hóa nhưng đặt chúng trong thế đóng băng, di sản văn hóa truyền thống còn ít sức sống trong hiện tại. Tổng thống Nga V. Putin đã từng ban bố “Sắc lệnh về văn hóa Nga và ngôn ngữ Nga”.
Nên chăng khi xác định được chính xác ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta nên lấy đó làm “ngày tiếng Việt”. Nên chăng có một Giải thưởng văn chương Quốc gia mang tên Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Hà Tĩnh - Hà Nội, 9-2019