Giải thưởng nghệ thuật tôn vinh nghệ sĩ không xứng đáng?
- Giải thưởng nghệ thuật cuối năm: Nói không với nghệ sĩ dính scandal
- Các giải thưởng nghệ thuật uy tín đang “mất giá”: Vì đâu nên nỗi?
- "Nóng" chuyện giới tính trong các hạng mục giải thưởng nghệ thuật
- Giải thưởng nghệ thuật: Giải thưởng nhiều, chất lượng bao nhiêu?
Đầu năm 2019, làng nhạc được dịp dậy sóng với nghi án đạo thơ, đạo nhạc của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa. Cụ thể, ca khúc "Tình nhân ơi" khi vừa ra mắt đã dính nghi án đạo nhái phần giai điệu của ca khúc "Nước mắt" mà nhóm V4MEN đã thể hiện hơn 10 năm trước. Nếu việc đạo nhạc dừng lại ở nghi án thì việc đạo thơ nhanh chóng có câu trả lời.
Trước sự trùng hợp rành rành, Châu Đăng Khoa buộc phải thừa nhận mình không chỉ "lấy cảm hứng" từ thơ của tác giả Linh Linh mà còn mượn bốn câu (Chỗ anh mưa rồi à?/ Nơi em ở vẫn chưa/ Anh quên em rồi à?/ Em thì vẫn chưa...) từ một bài thơ khác của tác giả Lạc Hi để viết lời bài hát "Tình nhân ơi". Đồng thời, công chúng còn ngỡ ngàng khi anh tiết lộ siêu hit "Người lạ ơi" ra mắt hồi tháng 1- 2018 cũng mượn ý thơ của Linh Linh trong cuốn sách "Những nỗi buồn không tên" do NXB Người Trẻ Việt ấn hành.
"Cháy nhà mới ra mặt chuột". Phải chờ đến khi bị phát hiện, Châu Đăng Khoa mới lật đật xin phép tác giả với lý do: giờ mới biết nguồn gốc bài thơ. Anh dùng 6 triệu đồng để trả tác quyền cho hai bài thơ của Linh Linh và cô chấp nhận khép lại câu chuyện dù biết rằng lợi nhuận mà nhạc sĩ này thu được từ hai ca khúc là cực lớn, đặc biệt là "Người lạ ơi" làm mưa làm gió một năm qua.
Nhưng trong nhiều lần xin lỗi, Châu Đăng Khoa luôn dùng những từ ngữ giảm nhẹ như "lấy cảm hứng", "truyền rất nhiều cảm hứng", "hợp tác chung", "chậm trễ trả phí tác quyền" như một kiểu đánh tráo khái niệm cho hành vi sao chép thơ không xin phép. Điều đó khiến Linh Linh, đơn vị nắm giữ bản quyền các bài thơ của cô và công chúng nhận thấy đây không phải là một lời xin lỗi chân thành mà hời hợt, qua loa, không công khai đàng hoàng. Cô trả lại 6 triệu và giao toàn quyền xử lý lại cho phía NXB Người Trẻ Việt. Đơn vị này đã nhanh chóng gửi thư điện tử yêu cầu nhạc sĩ có lời xin lỗi thiện chí, công khai trên mạng xã hội, bày tỏ sự tôn trọng bản quyền nếu không họ sẽ khởi kiện.
Hai ca khúc "Tình nhân ơi" và “Người lạ ơi” của Châu Đăng Khoa vừa được vinh danh bị tố vay mượn ý thơ của tác giả Linh Linh và Lạc Hi mà không xin phép. |
Sự việc như đổ thêm dầu vào lửa khi Châu Đăng Khoa phớt lờ lời cảnh cáo, ung dung nhận giải "Bài hát của năm" cho ca khúc "Người lạ ơi" tại Zing Music Awards 2019 và giải "Bài hát hiện tượng" tại "Làn sóng xanh" mà không hề có một lời cảm ơn nào đến hai tác giả Linh Linh và Lạc Hi. Lễ trao giải "Làn sóng xanh" còn trở thành làn sóng phẫn nộ của khán giả bởi câu phát biểu bỡn cợt của Châu Đăng Khoa trên sân khấu: "Chiến thắng tại "Làn sóng xanh" với tôi không khác gì Việt Nam thắng World Cup".
Trước sự trơ lỳ của Châu Đăng Khoa, đặc biệt là khi nhạc sĩ đàn em thân thiết bị báo chí gọi là kẻ cắp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không thể giữ im lặng được nữa. Anh viết một tâm thư dài trên trang cá nhân gửi tới Châu Đăng Khoa, mong đàn em nhanh chóng sửa sai, xin lỗi thành tâm đến những người liên quan vì đó là động thái duy nhất có thể xoa dịu những ồn ào.
"Việc em quên xin phép tác giả đã sai rồi. Và cái việc em xin lỗi dài dòng, loanh quanh, không rõ ràng cũng là một cái sai khác của em. Cuối cùng, việc quên cảm ơn tác giả thơ trong đêm vinh danh bài hát mình được giải cũng là một cái dở khác của em"- anh phân tích. Đáng buồn thay, mặc kệ lời kêu gọi của nhạc sĩ đàn anh, những ngày cận Tết, Châu Đăng Khoa không những không xin lỗi mà còn đăng status có ý bỡn cợt chuyện mình bị tố đạo nhái. Trước độ trắng trợn, trơ lỳ của anh chàng này, NXB Người Trẻ Việt quyết định sẽ đại diện nhà thơ Linh Linh khởi kiện.
Sự việc đạo thơ của Châu Đăng Khoa đã rành rành nhưng nhiều giải thưởng nghệ thuật vẫn phớt lờ để đưa "Người lạ ơi" vào bảng đề cử. Bảng đề cử dự kiến của giải âm nhạc Cống hiến năm nay cũng bắt gặp cái tên "Người lạ ơi" ở hạng mục "Music Video của năm", "Bài hát của năm". Việc "kẻ cắp" được vinh danh thực sự là cú tát trời giáng vào những người làm nghề chân chính.
Vinh danh Châu Đăng Khoa còn nguy hại hơn gấp bội so với việc Sơn Tùng M-TP từng được xướng tên ở giải âm nhạc Cống hiến - một giải được ví như Grammy Việt Nam. Dù dính vô số lời cáo buộc đạo nhái nhưng thời điểm Sơn Tùng được vinh danh, các scandal của anh vẫn dừng lại ở mức nghi án và đã thôi ầm ĩ.
Tuy vậy, việc Sơn Tùng được giải Cống hiến ghi nhận, thậm chí vinh danh vẫn khiến giới chuyên môn lo lắng, thất vọng. Bởi ở những mùa giải trước đó, chàng nhạc sĩ trẻ này bị ban tổ chức giải Cống hiến loại bỏ thẳng thừng vì tư cách đạo đức, tư cách nghề nghiệp dù rất nhiều ca khúc của anh "gây bão".
Việc nhiều giải thưởng uy tín bây giờ xuống hạng trong mắt công chúng lẫn giới nghệ sĩ cũng bởi kiểu tôn vinh phớt lờ scandal này. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thẳng thắng: "Hưng cũng bắt đầu thấy chán giải thưởng rồi vì nó không còn cái gì cho mình hồi hộp, hấp dẫn, chờ đợi nữa.
Với lại, giải thưởng nào cũng bị nhiễm virus hết". Có giải thưởng chấp nhận nghệ sĩ dính scandal, thậm chí dính càng nhiều scandal càng tốt cũng bởi yêu cầu bất khả kháng từ nhà tài trợ. Nếu không đáp ứng, nguy cơ sống còn của giải thưởng chỉ là chuyện ngày một ngày hai.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập chỉ rõ, các giải thưởng văn hóa nghệ thuật bây giờ đa phần đều nhiễm màu sắc thương mại không khác gì gameshow. Để hút khách, họ sẵn sàng làm đủ trò giải trí, bất chấp tính chuyên môn của tác phẩm, đạo đức của người được vinh danh.
Tôn vinh nghệ sĩ vướng scandal là một cách để các giải thưởng gây chú ý, hâm nóng mình giữa trăm giải thưởng đua nhau so kè trong khi nghệ sĩ vừa tài năng, vừa gây chú ý quá ít ỏi. Vin vào ngôi sao tai tiếng không chỉ thu hút được fan hâm mộ của họ mà còn gây tò mò, tranh cãi để thu hút dư luận. Zing Music Awards có lẽ là giải thưởng khá ưu ái chiêu trò này.
Không chỉ Châu Đăng Khoa ở mùa giải năm nay, năm ngoái, mặc Chi Pu bị chê bai thậm tệ về khả năng ca hát, giải Zing Music Awards 2018 vẫn ung dung đưa cô vào cả 4 hạng mục: "Music Video của năm" (dành cho MV "Từ hôm nay"), "Nghệ sĩ mới của năm", "Ca khúc Dance/Electronic được yêu thích" (cũng cho ca khúc "Từ hôm nay") và "Nữ ca sĩ được yêu thích". Năm 2015, Zing Music Awards lại bấu víu vào Sơn Tùng M-TP khi đề cử anh ở hạng mục "Nam ca sĩ được yêu thích nhất" và "Nghệ sĩ triển vọng" trong khi các giải thưởng khác quay lưng với anh chàng. Ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng bây giờ ai cũng có thể tổ chức giải thưởng: một trang mạng điện tử, một tờ báo, một tổ chức, một cá nhân... Đi cùng với nó, ai cũng có thể cầm cân nảy mực. Do đó, rất nhiều gương mặt được trao giải không hề xứng đáng. "Kiểu tôn vinh này rất tai hại vì nó khiến khán giả nhầm lẫn các giá trị. Ban tổ chức dắt mũi thị hiếu khán giả, ấn định khán giả thích cái gì bằng những giải thưởng sắp đặt.
Một số nghệ sĩ ra sức chi tiền mua giải, vin vào giải để đánh bóng tên tuổi. Ban tổ chức thì bám vào tên tuổi nghệ sĩ để kinh doanh. Giải thưởng là dịp để giới nghệ sĩ nhìn lại chặng đường năm qua mình đã làm được những gì, chưa làm được những gì để động viên, khích lệ nhau.
Từ đó nhìn ra khó khăn để cùng nhau phấn đấu, cống hiến cho nghệ thuật. Là nghệ sĩ, ai mà không thích mình được tôn vinh, xướng tụng? Nhưng cái quan trọng là mình có xứng đáng với sự tôn vinh đó hay không? Vì đoạt giải thưởng hay không không quan trọng, mà quan trọng nhất là nghệ sĩ nhận được tình cảm yêu mến thật sự của khán giả"- chị nhắn gửi.
Tung hô "kẻ cắp" trong môi trường nghệ thuật, điều tai hại là các giải thưởng đã tiếp tay cho sự xuống dốc lương tâm nghề nghiệp, chính danh hóa tác phẩm đạo nhái, thỏa mãn tâm lý "mặc kệ đạo nhái, nghe hay là được" của khán giả. Từ đó, giải thưởng nghệ thuật trở thành nơi dung dưỡng cho những kẻ ăn cắp chất xám mà không biết xấu hổ, tạo tiền lệ xấu trong môi trường nghệ thuật.